RỪNG TRONG TÂM THỨC NGƯỜI GIÁY

Theo tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009, người Giáy ở Việt Nam có dân số 58.617 người, cư trú tập trung tại các tỉnh: Lào Cai (28.606 người), Hà Giang (15.157 người), Lai Châu (11.334 người), Yên Bái (2.329 người). Nghiên cứu này tìm hiểu cộng đồng người Giáy ở huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai, là đơn vị hành chính tập trung đông người Giáy sinh sống. Đây cũng là khu vực giáp biên với nước bạn Trung Quốc, do vậy, trong nhiều động thái mưu sinh hiện nay có tác động sâu sắc tới cộng đồng người Giáy trong khu vực. Đặc biệt, văn hóa của người Giáy luôn gắn bó chặt chẽ với rừng. Người Giáy có vốn hiểu biết sâu sắc về rừng, cũng như việc khai thác, bảo tồn tài nguyên thiên nhiên rừng.


         1. Nhận thức của người Giáy về các loại nguồn rừng

         Người Giáy có những cách phân loại rừng khác nhau như: rừng già, rừng non, rừng đầu nguồn, rừng cấm, rừng gấu cào, rừng ba ba, rừng con gà, rừng mặt trán, rừng vàng, rừng bên dưới… Hầu hết các tên gọi này đều gắn với một câu chuyện hoặc một huyền tích truyền đời.

         Rừng đối với người Giáy không chỉ đơn thuần là vùng đất mọc nhiều cây cối mà là một sinh cảnh sống bao gồm cả quần thể động thực vật, trong đó vạn vật đều có linh hồn, quyền năng. Hàng năm, đặc biệt vào các dịp tết Nguyên đán, rằm tháng bảy, cộng đồng người Giáy tổ chức lễ cúng rừng với tâm thức cảm ơn rừng đã chở che, bao bọc, cung cấp nhu cầu sinh tồn cho con người.

         Ngày nay, cùng với việc thực hiện luật đất đai, người Giáy đã dần làm quen với các khái niệm mới như: ha hay sào. Bên cạnh quan niệm truyền thống về rừng, người dân bắt đầu biết đến các khái niệm rừng theo cách phân loại của nhà nước như: rừng trồng, rừng tái sinh, rừng 327… Họ nói về rừng không chỉ đơn thuần theo cách hiểu truyền thống về cánh rừng, khu rừng mà còn hiểu theo các lô, khoảnh thể hiện trên bản đồ hành chính. Rừng hiện nay còn được hiểu là một loại tài sản sở hữu tư nhân thông qua việc giao đất, giao rừng.

         2. Khai thác, sử dụng nguồn tài nguyên rừng

         Tài nguyên gỗ

         Về cơ bản, người Giáy khai thác đối tượng kinh tế rừng với 4 mục đích: kiến tạo cuộc sống cộng đồng (dựng nhà cửa, làm cầu, cống, làm đường…); tận dụng nguồn chất đốt duy trì sự tồn sinh của loài người; nguồn lương thực đa dạng; nguồn đạm sinh vật (thịt thú rừng, đạm côn trùng, mật ong…). Gắn với mỗi mục đích khai thác là hệ thống tri thức về cánh rừng, giá trị nguồn tài nguyên, kinh nghiệm sử dụng tài nguyên một cách hiệu quả, bền vững.

         Rừng ở Bát Xát, có khoảng hơn 80 loài cây khai thác lấy gỗ. Trong đó, người Giáy sử dụng chủ yếu 48 loài. Tùy thuộc vào đặc trưng, tính chất của gỗ mà lựa chọn, khai thác sản phẩm khác nhau. Để dựng cột nhà có khoảng hơn hai mươi loài cây đáp ứng, tuy nhiên tùy thuộc vào kích thước, chất lượng gỗ, thẩm mỹ mà được phân cấp thành nhiều hạng khác nhau. Cây thông rừng, cây máy sàng cán là hai loại cây quý, tốt nhất, đẹp nhất rừng Bát Xát do thân thẳng, ít cành, vân gỗ đẹp, gỗ không mọt, hiện nay còn rất ít. Cây sến đất, long não, vải khỉ, dâu rừng, chôm chôm rừng, nhội… là những loại cây lớn, ít mối mọt, đáp ứng được yêu cầu làm cột nhà. Tuy nhiên, đối với từng loại gỗ lại có cách xử lý khác nhau trước khi đưa vào sử dụng, ví dụ cây sến đất phải bỏ trong rừng từ 2-3 năm mới sử dụng được hay cây dâu rừng, cây nhội cần phải được ngâm nước 1 năm thì độ bền mới cao. Các loại cây máy tỉ luổi, máy trà, máy dong dỏ, đỏ đong, máy cáo, máy phay… là những loại cây dễ kiếm hơn, phù hợp để làm cầu bắc qua suối, qua khe vực hoặc kè đường sạt lở.

         Tri thức về các loài cây gỗ dùng để làm ván bưng hay chế tác thành đồ đạc sử dụng trong đời sống như: giường tủ, bàn ghế… cho thấy sự tinh tế, tài hoa của người nghệ nhân dân gian Giáy. Ở Bát Xát, người Giáy dùng 26 loại cây để làm ván bưng, chế tác các sản phẩm phục vụ đời sống thường nhật, chế tác công cụ lao động, đôi khi trở thành hàng hóa để chế tác đồ thủ công, mỹ nghệ. Các loại gỗ được ưa chuộng, có giá trị cao là: gỗ thông rừng, gỗ trầm hương, gỗ lát, gỗ nghiến... Việc xử lý gỗ cũng cho thấy tri thức, kinh nghiệm của người Giáy với sử dụng tài nguyên gỗ. Có loại cây khi khai thác phải xẻ ngay lúc còn tươi như: gỗ dổi, gỗ vải khỉ; để trong rừng cho róc hết lớp vỏ dày, không nứt vỡ lõi gỗ như: sến đất; ngâm nước suối một năm để chống mối mọt như: gỗ xoan, nhội; ngâm đầm bùn sâu như: gỗ dẻ… Tre và các loại cây họ tre, khoảng 6 loài, bao gồm: mây, song, tre, bương, vầu và nứa cũng được xem là một nguồn nguyên liệu giá trị trong việc làm nhà cửa, chế tác đồ gia dụng, công cụ sản xuất nông nghiệp nhờ tính năng dẻo, dai, dễ vặn xoắn.

         Ngày nay, cùng với công tác bảo vệ rừng, việc khai thác rừng, đặc biệt các loại gỗ của người Giáy được đưa vào quản lý theo chính quyền cơ sở. Việc khai thác gỗ phải được cấp phép dựa trên việc dự trù hàng năm của cộng đồng dân cư địa phương. Mặt khác, cùng với sự phát triển của xã hội, người dân cũng dần thích ứng với việc sử dụng các vật liệu mới có độ bền cao hơn gỗ như: gạch ngói, xi măng, bê tông, tấm lợp mái… trong việc làm nhà khiến nhu cầu về gỗ được giảm thiểu. Tri thức về gỗ, kỹ năng khai thác, xử lý gỗ tập trung vào các hoạt động chế tác đồ gia dụng. Chính những kỹ năng tích lũy từ sâu trong cộng đồng đã giúp người đàn ông Giáy có nhiều lợi thế trong việc phát triển nghề mộc ở địa phương. Hiện nay, khá nhiều hộ gia đình người Giáy phát triển nghề mộc, không chỉ đáp ứng nhu cầu của người dân trong vùng mà còn tạo nên một lực lượng lao động có khả năng tiếp cận, hoạt động ở những địa bàn lớn hơn.

         Lương thực, thực phẩm

         Trước đây người Giáy không có khái niệm làm vườn, trồng rau mà nguồn rau lương thực chủ yếu được khai thác từ rừng. Nguồn rau từ rừng rất phong phú, tuy nhiên, chỉ phổ biến khoảng vài tháng trong năm, chẳng hạn như: rau rừng có thể khai thác nhiều từ tháng 2 - 4 âm lịch; măng, nấm khai thác muộn hơn, khoảng từ tháng 4 - 9 âm lịch; các loại cây lấy củ, cây lương thực hỗ trợ có thể khai thác từ tháng 7 - 10 âm lịch.

         Người Giáy thu hái khoảng 23 loại rau rừng, tiêu biểu như: các loại rau dớn, rêu suối, rau bờ, rau má, rau mồng tơi rừng… Một số các loại rau, lá rừng chỉ dùng cho chăn nuôi: lá ngái, lá vả, cây ráy…; các loại nấm như: nấm mỡ, nấm hương, mộc nhĩ…; các loại măng như: măng trúc, măng bương, măng vầu…; các loại củ dùng làm lương thực, thực phẩm thay thế như: củ mài tím, củ mài trắng, lõi cây móc, củ đắc mò dỉ…; các loại quả rừng: chuối, trám, sấu, ổi, hồng tiên, quả vả, quả chua chát, quả sung, quả chanh yên…

         Cách thức chế biến các món ăn thể hiện những đặc trưng văn hóa độc đáo của người Giáy. Có loại rau chỉ hái ngọn, có loại chỉ hái lá, có loại phải tước vỏ lấy thân lõi, có loại phải đập dập, hơ lửa nướng… Rau đối với người Giáy chủ yếu xào mỡ rồi cho thêm chút nước thành canh đặc. Một số loại có thể xử lý sơ chế để dành dùng dần vào các dịp lễ tết trong năm hoặc vào mùa rừng khô khan hiếm rau như: nấm, măng. Kỹ năng chủ yếu để tích trữ lương thực từ rau là phơi khô nấm, muối chua măng.

         Độc đáo hơn là việc chế biến các loại củ rừng để làm thực phẩm thay thế. Những loại củ này đã không ít lần cứu cả cộng đồng vào những năm sản xuất thất bát, thiên tai, dịch bệnh… Củ mài có thể nấu thành cháo, nạo nhỏ đồ độn với cơm gạo. Củ mài cũng được thái lát, phơi khô tích trữ cho mùa đói. Có hai loại lương thực khá đặc biệt của người Giáy là: bột từ lõi cây móc và củ đắc mò dỉ. Cây móc già, tước lấy lõi, xay nhỏ rồi lọc lấy bột, dùng làm bánh, đồ ăn thay cơm. Củ đắc mò dỉ được thu hái vào đầu xuân, khi cây đã cạn nước, chưa ra lá non. Củ sau đó được mài vào đá hoặc nghiền nhỏ, luộc với nước gio bếp, tự đông lại thành cục sau đó ngâm vào nước suối một ngày, thái nhỏ, xào với mẻ và tỏi.

         Người Giáy có nhiều kinh nghiệm trong khai thác nguồn dược liệu từ rừng. Nhiều loại cây dược liệu có giá trị đã trở thành bài thuốc dân gian, cách sơ chế tuy khá đơn giản (rửa sạch, phơi khô rồi ngâm rượu uống; dùng lá cây tươi đun nước uống; giã nhuyễn đắp trực tiếp lên chỗ đau; hoặc sao khô, ngâm rượu rồi lấy nước xoa, bóp…) nhưng hiệu quả. Hiện nay, các loại thuốc nam vẫn chiếm vị trí quan trọng trong đời sống cộng đồng nhờ ưu thế như: dễ sử dụng, tiện lợi, chi phí thấp.

         Có thể tóm lược tri thức khai thác và sử dụng nguồn dược liệu của người Giáy ở Bát Xát như sau:

 
 

         Nguồn chất đạm

         Người Giáy săn thú rừng với hai cách: dùng bẫy đặt, bắn bằng nỏ hoặc súng kíp. Loại bẫy phố biến của người Giáy là bẫy dây, dùng để bẫy các loại thú nhỏ như: hoẵng, nai… và đào hố, cắm chông có ngụy trang phía trên để bẫy các loại thú lớn như: gấu, hổ, báo… Việc săn bắn được quản lý chặt chẽ bởi các già làng, trưởng bản. Đi săn thú phải có mùa, mùa săn vào khoảng từ tháng 9 - 11 hàng năm. Mỗi khi trai tráng săn được thú đem về, thịt được xẻ ra chia cho họ hàng, cộng đồng, rồi nướng ăn trực tiếp tại đống lửa lớn. Không chỉ ăn uống, đây cũng là dịp để cộng đồng ôn lại những sinh hoạt văn hóa tinh thần thông qua việc gặp gỡ, vui chơi, ca hát của các thành viên.

         Ngày nay, cùng với việc diện tích rừng bị thu hẹp, tốc độ nghèo hóa tài nguyên ngày càng nhanh, môi trường sinh sống của muông thú bị ảnh hưởng, thu hẹp đáng kể khiến mật độ, số lượng giảm sút nên việc săn bắt không còn được coi trọng. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương đưa hoạt động săn bắt vào kiểm soát chặt, khiến hoạt động này hầu như không còn.

         3. Ứng xử với rừng

      Trong tâm thức văn hóa, người Giáy ứng xử với rừng như một thực thể sống, có quyền năng siêu nhiên, chi phối tới đời sống con người. Với quan niệm vạn vật hữu linh, mỗi loài sinh vật đều có linh hồn, thần chủ. Vì vậy, mỗi khi vào rừng chặt cây, hái rau, săn thú, họ phải cúng xin phép thần rừng. Hàng năm, vào hai dịp đầu xuân và tết rằm tháng bảy, họ tổ chức cúng thần rừng.

         Mục đích của lễ cúng là cầu mong thần rừng, đại diện cho các thế lực siêu nhiên, ban cho mưa thuận gió hòa, cây cối xanh tốt không sâu bệnh, mùa màng bội thu, vật nuôi khỏe mạnh, sinh sôi, nguồn nước dồi dào… Nghi lễ được thực hiện với sự kính trọng, chuẩn bị kỹ lưỡng, cả cộng đồng quan tâm.

         Giai đoạn chuẩn bị nghi lễ được thực hiện bởi sự điều phối của trưởng bản (pầu xú). Vào thời điểm trước khi thực hiện lễ cúng khoảng hai tuần, trưởng bản triệu mời đại diện các gia đình trong làng đến họp để bàn về việc tổ chức lễ cúng. Trong cuộc họp này, cộng đồng bầu một người đứng ra lo việc hậu cần, chịu trách nhiệm quản lý nguồn kinh phí đóng góp của các gia đình, chuẩn bị nguyên vật liệu phục vụ lễ cúng. Lễ cúng thần rừng của người Giáy mang tính chất nghi lễ hiến sinh với nguyên tắc đầu năm cúng chó, giữa năm cúng trâu. Vào dịp cúng đầu năm, trước giờ cúng, mỗi gia đình cử một người đàn ông khỏe mạnh, dậy sớm mang theo cuốc, xẻng, dao phát... Thày mo thắp hương khấn xin thần rừng cho chặt phát cây, dọn dẹp vệ sinh, khai thông nguồn nước. Sau đó, họ rẫy sạch một khoảng đất, lập khu vực cấm. Khu vực cấm được đánh dấu bằng các thanh tre vót nhọn, cắm xung quanh. Trên các thanh tre đều có một nhúm lông lợn, vài chiếc lông gà bôi tiết của các con vật. Ngoài ra, họ còn đan ta liêu hình ngũ giác, có cài cành lá xanh, cắm ở ngã ba đường để cấm người lạ không được vào làng cũng như mang cây cỏ tươi vào làng. Nếu làng có khách tới thăm thì những vị khách đó phải đợi hết ngày cấm mới được ra khỏi làng. Nếu chẳng may người nào không biết mà đi vào khu vực đó thì sẽ bị làng phạt vạ. Mức nộp phạt chính bằng các lễ vật mà làng đã chuẩn bị để tổ chức lại lễ cúng.

         Người chịu trách nhiệm thực hành nghi lễ là thày mo hún kho mo. Tham dự nghi lễ chỉ có đàn ông trong bản, họ bắt buộc phải mặc trang phục cổ truyền của người Giáy. Phụ nữ, trẻ em không được tham gia hoặc lại gần khu vực cúng lễ. Nếu phụ nữ tham gia lễ cúng sẽ làm các thần xấu hổ không dám ăn.

         Dưới sự điều khiển của thày mo, trưởng bản, họ chung sức làm thịt lợn, chó, gà rồi luộc chín. Gạo nếp được đồ thành xôi có màu xanh nhuộm từ lá dứa. Tất cả các đồ lễ sau khi đã chuẩn bị xong được sắp đặt gọn ghẽ trên các tàu lá chuối trải rộng. Khi lễ vật được chuẩn bị đầy đủ, hoàn chỉnh, thày mo sắp đặt đồ lễ xung quanh bàn cúng lập dưới một gốc cây đại thụ của khu rừng, rồi tự tay nhóm một đống lửa to. Sau đó, với trang phục riêng, thày mo thay mặt dân làng thành kính đề đạt nguyện vọng tới các thế lực siêu nhiên, mong được phù trợ đáp ứng để người dân có cuộc sống yên bình, thịnh vượng. Cuối cùng, sau khi cúng thần xong, thày mo xem quẻ ứng nghiệm. Quẻ được xem là xương gà hoặc sừng trâu, được chẻ đôi để xem vân nổi ở trong. Với kinh nghiệm, tri thức của thày mo, cùng với những ứng nghiệm của thần linh vào quẻ mà họ biết được lời khấn nguyện có được đáp ứng hay không.

         Trong khi tổ chức nghi lễ, hầu như không có phụ nữ nào được tiếp cận khu vực cúng. Họ chỉ xuất hiện khi nghi lễ xong xuôi, đồ lễ được hạ xuống, bày biện thành các mâm cỗ lót bằng lá cây ngay dưới tán rừng rồi quây quần bên nhau ăn cơm, uống rượu. Cuộc vui có thể kéo dài từ trưa đến chiều, trong bữa ăn chung thường tổ chức ca hát. 

         Vào dịp lễ tháng 7 âm lịch, người Giáy dâng cúng thần rừng một con trâu sống. Lễ cúng diễn ra vào buổi sáng, khi đại diện các gia đình đã có mặt đầy đủ, thày cúng bắt đầu cử lễ. Con trâu được buộc bên một gốc cây to trong rừng cấm, thày cúng thắp hương cầu khấn, những người tham dự thành kính đứng xung quanh. Cúng xong, họ cùng nhau mổ trâu rồi chia mỗi gia đình một phần thịt, một bát tiết trâu. Về đến nhà mỗi gia đình lại dùng bát tiết này cúng ở trước cửa nhà.

         Sau nghi lễ cúng thần rừng là những ngày cấm bang. Họ kiêng liên tiếp trong ba ngày tiếp sau lễ cúng không đi rừng, không làm ruộng, cấm kỵ đánh cãi chửi nhau, tranh chấp… Nhìn chung, vào những ngày cấm kỵ này, họ thường tổ chức các bữa ăn theo dòng họ, gia đình lớn và đi thăm hỏi họ hàng.

         Có thể nói, văn hóa người Giáy gắn bó chặt chẽ với rừng. Rừng là cơ sở kinh tế chủ đạo của người Giáy. Việc khai thác rừng phục vụ nhu cầu sinh hoạt, phát triển đã tạo nên một bức tranh văn hóa ứng xử với rừng tạo thành các tri thức dân gian trong việc khai thác, bảo vệ nguồn sống của cộng đồng. Ngày nay, cùng với sự phát triển của khoa học công nghệ, phương pháp sản xuất nông nghiệp, sự thu hẹp diện tích rừng khiến cho nguồn kinh tế hái lượm giảm dần vị thế trong cơ cấu kinh tế, giảm thiểu về lượng trong cơ cấu dinh dưỡng nhưng không vì thế mà ít được coi trọng. Các sản vật, sản phẩm từ rừng mang ý nghĩa đặc biệt, có giá trị thương mại trên thị trường, tác động không nhỏ tới cơ chế lao động của địa phương.


Nguồn : Tạp chí VHNT số 382, tháng 4-2016

Tác giả : HÀ THỊ HƯƠNG

;