Nếu như sự giao lưu là quy luật tất yếu của văn hóa thì việc giữ gìn những nét truyền thống chính là thách thức lớn mà bản thân văn hóa phải đối mặt. Đặc biệt, khi cuộc sống của đồng bào dân tộc thiểu số dần tiếp cận với môi trường hiện đại, những giá trị văn hóa truyền thống ngày càng có nguy cơ bị mai một. Hát rang của người Mường nói chung và người Mường ở Lai Đồng, Tân Sơn, Phú Thọ nói riêng đang đứng trước hiện thực đó.
1. Vài nét về người Mường ở Lai Đồng
Lai Đồng là một xã miền núi có địa hình phức tạp, núi cao xen lẫn thung lũng nhỏ, hẹp, được bao bọc bởi những dãy núi liên tiếp nối nhau của dải Hoàng Liên Sơn, cách trục quốc lộ 32A 4km. Cư dân chủ yếu là người Mường với cuộc sống thuần nông nên đời sống phụ thuộc nhiều vào thời vụ thâm canh. Là một xã thuần Mường nên hầu hết các tên khu (xóm) ở Lai Đồng đều mang tên gốc Mường (khu Vường, khu Chiềng, xóm Phắt...). Dân cư phân bố không đồng đều, chủ yếu sống tập trung ở các khu có điều kiện sản xuất, kinh doanh, sinh hoạt thuận lợi.
Lịch sử nguồn gốc của người Mường được biết đến qua nhiều câu chuyện cổ và các truyền thuyết dân gian. Tại các xóm người Mường ở Lai Đồng còn lưu truyền truyền thuyết như sau: “Ở đất Mường Toòng có một cái hang gọi là hang Cơng Tiếng. Ở đó có con chim ưng đẻ ra một quả trứng. Quả trứng nở ra một con vứa (con ngài tằm). Con vứa bay hết từ mường này sang mường nọ rồi đậu vào cây đa, cây sấu rồi bay tiếp lên núi đá trắng. Cũng từ đó, bản mường trở nên đông vui, nhộn nhịp”.
Đại Việt Sử ký toàn thư, Việt sử thông giám cương mục có ghi về cuộc kháng chiến chống quân Nguyên - Mông với sự tham gia của các thủ lĩnh dân tộc thiểu số như Hà Đặc, Hà Bổng. Từ thông tin này, các nhà nghiên cứu cho rằng người Mường đã di cư đến Lai Đồng để sinh sống từ đời Trần (TK XIII).
Tác giả Nguyễn Ngọc Thanh có ghi chép câu chuyện kể về công ơn khai phá dựng nên bản làng Mường ở Phú Thọ ngày nay của người anh hùng Đinh Công Dũng (hiện có đền thờ tổ tiên dòng họ Đinh tại xóm Chiềng, xã Tất Thắng, huyện Thanh Sơn) (1). Người Mường ở Lai Đồng thuộc nhóm Mường Toòng (Mường Tồng), có nguồn gốc từ Mường Bồn, Hòa Bình, thời Lê Cảnh Hưng (2).
Nói đến kho tàng văn hóa dân gian Mường ở Lai Đồng, người ta thường hay nói đến Đẻ đất đẻ nước, mà ít khi nhắc tới hát ví đúm, hát xường, múa mỡi... Các hình thức sinh hoạt văn hóa nghệ thuật dân gian này vẫn được người dân dùng trong sinh hoạt hàng ngày, các dịp lễ hội. Đặc trưng và cũng là hình thức được lưu truyền phổ biến rộng rãi nhất ở Lai Đồng hiện nay không thể không kể đến hát rang.
2. Sơ lược về hát rang
Về tên gọi, mỗi vùng Mường, tùy theo cách phát âm cũng như cách hiểu đã sinh ra nhiều tên gọi khác nhau của hát rang. Có vùng gọi là hát giang, có vùng lại phát âm thành hát đang, hát dang hay hát tang... Qua nghiên cứu điền dã, chúng tôi thấy cách gọi hát thường rang được người dân dùng nhiều bởi theo họ hát thường rang là lối hát giao duyên trữ tình, không phân chia tách rời thường với rang. Ở Lai Đồng, người ta thường chỉ gọi là hát rang, tiếng hát mộc mạc đằm thắm, tiếng nói dung dị đời thường, sự kể lể tâm trạng được thể hiện trên các cung bậc trầm bổng của âm thanh. Rang được coi là thứ ngôn ngữ đặc biệt dùng trong giao tiếp hàng ngày. Cũng theo người dân nơi đây, sở dĩ có việc chia tách trong cách gọi giữa thường và rang, bởi hát thường là những câu hát mang tính chất vui tươi chúc tụng, ngợi ca, còn hát rang mang màu sắc buồn, tâm trạng. Sự phân biệt này cũng đã được nhắc đến trong cuốn Thường rang, bộ mẹng (3).
Như vậy, hát rang hiện tồn tại nhiều tên gọi do cách phát âm khác nhau, nhưng bản chất không hề thay đổi.
Về nguồn gốc, hát rang ra đời khởi nguồn từ trong cuộc sống lao động của người dân, lưu truyền lại theo hình thức truyền khẩu qua nhiều thế hệ. Cùng với hát lời thương, rang ra đời sớm hơn so với các thể loại hát giao duyên khác như hát bộ mẹng (lối hát cửa miệng), hát đại lải (lối hát nói vần). Trong giai đoạn hiện nay, rang đang dần mất đi ở nhiều vùng, nhiều nơi nhưng riêng ở Lai Đồng vẫn có những nghệ nhân lưu giữ và trao truyền lại cho các thế hệ kế tiếp vốn tài sản dân ca quý này.
3. Rang trong đời sống văn hóa Mường ở Lai Đồng
Rang và sự gắn kết cộng đồng làng bản
Rang được trình diễn trong giao tiếp giữa người với người qua sự trao đổi về muôn mặt của cuộc sống đời thường và cả trong những ngày vui mừng, ngày lễ trọng đại. Tùy từng nơi, từng hoàn cảnh mà hát rang có những đặc trưng mang màu sắc riêng biệt, điển hình. Trong cuộc sống thường ngày, mỗi lời rang cất lên đều là những nỗi niềm tâm sự, buồn vui của con người. Rang giống như một phương tiện giao tiếp quan trọng trong xã hội ở Lai Đồng thời kỳ trước. Khi ra đường, tiếng rang thay cho lời chào, lời hỏi thăm, được xem như những câu xã giao khi làm quen, kết bạn.
Trước đây, rang là một thể loại ca hát được phổ biến rất rộng rãi trong đời sống sinh hoạt của người Mường. Trong bất kỳ công việc, hoàn cảnh nào, người ta cũng hát rang để được thấy niềm vui nhân lên, lo toan vất vả vơi đi, thay cho lời truyền dạy những kinh nghiệm cuộc sống đến thế hệ con cháu. Tất cả đều chứa đựng những giá trị văn hóa truyền thống lâu đời của dân tộc Mường được hình thành, lưu giữ, bảo tồn trong quá trình phát triển của đời sống con người.
Rang bộc bạch nỗi lòng con người
Với người Mường ở Lai Đồng, rang được coi là thể loại ca hát rất đặc trưng, hình thành do nhu cầu giao tiếp của con người, dần trở thành tục lệ, thói quen cho các thế hệ Mường khi muốn gần gũi, gắn kết với nhau.
Mẹ mong con luôn giữ được mái ấm gia đình
Để nhà luôn xum họp ấm êm
(Rang Mừng dâu)
Rang giống như tiếng lòng, sự trăn trở của tình người trong cuộc sống. Đứng trước cảnh áp bức bất công của xã hội, rang được cất lên như lời ai oán, than phiền, sầu thương cho số phận con người. Trong tình yêu bị đứt đoạn bởi sự ngăn cấm của các lệ tục xã hội hay sự chia lìa kẻ ở người đi trong chiến tranh thì tiếng rang lại như lời oán trách, tự sự buồn đau... Rang được ví như người bạn tâm giao, như người tri kỷ để mọi người dốc bầu tâm sự, cùng nói lên điều mà lòng mình muốn nói:
Những ngày dài đi làm một mình em nhớ anh nhiều
Nhưng anh ơi, em sẽ là người phụ nữ đảm đang
Anh hãy yên tâm ở nhà đã có em chăm sóc bố mẹ, chăm lo họ hàng…
(Rang Trồng cây chuối tiêu)
Trong giai đoạn xã hội vẫn còn tồn dư của chế độ phong kiến, ở Lai Đồng, các xóm Phắt, xóm Vường là xóm trung tâm có nhà quan Ngài ở, rang được nuôi dưỡng và phát triển mạnh mẽ hơn cả. Những câu rang mượt mà, sâu sắc ngày đêm vẫn được cất lên qua lời hát của các thế hệ người Mường, khiến họ càng thêm yêu quý, trân trọng vốn giá trị tinh thần của dân tộc mình.
Rang trong tình yêu đôi lứa
Không gắn với bất cứ một tục lệ kết nước nghĩa nào, rang được cất lên ở mọi lúc mọi nơi trong mọi hoàn cảnh, khi mà con người muốn dãi bày tâm tư, nguyện vọng, muốn nhắn gửi tình cảm đến cho nhau... Họ đối đáp rang để tìm người tâm đầu ý hợp, để xem ý tứ của bên đối phương về mối quan hệ có được bền vững gắn kết với nhau:
Cây chuối em trồng đã đến ngày hái quả
Lúc này em muốn có anh về cùng em cho vui nhà vui cửa
Người ta tham gia hát rang để được nên vợ nên chồng, để tình yêu được khơi nguồn, đơm hoa kết trái. Nam nữ dùng câu rang để bày tỏ nỗi niềm thầm kín do đó phần lớn rang đối đáp giao duyên thường được hát vào buổi tối, trong không gian rộng, có thể là khoảng đất trước cửa rừng, ven sườn đồi hoặc trước sân nhà sàn chung của làng. Rang đối chủ yếu là những bài dành cho thế hệ trẻ hát để trêu ghẹo nhau, để tìm vợ, tìm chồng, đồng thời cũng là để họ trao đổi với nhau về những thông tin trong cuộc sống, về sự phát triển của đất nước.
Cùng là thể loại dân ca trữ tình giao duyên, là những giai điệu được cất lên qua lời đối đáp của đôi bên nam nữ, nếu ta so sánh hát rang và hát thường thì sẽ không thấy rõ được những điểm khác biệt cơ bản. Nhưng nếu so sánh rang với hát ghẹo - thể loại ca hát trữ tình giao duyên nổi bật của người Kinh vùng Phú Thọ thì có thể thấy rõ sự khác biệt. Hát rang với lối hát giao duyên gắn liền cùng đời sống thường ngày của con người, còn hát ghẹo lại gắn với tục lệ kết bạn của các làng có kết nước nghĩa với nhau. Sở dĩ có sự phân chia như vậy bởi hát ghẹo gắn với tục kết nước nghĩa giữa làng Nam Cường (xã Thanh Uyên, huyện Tam Nông) và xã Thục Luyện, xã Hùng Nhĩ (huyện Thanh Sơn). Trong khi đó, hát rang truyền thống có thể diễn xuất trong hầu hết mọi hoàn cảnh, mọi thời điểm. Hát rang luôn gắn liền với mọi mặt hoạt động trong đời sống cộng đồng Mường, là tiếng nói, niềm tin để con người gửi gắm. Thông qua rang, con người dễ dàng bày tỏ những nỗi niềm mà đôi khi tiếng nói thực trong giao tiếp khó thực hiện được.
Rang trong nghi lễ nông nghiệp
Rang được ví như cầu nối giữa hiện thực và ước mơ, lời ca rang như một thông điệp để con người có thể gửi gắm niềm tin, ước mơ và những điều tốt đẹp trong cuộc sống. Rang được coi là tiếng nói giao tiếp khá quan trọng trong các phong tục nghi lễ điển hình của người Mường như lễ xuống đồng, thượng điền, cầu mùa… Đây là những ngày lễ quan trọng trong việc cày cấy đồng áng nông vụ của người dân.
Lễ xuống đồng (hạ điền) là nghi lễ quan trọng đặc biệt trong các nghi lễ nông nghiệp của người Mường, thường được tổ chức vào tháng 5 âm lịch, do thày mo làm chủ lễ. Khi xưa, cứ mỗi năm mất mùa lúa, người Mường ở Lai Đồng có tục đi gọi vía lúa từ làng khác về làng mình. Tại lễ cúng vía lúa, khi thày mo cúng lễ xong, một người liền đứng ra cất tiếng rang để gọi vía lúa về:
Em về cùng anh em ơi
Ruộng lầy anh đã thả đợi em một đôi con ốc
Ruộng trũng anh đã thả một đôi con cá...
(Rang Vía lúa)
Trong lễ thượng điền cầu mùa màng tốt tươi, những lời ca rang lại được vang lên như nhắn nhủ, nguyện cầu mong ước những điều tốt đẹp cho cây lúa, cho cuộc sống con người được no đủ, hạnh phúc:
Hỡi lúa nếp lúa tẻ
Bông nhỏ bằng cán hái
Bông lớn bằng đuôi trâu...
(Rang Gọi vía lúa)
Trong lễ mừng cơm mới, rang lại là những câu ca vui mừng, phấn khởi hòa nhịp cùng tiếng chày, tiếng giã trong không khí tết cơm mới của người Mường:
Chày giã lên đi cho nhịp bẩy nhịp ba
Cồng rung, chuông đổ, ví rang luận mừng
(Rang Mừng cơm mới)
Đây là những nghi lễ được người Mường rất coi trọng và hát rang cũng là những giai điệu không thể thiếu vắng trong những nghi lễ này, bởi trong các nghi lễ gọi và lấy vía lúa về cho dân bản, ngoài phần cúng mo, rang là giai điệu đầu tiên được cất lên sau đó.
Nghiên cứu và sưu tầm các bài hát rang trong đời sống cộng đồng Mường hiện tại cũng như tìm hiểu qua các tài liệu, chúng tôi nhận thấy, cùng là dạng bài ca rang gọi vía lúa nhưng mỗi người lại có sự thể hiện khác nhau. Đặc biệt, có trường hợp lại được thể hiện ở hai giọng với hai người hát như trong hát đối ca với nhau:
Vía lúa hát:
Em về với nàng út làm nương
Về với nàng Moóng làm ao, làm ruộng thôi.
Người gọi vía lúa:
Em ơi, bây giờ em bỏ đi thật à
Em hãy về với anh…
(Rang Vía lúa do bà Sóng 73 tuổi, xóm Vường 1, Lai Đồng hát)
Rang gần với ngôn ngữ giao tiếp, gần với đời sống thường ngày của con người, âm thanh mộc mạc như tâm tình thủ thỉ, nhẹ nhàng mà chan chứa tình người. Do đó giai điệu rang không chỉ vang lên trong các nghi lễ tín ngưỡng nông nghiệp mà nó còn là phần không thể thiếu trong một số nghi lễ khác của đời sống con người.
Hát rang là thể loại dân ca gắn liền với đời sống sinh hoạt của cộng đồng Mường. Với nội dung phản ánh cuộc sống hiện thực của con người, rang đã trở thành phương tiện quan trọng trong giao tiếp giữa con người với nhau trong cuộc sống cộng đồng. Lời ca mộc mạc, đằm thắm, bình dị và giản đơn rất gần gũi với giao tiếp đời thường, đó chính là những điều mà rang muốn truyền tải đến cho người nghe đồng thời cũng là những đặc trưng cơ bản trong sắc màu văn hóa của người Mường.
_______________
1. Nguyễn Ngọc Thanh, Gia đình và hôn nhân của dân tộc Mường ở tỉnh Phú Thọ, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 2005, tr.25-26.
2. Dương Huy Thiện, Văn hóa dân gian Mường Phú Thọ, Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, 2010, tr.167.
3. Bùi Thiện, Thường rang, bộ mẹng, Ty Văn hóa Thông tin Hòa Bình, 1973, tr.8.
Nguồn : Tạp chí VHNT số 385, tháng 7-2016
Tác giả : TẠ THỊ THU HIỀN