Thời gian qua, các cơ quan chức năng và ngành văn hóa đã có văn bản chỉ đạo về việc đèn lồng có xuất xứ từ nước ngoài được treo tràn lan trong những ngày lễ tết. Tuy nhiên, đèn lồng đỏ vẫn xuất hiện trên một số tuyến đường, nhà hàng, cửa hiệu… tại nhiều địa phương trên cả nước, khiến phố xá cứ nhang nhác, hao hao giống phố Tàu. Mặt hàng ấy được bày bán rất rộng rãi, nhất là trong những ngày chuẩn bị đón tết Nguyên đán. Trước thực trạng trên, nhiều người dân Việt Nam vẫn băn khoăn tự hỏi: đèn lồng đỏ có phải là bản sắc văn hóa Việt, treo đèn lồng thế nào để giữ được bản sắc văn hóa dân tộc?
1. Đèn lồng - sản phẩm của văn hóa Á Đông
Đèn lồng giấy là loại đèn quen thuộc đối với nền văn hóa Á Đông, thường xuất hiện trong các dịp tết, lễ hội. Cùng với thời gian, thú chơi đèn lồng đã lan rộng khắp thế giới. Với công nghệ tiên tiến, tư duy sáng tạo, hiện nay đèn lồng ngày càng đẹp, hiện đại và được đông đảo người dân ở nhiều quốc gia ưa chuộng.
Theo thời gian, cùng với quá trình giao lưu và tiếp biến văn hóa, một số loại đèn lồng giấy truyền thống có xu hướng được thay bằng nhiều hình dạng, kích thước, cách thức chế tạo, chất liệu khác nhau. Đèn lồng loại đơn giản nhất được làm bằng khung tre, dán giấy bóng kính, gắn nến bên trong. Còn loại phức tạp hơn có khung gỗ hoặc kim loại, với nilon, vải, hoặc lụa căng bao phía ngoài. Ngoài đèn lồng thắp nến, nay đã xuất hiện loại thắp điện. Ngoài đèn lồng treo, cầm tay, để bàn, ốp tường, thả lên không trung (đèn trời), còn có dạng thả xuống nước (hoa đăng) trong các lễ cầu siêu.
Nhiều quốc gia ở châu Á đã tổ chức các cuộc thi làm đèn lồng, thu hút nhiều nghệ nhân tham gia đua tài. Sự kích thích đó đã tạo động lực cho họ sáng tạo những chiếc đèn lồng với nhiều kiểu dáng, mẫu mã… khác nhau.
Trên cơ sở chiếc đèn lồng truyền thống, mỗi quốc gia đã không ngừng sáng tạo để có những chiếc đèn lồng đậm bản sắc dân tộc.
Ở Nhật Bản, đèn lồng được gắn với các hoạt động lễ hội tiêu biểu. Những lễ hội đó thường được tổ chức vào mùa xuân hoặc mùa thu, với nhiều loại đèn (đèn lồng treo, thả nổi, cầm tay, đèn trời, đèn lồng đá…). Ngoài ra, còn có loại hiện đại - đèn lồng Hello Kitty.
Nhật Bản có những phong cách đèn truyền thống là bonbori (loại treo ngoài trời), chōchin moji (loại được viết lên bằng một loại chữ đặc biệt). Thông thường loại đèn này có 6 mặt, có thể được treo trên sợi dây, hoặc cố định trên đầu cột, được sử dụng phổ biến trong lễ hội bonbori tổ chức hàng năm tại Kamakura, Kanagawa. Ngoài ra, Nhật Bản còn nổi tiếng với loại đèn lồng cá chép (phỏng theo hình dạng cá chép Koi - loài cá đa chủng loại và màu sắc), biểu tượng của sự bản lĩnh, tính kiên định và hoài bão của đàn ông Nhật. Đèn lồng cá chép thường được treo vào ngày lễ koinobori ngày 5 - 5 hàng năm dành cho các bé trai. Người Nhật còn có lễ hội đèn lồng khổng lồ Dai - Chochin Matsuri với lịch sử gần 500 năm. Những chiếc đèn lồng thắp tại lễ hội có độ dài tối thiểu 10m, rộng 5m, nến thắp bên trong cao từ 1m trở lên. Trong đó, lễ hội đèn lồng tổ chức vào ngày rằm tháng 8 là lễ hội lớn nhất và có ý nghĩa đặc biệt với người Nhật. Đây là một trong những hoạt động truyền thống của lễ hội tưởng nhớ những người đã khuất có tên gọi obon. Người Nhật tin rằng những chiếc đèn lồng sẽ dẫn đường cho linh hồn người thân tới nơi yên nghỉ an lành. Họ thường viết tên những người đã khuất, thậm chí cả điều ước của mình lên đèn lồng sau đó thắp nến rồi thả chúng lên trời hoặc trôi trên sông để các linh hồn quay trở về với thế giới bên kia.
Ở Hàn Quốc, đèn lồng được trang trí rất sinh động và gắn liền với các lễ hội. Năm 2009, xứ sở kim chi tổ chức lễ hội đèn lồng lần thứ nhất. Ngay năm sau, có 27.000 chiếc đèn lồng được thắp sáng dọc con sông ở Seoul trong ngày lễ hội nhân sự kiện hội nghị thượng đỉnh G20. Đèn lồng được sáng tạo mang tính dân tộc Hàn với các phong tục, tập quán, trò chơi, nghi lễ xa xưa, như cưới xin truyền thống, tái hiện cảnh phụ nữ Hàn giặt quần áo bên bờ sông, những cô gái trong vũ điệu truyền thống, cảnh sinh hoạt lao động sản xuất…
Đèn lồng Trung Quốc ra đời cách đây đã hơn 2.000 năm và trở thành nét văn hóa độc đáo. Người Trung Quốc quan niệm đèn lồng xua đuổi ma quỷ và mang lại bình yên, hạnh phúc, nên dùng nó thay lời cầu chúc cho cuộc sống đầm ấm, hạnh phúc, tương lai tốt đẹp. Đèn lồng của Trung Quốc đa dạng về mẫu mã, nhưng đặc trưng nhất vẫn là loại hình trái bí, thường là màu đỏ, treo trước cổng nhà, thắp về đêm và tắt khi người nhà đi ngủ. Nếu có tang, trước nhà sẽ thay đèn lồng đỏ thành màu trắng.
Là vật thiết thân trong sinh hoạt hàng ngày, thời xưa, người dân ra đường vào buổi đêm thường cầm theo chiếc đèn lồng giấy. Đèn lồng thường được dùng thay thế biển hiệu buôn bán cho những quán rượu, hoặc treo hai bên biển hiệu và trong nội thất. Một trong những hoạt động sôi nổi nhất dịp đầu năm của người Trung Hoa vào rằm tháng giêng là lễ hội đèn lồng, có nguồn gốc từ thời nhà Hán. Tại lễ hội, đèn lồng được trưng bày với đủ các kiểu dáng, kích thước, màu sắc. Ngoài ra còn có những màn trình diễn đèn lồng, hoạt động múa rồng và biểu diễn kinh kịch. Đây là sự kiện được chờ đợi nhất trong dịp đầu năm âm lịch của người Trung Quốc, đánh dấu ngày cuối cùng của mùa lễ hội mừng năm mới.
Đèn lồng là biểu trưng cho các khu buôn bán, sinh sống của người Hoa không chỉ ở chính quốc mà còn trên toàn thế giới. Ở các phố có đông người Hoa sinh sống, đèn lồng được treo bên ngoài các công ty, cửa hàng…
Một lẽ tự nhiên trong quá trình giao lưu văn hóa, hội nhập quốc tế, đèn lồng châu Á đã vượt biên giới có mặt ở nhiều quốc gia như Anh, Ba Lan, Mỹ, Canada, Úc… thông qua những lễ hội đèn lồng. Đèn được làm từ những vật liệu truyền thống như gỗ, giấy, nến cho đến các chất liệu hiện đại, sử dụng đèn điện đổi màu có nhạc hỗ trợ. Hình dáng đèn lồng tại các cuộc thi rất đa dạng, từ con gà, con bướm đến chiếc đĩa bay, xe đua, tháp nghiêng Pizza, nhà hát Opera House... Sau mỗi lễ hội là một cuộc diễu hành qua các đường phố chính hoặc nhảy múa, đốt pháo hoa...
Kể từ 1998, cứ vào 26 - 5 hàng năm, ngày Hoa Kỳ tưởng niệm những người đã thiệt mạng vì chiến tranh và thảm họa, hàng chục ngàn người lại đổ về công viên ven bờ biển Ala Moana tại Hawaii để chiêm ngưỡng những chiếc đèn lồng Nhật thả vào lúc hoàng hôn. Trên mỗi chiếc đèn lồng thắp nến là tên của những người thiệt mạng và lời chúc yên bình ở thế giới bên kia. Năm 2008, có hơn 1.600 chiếc đèn được thả xuống và 35.000 người đến tham gia sự kiện.
Ngày 21 - 6 - 2013, kỷ lục thế giới về số lượng đèn lồng đã được thiết lập tại lễ hội Đêm hè Thánh John tổ chức ở Poznan, miền trung Ba Lan. Đây là thời điểm đánh dấu đêm ngắn nhất trong năm, khi mặt trời ở xa xích đạo nhất. Hàng ngàn chiếc đèn lồng đã đồng loạt được thả lên bầu trời đêm.
2. Đèn lồng Việt trong quá trình giao lưu và tiếp biến văn hóa
Ở nước ta, ngoài một số nơi thường treo đèn lồng trong đêm rằm (phố cổ Hội An, phố cổ Đồng Văn), nơi có đông người Hoa sinh sống (khu Chợ Lớn, TP.HCM), khu ẩm thực, nhà hàng Tàu..., thì những năm gần đây hiện tượng treo đèn lồng đỏ (hình trái bí nguồn gốc từ Trung Quốc) có xu thế bùng phát ở nhiều địa phương. Như một trào lưu, đèn lồng đỏ có chữ Trung Quốc phát tán mạnh, tràn lan như một dịch sốt, nhất là vào dịp tết, lễ hội.
Hội chứng treo đèn lồng đỏ từ thành phố đã len lỏi về các ngõ xóm, làng mạc thuần phác ở nông thôn, từ trong nhà, khu dân cư lan đến các tuyến phố, thậm chí còn có mặt tại trụ sở của nhiều cơ quan công quyền, rạp hát, trường học... tại một số tỉnh, thành phố trên cả nước. Nhiều phố phường, thôn quê, công sở, nhà hàng… bỗng chuyển mình sang một hình hài khác lạ, nhang nhác, hao hao giống phố Tàu vốn đã khá quen thuộc với khán giả Việt khi tiếp nhận dòng phim cổ trang nước ngoài có tần suất lớn trên các kênh truyền hình.
Ngày tết, người Việt thường có thói quen trang hoàng trong nhà, ngoài ngõ bằng màu sắc sáng, tươi vui, lộng lẫy. Màu được ưa chuộng thường là đỏ (đèn lồng, bao lì xì , quần áo…). Quan niệm treo cho đẹp, may mắn, ấm cúng, thêm đậm đà hương vị lễ tết đã trở thành động lực, thúc đẩy đèn lồng đỏ phát triển một cách nhanh chóng. Theo phản ứng dây chuyền, người dân đã sao chép một cách máy móc mà không hiểu về ý nghĩa của nó. Với tâm lý đám đông, họ nhìn nhau, thấy đẹp là treo, mà dường như ít quan tâm đến nguồn gốc, xuất xứ và lại càng ít để tâm đến việc có phù hợp với văn hóa Việt hay không.
Đi tìm nguyên nhân hội chứng đèn lồng, điều dễ nhận ra là người dân Việt Nam vẫn có tâm lý ưa chuộng những sản phẩm rẻ tiền, màu sắc rực rỡ. Thêm nữa, đèn lồng Việt đang phải chịu sự cạnh tranh quyết liệt khi hàng Trung Quốc rẻ, màu sắc rực rỡ đang áp đảo những cơ sở sản xuất trong nước có giá thành cao hơn.
Trước thực trạng đèn lồng đỏ có nguồn gốc từ Trung Quốc treo tràn lan, ồ ạt, có phần kệch cỡm, xa lạ với kiến trúc Việt, các nhà nghiên cứu văn hóa, nhà quản lý đã tỏ ra bức xúc, quan ngại và lên tiếng. Nhưng xem ra, sự chuyển động vẫn chưa đáng là bao.
Bức xúc trước đèn lồng đỏ treo cao, nhiều nhà nghiên cứu khẳng định: “Việt Nam không có văn hóa đèn lồng. Việc treo quá nhiều đèn lồng là lạc ra khỏi văn hóa Việt Nam”. Có ý kiến cho rằng treo đèn lồng đỏ hình trái bí ở bất cứ không gian, thời gian nào cũng là không phù hợp với văn hóa Việt, gây lãng phí tiền của. Có người thể hiện thái độ phản đối rằng đó là kiểu học đòi, vô trách nhiệm, thiếu hiểu biết. Việc không biết ý nghĩa của chữ Trung Quốc viết trên đó đã dẫn đến xảy ra hiện tượng kẻ xấu lợi dụng tuồn vào nước ta những lô hàng đèn lồng đỏ phi pháp. Còn các cơ sở kinh doanh đã nhanh chóng tiếp tay và lan tỏa rộng rãi đến người tiêu dùng.
Chỉ đến khi thấy chướng tai gai mắt, kệch cỡm và nhất là phát hiện chữ nước ngoài in trên đèn lồng có nội dung phản động, thì bấy giờ chính quyền, ngành văn hóa mới tá hỏa, vội vàng vào cuộc để tìm cách tháo gỡ. Lúc đó, hàng loạt văn bản chỉ đạo đã được ban hành. Ngành văn hóa đã giải thích, hướng dẫn để nhân dân hiểu, nhất là với các tỉnh có đường biên giới thì việc treo đèn lồng Trung Quốc tràn lan là không phù hợp với bản sắc văn hóa dân tộc. Hơn nữa, các tỉnh miền núi có đường biên giới, nhiều khách du lịch trong và ngoài nước đến tham quan, nên việc đề cao bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam là vấn đề quan trọng, vừa có ý nghĩa văn hóa, vừa có ý nghĩa chính trị.
Chịu ảnh hưởng chung cùng các quốc gia châu Á, trong quá trình giao lưu và tiếp biến văn hóa, Việt Nam không là ngoại lệ khi tiếp nhận văn hóa đèn lồng. Kiến trúc sư Hà Văn Lô lại cho rằng: “Người Việt có văn hóa đèn lồng, nhưng đó là đèn lồng Việt”. Thực tế, ở nước ta trước kia, vào ngày tết, lễ hội, đèn lồng thường chỉ có ở cung điện vua chúa, ít khi treo trên đường, trong nhà. Ở miền Bắc, các gia đình thường treo đèn kéo quân, còn tại miền Nam là những loại đèn xếp bằng giấy. Vào ngày tết, ở một số vùng nông thôn cũng có treo đèn, nhưng là loại đèn trái ấu, đèn gương (kính)... Đèn thường được gắn trên trụ cây tre, cây đùng đình, thậm chí trên cây chuối lột vỏ ngoài... Văn hóa ấy giờ phảng phất trên các kiểu kiến trúc nhà ở đô thị nước ta hiện nay. Ở trước nhà thường thiết kế hai trụ cổng, phía trên có gắn đèn để thắp.
Từ bao đời nay, người Việt luôn có ý thức giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, không ngừng sáng tạo sản phẩm đèn lồng cho phù hợp văn hóa Việt. Ngoài đô thị cổ Hội An (Quảng Nam) - phố có đông người Hoa sinh sống, ít thấy nơi đâu có phong tục treo đèn lồng. Đèn lồng trở thành đặc sản, phần không thể thiếu, tạo nên sự hấp dẫn tại Hội An, nơi may mắn trở thành địa chỉ giao thoa của các nền văn hóa giữa Việt Nam với Nhật Bản, Trung Quốc, Ấn Độ… Theo các tài liệu, đèn lồng xuất hiện ở Hội An vào TK XVI - XVII, chủ yếu dùng để trang trí trong nhà, đình chùa hoặc dịp tế lễ, hiếu hỉ. Năm 1998, thị xã Hội An đã tái hiện Đêm rằm phố cổ những năm đầu TK XX, vận động nhân dân và đình chùa treo đèn lồng thay ánh đèn điện, trở thành sản phẩm du lịch độc đáo, là tiền đề để phát triển nghề sản xuất đèn lồng. Vào TK XIX, XX một số người Việt gốc Hoa đã sinh sống và làm việc tại Hội An, nên mang theo tục lệ của người Hoa thắp đèn lồng trong những ngày lễ lớn. Trải qua quá trình giao lưu, tiếp biến văn hóa, đèn lồng đã trở thành một nét văn hóa đặc trưng cho đêm phố cổ. Đèn lồng được treo ở các hội quán, trước mỗi nhà dân, tại các điểm vui chơi công cộng, trên các trục đường chính…
Hội An đã tổ chức nhiều chương trình lễ hội văn hóa, nghệ thuật hấp dẫn, với tâm điểm là lễ hội đèn lồng. Nhiều loại hình đèn lồng rực rỡ sắc màu được trưng bày tại các điểm phố và con đường. Mỗi tháng vào ngày 14 âm lịch, lễ hội hoa đăng lại được tổ chức tại phố cổ Hội An. Và cũng từ đó, chiếc đèn lồng đã trở nên thân thuộc với đời sống người dân phố cổ.
Cũng chính từ sự cộng hưởng của các dòng chảy văn hóa đó cùng sự kiêu hãnh với bản sắc riêng, các nghệ nhân tại miền đất thuần hậu này đã sáng tạo ra thương hiệu đèn lồng Hội An độc đáo, không lẫn với bất cứ nơi nào. Hiện nay, ở khu du lịch nổi tiếng Hội An có trên 30 cơ sở làm và bán đèn lồng. Nơi đây nổi tiếng với những chiếc đèn lồng trang trí, đẹp và đa dạng về màu sắc, kiểu dáng (hình quả bí, quả trám, củ tỏi, đèn giả kéo quân...) nhưng không lòe loẹt. Làm đèn lồng là một nghề thủ công truyền thống ở đây. Người dân ở đây làm đèn lồng chủ yếu từ gỗ, tre nứa (làm khung) và vải lụa (bao ngoài). Đèn lồng Hội An được đánh giá là một sản phẩm văn hóa có khả năng xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới. Không còn cố định trong những khung kiểu cổ điển, đèn Hội An ngày nay có thể xếp gọn, nhỏ để mang đi xa.
Người giữ hồn đèn lồng ở Hội An, cũng là người đầu tiên ở đây nghiên cứu ra chiếc đèn lồng cơ động chính là nghệ nhân Huỳnh Văn Ba. Ông đã được chính phủ Nhật mời sang giới thiệu, tư vấn cách làm lồng đèn.
Học hỏi kinh nghiệm Hội An, từ năm 2006, huyện Đồng Văn (Hà Giang) đã tổ chức Đêm phố cổ vào các ngày 14, 15, 16 âm lịch hàng tháng, với điểm nhấn là đồng loạt treo đèn lồng đỏ. Ngoài ra, chính quyền, ngành văn hóa còn tổ chức những hoạt động văn hóa mang đậm bản sắc dân tộc với mong muốn thu hút khách du lịch như: trưng bày thổ cẩm, trình diễn, bày bán các món ăn truyền thống.
Từ đèn lồng treo, Việt Nam đã sáng tạo ra nhiều loại đèn trong đêm rằm như: đèn ông sao, cá chép, đèn kéo quân… Đặc biệt, mấy năm trở lại đây, bằng kinh phí xã hội hóa gần như 100%, một số tỉnh, thành phố như Tuyên Quang, Hà Giang… đã sáng tạo nên lễ hội đường phố nhân rằm Trung thu. Những chiếc đèn lồng, đèn kéo quân được phát huy tối đa, với đa dạng mô hình, tập trung vào các chủ đề như cá chép hóa rồng, rồng cuốn thủy, cây đàn tính, Văn miếu Quốc Tử giám, chiếc quẩy tấu, cây khèn, chú Tễu, thằng Bờm, chú Cuội… Những biểu tượng này nhằm minh họa và giáo dục cho thế hệ sau về truyền thống lịch sử dân tộc. Hầu hết tất cả đều do nhân dân tổ chức tự đóng góp, sáng tạo, thiết kế, tạo ra những chiếc đèn đa dạng, độc đáo. Đây là hoạt động khôi phục, giữ gìn và phát huy những giá trị truyền thống văn hóa các dân tộc, từng bước đưa lễ hội đường phố trong đêm rằm Trung thu trở thành một nét đẹp.
Trong những năm qua, Bảo tàng Dân tộc học đã tổ chức nhiều hoạt động hướng công chúng, đặc biệt là trẻ em, vào việc thực hành làm đèn lồng giấy. Lễ hội Trung thu được tổ chức trang trọng tại Trung tâm triển lãm Văn hóa nghệ thuật Việt Nam vẫn khai thác vẻ đẹp của đèn lồng Việt. Nhiều nghệ nhân đã đầu tư những chiếc đèn ông sao lớn. Đặc biệt, các nghệ nhân xã Phú Nghĩa, Chương Mỹ (Hà Nội) đã làm chiếc đèn kéo quân khổng lồ đề nghị ghi vào kỷ lục guinness Việt Nam với chiều cao 3,17m, bề ngang 2,17m. Những chiếc đèn Trung thu cổ truyền đã biến đổi thành các tác phẩm nghệ thuật. Mỗi chiếc đèn là sản phẩm của sự tinh tế, khéo léo, và kiểu dáng thì không chỉ gói gọn lại trong hình dạng ông sao hay cá chép, mà còn có nhiều mẫu mã hết sức sinh động khác.
Trong những ngày đón tết, các tuyến phố chính của Hà Nội được trang hoàng cờ hoa lộng lẫy, và điều ấn tượng là có cả những chiếc đèn lồng Việt đủ màu sắc, đa dạng về mẫu mã, kiểu dáng.
Người nặng lòng, bỏ nhiều công sức nghiên cứu thương hiệu đèn lồng Việt là kiến trúc sư Hà Văn Lô. Sau nhiều năm mày mò, anh đã chọn được 5 mẫu về Thăng Long với hình khối Khuê Văn Các, đền Ngọc Sơn, chùa Một Cột, hoa sen, hoa đào...
Dù phải cạnh tranh quyết liệt với đèn lồng ngoại nhập, những cơ sở sản xuất lồng đèn Phú Bình (TP.HCM), Huế (Thừa Thiên - Huế), Thanh Oai (Hà Nội)… vẫn phải cố gắng bám nghề.
3. Giải pháp phát huy đèn lồng Việt trong đời sống văn hóa
Trước thực trạng treo đèn lồng ngoại tràn lan, các cơ quan chức năng từ trung ương đến địa phương cần quan tâm những vấn đề sau:
Thường xuyên chỉ đạo, định hướng xây dựng văn hóa cơ sở, làm tốt công tác giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, nhất là trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Nên chọn lựa những sản phẩm văn hóa Việt, thay dần những sản phẩm văn hóa ngoại nhập xa lạ với văn hóa Việt.
Các phương tiện thông tin đại chúng cần tăng cường đăng tải những bài viết có tính chất định hướng về việc trang trí bằng đèn lồng sao cho đạt tính thẩm mỹ, phù hợp với thuần phong mỹ tục người Việt.
Có chính sách khuyến khích đầu tư sản xuất những sản phẩm đèn lồng Việt. Dùng sản phẩm phù hợp với thuần phong mỹ tục của người Việt, khuyến khích sản phẩm của người Việt, trang trí bằng chữ Việt (có thể viết theo lối thư pháp).
Vận động nhân dân trang hoàng mặt phố, trước cửa nhà ở các tuyến đường chính phải đảm bảo an toàn, thẩm mỹ, kiểu dáng phù hợp. Không treo các loại đèn lồng theo kiểu dáng, phong cách nước ngoài, không phù hợp với không gian văn hóa Việt. Khuyến cáo người dân cảnh giác trước những chiếc đèn lồng có nội dung tuyên truyền trái với đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước bằng tiếng nước ngoài.
Đèn lồng là nét độc đáo của văn hóa Á Đông. Trong quá trình giao lưu văn hóa với các nước trong khu vực và trên thế giới, Việt Nam đã tiếp thu có chọn lọc để làm giàu thêm văn hóa dân tộc. Thay vì sử dụng hàng ngoại nhập thiếu hồn cốt Việt Nam, các nhà quản lý văn hóa, những người có trách nhiệm cần định hướng, phát động, tạo điều kiện cho người dân sử dụng đèn lồng Việt. Những chiếc đèn hoa sen tạo ấn tượng đẹp trong điệu múa cung đình Lục cúng hoa đăng, hay đèn lồng Việt rất nghệ thuật treo trên phố phường Hà Nội, Hội An, Đồng Văn và nhiều tỉnh, thành khác trong cả nước nhân dịp tết, lễ hội là một lựa chọn đúng đắn, góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Nguồn : Tạp chí VHNT số 384, tháng 6-2016
Tác giả : LÊ THỊ BÍCH HỒNG