Rabindranath Tagore được xem là thiên tài kỳ diệu của văn học Ấn Độ. Suốt cuộc đời, R.Tagore đã cất lên những bài đạo ca để tôn vinh, tỏ lòng sùng kính đối với con người. Qua các sáng tác, ông lên án xã hội với những quan niệm lạc hậu, sự phân biệt đẳng cấp, sự bất công và áp bức, bóc lột của thực dân khiến cho nhân dân Ấn Độ phải chịu nhiều đau khổ. Những sáng tác của ông luôn xuất phát từ lòng yêu thương con người và tập truyện ngắn Mây và mặt trời là tập truyện thành công trên nhiều phương diện, đặc biệt là tình yêu thương dành cho trẻ em. R.Tagore thường nhìn sâu vào thế giới nội tâm con người bằng đôi mắt của tình yêu thương con người, qua đó, người đọc thấy được quan niệm nghệ thuật, quan niệm nhân sinh của R.Tagore về con người, cuộc đời.
Trẻ em luôn là đối tượng được R.Tagore khắc họa có chiều sâu, được nhìn từ phương diện trong sáng, thơ ngây và tốt đẹp, xuất phát từ “tình cảm chân thành của người ông, người cha, người thày, yêu mến các em, tin tưởng vào tương lai của các em và giáo dục cho mọi người hãy giữ chân - thiện - mỹ trong trẻ em” (1). Tập Mây và mặt trời có 12/25 truyện xuất hiện nhân vật trẻ em, giữ vai trò là nhân vật trung tâm của tác phẩm. Trong những tác phẩm này, nhân vật trẻ em thường là điểm hội tụ nhiều nhất các chi tiết quan trọng, vấn đề trung tâm, mâu thuẫn, quan điểm nghệ thuật, triết học của tác phẩm. Đồng thời cũng là những nhân vật trung tâm có ảnh hưởng lớn tới chiều hướng vận động các chi tiết trong tác phẩm.
R.Tagore là người am hiểu tâm lý, tình cảm, những ước mơ của trẻ em nên ông đã miêu tả sự đa dạng, phong phú về tính cách của trẻ. Đặc biệt, ông chú ý ca ngợi tính hồn nhiên, tinh nghịch, trong sáng, giàu tình yêu thương, thích khám phá thế giới. Đó là sự tinh nghịch đáng yêu của cô bé Mrinmayi trong truyện Cô dâu bé nhỏ, cô bé Giribala trong truyện Mây và mặt trời. Tính cách phóng khoáng, vui vẻ, hòa đồng của cậu bé Tara trong truyện Kẻ lang thang. Sự lanh lợi của cậu bé Nitai Pan trong Gửi của. Tình cảm chân thành, trong sáng, nồng hậu của cậu bé Vênu trong Thày Masai. Tính cách nhẹ nhàng, tinh tế, luôn biết quan tâm, chia sẻ, chăm sóc những người thân yêu của cô bé Prôba và Ratan trong truyện Người chủ bút và Thày ký bưu kiện. Nhưng cũng có những đứa trẻ luôn khép mình, âm thầm lặng lẽ, không biết cách bày tỏ tình cảm với người khác như: cô bé Xuba trong truyện cùng tên, cậu bé Ninkanta trong Đứa trẻ bơ vơ…
Tính cách hồn nhiên, tâm hồn thánh thiện của trẻ đã tác động mạnh mẽ, sâu sắc đến thế giới tâm hồn của người lớn, là sợi dây kỳ diệu của tình yêu, nối liền những trái tim, sưởi ấm những tâm hồn cằn cỗi. Tình cảm chân thành, trong sáng của cậu bé Vênu dành cho Haralan trong truyện Thày Masai là niềm vui, niềm an ủi lớn lao trong cuộc đời dạy học của người thày giáo nghèo. Tình cảm ngây thơ, trong sáng của bé Mini trong Bác hàng rong người Kabun đã sưởi ấm tấm lòng bác Ramun, một người xa xứ. Sự yêu thương, chăm sóc của cô bé Ratan đã trở thành niềm vui, niềm an ủi đối với thày ký bưu điện trong truyện Thày ký bưu điện… Bên cạnh đó, tác giả miêu tả tâm hồn trong sáng, bản chất chân - thiện - mỹ trong trẻ thơ đối lập với bản chất xấu xa, keo kiệt, tham lam của xã hội bị đồng tiền, quyền lực cám dỗ. Sự lanh lợi của bé Nitai Pan đối lập với sự keo kiệt của lão Jaganat trong truyện Gửi của. Tình cảm yêu thương với con gái Prôba trong Người chủ bút đã giúp “tôi” thoát khỏi sự lôi cuốn của vinh quang, sự nổi tiếng… Đồng thời, R.Tagore cũng tỏrõ thái độ lên án sự vô tâm của người lớn đã gây nên những tổn thương, cái chết của những đứa trẻ vô tội. Cô bé bị câm Xuba trong truyện cùng tên bị mọi người xa lánh, bị chính người mẹ hắt hủi nên chỉ biết làm bạn với người mẹ thiên nhiên và những con vật nuôi trong nhà. Cậu bé Ninkanta trong Đứa trẻ bơ vơ là một đứa trẻ bơ vơ vừa tìm được vòng tay ấm áp của tình yêu thương, nhận được sự quan tâm nồng hậu thì sau đó vì thiếu sự yêu thương che chở của người lớn đã bị đẩy ra xã hội, ra đi như một kẻ phạm tội với vết thương hằn sâu mãi mãi vào tâm hồn của cậu bé. Sự mù quáng, u mê của lão Janagat keo kiệt trong truyện Gửi của đã giết chết chính đứa cháu ruột của mình là Nitai Pan mà không biết. Cái chết của đứa trẻ vì sự cùng quẫn của người mẹ Khirôđa trong truyện Quan chánh án. Những cô bé bị tước đoạt tuổi thơ êm đẹp trở thành những cô dâu, góa phụ như: Mrinmayi trong truyện Cô dâu bé nhỏ, Giribala trong Mây và mặt trời…
Để người đọc hiểu rõ hơn về thế giới tâm hồn trẻ thơ, R.Tagore sử dụng phương thức miêu tả trực tiếp tâm lý nhân vật. Sự miêu tả này thường nằm ở những lời bình luận của người kể chuyện hay những lời nửa trực tiếp xuất hiện cùng với những lời miêu tả ngôn ngữ, hành động, cử chỉ của nhân vật. Đối với những em có cuộc sống tốt đẹp, bình yên như trong truyện: Người chủ bút, Bác hàng rong người Kabun… thế giới tâm hồn của các em rất dễ miêu tả và nắm bắt. Nhưng với những nhân vật trẻ em bất hạnh, thế giới tâm hồn có nhiều dằn vặt, khổ đau, mâu thuẫn như: Đứa trẻ bơ vơ, Kẻ lang thang, Xuba… tác giả phải sử dụng nhiều hơn những lời miêu tả trực tiếp tâm lý nhân vật. R.Tagore đã miêu tả trực tiếp tâm lý đau khổ, ghen tức của cậu bé Ninkata trong Đứa trẻ bơ vơ khi thấy mình trở thành kẻ bị bỏ rơi và đẩy ra ngoài lề từ lúc có Xatit, người em trai của Sarat xuất hiện: “Trong lòng nó tràn đầy một nỗi cay đắng mà nó cảm thấy phải trút lên đầu ai nỗi cay đắng ấy hoặc một cái gì đó cho bõ hờn” (2). Ninkata đã phá phách vô lối, đánh bạn, đánh chó, đánh cả những cái cây ven đường, rồi bỏ ăn, khóc thầm trong bóng tối sau những nỗ lực để Kiran quan tâm nhưng đều vô ích (3). Đặc biệt, tâm trạng phức tạp, ngổn ngang với những giằng xé của Ninkata khi thấy Kiran phát hiện ra thứ đồ bị mất ở trong rương của nó. Đó là tâm trạng xấu hổ của một tên trộm khi bị phát hiện xen lẫn tâm trạng phẫn uất khi không thể thanh minh cho hành động lấy trộm cái giá bút của Xatit, không phải xuất phát từ lòng tham. Đặc biệt, cảm giác buồn tủi khi bị Kiran rình nó như một kẻ trộm. R.Tagore đã miêu tả tâm trạng phức tạp với những hoảng loạn, rối bời đau khổ qua việc pha trộn các câu hỏi, câu trần thuật,cầu khiến, xen lẫn với những lời thoại giả định (4). Bằng sự thấu hiểu tâm lý trẻ thơ, qua việc miêu tả những trạng thái tâm lý hờn ghen, vỡ mộng của đứa trẻ, R.Tagore đã cho người đọc hiểu rằng nguyên nhân sâu xa của những hành động của trẻ thơ đều xuất phát từ nhu cầu tình cảm, sự thiếu thốn tình yêu thương.
Để miêu tả được thế giới nội tâm đa dạng, phong phú và phức tạp của mỗi nhân vật, R.Tagore đã tập trung miêu tả thông qua ngôn ngữ độc thoại nội tâm và đối thoại của từng nhân vật. Thông qua ngôn ngữ độc thoại nội tâm, R.Tagore đã cho thấy được mọi cung bậc cảm xúc, tâm trạng trong thế giới nội tâm của từng nhân vật. Trong những câu chuyện có nhân vật trẻ em, R.Tagore thường để cho các em bộc lộ tâm tư, tình cảm thông qua những lời độc thoại, đối thoại. Qua những dòng độc thoại nội tâm, R.Tagore để các em tự nói lên những tâm trạng cô đơn, đau khổ, uất ức đến tột cùng khi không biết chia sẻ, giải bày cùng ai hay khi không được người lớn ủng hộ, khuyến khích. Đó là tâm trạng nghẹn lời, trái tim như muốn gào lên: “Tôi không phải là một thằng ăn cắp” vì không thể chia sẻ, giải bày và không giải thích được của cậu bé Ninkanta khi bị Kiran phát hiện chiếc giá bút của Xatit trong giương của mình. Đó là tâm trạng đầy chua xót của cô gái câm Xuba: “Em đã làm điều gì phạm đến anh”, tâm trạng đau khổ cầu cứu mặt đất như cầu cứu người mẹ duy nhất của mình: “Mẹ ơi, đừng để con phải lìa mẹ. Mẹ hãy giang tay ôm lấy con như con đang ôm mẹ và ghì chặt con đi mẹ” (5) hay tâm trạng tức giận của cô bé Saru ích kỷ, hay ghen tuông khi cô nghĩ thầm: “Nếu gia đình ta không mang anh ấy về đây, không giữ gìn hết sức cẩn thận thì lấy đâu mà mẹ con Xônama được nhìn thấy anh ta” (6).
R.Tagore cũng sử dụng hình thức đối thoại để miêu tả những trạng thái tâm lý phức tạp, đặc trưng cho tính cách của các nhân vật trong tác phẩm. Đối với những nhân vật là trẻ em, do các em còn hạn chế trong sử dụng ngôn ngữ nên trong tập truyện ngắn Mây và mặt trời, nhân vật này ít phát ngôn hơn người lớn. Thế giới tinh thần của các em chủ yếu được bộc lộ thông qua cử chỉ, hành động. Tuy nhiên, nhân vật trẻ em ít phát ngôn hay phát ngôn ngắn cũng đều thể hiện rõ nét tính cách của các em một cách tinh túy, cô đọng. Thông qua cách xưng hô trong những lời đối thoại đã thể hiện những sắc thái tâm trạng và tính cách của nhân vật. Những câu nói ngắn gọn và những câu trả lời cụt lủn của Nitai Pan: “Cháu tên là gì? Nitai Pan; Nhà cháu ở đâu? Không nói; Bố cháu là ai? Không nói…” (7) đã bộc lộ tính cách ngỗ nghịch của cậu bé không được giáo dục cẩn thận. Qua những lời thoại đáp lại của nhân vật Mrinmanyi đối với Apơbô như: “không”, “có”, “đúng thế”… biểu hiện thái độ ngỗ nghịch, không chịu khuất phục của cô bé với người anh chồng. Tuy nhiên, qua những lời thoại rất mực trìu mến của cô với người cha làm việc ở nơi xa đã bộc lộ sự nhớ thương, niềm mong mỏi thiết tha được gặp lại cha của một tâm hồn trong sáng, giàu tình yêu thương sau dáng vẻ ngỗ nghịch ấy. Qua những lời đối thoại với từng đối tượng khác nhau, người đọc thấy những cung bậc cảm xúc, tình cảm khác nhau của các em đều không nên dùng đến sự ép buộc, đe dọa mà phải xuất phát từ tình yêu thương và sự cảm thông đối với các em.
Sự am hiểu một cách sâu sắc thế giới tâm lý trẻ thơ còn được tác giả biểu hiện qua những câu hỏi ngây ngô, đáng yêu và những câu trả lời nhanh trí với tiếng cười khanh khách, “cười tít mắt” của các em lúc chơi đùa hay lúc đối thoại với những nhân vật người lớn. Nhà văn R.Tagore đã sử dụng thành công hình thức đối thoại để khắc họa được vẻ đẹp tâm hồn non nớt của các em trong các tác phẩm.
Thế giới nhân vật trong tập Mây và mặt trời đa dạng, phong phú với nhiều nét tính cách khác nhau. Những nét tính cách ấy không chỉ được bộc lộ qua ngoại hình, ngôn ngữ mà còn bộc lộ rất rõ qua cử chỉ, hành động của nhân vật. Thông qua miêu tả những cử chỉ, hành động của nhân vật, nhà văn cho người đọc thấy những trạng thái tâm lý chi phối hành động đó của nhân vật. Trẻ em luôn khát khao được yêu thương, che chở và R.Tagore ca ngợi sức mạnh của tình yêu thương có thể giúp các em vượt qua những giai đoạn khó khăn, những tình huống tuyệt vọng, nâng đỡ và hoàn thiện tâm hồn của các em. Tác giả lên án sự vô tâm của người lớn, những quan niệm lạc hậu của xã hội đã giết chết sự hồn nhiên trong tâm hồn trẻ thơ. Đồng thời, đòi quyền được yêu thương cho trẻ em và khẳng định quá trình phát triển, sự hoàn thiện trong tính cách của mỗi đứa trẻ để trở thành những người tốt khi các em nhận được tình yêu thương, sự quan tâm, chăm sóc, giáo dục của người lớn.
Trong Mây và mặt trời, R.Tagore dành nhiều tình cảm cho nhân vật trẻ em, luôn cố gắng nhìn sâu vào thế giới tâm hồn của các em bằng đôi mắt của tình yêu thương. Ông đã xây dựng nên một thế giới trẻ thơ với nhiều dáng vẻ khác nhau trong tính cách nhưng đều có tâm hồn trong sáng, giàu tình yêu thương, thích khám phá thế giới. R.Tagore đã sử dụng bút pháp miêu tả trực tiếp, miêu tả gián tiếp thông qua ngôn ngữ đối thoại, độc thoại nội tâm và thông qua cử chỉ, hành động của nhân vật để ca ngợi tâm hồn thánh thiện, trong sáng và đòi quyền được yêu thương cho trẻ em.
______________
1. Lưu Đức Trung, Văn học Ấn Độ, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 2004, tr.157.
2, 3, 4, 5, 6, 7. R.Tagore, Mây và mặt trời, Nxb Văn học, Hà Nội, 1986, tr.281, 282, 286, 305, 211, 190.
Nguồn : Tạp chí VHNT số 402, tháng 12 - 2017
Tác giả : LÊ THỊ BÍCH THỦY