Kịch bản Quan thanh tra không còn xa lạ với người yêu văn học Nga cũng như người hâm mộ sân khấu Việt Nam vì đã từng được dàn dựng trên sân khấu kịch nói và sân khấu chèo khá thành công. Nhưng với một cung cách dàn dựng, biểu diễn mới mẻ, vở diễn Quan thanh tra của Nhà hát Kịch Việt Nam vẫn rất thu hút người xem.
Cảnh Viện trưởng Viện tế bần (áo đỏ) đang hối lộ Quan Thanh tra giả
Quan thanh tra của tác giả Nikolay Vasilyevich Gogol ra đời năm 1836, dựa theo gợi ý của nhà văn Pushkin, kể về một anh công chức nhỏ khánh kiệt vì thua bạc lang thang đến một thị trấn miền Nam, nhưng liền bị nhận nhầm là Quan thanh tra từ Thủ đô Peterburg về thị sát. Vốn là một tên cơ hội, hắn mặc nhiên thừa nhận thân phận rất oách này. Thế là một tấn bi hài kịch đã được diễn ra khi bộ máy quan lại địa phương mục rỗng, tham nhũng quá sợ hãi bị vạch trần, bị mất đi quyền lợi. Những quan chức nơi này, từ Thị trưởng, Chánh án, Viện trưởng tế bần, nhà Kiểm học, Chủ sự bưu vụ cho đến các bộ phận giúp việc cho quan... đã tìm đủ cách đút lót Quan thanh tra giả. Quá trình này làm lộ rõ sự bẩn thỉu và ti tiện của cả bộ máy chính quyền, thậm chí vô lại đến mức có kẻ sẵn sàng dâng vợ con để hòng che đậy tội lỗi và tiếp tục leo cao hơn nữa.
Kịch bản Quan thanh tra tái hiện bối cảnh xã hội phương Tây vào thế kỷ XIX nhưng vẫn gần gũi với khán giả Việt nhờ vào sự biên tập và đạo diễn của Tiến sĩ, Nhà giáo Ưu tú Lê Mạnh Hùng. Khá mạnh tay cắt cúp kịch bản gốc để giảm thời lượng xuống còn một nửa, chừng hai giờ đồng hồ, đạo diễn vẫn giữ được tinh thần của bản gốc, song thêm một số tình huống, lời thoại phù hợp với thực tế cuộc sống. Chi tiết chủ sự Bưu vụ nói thi thoảng nhận vài chai rượu vang, hay Thị trưởng liệt kê bê bối của giáo dục như ép học sinh tự tát vào miệng, uống nước giặt giẻ lau bảng... gợi liên tưởng về những hiện tượng tiêu cực trong môi trường giáo dục hiện nay ở Việt Nam.
Đạo diễn cũng thành thạo những thủ thuật gây cười khi tận dụng và nhất quán với ẩn dụ về những con chuột so sánh với các nhân vật kịch. Mỗi nhân vật như một con chuột, đều có một vài tật xấu đặc trưng duy trì xuyên suốt vở kịch. Như thị trưởng thì “mỗi năm tổ chức mấy cái sinh nhật, vinh hiển kéo nhiều đời, họ hàng đều giàu có, ánh mặt trời mờ tỏ, là cơ hội kiếm ăn…", hay bà vợ Thị trưởng thì mê trai, cô con gái hắn lại béo ú, viên Chánh án đại diện cho pháp luật cần nghiêm túc thì phát âm không rõ ràng, Viện trưởng tế bần nói lắp, vị Kiểm học lại có chất giọng mai mái như hoạn quan, Cảnh sát trưởng thấp bé nhẹ cân, nghe tiếng nói lớn là ngất, đám giúp việc thì hậu đậu… Nghĩa là mỗi nhân vật đều đi ngược lại với phẩm chất cần có ở chức vị, vị trí của mình, gây ra tiếng cười châm biếm rất thâm thúy.
Đạo diễn Lê Mạnh Hùng đã sử dụng rất đắc địa hình ảnh những chiếc ghế khi suốt phần đầu vở diễn, các nhân vật quyền lực của địa phương như Thị trưởng, Kiểm học, Chánh án... đều dính lấy chiếc ghế - đại diện cho vị trí quyền lực của họ. Hình ảnh châm biếm này gợi liên tưởng về những kẻ không từ thủ đoạn luồn cúi, bám dính lấy vị trí để kiếm chác, đục khoét. Thêm vào đó, ông cũng sử dụng rất nhiều những vật dụng có những ý nghĩa ẩn giấu ở như những cặp mắt mèo, những chiếc lỗ cống lập lòe sáng tối trên phông hậu... bối cảnh cho đàn chuột... gợi liên tưởng của khán giả tới bức tranh Đông hồ Đám cưới chuột - phê bình nạn tham nhũng hối lộ. Trang trí mỹ thuật tinh giản, giàu tính gợi tưởng, để người diễn viên thỏa sức tung hứng trên khoảng trống của sàn diễn. Phục trang giàu tính ước lệ, phù hợp với thân phận mà cũng rất hài hước. Khuy cài nghiêm túc, nhưng vạt áo được cắt xẻ bất đối xứng….
Các nghệ sĩ của Nhà hát Kịch Việt Nam đều nhập vai xuất sắc, có nhiều tìm tòi trong diễn xuất - Ảnh: Nhà hát Kịch Việt Nam
Đạo diễn phát biểu, mục đích lớn nhất của ông khi dựng vở là làm sao để kể câu chuyện của nước Nga cách đây gần hai thế kỷ nhưng nó vẫn gần gũi với người Việt Nam. Mục tiêu thứ hai là tìm kiếm cách kể, phải đi tìm cho nó một hình thức đơn giản nhất, dễ tiếp cận, dễ xem nhất và tất cả những người Việt Nam đều thấy như là câu chuyện của mình. Sống động, có tiết tấu hợp lý khi bắt đầu có phần chậm chạp, nhanh dần, mạnh và bùng nổ ở đoạn cuối để ghi dấu ấn trong lòng khán giả.
Góp phần tích cực cho thành công vở diễn là dàn diễn viên của Nhà hát Kịch thuộc top đầu của kịch nói Việt Nam. Giám đốc nhà hát - NSƯT Nguyễn Xuân Bắc vào vai nhân vật chính là gã công chức lang thang Khlextakov bị tưởng nhầm là Quan Thanh tra đã được thỏa sức phát huy thế mạnh hài kịch khi nhấm nhẳng, tưng tửng trong lời thoại và hành động gây cười nghiêng ngả. Tuy vậy, anh vẫn đủ tiết chế tạo nên những điểm nhấn cần thiết, diễn tả đúng bản chất của một phần tử trí thức lưu manh, biết nắm bắt cơ hội và lợi dụng được tình thế để trục lợi. Vai ngài Thị trưởng Anton do NSƯT Trịnh Mai Nguyên đảm nhiệm lại vẽ nên vẻ đường bệ, là lượt kiểu mẫu của một vị quan đứng đầu một địa phương, cáo già trong những vụ tham nhũng, hối lộ, nịnh bợ cấp trên, chế áp cấp dưới, bóc lột người dân, nhất là không từ bất kỳ việc làm ti tiện nào để đạt mục đích. Các nghệ sĩ như Kiều Minh Hiếu, Lâm Tùng, Hồ Liên, Hà Vy, Hồng Phúc, Hồng Quang, Hoàng Nhật, Thế Nguyên, Thanh Thiên, Khánh Linh, Khuất Quỳnh Hoa... cũng nhập vai xuất sắc, có nhiều tìm tòi trong diễn xuất, mỗi người một vẻ thể hiện sự đều cáng, bất lương..., đã tạo nên những tiếng cười sảng khoái mà châm biếm sâu cay.
Vở hài kịch Quan thanh tra tiếp nối hướng đi của Nhà hát Kịch Việt Nam trong dàn dựng những tác phẩm sân khấu kinh điển, nhưng vẫn bám sát và phản ánh được cuộc sống đương đại. Mỗi tác phẩm đều được Nhà hát tìm đúng người để trao vị trí đạo diễn thích hợp. TS Lê Mạnh Hùng rất hào hứng với hài kịch, ông đã lựa chọn để làm luận án tốt nghiệp về thể tài này. Cùng sự hợp tác của các cộng tác viên như NSƯT Doãn Bằng (thiết kế mỹ thuật)... và dàn diễn viên tài năng, tung tẩy diễn như không diễn khiến tác phẩm được bảo chứng về chất lượng và là một trong những vở diễn được đón đợi trong dịp này.
NGỌC BẢO
Nguồn: Tạp chí VHNT số 556, tháng 12-2023