Hòa vào dòng chảy hội nhập

Liên tiếp các dự án bom tấn có diễn viên Việt Nam tham gia như Ngô Thanh Vân với The Creator (Kẻ kiến tạo), Nguyễn Hồng Nhung, Johny Trí Nguyễn với The Continental: From the World of John Wick (Khách sạn Continental: Từ thế giới của John Wick,… Cùng với chiến thắng của các đạo diễn gốc Việt tại một số Liên hoan Phim như Cannes, LHP Á Phi Ba châu lục như Trần Anh Hùng, Phạm Thiên Ân, Bùi Thạc Chuyên… Tất cả đều góp phần đưa hình ảnh, con người, ngôn ngữ, văn hóa, điện ảnh Việt lan toả với thế giới.

NSƯT Lê Thiện (phải) cũng xuất hiện trong phim Bí kíp tình yêu của một du khách

Trong một thế giới hội nhập, các hãng sản xuất, các dự án bom tấn ngày càng có xu hướng đa dạng thành phần diễn viên để quảng bá, hút thêm khách khi đi ra thị trường. Nhiều bom tấn Hollywood đã thêm nhân vật, bối cảnh Trung Quốc để hút khách tại thị trường tỷ dân này. Hàng loạt diễn viên Trung Quốc cũng xuất hiện trong các bom tấn thế giới như Phạm Băng Băng, Lưu Diệc Phi… Bất kể các bom tấn muốn thêm phần còn lại của thị trường vào tác phẩm như một yếu tố thu hút hay bản thân diễn viên các nền điện ảnh muốn quảng bá, phát triển sự nghiệp của mình khi xuất hiện trong các bom tấn thì thực tế là hình ảnh, con người, văn hóa của đất nước đó đang có thêm những cơ hội tiếp cận rộng rãi hơn với công chúng. 

Ngoài việc xuất hiện, tham gia trong các dự án phim quốc tế thì việc các nhà làm phim độc lập có dự án thu hút được sự chú ý, kêu gọi được đầu tư từ các quỹ nước ngoài cũng là một trong những hình thức góp phần để văn hóa, câu chuyện Việt Nam được nhắc đến. Hiện, có một số phim điện ảnh Việt được quốc tế nhắc tới là Cu Li Never Cries (Culi không bao giờ khóc) của Phạm Ngọc Lân, Don’t Cry, Butterfly (Bướm ơi, đừng khóc) của Dương Diệu Linh, Picturehouse (Nhà tranh) của Nguyễn Võ Nghiêm Minh, Skin of Youth (Làn da của tuổi trẻ) của Nguyễn Phương Anh, Viet And Nam của Trương Minh Quý… Đa phần đây đều là những dự án độc lập, từng chu du qua nhiều LHP khác nhau và đã nhận tài trợ, đầu tư từ một số quỹ điện ảnh.

Ngô Thanh Vân với The Creator (Kẻ kiến tạo)

Trang Streamlined Global đã tổng hợp những dự án phim Đông Nam Á được quan tâm trong năm 2023. Trong đó, có một số phim điện ảnh Việt Nam. Đây là các dự án đã được công bố từ trước, đang phát triển, làm tiền kỳ hay hậu kỳ, hoặc sắp hoàn thành và sẽ trình chiếu tại một số liên hoan phim. Điểm chú ý là các dự án có đạo diễn quốc tịch Việt Nam, nhưng đều là sản phẩm hợp tác đa lãnh thổ. Các phim đều có nhà sản xuất Việt Nam và nước ngoài cùng tham gia trong bộ phim. Trong số đó, phim Cu Li never cries (Cu li không bao giờ khóc) của đạo diễn: Phạm Ngọc Lân) do Phan Đăng Di đồng sản xuất. Đây là một phim hài siêu thực về một phụ nữ góa chồng. Khi chồng mất, bà Nguyễn đã bay đến Berlin (Đức) để nhận tài sản thừa kế là hũ tro cốt của chồng và một con cu li lùn, vốn là thú cưng của ông chồng. Phim đang trong giai đoạn làm hậu kỳ.

Phim Don’t Cry, Butterfly (Đạo diễn: Dương Diệu Linh) do Trần Thị Bích Ngọc đồng sản xuất. Phim kể về một bà nội trợ trung niên phát hiện chồng mình ngoại tình. Bà quyết định tìm đến bùa ngải với hy vọng khiến chồng yêu mình trở lại. Phim dự kiến bấm máy vào cuối năm 2023.

Picturehouse (Đạo diễn: Nguyễn Võ Nghiêm Minh). Phim do Bảo Nguyễn đồng sản xuất. Picturehouse lấy bối cảnh thập niên 60 của thế kỷ trước ở Việt Nam. Nhân vật chính là một cậu bé 8 tuổi. Trong một đất nước bị chiến tranh tàn phá, cậu tìm thấy thiên đường bên trong rạp chiếu phim do cha mình quản lý. Nội dung phim tương đồng với cuộc đời của đạo diễn Nguyễn Võ Nghiêm Minh khi còn nhỏ. Dự án đang được êkip phát triển và sẽ ghi hình trong thời gian tới. 

 Nguyễn Hồng Nhung trong The Continental From the World of John Wick (Khách sạn Continental từ thế giới của John Wick)

Phim Skin of Youth do Trần Thị Bích Ngọc và đạo diễn Ash Mayfair đồng sản xuất. Phim lấy bối cảnh thập niên 90 ở TP.HCM. Nhân vật San muốn có đủ tiền để phẫu thuật chuyển đổi giới tính từ nam sang nữ. Nam, người yêu San, phải làm nghề đấm bốc chui để giúp San thực hiện ước mơ. Phim đang trong giai đoạn tiền sản xuất với nhiều cảnh quay tại TP.HCM.

Phim Viet and Nam (Đạo diễn: Trương Minh Quý) kể về Nam, một thợ mỏ trẻ tuổi. Trước khi lên đường rời Việt Nam trong chiếc container cùng những người di cư khác, Nam tìm kiếm hài cốt của cha. Ông là người lính đã hy sinh trong chiến tranh. Nhưng Việt, người yêu và cũng là thợ mỏ như Nam, lại ước họ có thể ở mãi dưới đáy mỏ than. Phim đang trong giai đoạn hậu kỳ

Cùng với những bộ phim được chú ý thì mới đây với sự góp mặt trong bộ phim The Creator (Kẻ kiến tạo), diễn viên Ngô Thanh Vân chia sẻ: “Khi tham gia bất cứ dự án nào của Hollywood thì mình luôn đổi nguồn gốc nhân vật thành người Việt. Còn nếu đó đã là một nhân vật Việt Nam rồi thì mình hay thêm những yếu tố đặc trưng của Việt Nam vào các câu thoại”.

Sau buổi công chiếu dành cho giới truyền thông, không ít khán giả bày tỏ sự xúc động bởi trong một bộ phim Hollywood như Kẻ kiến tạo không chỉ có sự xuất hiện của diễn viên Việt Nam mà còn có những câu thoại bằng tiếng Việt, hay hình ảnh nước mắm Việt Nam. Cùng thời điểm, trong loạt phim tiền truyện về nhân vật John Wick với tên gọi The Continental: From the World of John Wick (Khách sạn Continental: Từ thế giới của John Wick) diễn viên Nhung Kate - người thủ vai Yến cũng có khá nhiều lời thoại bằng tiếng Việt. Diễn xuất của cô cũng nhận được nhiều lời khen ngợi từ các cơ quan truyền thông lớn như: CNN, Los Angeles Times, The Wrap...

Có thể thấy nhiều nghệ sĩ, các sản phẩm văn hóa đã rất ý thức về việc đưa tiếng Việt hay hình ảnh Việt Nam ra với bạn bè thế giới. Họ cùng có chung mong muốn hai tiếng Việt Nam xuất hiện ngày càng nhiều hơn ở các giải thưởng điện ảnh, các liên hoan phim quốc tế. Khi bộ phim Bên trong vỏ kén vàng được xướng tên tại LHP Cannes - một giải thưởng điện ảnh danh giá - đạo diễn Việt kiều Phạm Thiên Ân đã chọn nói tiếng Việt khi lên nhận giải. Sắp tới, tại Liên hoan phim quốc tế Busan 2023, Oscar 2024 các bộ phim cũng kỳ vọng mang tới công chúng những hình ảnh về đất nước, con người, văn hóa Việt ra với thế giới.

Với tần suất được nâng lên qua các dự án phim, các sản phẩm hợp tác, tiếng Việt hay hình ảnh Việt Nam cũng ngày càng được tăng độ nhận diện và vị thế qua các tác phẩm điện ảnh. Bộ phim A Tourist’s Guide to Love (Hành trình tình yêu của một du khách) được quay tại Việt Nam như một lời chào mời quyến rũ và đầy sức hút với du khách thông qua lăng kính của các nhà làm phim nước ngoài. 

Nguyễn Hải Yến trong phim Người Mỹ trầm lặng

Một trong những nội dung quan trọng trong các chiến lược về phát triển văn hóa Việt Nam là thúc đẩy quảng bá hình ảnh đất nước, văn hóa và con người Việt Nam ra thế giới. Điều này đang được các nhà quản lý văn hóa, các nghệ sĩ nỗ lực thực hiện trong khả năng của mình. Ở tầm quản lý, đó là tạo điều kiện để tổ chức các sự kiện văn hóa quốc tế tại Việt Nam, tạo thuận lợi để nghệ sĩ thế giới đến Việt Nam và nghệ sĩ Việt Nam ra thế giới biểu diễn. Ở góc độ cá nhân, các nghệ sĩ cũng đang mang nét đẹp văn hóa Việt, cả hiện đại lẫn truyền thống giới thiệu đến bạn bè năm châu, quảng bá hình ảnh con người, đất nước Việt Nam thân thiện hiếu khách.

Cùng với các tuần phim, LHP quốc tế, những sự kiện mang tầm quốc tế như Liên hoan phim quốc tế Hà Nội, Liên hoan Phim quốc tế Đà Nẵng và sắp tới đây là Liên hoan phim quốc tế TPHCM (HIFF 2024) sẽ có thêm các cơ hội để giới thiệu văn hoá, phim ảnh Việt Nam với giới làm phim quốc tế.

BẢO KHÁNH

Nguồn: Tạp chí VHNT số 556, tháng 12-2023

;