1. Cộng đồng ngư dân xã đảo Nghi Sơn
Nghi Sơn là xã thuộc huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa. Toàn bộ xã nằm trên một hòn đảo ngoài biển, trước đây phải dùng thuyền để ra. Sau này, do tác động của quá trình kiến tạo địa chất và con người quai đê lấn biển, Biện Sơn được nối với đất liền thành một dải, song chủ yếu là đường núi, gập ghềnh, nhỏ hẹp.
Xa xưa, đảo Nghi Sơn gọi là Nha Hải (răng của biển), sau đổi thành Cù lao Biện, thời Lý - Trần gọi là đảo Biện Loan. Đến thời kỳ đất nước chia làm hai miền Đàng Trong và Đàng Ngoài, một số ít người buôn bán, đánh cá gốc Bồ Lô, Chà Và ở Đàng Trong và người trong đất liền đến đảo sinh sống, hình thành phường Biện Sơn. Từ thời Quang Trung (1788 - 1792) về sau, đảo có tên làng Thủy Biện, làng Biện Sơn (1).
Cuối Lê, đầu Nguyễn, đảo Nghi Sơn do có thành phần dân cư từ nhiều nơi hợp về và chưa ổn định về cơ cấu tổ chức nên được sắp xếp thành phường Tứ chiếng Biện Sơn thuộc tổng Duyên La, huyện Ngọc Sơn, phủ Tĩnh Gia, trấn Thanh Hoa (từ tháng 10 năm Minh Mệnh thứ 12 là tỉnh Thanh Hoa, từ đầu niên hiệu Thiệu Trị đổi thành Thanh Hóa). Năm Minh Mệnh thứ 19 (1838), tổng Duy La đổi tên thành Tuần La. Không rõ từ bao giờ, tên phường Tứ chiếng Biện Sơn được đổi thành Cận Sơn phường (đạo sắc năm Khải Định thứ 9 - 1924) phong cho đền Vua Bà đã ghi địa danh này (2).
Cách mạng tháng Tám 1945 thành công, phường Cận Sơn được đổi tên thành thôn Nghi Sơn, nghĩa là hòn đảo núi uy nghi, thuộc huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa. Tên gọi Nghi Sơn có từ đó và tồn tại cho tới ngày nay.
Về mặt hành chính, từ năm 1954, Nghi Sơn là một thôn thuộc xã Hải Thượng, huyện Tĩnh Gia. Ngày 14 - 12 - 1984, Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) ra Quyết định số 163 chia Hải Thượng thành 3 xã: Nghi Sơn, Hải Thượng và Hải Hà. Xã Nghi Sơn được hình thành và ổn định về địa giới hành chính từ đó cho tới nay. Hiện nay, xã đảo Nghi Sơn được chia thành 4 thôn: Bắc Sơn, Trung Sơn, Thanh Sơn và Nam Sơn.
Nghề biển của ngư dân Nghi Sơn hình thành từ lâu đời. Trước đây, cư dân trên đảo chỉ làm nghề đánh bắt cá biển, chủ yếu sử dụng công cụ lao động là thuyền, bè, lưới, rùng, câu… Nam giới đi biển, phụ nữ chế biến hải sản như nước mắm, ruốc moi, mắm chược, cá khô, tôm khô, mực khô, moi khô (3).
Có thể nói, đánh bắt hải sản là một trong những nghề có tính chất nguy hiểm, khó khăn bất trắc có thể xảy đến bất cứ lúc nào. Đứng trước biển cả bao la, con người dường như bé nhỏ, sức người thì có hạn. Bởi vậy, họ phải đoàn kết, tương trợ lẫn nhau, để cùng hoàn thành công việc. Khi đã lên tàu thì họ là anh em, chiến hữu, những người cùng hội cùng thuyền. Có như vậy mới giúp cho hội thuyền của họ đánh bắt có hiệu quả và đảm bảo an toàn.
2. Các quan hệ trong đánh bắt hải sản của ngư dân xã đảo Nghi Sơn
Nghề đánh bắt hải sản ở Nghi Sơn gồm hai hình thức chính là đi khơi và đi lộng. Đi lộng là hình thức đánh bắt gần bờ, bắt đầu từ 5 - 6 giờ chiều đến 4 - 5 giờ sáng ngày hôm sau, ngư cụ chủ yếu là lưới, câu. Đi khơi thường dành cho các phương tiện đánh bắt lớn, hiện đại. Tuy nhiên, việc đánh bắt ở ngư trường khơi xa luôn đầy bất trắc, hiểm nguy, may rủi, nên đòi hỏi sự hợp sức của cộng đồng ngư dân. Đây chính là điều kiện để nảy sinh các mối quan hệ xã hội, sự tương trợ giúp đỡ trong nghề nghiệp.
Quan hệ tiểu chủ
Đây là hình thức quan hệ giữa chủ thuyền với những người làm thuê (bạn thuyền). Chủ thuyền là những người có điều kiện về kinh tế, mua hoặc đóng mới thuyền, sắm ngư lưới cụ, có thể có hoặc không trực tiếp tham gia đánh bắt. Ở Nghi Sơn, đa phần chủ thuyền là người trực tiếp tham gia đánh bắt. Họ gọi bạn thuyền đi đánh bắt cùng và chia lợi nhuận thông qua sản phẩm kiếm được.
Bạn được gọi là thợ hay người làm thuê cho các chủ tàu. Mặc dù là người làm thuê, nhưng họ gọi nhau bằng một danh xưng thân mật. Khảo sát ở Nghi Sơn cho thấy các chủ tàu và bạn thuyền ở đây hầu hết có quan hệ ruột thịt, đều là con cái, anh em trong nhà. Ngoài ra, có rất nhiều các chủ tàu và bạn thuyền là bố vợ và con rể, anh em cọc chèo. Trường hợp không có anh em đi đánh bắt cùng, chủ thuyền thường gọi bà con làng xóm chứ không gọi người từ các địa phương khác. Qua điều này, có thể thấy rõ tình cảm gắn bó, giúp đỡ nhau của ngư dân Nghi Sơn trong việc duy trì nghề truyền thống của cha ông để lại.
Quan hệ tiểu chủ là hình thức làm ăn phổ biến ở Nghi Sơn hiện nay. Trong tổng số 124 tàu thuyền của toàn xã, có đến 111 tàu thuyền có mối quan hệ này, chủ yếu ở các hình thức đánh bắt bằng mành chụp, câu vàng, bóng bát quát, lồng bẫy…
Nghề câu vàng, thông thường có 6 - 7 người góp vốn, nhiều khi lên đến 8 - 10 người. Điều này tùy thuộc vào số vốn mà họ cần đầu tư. Nếu đầu tư nhiều thì số tiền góp sẽ nhiều lên, cũng đồng nghĩa với việc tăng số lượng tiền và người. Có khi trong hội thuyền, số tiền góp của các thành viên không giống nhau, mà phụ thuộc vào kinh tế của từng người. Còn số lượng người nhiều hay ít là phụ thuộc vào số tiền và loại hình đánh bắt. Trường hợp có 6 - 7 người tham gia góp mà số lượng cần thiết để khai thác là 9 - 10 thì phải kêu thêm bạn.
Việc phân công lao động trong khi đánh bắt được thực hiện rõ ràng, mỗi người mỗi việc, phù hợp với sức mình, tất cả đều chia sẻ, giúp đỡ lẫn nhau. Cụ thể, mỗi người đảm nhiệm một trong số những việc sau: xâu mồi, tung câu, lấy lưỡi câu, vào phao, đánh cờ, xúc mồi, tài công.
Tổng số sản phẩm sẽ được bán thành tiền, trừ chi phí mua nguyên vật liệu (xăng dầu, lương thực, thực phẩm…), còn lại bao nhiêu thì chia đều cho những người tham gia đánh bắt. Tuy nhiên, những người làm công nếu siêng năng, chịu khó sẽ được nhận thêm một khoản tiền thưởng (tùy theo từng tàu). Trường hợp những người lao động thuê là con cháu hay người nhà của các thành viên, cách thức ăn chia vẫn không có gì khác biệt, bất kể vào vụ mùa hay không.
Trong trường hợp bạn thuyền bị nạn trong các chuyến đánh bắt và phải nghỉ dài ngày, chủ thuyền sẽ lấy phần sản phẩm thu được của mình để hỗ trợ người đó. Mặc dù làm nghề vất vả nhưng chủ thuyền và bạn thuyền, các anh em, bạn bè đi đánh bắt luôn giúp đỡ, nương tựa vào nhau. Có thể nói đây là một đức tính tốt đẹp của ngư dân miền biển, được hun đúc từ chính công việc vất vả, nhiều rủi ro mà họ lựa chọn.
Quan hệ chung thuyền - chung lưới (đậu thuyền chung lưới)
Đây là kiểu quan hệ các ngư dân góp vốn để sở hữu phương tiện (tàu thuyền và bộ ngư lưới cụ), đánh bắt và chia sản phẩm. Loại hình liên kết này phù hợp với nguyện vọng của ngư dân, vì một, hai người không đủ sức để sắm bộ ngư lưới cụ, tàu thuyền, trang thiết bị nên họ phải hợp tác. Ở đây, tùy vào điều kiện kinh tế của mỗi người mà có cách góp vốn khác nhau. Có thể góp một phần hay nhiều phần, góp nhiều hưởng nhiều, trên tinh thần bình đẳng các bên cùng có lợi.
Nghề mành chụp ở Nghi Sơn thường chỉ có 2 người góp vốn, có khi là 3 - 4 người, hình thức cũng giống như quan hệ tiểu chủ. Hầu hết những người chung vốn mua tàu đều là anh em trai trong gia đình hoặc là anh em cọc chèo, cũng có thể là mẹ vợ và con rể. Số vốn góp không nhất thiết phải ngang nhau mà tùy điều kiện hoàn cảnh của mỗi gia đình.
Cũng như nghề câu mực, các thành viên trên tàu được phân công lao động một cách rõ ràng, mỗi người mỗi việc. Cụ thể, có 7 người đi chung thì phân công 4 người kéo lưới, 2 người cầm tời và 1 người lái tàu.
Việc phân chia sản phẩm của quan hệ đậu thuyền chung lưới cũng có những nguyên tắc nhất định. Cụ thể, tổng số sản phẩm bán thành tiền, trừ chi phí mua nguyên vật liệu (xăng dầu, lương thực, thực phẩm…), còn lại chia đều cho những người tham gia đánh bắt (cách chia này dựa trên cơ sở những người tham gia góp vốn ngang nhau và cùng đi đánh bắt).
Trường hợp một thuyền có 6 thành viên tham gia góp vốn mua thuyền và ngư lưới cụ đi đánh bắt cùng. Thành viên nào không đi đánh bắt được phải gọi thêm 1 bạn thuyền (không tham gia góp vốn) thì cách phân chia sản phẩm lại có sự thay đổi. Cụ thể, sản phẩm đánh bắt sau khi trừ chi phí được chia thành 7 phần, trong đó 6 phần chia đều cho 6 người trực tiếp tham gia đánh bắt, còn lại 1 phần nghề, chia đều cho 6 người tham gia hùn vốn. Những người làm công nếu siêng năng, chịu khó sẽ nhận thêm một khoản tiền thưởng. Trường hợp những người lao động thuê là con cháu, hay người nhà của các thành viên có cổ phần, cách thức ăn chia vẫn không có gì khác biệt.
Bên cạnh đó, các hội thuyền còn quy định giải quyết trường hợp thuyền viên không tham gia đánh bắt nhưng vẫn được hưởng thành quả lao động như những người có tham gia. Đó là trường hợp: bị tai nạn trong lúc đánh bắt; bản thân bị ốm đau nặng hay bố mẹ, anh em, con cái… ốm đau nặng mà không có người chăm sóc; bản thân cưới vợ hoặc anh chị em ruột cưới; khi vợ sẩy thai; nhà có người thân qua đời. Thông thường mỗi năm người tham gia đánh bắt được nghỉ 3 ngày phép. Khi rơi vào những trường hợp trên, họ có thể nghỉ đến 15 ngày, hay thậm chí 1 tháng, người cùng hội thuyền sẽ làm giúp. Nếu thời gian nghỉ quá dài mà bạn thuyền không thể tham gia đánh bắt được, người nghỉ có nhiệm vụ tìm người làm thay mình và tự trả tiền công để thuê. Trường hợp người làm thuê không hợp ý với những người trong hội thuyền hoặc làm không đạt thì người nghỉ phải có nhiệm vụ tìm người khác để thay thế.
Ngoài ra, nếu chẳng may xảy ra trường hợp người làm thuê bị chết vì tai nạn trong thời gian đánh bắt, gia đình người bị nạn sẽ được hưởng công trong một thời gian và được hỗ trợ mai táng phí. Khi xảy ra trường hợp này, người mới đi làm hay đã làm lâu năm đều được hưởng quyền lợi như nhau. Điều này tùy thuộc vào quy định của mỗi thuyền, chứ không áp dụng chung cho tất cả.
Quá trình góp vốn cùng nhau làm ăn giữa các bạn thuyền nhìn chung diễn ra suôn sẻ. Tuy nhiên, có nhiều trường hợp sau một thời gian cùng làm với nhau, nảy sinh mối quan hệ bất hòa dẫn đến việc chia tách thuyền, không muốn làm ăn chung với nhau nữa. Nguyên nhân có thể do: bất đồng về tính cách hoặc phân chia sản phẩm không hợp lý; không thống nhất về hướng, địa điểm và cách tổ chức đánh bắt, thiểu số phải theo đa số nhưng nhiều khi quyết định của đa số lại không mang tới hiệu quả; bất đồng trong định giá bán, nơi bán sản phẩm, trong tính công, phân chia thành quả thu được sau đánh bắt cho các thành viên hội thuyền; việc chi tiêu mua sắm vật dụng và lương thực cho các chuyến đi đánh bắt không minh bạch; có những thành viên đủ số vốn muốn tách ra để làm ăn độc lập; có những thành viên không đủ sức khỏe hoặc muốn chuyển đổi sang nghề khác.
Khi mâu thuẫn không thể điều hòa được, dẫn đến quyết định chia tách thuyền, thì cách giải quyết như sau:
Trường hợp thành viên chủ động xin tách khỏi thuyền, thì phải báo trước với hội thuyền để họp, xác định giá trị thực tế của thuyền và ngư cụ đang có làm căn cứ chia tài sản. Nếu hai bên thống nhất được việc định giá, những người xin tách thuyền sẽ được nhận số tiền quỹ còn lại (nếu có) và tiền định giá tài sản (theo cổ phần đã góp).
Trường hợp cả hội thuyền đồng thuận không đi đánh bắt nữa sẽ tiến hành định giá và chia đều cho các thành viên góp vốn. Tuy nhiên, hội thuyền vẫn khuyến khích các thành viên trong hội mua lại thuyền với mục đích không để mất nghề.
Bên cạnh đó, còn có việc các bạn thuyền (dựa vào số đông) buộc thành viên rời khỏi hội thuyền. Họ khéo léo đưa ra một số lý do để các thuyền viên kia vui vẻ chấp nhận việc ra đi. Nếu việc thỏa thuận và định giá tài sản không có lợi cho những người bị bắt ép thì họ được ở lại thuyền. Tất nhiên việc ở lại sẽ khiến cho những người kia không hài lòng, do đó để ép người này ra đi càng sớm càng tốt, họ có thể nhượng bộ một số điều kiện nào đó. Còn nếu như giữa hai bên vẫn chưa tìm được tiếng nói chung, tài sản vẫn chưa được định giá, thì phải nhờ đến sự can thiệp của chính quyền địa phương. Cũng vì những vụ việc như thế này mà có nhiều trường hợp bạn bè không nhìn mặt nhau, quan hệ anh em ruột, thậm chí là cha con cũng trở nên rất gay gắt.
Trước đây, quan hệ chung thuyền - chung lưới là hình thức làm ăn rất phổ biến ở Nghi Sơn. Hiện nay, quan hệ này chỉ còn ở 13 tàu, tập trung ở các hình thức đánh bắt bằng mành chụp và câu vàng. Các thành viên chủ yếu là anh em ruột thịt, anh em vợ, anh em cọc chèo, vì tình cảm thân thiết nên có thể dễ điều hòa được mâu thuẫn, bất đồng xảy ra.
Quan hệ tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau trong quá trình đánh bắt
Trong quá trình đi đánh bắt, nếu trên tàu có người bị ốm đau hoặc tai nạn đột xuất (mức độ nặng), thì mọi công việc đều dừng hẳn để tập trung cứu người. Nếu không may có người tử nạn, mất trên tàu, hội thuyền phải ngừng đánh bắt và di chuyển vào bờ. Những trường hợp này chỉ áp dụng cho các tàu thuyền hoạt động gần bờ và ở tuyến lộng, còn ở ngư trường ngoài khơi, thời gian đánh bắt dài ngày từ 1 - 2 tháng, thì giải quyết việc ốm đau, tử nạn khó khăn hơn rất nhiều. Hiện nay đã có tàu kiểm ngư hoạt động tuần tra trên biển, do đó họ có thể nhờ cứu hộ.
Các tàu thuyền còn có sự giao lưu với những tàu thuyền khác, có thể cùng hoặc khác địa phương, hoạt động cùng tọa độ. Họ kết nghĩa, giúp đỡ nhau khi tham gia đánh bắt trên biển. Khi phát hiện ra nơi có nhiều cá, họ chia sẻ thông tin cho các tàu khác cùng đến khai thác. Nếu chẳng may tàu bị hỏng máy, gặp tai nạn..., thì những tàu cùng tọa độ sẽ giúp đỡ đưa vào bờ. Hiện nay mọi việc trở nên dễ dàng hơn nhờ vào tàu cứu hộ, tuần tra.
Quan hệ giữa người đánh bắt với người tiêu thụ sản phẩm
Đối với ngư dân, việc tiêu thụ sản phẩm luôn là mối quan tâm lớn. Họ đầu tư tiền bạc cho con tàu và bộ ngư lưới cụ, đổ mồ hôi công sức cho mỗi chuyến đánh bắt cũng chỉ mong hải sản bán được giá cao. Nhưng thực tế, nhiều khi họ bị người thu mua sản phẩm ép giá. Hiện nay ở Nghi Sơn có 3 thương lái đứng ra thu mua hải sản và đem đi phân phối ở các địa phương khác. Các thương lái này toàn quyền định giá thu mua sản phẩm đánh bắt của ngư dân, không cho chủ buôn ở các địa phương khác vào thu mua nên ngư dân càng phụ thuộc vào họ.
Giữa người đánh bắt và người tiêu thụ sản phẩm có mối quan hệ hữu cơ mật thiết. Người đánh bắt cần có nơi tiêu thụ ổn định, giá cả hợp lý còn người mua cần có sản phẩm. Nhưng nghịch lý ở chỗ, ngư dân làm ra sản phẩm mà ít có quyền tự quyết giá bán. Đó là bức xúc mà ngư dân luôn phải đối mặt, nhưng đến nay chưa có cơ quan chức năng nào đứng ra giải quyết, bởi lẽ còn phụ thuộc lớn vào sự chi phối của thị trường, sự thỏa thuận trao đổi giữa các bên mua và bán.
Có thể thấy rằng hoạt động đánh bắt hải sản của ngư dân không đơn thuần là kiếm sống mà còn chứa đựng nhiều yếu tố văn hóa, xã hội. Những yếu tố này bao gồm các thiết chế tổ chức, mối quan hệ xã hội của cộng đồng ngư dân trong đánh bắt, phân chia và tiêu thụ sản phẩm.
Chính các quan hệ xã hội và sinh hoạt văn hóa đã giúp cho ngư dân vượt qua được những thử thách hiểm nguy, để kiên cường bám trụ biển khơi.
_______________
1. BCHĐB xã Nghi Sơn, Lịch sử Đảng bộ xã Nghi Sơn 1945 - 2013, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 2013.
2. Dương Thị The, Phạm Thị Thoa, Tên làng xã việt Nam đầu TK XIX thuộc các tỉnh Nghệ Tĩnh trở ra, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1981.
3. Nguyễn Thanh Lợi, Những kiêng kỵ của ngư dân miền Trung Việt Nam, Tạp chí Phát triển kinh tế xã hội Đà Nẵng, số 47, 2013.
Nguồn : Tạp chí VHNT số 385, tháng 7-2016
Tác giả : VŨ VĂN TUYẾN