Quan điểm của V.I.Lênin về nhà nước và việc xây dựng nhà nước pháp quyền ở Việt Nam hiện nay

Tư tưởng về nhà nước có một vị trí đặc biệt quan trọng trong hệ thống lý luận triết học của V.I.Lênin, bởi nó không thuần túy là những lý thuyết khoa học mà gắn bó chặt chẽ với quan điểm chính trị; không đơn giản là những suy tư tinh thần mà gắn liền với những hoạt động thực tiễn sinh động của Người. Chính vì vậy, tìm hiểu những tư tưởng của V.I.Lênin về nhà nước có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với chúng ta trong quá trình xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam hiện nay.

 

     1. Quan điểm triết học của V.I.Lênin về nhà nước

     Những đóng góp to lớn của V.I.Lênin đối với lý luận về nhà nước không chỉ ở việc làm sáng tỏ những quan điểm căn bản của C.Mác và Ph.Ăngghen về nhà nước, đem lại vũ khí lý luận sắc bén cho cuộc đấu tranh của giai cấp công nhân, giành lấy, tổ chức và thực thi quyền lực nhà nước, cũng như đấu tranh chống lại mọi âm mưu hòng xuyên tạc, bẻ cong và nhằm bác bỏ lý luận Mác-xít về nhà nước, mà còn thể hiện ở việc đi sâu, phát triển lý luận Mác-xít về nhà nước trên một số phương diện, phù hợp với trình độ phát triển mới của thực tiễn. Nghiên cứu quan điểm của V.I.Lênin về nhà nước đặc biệt quan trọng đối với việc xây dựng mô hình nhà nước pháp quyền Việt Nam hiện nay, bởi những quan điểm ấy đã được hiện thực hóa, trở thành một thực thể sống động trong thực tiễn đời sống.

     Khái niệm, đặc trưng của nhà nước

     Nhất quán với tư tưởng của C.Mác và Ph.Ăngghen, V.I.Lênin tiếp tục khẳng định rằng, nhà nước là một hiện tượng lịch sử, sự tồn tại và tiêu vong của nó là tùy thuộc vào những điều kiện cụ thể; “nhà nước chỉ là một tổ chức thống trị của một giai cấp”(1) và “bất cứ nhà nước nào cũng là một bộ máy để một giai cấp này trấn áp giai cấp khác” (2). Đối với V.I.Lênin, khái niệm nhà nước là để chỉ bộ máy nhà nước trong xã hội có giai cấp. Ông viết: “Đặc trưng của nhà nước là sự tồn tại của một giai cấp đặc biệt, tập trung quyền lực trong tay. Dĩ nhiên, không ai có thể dùng hai tiếng nhà nước để gọi một cộng đồng, trong đó tất cả mọi thành viên đều thay phiên nhau quản lý tổ chức của trật tự” (3). Chính sự tập trung quyền lực chính trị trong tay một giai cấp đặc biệt là đặc trưng để phân biệt nhà nước với mọi hình thức tổ chức xã hội khác. V.I.Lênin vạch rõ: “Nếu quyền lực chính trị trong nước nằm trong tay một giai cấp có quyền lợi phù hợp với quyền lợi của đa số, thì mới có thể thực hiện việc điều khiển công việc quốc gia thực sự theo đúng nguyện vọng của đa số. Nhưng nếu quyền lực chính trị nằm trong tay một giai cấp có quyền lợi khác với quyền lợi của đa số, thì việc điều khiển công việc quốc gia theo nguyện vọng của đa số không khỏi trở thành một sự lừa gạt, hoặc đưa đến chỗ đàn áp đa số ấy” (4). Ông giải thích: “Quyền chính trị là gì, nếu không phải là cách diễn đạt, là việc ghi nhận so sánh lực lượng?” (5). Đây chính là sự phát triển quan điểm: quyền lực chính trị, theo đúng nghĩa của nó, là bạo lực có tổ chức của một giai cấp để trấn áp một giai cấp khác của C.Mác và Ph.Ăngghen.

     Bản chất giai cấp của nhà nước

     V.I.Lênin khẳng định: “Nhà nước là sản phẩm và biểu hiện của những mâu thuẫn giai cấp không thể điều hòa được. Bất cứ đâu, hễ lúc nào và chừng nào mà, về mặt khách quan, những mâu thuẫn giai cấp không thể điều hòa được, thì nhà nước xuất hiện. Và ngược lại: sự tồn tại của nhà nước chứng tỏ rằng những mâu thuẫn giai cấp là không thể điều hòa được” (6). Nếu như xã hội đã từng tồn tại không cần có nhà nước, thì cùng với sự phát triển của sản xuất, xã hội loài người sớm muộn cũng sẽ đạt tới trình độ loại bỏ nhà nước. V.I.Lênin viết: “Mục đích cuối cùng mà chúng ta theo đuổi, là thủ tiêu nhà nước, nghĩa là thủ tiêu mọi bạo lực có tổ chức và có hệ thống, mọi bạo lực, nói chung, đối với con người. Chúng ta không mong có một chế độ xã hội mà trong đó nguyên tắc thiểu số phục tùng đa số sẽ không được tuân theo. Nhưng khi hướng đến chủ nghĩa xã hội, chúng ta tin chắc rằng chủ nghĩa xã hội sẽ chuyển thành chủ nghĩa cộng sản, và do đó, nói chung sẽ không còn cần thiết phải dùng bạo lực đối với con người, không cần thiết phải buộc người này phục tùng người khác, bộ phận dân cư này phục tùng bộ phận dân cư khác, vì người ta sẽ quen tuân theo những điều kiện thông thường của đời sống tập thể, mà không cần có bạo lực và không cần có phục tùng” (7). Nghĩa là, khi đó nhà nước sẽ tự tiêu vong.

     Tuy nhiên, để nhà nước có thể tự tiêu vong, cần có nhiều điều kiện, trong đó, quan trọng nhất là, nhà nước phải trải qua một hình thức tồn tại đặc biệt: Nhà nước chuyên chính vô sản. Nhưng để có được nhà nước chuyên chính vô sản, tất yếu phải dùng đến bạo lực cách mạng. V.I.Lênin chỉ rõ: “Không có cách mạng bạo lực thì không thể thay nhà nước tư sản bằng nhà nước vô sản được. Việc thủ tiêu nhà nước vô sản, nghĩa là việc thủ tiêu mọi nhà nước, chỉ có thể thực hiện được bằng con đường tiêu vong thôi” (8). Bạo lực cách mạng là phương thức duy nhất để một giai cấp mới, tiến bộ giành lấy quyền lực chính trị. Điều đó đúng với giai cấp vô sản và hơn thế, với giai cấp vô sản, bạo lực cách mạng còn phải thực hiện một nhiệm vụ quan trọng nữa, đó là đập tan bộ máy nhà nước cũ trước khi bắt tay xây dựng nhà nước kiểu mới.

     Tính chất của nhà nước

     Tính chất đặc biệt của nhà nước chuyên chính vô sản với tư cách hình thức chuyển tiếp trước khi đạt đến trạng thái tự tiêu vong của nhà nước được V.I.Lênin làm rõ trong việc phân tích mối quan hệ biện chứng giữa tính chuyên chính và tính dân chủ của nhà nước.

     Trước hết, V.I.Lênin khẳng định, “trong thời kỳ quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa cộng sản, sự trấn áp vẫn còn tất yếu, nhưng nó đã là sự trấn áp của đa số bị bóc lột đối với thiểu số bóc lột. Cơ quan đặc biệt, bộ máy trấn áp đặc biệt là nhà nước vẫn còn cần thiết, nhưng là nhà nước quá độ, mà không còn là nhà nước theo đúng nghĩa của nó nữa” (9) và nhà nước vô sản phải là một công cụ, một phương tiện; đồng thời, là một biểu hiện tập trung trình độ dân chủ của nhân dân lao động. Dân chủ trong xã hội chủ nghĩa chính là nhân dân tham gia vào mọi công việc của nhà nước. Theo Người, điều cần thiết không phải chỉ là cơ quan đại biểu theo kiểu chế độ dân chủ, mà là toàn bộ việc quản lý nhà nước từ dưới lên phải do bản thân quần chúng tổ chức, quần chúng thực sự tham gia vào từng bước của cuộc sống và đóng vai trò tích cực trong việc quản lý.

     V.I.Lênin cho rằng, nếu tính giai cấp là bản chất của mọi nhà nước, thì dân chủ hay chuyên chính cũng chỉ là hai mặt của bản chất đó mà thôi, “bất cứ một nhà nước nào cũng đều có nghĩa là dùng bạo lực; nhưng toàn bộ sự khác nhau là ở chỗ dùng bạo lực đối với những người bị bóc lột hay đối với kẻ đi bóc lột, ở chỗ có dùng bạo lực đối với giai cấp những người lao động và những người bị bóc lột không” (10). Đối với V.I.Lênin: “Chuyên chính cách mạng của giai cấp vô sản là một chính quyền do giai cấp vô sản giành được và duy trì bằng bạo lực đối với giai cấp tư sản...” (11).

     Chuyên chính vô sản không hề đối lập với dân chủ, mà là phần bổ sung, là hình thức thể hiện của dân chủ, “chuyên chính vô sản, nghĩa là việc tổ chức đội tiền phong của những người bị áp bức thành giai cấp thống trị để trấn áp bọn áp bức, thì không thể giản đơn đóng khung trong việc mở rộng chế độ dân chủ được. Đồng thời với việc mở rộng rất nhiều chế độ dân chủ - lần đầu tiên biến thành chế độ dân chủ cho người nghèo, chế độ dân chủ cho nhân dân chứ không phải cho bọn nhà giàu - chuyên chính vô sản còn thực hành một loạt biện pháp hạn chế quyền tự do đối với bọn áp bức, bọn bóc lột, bọn tư bản” (12).

     Điều cần quan tâm là, trong xã hội, xã hội chủ nghĩa (XHCN) - lực lượng đóng vai trò thống trị và nắm quyền chuyên chính, dân chủ và pháp luật là đại đa số nhân dân lao động, “dân chủ cho tuyệt đại đa số nhân dân và trấn áp bằng vũ lực bọn bóc lột, bọn áp bức nhân dân, nghĩa là tước bỏ dân chủ đối với bọn chúng: đó là sự biến đổi của chế độ dân chủ trong thời kỳ quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa cộng sản” (13).

     Như vậy, sự phát triển của V.I.Lênin đối với quan điểm của C.Mác và Ph.Ăngghen về nhà nước, điểm quan trọng nhất chính là ở chỗ, đặc tính phổ biến của mọi nhà nước đó là giai cấp. Như thế, biểu hiện về mặt lịch sử trong suốt quá trình phát triển của xã hội loài người là mối quan hệ biện chứng của hai mặt chuyên chính và dân chủ. Rõ ràng, trên phương diện này, nhà nước là một cách thức tổ chức đời sống xã hội, một giai đoạn trong tiến trình phát triển của xã hội, là một vòng khâu của sự phát triển. Đây chính là quan niệm duy vật và biện chứng có tính nguyên tắc trong việc lý giải đời sống xã hội nói chung, vấn đề nhà nước nói riêng và gắn liền với những cố gắng to lớn của V.I.Lênin trong sự phát triển chủ nghĩa Mác. Đồng thời, đây cũng là lý luận gốc đúng đắn để Đảng, Nhà nước ta vận dụng vào việc xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN ở Việt Nam hiện nay.

     2. Xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN ở Việt Nam hiện nay

     Tầm quan trọng của Nhà nước pháp quyền XHCN ở Việt Nam

     Nhà nước pháp quyền là một mô hình, phương thức tổ chức nhà nước và xã hội dựa trên nền tảng dân chủ và tinh thần thượng tôn Pháp luật. Đảng ta đã nhận thức được tính tất yếu khách quan, cấp thiết việc xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam, như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sớm chỉ ra: “Trăm điều phải có thần linh pháp quyền”. Từ Hội nghị đại biểu toàn quốc giữa nhiệm kỳ khóa VII (tháng 1-1994), Đảng ta đã chính thức nêu vấn đề xây dựng Nhà nước pháp quyền thực sự của dân, do dân, vì dân. Trải qua các hội nghị và các kỳ đại hội Đảng, nhất là từ Đại hội VIII (năm 1996) đến nay, nhận thức của Đảng ta về Nhà nước pháp quyền XHCN và việc xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN ngày càng được bổ sung, có những bước phát triển quan trọng. Gần đây nhất, tại Đại hội XII, Đảng ta có những bổ sung, phát triển lý luận về xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN, trong đó vừa làm sâu sắc thêm những quan điểm, tư tưởng đã được thể hiện nhất quán trong các văn kiện trước đó của Đảng, vừa có những phát triển mới đáp ứng đòi hỏi của tình hình thực tiễn.

     Thực tiễn quá trình xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN ở Việt Nam

     Báo cáo chính trị Đại hội XII của Đảng nêu vấn đề: “Xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN”. Xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền đều là những nhiệm vụ quan trọng, được tiến hành đồng thời, bổ khuyết cho nhau, xây dựng cũng chính là hoàn thiện, vừa xây dựng vừa hoàn thiện; ngược lại, trong hoàn thiện có xây dựng. Quá trình hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN sẽ là quá trình không ngừng nâng cao nhận thức lý luận, tiếp thu có chọn lọc các giá trị phổ biến của Nhà nước pháp quyền nói chung và đúc kết kinh nghiệm thực tiễn lãnh đạo quá trình xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam nói riêng.

     Theo tinh thần đó, Đảng, Nhà nước chú trọng rà soát lại toàn bộ hệ thống thể chế, luật pháp, cơ chế, chính sách và môi trường, điều kiện để đạt được mục đích thiết lập bộ máy nhà nước tinh gọn, hiệu quả, bảo đảm phát huy cao nhất quyền làm chủ của nhân dân, vừa bảo đảm là công cụ quan trọng nhất để giữ vững định hướng chế độ, vừa phù hợp với xu thế phát triển chung của thế giới. Quá trình hoàn thiện sẽ bổ khuyết những gì còn thiếu mà chúng ta đã xây dựng, thay thế những gì đã có nhưng không còn phù hợp. Đây không phải là sự chuyển hướng trong cách tiếp cận, mà là sự nhấn mạnh của Đảng về những nhiệm vụ cần làm đối với vấn đề xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền trong thời gian tiếp theo.

     Văn kiện Đại hội XII của Đảng đã nhìn nhận thẳng thắn, đánh giá đúng những ưu điểm và nghiêm khắc chỉ ra những tồn tại, hạn chế trong xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN ở nước ta trong thời gian qua, đồng thời, xác định những nguyên nhân cốt lõi nhất của hạn chế, khuyết điểm. Theo đó, những tồn tại, hạn chế trong xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền ở nước ta trong thời gian qua được Đảng ta chỉ ra bao gồm cả những vấn đề thuộc về thể chế, cơ chế, chính sách; cả về tổ chức và hoạt động; cả về yếu tố con người.

     Về nguyên nhân của những hạn chế, Báo cáo chính trị Đại hội XII của Đảng không trình bày dàn trải mà chỉ tập trung vào hai nguyên nhân cơ bản nhất: “Xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN là vấn đề mới đối với nước ta. Sự phân định giữa vai trò lãnh đạo của Đảng và vai trò quản lý, điều hành của Nhà nước còn những nội dung chưa rõ; phương thức và cơ chế lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước ở các cấp còn nhiều điểm chưa được chế định rõ và phù hợp với nguyên tắc của Nhà nước pháp quyền. Tổ chức thực hiện Pháp luật và pháp chế XHCN chưa nghiêm” (14). Nếu nguyên nhân thứ nhất là khách quan, thì nguyên nhân thứ hai là chủ quan, trong đó tập trung trọng tâm vào vai trò của Đảng. Cách nhìn nhận, đánh giá như vậy cho thấy, Đảng ta đã sẵn sàng cho một sự “chuyển mình” cả về nhận thức và hành động trong thời gian tới, nhằm tháo gỡ, minh bạch, chính xác hóa mối quan hệ Đảng - Nhà nước. Đây cũng chính là then chốt cho sự hoàn thiện Nhà nước pháp quyền ở nước ta hiện nay.

     Phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp nhằm xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam

     Báo cáo chính trị Đại hội XII đã dành riêng một ý trong phần phương hướng, nhiệm vụ để khẳng định: “Tiếp tục hoàn thiện và xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN do Đảng lãnh đạo là nhiệm vụ trọng tâm của đổi mới hệ thống chính trị” (15). Tuy đây là sự tiếp tục quan điểm nhất quán của Đảng ta, song việc nhấn mạnh này trong văn kiện Đại hội đã cho thấy rõ quyết tâm chính trị của toàn Đảng. Đảng ta chỉ rõ: “Trong tổ chức và hoạt động của Nhà nước, phải thực hiện dân chủ, tuân thủ các nguyên tắc pháp quyền và phải tạo ra sự chuyển biến tích cực, đạt kết quả cao hơn. Xây dựng Nhà nước pháp quyền phải tiến hành đồng bộ cả lập pháp, hành pháp, tư pháp và được tiến hành đồng bộ với đổi mới hệ thống chính trị theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; gắn với đổi mới kinh tế, văn hóa, xã hội” (16). Mối quan hệ giữa đổi mới kinh tế với đổi mới chính trị là một trong tám mối quan hệ lớn cần nắm vững và tập trung giải quyết đã được Đảng ta xác định. Trong đổi mới chính trị, nhiệm vụ xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN do Đảng lãnh đạo là nhiệm vụ trọng tâm, có vai trò chi phối, quyết định đến các nhiệm vụ khác và đến việc giải quyết mối quan hệ lớn này.

     Để quá trình xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong thời gian tới đạt hiệu quả, cần phải thực hiện một số giải pháp cơ bản sau:

     Tiếp tục hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức của Nhà nước theo quy định của Hiến pháp năm 2013, đáp ứng các đòi hỏi của Nhà nước pháp quyền XHCN trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế.

     Đẩy mạnh việc hoàn thiện pháp luật gắn với tổ chức thi hành pháp luật nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả của Nhà nước pháp quyền XHCN. Bảo đảm pháp luật vừa là công cụ để Nhà nước quản lý xã hội, vừa là công cụ để nhân dân làm chủ, kiểm tra, giám sát quyền lực nhà nước. Quản lý đất nước theo pháp luật, đồng thời coi trọng xây dựng nền tảng đạo đức xã hội.

     Xác định rõ cơ chế phân công, phối hợp thực thi quyền lực nhà nước, nhất là cơ chế kiểm soát quyền lực giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp trên cơ sở quyền lực nhà nước là thống nhất; xác định rõ hơn quyền hạn và trách nhiệm của mỗi quyền.

     Thực hiện thí điểm dân trực tiếp bầu một số chức danh ở cơ sở và ở cấp huyện. Mở rộng đối tượng thi tuyển chức danh cán bộ quản lý. Hoàn thiện tiêu chí đánh giá và cơ chế kiểm tra, giám sát, kiểm soát việc thực thi công vụ; xác định rõ quyền hạn, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan hành chính.

     Có thể nói, xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam là chủ trương, đường lối có tính chiến lược của Đảng và Nhà nước ta, xuất phát từ đòi hỏi tất yếu, khách quan của thực tiễn xây dựng và phát triển đất nước. Trên cơ sở kế thừa những thành tựu cả về nghiên cứu lý luận triết học của V.I.Lênin về nhà nước lẫn thực tiễn triển khai xây dựng Nhà nước pháp quyền đã có, Đại hội XII đã có nhiều phát triển mới về xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam cả trên phương diện hình thức trình bày, cách diễn đạt, cả trên phương diện nội dung các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu nhằm đẩy mạnh xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam. Xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN là nhiệm vụ của toàn bộ hệ thống chính trị và của toàn dân. Trên cơ sở nắm vững đường lối, quan điểm của Đảng, mỗi tổ chức, cá nhân cần xác định rõ trách nhiệm của mình trong việc đóng góp công sức, trí tuệ để xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN, góp phần củng cố chế độ, đưa nước ta hội nhập sâu rộng với quốc tế, ngày càng phồn vinh, phát triển.

____________

1. V.I.Lênin, Toàn tập, tập 32, Nxb Tiến bộ, Moscow, 1981, tr.303.

2. 12. V.I.Lênin, sđd, tập 37, tr.122, 297.

3. V.I.Lênin, sđd, tập 1, 1978, tập 1, tr.550.

4. V.I.Lênin, sđd, tập 34, 1976, tr.52.

5. V.I.Lênin, sđd, tập 21, 1980, tr.150.

6, 7, 8, 9, 13. V.I.Lênin, sđd, tập 33, 1976, tr.9, 101, 28, 111, 109.

10. V.I. Lênin, sđd, tập 31, 1981, tr.356.

11. V.I. Lênin, sđd, tập 43, 1978, tr.380.

14, 15, 16. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016.

 

Tác giả: Đinh Thị Loan

Nguồn: Tạp chí VHNT số 417, tháng 3-2019

 

 

;