Phú Thọ - Đất Tổ Hùng Vương là nơi hội tụ, sinh sống của 34 dân tộc anh em. Mỗi độ Tết đến Xuân về, đồng bào các dân tộc nơi đây có khá nhiều hình thức văn nghệ, trò chơi theo phong tục tập quán truyền thống của dân tộc mình để đón mừng năm mới.
Đánh cồng chiêng của đồng bào Mường ở xã Tân Lập, huyện Thanh Sơn
Đồng bào Mường ở Phú Thọ sống tập trung chủ yếu ở 3 huyện Thanh Sơn, Tân Sơn, Yên Lập và 02 xã Yến Mao, Phượng Mao huyện Thanh Thuỷ. Người Mường ở đây có nhiều hình thức vui chơi như: ném còn, đu cọn, sắc bùa, đâm đuống, chàm thau, múa mỡi, múa trống đu và nhiều loại hình diễn xướng dân gian: hát rang, hát ví, hát ru…
Hội còn mùa Xuân là trò chơi phổ biến của các dân tộc miền núi. Bà con Mường, Tày, Dao đều tổ chức hội còn trong những ngày đầu năm. Đồng bào chọn bãi đất rộng, bằng phẳng trồng 1 cây tre, trên ngọn treo 1 vòng tròn dán giấy 2 mặt. Mặt trắng đề chữ “Nguyệt”, mặt đỏ là chữ “Nhật”. Quả còn có 2 dạng là hình tròn và hình vuông. Dưới chân cột, có treo một ít tiền thưởng dành cho người chơi còn đầu tiên ném rách vòng. Người Mường ở Phú Thọ mở hội ném còn từ mùng 4 đến mùng 7 Tết âm lịch. Theo tục lệ, con trai là người ném đầu tiên và chỉ khi có người ném rách vòng thì trai gái mới vào cuộc ném còn. Xưa kia, trước khi ném còn, Thổ lang làm lễ cúng, cầu cho mọi việc được thuận buồm xuôi gió. Lễ vật bày ở chân cột có ván xôi con gà và nậm rượu, cầu cho một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, bản làng yên vui…
Chơi đu là hình thức chơi dành cho nam thanh, nữ tú - thường diễn ra vào những ngày đầu Xuân hoặc khi làng, bản mở hội.
Khen ai khéo dựng đu này
Để cho trai gái chơi ngày, chơi đêm
Đu thường tổ chức với hai hình thức: đu bay và đu cọn (còn gọi là đu xe). Đu bay là hình thức chơi đu phổ biến của người Kinh, còn đu cọn chỉ phổ biến ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đu cọn làm giống cái cọn guồng nước, có nơi gọi là đu xe vì trông nó giống cái bánh xe. Mỗi cọn có bốn bàn ngồi, người chơi ngồi trong bàn, xen kẽ một bàn nam một bàn nữ. Chơi đu cọn phải có người đẩy cho đu quay vòng và người ngồi đu phải hát mới đúng lệ. Người Mường ở Thanh Sơn, Tân Sơn, Yên Lập có câu: “Chơi đu phải biết hò đu, bao nhiêu trai, gái lên đu phải hò”. Người Mường còn có tục hát sắc bùa, một loại hình ca hát phong tục chúc Tết, mừng Xuân. Hát sắc bùa có nghĩa là “Xách cồng” cho phường bùa thực hiện. Mỗi phường sắc bùa có từ 10 - 20 người cả già lẫn trẻ, ngày tết họ đi hát ở các bản trong vùng tạo nên không khí vui tươi, náo nức.
Trong kho tàng văn nghệ dân gian của người Mường, không thể không nói đến nhạc cụ cồng chiêng. Người Mường sử dụng cồng chiêng trong hầu hết sinh hoạt văn hóa xã hội như hội sắc bùa, hội xuống đồng, hội đi săn, mừng lúa mới, mừng nhà mới, mừng đám cưới… Tục đâm đuống, chàm thau (đánh trống đồng) là những sinh hoạt văn hoá dân gian đặc sắc của người Mường. Đâm đuống tổ chức vào đêm giao thừa và vào 3 giờ sáng ngày mùng một Tết Nguyên đán. Đâm đuống không chỉ là tiếng giã gạo thông thường mà còn là hiệu lệnh truyền tin của bản làng với trời đất với cầu mong năm mới no đủ, yên vui.
Đồng bào Dao ở Phú Thọ có tục đón năm mới khá độc đáo. Người Dao làm những túp lều xinh xắn ở gần nhà, trong đó họ bày rượu thịt và cắm hoa rừng màu đỏ. Nhà nào cũng nấu 1 loại rượu màu đỏ, vàng vừa có vị cay, vị đắng, vị ngọt... khi uống phải lọc qua vải. Gà, lợn chuẩn cho Tết trước đó không thả rông để vỗ béo gọi là “tung cọc”, “chai cọc”. Đồng bào chuẩn gạo nếp thật ngon để gói các loại bánh truyền thống: bánh chưng, bánh rán, bánh bìa, bánh lá; chuẩn bị món thịt khô gọi là “Ó kháng” - món truyền thống để cúng tổ tiên. Trai gái trong bản chuẩn bị những bộ áo quần mới; đặc biệt; con gái phải có chiếc khăn nhiễu tua đỏ, đôi xà cạp hoa, con trai đội khăn nhiễu và khăn trắng. Đêm giao thừa, gia chủ thắp hương khấn vái tổ tiên phù hộ cho cả nhà cấy lúa lúa tốt, đi săn được nhiều thú rừng. Sau khi khấn tổ tiên xong, các gia đình mang pháo làm bằng ống nứa ra đốt. Ống nứa được bịt kín 2 đầu đặt vào lửa đốt gọi là “Páo pồng tô” mang ý nghĩa xua đuổi ma quỷ, đón điều may mắn tốt lành trong năm mới. Sáng mùng một Tết, các cụ già đi quanh nhà gọi hồn vía người thân về, làm những con hoẵng bằng quả đu đủ và hoa chuối rừng... rồi đàn ông lấy nỏ, súng kíp bắn vào để chúc 1 năm mới được nhiều thắng lợi.
Người Mông ở Phú Thọ quan niệm 1 năm có 12 tháng (họ không theo lịch âm hoặc lịch dương), mỗi tháng 30 ngày, hết ngày 30 của tháng cuối cùng là Tết đến; họ ăn Tết từ mười rằm tháng chạp đến mười rằm tháng giêng. Thời gian này cũng là lúc hội Xuân được mở tưng bừng tại các bản Mông ở vùng cao. Người Mông có hội “Gàu tào” và hội “ Sải sán” tổ chức từ mùng 3 Tết. “Gàu tào” có nghĩa là đi chơi ngoài trời, còn “Sải sán” là chơi núi. “Gàu tào” ngoài ý nghĩa vui chơi Xuân còn ý nghĩa tín ngưỡng tạ ơn ông trời trừ bệnh tật cho con người. Hội “Sải sán” mang ý nghĩa cầu phúc, cầu đinh. Ở hội “Gàu tào”, vui nhất là múa khèn. Múa khèn được các chàng trai Mông thể hiện say sưa, âm điệu da diết thu hút nhiều người xem, nhất là các cô gái. Ngày Xuân người Mông còn có trò chơi “Đánh Én”, hay chơi cầu lông gà được trai, gái trong bản ưa thích.
Người Cao Lan ở Phú Thọ chuẩn bị đón Tết từ đầu tháng chạp. Đến ngày 28 Tết, họ dừng mọi việc để rửa các nông cụ như cày bừa, cuốc xẻng xếp vào góc nhà. Họ chia bánh cho từng loại nông cụ: một chiếc bánh chưng cho cày, một chiếc cho bừa, một chiếc chia chung cho các loại cuốc xẻng, cối xay, cối giã… Người ta thắp hương cắm vào những chiếc bánh đó. Riêng con trâu được chia mỗi ngày Tết một cái bánh chưng. Người Cao Lan coi đây là việc trả công cho vật dụng, vật nuôi đã cùng mình lao động vất vả quanh năm. Việc xuất hành trong ngày mùng một Tết được đồng bào lựa chọn kỹ lưỡng. Mỗi nhà cử 1 người đi cùng trưởng bản đến một nơi đã định trước để hái lộc đầu Xuân. Người ta chọn một cây có cành lá sum xuê, không bị sâu bọ, mỗi người hái 2 cành, 1 cành mang ra đình làng, 1 cành mang về cắm trước cửa nhà. Người Cao Lan coi đó là sự hái và chia lộc (một cho làng, một cho gia đình mình), sau đó mới đến nhà nhau để chúc Tết. Tục xông nhà của người Cao Lan cũng khá đặc biệt. Người nào trong năm cảm thấy cuộc sống của mình không trọn vẹn thì không đến xông nhà cho bất cứ ai, dù là người thân. Người Cao Lan còn có tục lấy nước đầu năm mới: sau khi cúng giao thừa, mọi người ra giếng múc một xô nước đầy mang về nhà. Một con gà đã mổ thịt từ chiều 30 Tết được luộc bằng nước này để cúng đầu năm.
Xuân mới, Xuân Tân Sửu 2021 đang về trên quê hương Phú Thọ. Mỗi một dân tộc với phong tục tập quán truyền thống đón Tết, vui Xuân của mình đã góp phần tạo nên bức tranh đa sắc màu trong văn hóa Tết của người Việt Nam.
Tác giả: Trần Văn Quang
Nguồn: Tạp chí VHNT số 450, tháng 1-2021