Hai đời vua cùng giữ một chữ “Tín”

Chữ “Tín” này là lời hứa của hai đời vua Lê Thái Tông, Lê Nhân Tông đối với Trịnh Thiết Trường, người làng Nhân Lý, huyện Yên Định, xứ Thanh Hoa (nay là thôn Đông, xã Hạnh Phúc, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa). Trịnh Thiết Trường nổi danh trong lịch sử khoa cử Việt Nam với 2 lần được khắc tên trong bia tiến sĩ ở Văn miếu Quốc Tử Giám (Hà Nội).

Như chúng tôi từng đề cập đến khoa thi năm 1442. Ở khoa thi đầu tiên và duy nhất của thời Lê Sơ mà Nguyễn Trãi làm chủ khảo ấy, nếu Nguyễn Trực, Nguyễn Như Đổ, Lương Nhữ Hộc lần lượt đỗ Trạng nguyên, Bảng nhãn, Thám hoa thì Trịnh Thiết Trường có tên trong danh sách “bọn Ngô Sĩ Liên 23 người đỗ Đồng Tiến sĩ xuất thân” (Đại Việt sử ký toàn thư, Nxb Văn học, Hà Nội, 2009, tr.577)…

Sau khi triều đình công bố kết quả, vì thấy mình ở thứ bậc 24/33 chung cuộc, không có tên trong bảng Tam khôi (Trạng nguyên, Bảng nhãn, Thám hoa), chưa xứng với sức học của bản thân, Trịnh Thiết Trường đã từ chối nhận học vị Tiến sĩ. Quan trường gọi tên đến 3 lần trong lễ xướng danh, ông vẫn không lên tiếng. Thấy chuyện lạ, vua Lê Thái Tông cho hỏi nguyên do, ông đã bày tỏ ý chí, nguyện vọng muốn thi lại lần sau để đỗ cao hơn. Nhà vua lập tức hứa: nếu sĩ tử cao niên họ Trịnh (Trịnh Thiết Trường bấy giờ đã ngoài 50 tuổi) đỗ vào hàng Tam khôi ở kỳ thi lần sau, sẽ được kết hôn với công chúa đang 10 tuổi.

Đúng với ý chí, nguyện vọng đã bày tỏ với nhà vua, 6 năm sau, vào lúc nhà nước mở khoa thi Mậu Thìn đời Lê Nhân Tông (Lê Thái Tông băng hà sau kỳ thi năm Nhâm Tuất - 1442 chỉ vài tháng), Trịnh Thiết Trường lại khăn gói về kinh ứng thí. Lần này ông đạt sở nguyện, giành học vị Bảng nhãn (chỉ sau Trạng nguyên Nguyễn Nghiêu Tư). Sử sách nước nhà còn ghi lại rằng: Năm ấy, “thi Hội các nhân sĩ trong nước, lấy đỗ 8 người. Đến khi thi Đình, vua thân ra đầu đề văn sách, hỏi về lễ nhạc hình chính, cho Nguyễn Nghiêu Tư đỗ Trạng nguyên, Trịnh Thiết Trường đỗ Bảng nhãn, Chu Thiêm Uy đỗ Thám hoa lang, bọn Nguyễn Mậu 12 người đỗ Tiến sĩ, bọn Đoàn Nhân Công 13 người đỗ Phụ bảng (Nghiêu Tư người huyện Vũ Ninh, Thiết Trường người huyện Yên Định, Thiêm Uy người huyện Tứ Kỳ)” (Đại Việt sử ký toàn thư, sách đã dẫn, tr.590).

Khi các vị tân đại khoa vào chầu, vua Lê Nhân Tông dành lời khen ngợi đặc biệt cho Trịnh Thiết Trường và nhớ lời hứa của tiên đế, gả chị gái mình là công chúa Thụy Bảo cho vị Bảng nhãn thứ hai của nhà Lê Sơ. Ban đầu, Trịnh Thiết Trường tâu bày rằng, ông đã ngoài 60 tuổi mà công chúa mới 16, sợ không xứng… nhưng vua con Lê Nhân Tông vẫn quyết tâm thực hiện lời hứa của vua cha Lê Thái Tông bởi Lê Nhân Tông tuy còn trẻ song cũng hiểu thế nào là tín nghĩa, người đứng đầu nhà nước mà không biết giữ chữ “Tín” thì không thể “tu thân, tề gia” chứ đừng nói tới “trị quốc, bình thiên hạ”!

Chuyện hai đời vua cùng giữ một chữ “Tín” trên đây thật đáng để chúng ta suy ngẫm!

Riêng về Trịnh Thiết Trường, thời gian sau ông được bổ giữ các chức Trung thư xá nhân, An phủ sứ, Hàn lâm viện thị giảng, Đô cấp sự trung… Năm Đinh Sửu (1457), ông được cử làm Phó sứ sang nước Minh; về nước được thăng Hữu thị lang trước khi làm Thượng thư bộ Công, tước Nghi quận công… 10 năm sau, ông làm Hàn lâm thị giảng học sĩ quyền Công bộ Hữu thị lang.

Trịnh Thiết Trường làm quan trải 3 triều vua (Lê Nhân Tông, Lê Nghi Dân, Lê Thánh Tông). Ông được đánh giá là người cương trực, tận tụy, thanh liêm…

Tác giả: Thanh Hà

Nguồn: Tạp chí VHNT số 450, tháng 1-2021

 

;