Làm phim theo xu hướng nào thực sự đang là vấn đề khiến nhiều nghệ sĩ điện ảnh quan tâm. Một trong những xu hướng làm phim nổi bật hơn cả mà chúng ta thấy hiện nay là các đạo diễn đang đi vào khai thác những vấn đề thầm kín, thuộc về bản năng con người, điều mà trước đây phim truyện Việt Nam thường né tránh.
Ngày nay, sự biến đổi ngày càng mãnh liệt của đời sống đã giúp các nhà làm phim Việt Nam mở rộng biên độ đề tài và tư tưởng tác phẩm. Cách nhìn nhận những vấn đề riêng tư của con người cũng cởi mở, phóng khoáng hơn nhiều. Không chỉ khai thác đề tài về đời sống, bi kịch con người trong chiến tranh, hậu chiến hay đề tài nông thôn..., các nhà làm phim còn đi vào khám phá đời sống tình cảm cá nhân, tình yêu, tình dục, những vấn đề thầm kín nhất của con người trong cuộc sống hiện đại.
Rõ ràng, khi đi vào những vấn đề ấy, các nhà làm phim Việt Nam đã tạo nên những dấu ấn mới lạ, gây được xúc động, chẳng hạn như Chuyện tình trong ngõ hẹp, Cây bạch đàn vô danh, Khoảng vỡ, Đời cát, Thung lũng hoang vắng, Người đàn bà mộng du… Có thể nói, Đoàn Minh Tuấn và Nguyễn Thanh Vân đã đề cập khá sớm đến vấn đề tình cảm thầm kín của con người qua Chuyện tình trong ngõ hẹp, đặc biệt là mối quan hệ tình cảm giữa hai mẹ con Sinh và anh thợ điện Toàn. Sự thầm kín trong quan hệ tay ba ấy biểu hiện ở chỗ hai mẹ con Sinh đều có tình cảm với một người đàn ông, rồi ghen tuông, dằn vặt, đau khổ... Sinh cũng như tất cả những người phụ nữ sống trong cái ngõ đàn bà ấy là những kẻ cô đơn, khát khao tình yêu, hạnh phúc... Anh thợ điện Toàn đã yêu, rồi đến sống với Sinh và Hà. Sự xuất hiện của người đàn ông đã làm xôn xao, khuấy động cả cuộc sống vốn dĩ buồn tẻ của cái ngõ đàn bà và của Hà - cô con gái đương độ tuổi mới lớn, đã biết đến những rung động tình cảm đầu đời, nhạy cảm với những va chạm thân thể với người khác giới. Những cuộc ân ái giữa Toàn và người mẹ đã khiến cho cô gái nhỏ bị ám ảnh, bị kích thích mạnh mẽ. Còn Sinh, chứng kiến sự chiều chuộng của Toàn dành cho cô con gái, Sinh đã ngấm ngầm ghen tuông... Đó là những tình huống xen lẫn tình cảm vô cùng phức tạp. Những cảnh sex giữa Toàn và Sinh, rồi cảnh Toàn đo cánh tay trần cho Hà… xuất hiện khá nhiều trên phim và đã hỗ trợ ý nghĩa tư tưởng cho bộ phim. Đó là những cảm xúc, trạng thái rất bình thường nhưng không đơn thuần bản năng, mà còn chứa đựng tâm tư, nguyện vọng, tình cảm sâu kín nhất của con người trong cuộc sống hiện đại. Bộ phim đã đạt tới cái đẹp, cái thiện và tính thẩm mỹ, đem lại cho người xem những suy ngẫm sâu sắc. Giá trị lớn nhất của Chuyện tình trong ngõ hẹp là đã phản ánh hiện thực xã hội một cách táo bạo, mới mẻ với những vấn đề thầm kín, ẩn ức nội tâm, cảnh sex và trạng thái tâm lý phức tạp của con người.
Trong Đời cát, Thanh Vân không chỉ khai thác hậu quả, vết thương chiến tranh về mặt thể xác, mà còn đi sâu vào những tổn thương trong tâm hồn con người. Ông Cảnh xa gia đình 20 năm đi chiến đấu nay trở về trong niềm xúc động đến sững sờ của người vợ cũ. Thoa đã chờ đợi ông đến kiệt sức, héo mòn cả tuổi thanh xuân. Sau những giây phút ngắn ngủi, dâng tràn xúc động là một nỗi đau thắt tim khi đêm hôm ấy bà Thoa biết rằng mình không còn ham muốn quan hệ vợ chồng, không đáp ứng được đòi hỏi tình dục của người chồng. Còn ông Cảnh vì thương vợ và ông cố nhen nhóm lại chút nghĩa vợ chồng nhưng dường như 20 năm xa mặt cách lòng, tình yêu như đã lụi tàn và chỉ còn lại một nỗi xót xa, thất vọng trước gương mặt, thân thể đã khô cứng của Thoa. Sự xuất hiện của người vợ hai Tâm còn trẻ đẹp, xuân sắc phơi phới đã làm cho câu chuyện trở nên phức tạp và khó xử. Dưới một mái nhà, một người đàn ông và 2 người vợ đã xảy ra những tình huống éo le, những xung đột tâm lý, những trạng thái phức hợp, khó khăn đến mức căng thẳng. Có thể nói, đi xem tuồng là một trong những trường đoạn khá đắt, gây cười nhưng là cái cười ra nước mắt: Tâm giục chồng và người vợ cả mà trong đó chứa đựng sự rụt rè, e ngại của người phụ nữ luôn ý thức được thân phận vợ hai. Ông Cảnh kêu đã xem rồi và từ chối không đi để có cớ ở nhà với Tâm. Còn Thoa đang xăng xái chuẩn bị đi thì đột nhiên cáo ốm và nhất định không đi. Ông Cảnh và Tâm đành vội vã đưa con đi, và họ chưa kịp ra đến ngoài đường thì bà Thoa chạy theo. Cho đến khi đang ngồi xem, bà Thoa bỗng thấy ông Cảnh và Tâm biến mất thì ngọn lửa hờn ghen, đau khổ trong mắt bà, như bùng cháy. Hai người đàn bà với hai nỗi đau của trái tim ứa máu, hoặc là họ giành giật cho mình người chồng mà họ hết mực yêu mến, hoặc là họ nén lòng nhường nhịn chọn phần thiệt về mình. Nhưng cả ba con người đáng thương ấy đều có chung một nỗi sợ vô tình làm tổn thương nhau. Trong những hoàn cảnh, những tình huống hết sức éo le, khó xử như vậy, họ vẫn nghĩ cho nhau. Và chính điều đó đã cho ta thấy ở họ toát lên sự hy sinh cao đẹp. Có một tuyến nhân vật khác tạo thêm bề dày cho sự đa diện trong mối quan hệ của các nhân vật và làm tăng giá trị tư tưởng nhân đạo của bộ phim. Đó là Huy cụt và cô Hảo - người đàn bà quá lứa nhỡ thì, tàn phế bởi chiến tranh đã cướp đi trọn đôi chân, nhưng cô vẫn là một con người bình thường. Trong cô vẫn tiềm ẩn và luôn khao khát một tình yêu lứa đôi, khao khát có một đứa con với Huy để cuộc sống bớt phần lay lắt, nghiệt ngã. Sự mô tả tỉ mỉ, tinh tế qua những cảnh phim đã nói lên được nỗi khát khao, thèm muốn, những ước vọng giản dị nhưng thầm kín nhất của con người. Điều đó đã khiến cho Đời cát trở thành một bộ phim xúc động về tình yêu, về hạnh phúc của những con người bé nhỏ, đức hạnh nhưng có những phẩm chất, nghĩa cử hết sức cao cả và hướng thiện.
Hay trong Thung lũng hoang vắng, Nhuệ Giang dường như đã đi tới tận cùng thế giới nội tâm của những người phụ nữ và xa hơn nữa là của những con người cô đơn trong xã hội hiện đại ở một nơi hoang vu, thâm sơn cùng cốc. Giao, Minh, Tành được giao nhiệm vụ lên vùng núi dạy học. Giao đã gặp và yêu, rồi trao đời con gái cho anh kỹ sư địa chất. Thật trớ trêu, bởi anh kỹ sư nọ chỉ coi cô là một quan hệ qua đường. Còn Minh yêu ông Tành, nhưng Tành lại có tình cảm với Giao. Nếu như trong Đời cát, Thoa, Cảnh, Tâm đều có những nỗi niềm sâu kín, mặc cảm và phải nén lại tình yêu của mình, thì ở Thung lũng hoang vắng, Giao, Tành, Minh lại hết sức yêu đời, rất mãnh liệt trong tình yêu. Giao sẵn sàng hiến dâng tất cả cho tình yêu, Minh cũng vậy. Sự khao khát tình yêu, cộng với nỗi cô đơn hàng đêm như thấm vào con người, tâm hồn của Minh, khiến Minh trở nên mạnh bạo thể hiện tình yêu của cô với ông Tành vào một đêm mưa xối xả… Mặc dù trong Đời cát và Thung lũng hoang vắng đều xuất hiện rất nhiều cảnh nóng, cảnh sex, nhưng chúng ta không cảm thấy nó thô thiển và phản cảm. Ngược lại, từ khát vọng thầm kín rất con người của những mảnh đời nhỏ bé, bi thảm đó lại lan tỏa sự ấm áp và người xem đã cảm nhận được tình yêu thương con người, sự cảm thông và chia sẻ sâu sắc giữa con người với nhau.
Tuy nhiên, trong quá trình phản ánh những vấn đề thầm kín đó, nhiều khi cái tôi cá nhân và những ẩn ức nội tâm, những vùng tối bản năng của con người đã bị khai thác quá mức, có khi méo mó, gây phản cảm và ảnh hưởng xấu đến tầng lớp khán giả trẻ. Cùng với đó là cách thể hiện phim hoàn toàn mới lạ từ đề tài, cấu trúc phim đến những ý tưởng có phần xa lạ, đôi khi trở nên kỳ dị..., biểu hiện ở một số đạo diễn trẻ như Bùi Thạc Chuyên (Sống trong sợ hãi, Chơi vơi), Phan Đăng Di (Bi, đừng sợ), Vũ Ngọc Đãng (Hotboy nổi loạn và câu chuyện về thằng cười, cô gái điếm và con vịt).
Có thể nói, những cảnh táo bạo nhất của các phim trên là những cảnh sex. Nhưng những cảnh sex xuất hiện với tần suất dày đặc khiến người xem cảm thấy ngộp thở và nhàm chán. Có vẻ như các đạo diễn không chỉ coi đó là yếu tố quan trọng để tạo sức hấp dẫn cho phim, mà dường như còn coi đấy là một tìm tòi nghệ thuật. Trong Chơi vơi và Bi, đừng sợ nếu như cảnh nóng là cần thiết cho mạch hành động phim, nằm trong câu chuyện phim và được thể hiện hợp lý, không thô thiển thì là điều đáng hoan nghênh. Nhưng không ít khán giả khi xem đến cảnh Duyên và Cầm trong Chơi vơi ngồi chung trong một chiếc chăn xông hơi trong tư thế nude đều không hiểu cảnh đó nói lên điều gì? Trong bộ phim này, yếu tố tạo cớ để giải thích cho hành động phim dường như đã được đạo diễn triệt tiêu, làm cho cả câu chuyện phim trở nên khó hiểu. Trong phim, Bùi Thạc Chuyên không đưa ra chi tiết nào làm rõ nguyên nhân bất ổn trong cuộc sống hôn nhân của Hải và Duyên, không mô tả rõ nét những sắc độ tình cảm trong hai người bạn đồng giới Duyên và Cầm (hình như ở đây có yếu tố đồng tính), không làm rõ mối quan hệ giữa Thổ và Cầm, cũng không mô tả đầy đủ những yếu tố làm thay đổi tình cảm của Duyên, để cuối cùng cô ta trở thành một kẻ ngoại tình với Thổ. Cầm yêu Thổ, và cũng có nhiều cảm mến với cô bạn đồng giới là Duyên, nhưng lại đẩy Duyên đi theo cuộc hành trình của Thổ để rồi Duyên trở nên sa ngã. Hải yêu Duyên và cưới cô làm vợ nhưng lại bỏ mặc cô để đi lái taxi ngay sau ngày cưới, đến nỗi cuộc hôn nhân với Duyên có chút chua xót và bẽ bàng… Thổ là một tay săn gái, vô cùng điềm đạm trong quan hệ giới tính, nhưng lại có những biểu hiện kỳ quặc như từ trong bóng tối lao ra ghì riết lấy Duyên mà hôn làm cô hoảng sợ… Có vẻ như các nhà làm phim đã cố tình tạo ra một bộ phim thoát ly khỏi những nguồn mạch của tư duy bình thường.
Ở Bi, đừng sợ cũng thế. Các nhân vật cũng tách rời nhau, mọi mối quan hệ giữa các nhân vật đều rệu rã, đường dây cốt truyện không liền mạch và không lôgic. Mỗi nhân vật trên phim đều ẩn giấu cái bi kịch của sự khao khát, thèm muốn tình dục. Một người vợ trẻ luôn thèm khát vì bị chồng bỏ quên, trong khi người chồng lại đi tìm sự thỏa mãn bên ngoài; một cô giáo khi thì lạc tình với người thanh niên trẻ, lúc lại mê đắm cuồng dại một người đàn ông khác... Tất cả những nhân vật ấy đều có những cách riêng để giải tỏa tâm lý, khao khát, ghìm nén của bản thân. Dường như trái tim họ bị tàn phá bởi những khao khát bản năng, sự bức bối, đau đớn. Con người đã bế tắc trước những ngõ cụt nội tâm, cả một vòm trời đen tối như bao bọc cả ba thế hệ trong một gia đình vì những dục vọng hết sức tầm thường. Trong Thung lũng hoang vắng, Nhuệ Giang đã đưa vào phim cảnh làm tình khá bạo liệt của Giao và anh kỹ sư địa chất bên suối mang một ý nghĩa tư tưởng, ấy là trong cái không gian bao la mà lạnh lẽo, âm u giữa núi rừng trùng điệp thì những tình cảm tự nhiên của con người, những nhu cầu, đòi hỏi, những khát khao tình dục trong họ luôn tiềm ẩn và có lúc còn trỗi dậy mạnh mẽ như muốn lấn át cả trách nhiệm công việc. Nhưng trong Bi, đừng sợ, cảnh làm tình ở bãi đá đơn thuần chỉ là bản năng và đạo diễn thể hiện chỉ để thể hiện, chứ cảnh làm tình hết sức thô tục ấy đã không nói lên được điều gì. Chưa nói, con người trong Bi, đừng sợ chỉ được khai thác ở khía cạnh con nhiều hơn là người. Vì thế, họ sống cạnh nhau mà như những tảng nước đá lạnh băng, rồi sẽ tan chảy, không để lại dấu vết. Thật vậy, điển hình là Phan Đăng Di đã đưa vào phim mối quan hệ giữa cô con dâu trẻ và ông bố chồng già nua, bệnh tật. Về mặt luân lý đạo đức thì mối quan hệ ấy là không thể chấp nhận được. Nhưng xét về góc độ con người thì đạo diễn vẫn có thể xây dựng những tình cảm tế nhị, những rung động thầm kín đó. Nhưng vấn đề ở đây là phải làm rõ được chi tiết đời sống tâm lý bên trong nhân vật và phải đào sâu cái tầng cảm xúc trong con người để người xem không cảm thấy nó thô thiển và tục tĩu.
Trong Những người khốn khổ, Victor Hugo đã từng đi vào những tình cảm thầm kín nhất của con người, đã xây dựng mối quan hệ tình cảm đáng để nhân loại trân trọng. Đó là mối quan hệ giữa Giăng Vangiăng - một người tù khổ sai và Côdét - cô bé mồ côi, đầy đau khổ được Giăng Vangiăng nâng niu và dạy dỗ từ khi 8 tuổi đến lúc trưởng thành. Giăng Vangiăng yêu Côdét như con, như em gái, như người bạn với tất cả tình cảm yêu mến, thân thương nhất. Và vì lẽ cả đời ông chưa hề biết đến nhân tình, nên tình yêu nam nữ, thứ tình cảm mà không ai trên đời này là không có, đã xen lẫn vào các loại tình cảm khác trong con người Giăng Vangiăng cao cả. Nhưng dù thương yêu ông đến đâu đi nữa, cuối cùng cô cũng có một cuộc đời riêng - Mariuytx đã đến với cô. Tất cả những trạng huống đó đã được Victor Hugo miêu tả vô cùng xúc động và tinh tế, khiến chúng ta như bị cuốn vào những trang viết đầy cảm động mang ý nghĩa nhân bản sâu sắc.
Như vậy để thấy một điều, dù người nghệ sĩ muốn xây dựng mối quan hệ của con người trong hoàn phức tạp, thầm kín đi nữa, thì điều quan trọng nhất mà anh ta cần đạt tới, đó là sự trân trọng đối với con người, với tình cảm bên trong của con người.
Có vẻ như sau hai bộ phim có rất nhiều vấn đề, cũng như cách thể hiện lạ lẫm, kỳ quặc của hai đạo diễn Bùi Thạc Chuyên và Phan Đăng Di, Vũ Ngọc Đãng đã không tìm ra được cách thể hiện khác hai phim trên trong đứa con tinh thần của mình. Hotboy nổi loạn... là câu chuyện về hai nhóm nhân vật (không có nhân vật chính) Đông, Lam, Khôi, Long và cô gái điếm, thằng cười, con vịt. Hai nhóm nhân vật này không liên quan với nhau về mặt đường dây cốt truyện. Mỗi nhóm có những hoạt động riêng khiến cho chuyện phim trở nên rời rạc, khó hiểu. Người xem chỉ hiểu được rằng, bộ phim là một sự chắp nối từng mảng sự kiện để tạo thành một câu chuyện phim. Và đáng tiếc là (giống với hai phim trên) cả câu chuyện ấy không toát lên được giá trị tư tưởng gì.
Tình yêu đồng tính mà Đông và Lam thể hiện chỉ bằng những nụ hôn, câu nói, cảnh ái ân, giường chiếu phô bày một cách lộ liễu, phản cảm và chỉ là một mối quan hệ xác thịt bừa bãi, chóng vánh, cô đơn thì tìm đến nhau. Dễ dàng nhận thấy, giữa Đông và Lam không hề có quá trình phát triển tình cảm. Giống như trong Chơi vơi, Bùi Thạc Chuyên đã không làm rõ được mối quan hệ giữa các nhân vật Cầm, Thổ, Duyên, ở Hotboy nổi loạn..., Vũ Ngọc Đãng cũng không làm rõ được mối quan hệ tay ba Đông, Lam, Khôi; không miêu tả được những nguyên nhân bất ổn trong tâm lý của Lam khi dấn thân vào con đường làm điếm và chính nhân vật này cũng không có một ý niệm rõ ràng về việc anh ta sa ngã vào con đường đồi trụy. Những sự khó hiểu này đã làm cho câu chuyện tình đồng tính từ đầu đến cuối phim phủ một sắc màu tăm tối, rắc rối và gợi nhiều thắc mắc. Tình yêu ấy không đem đến cho người xem sự trân trọng hay cảm xúc thiêng liêng từ rung động thầm kín nhất của con người. Qua mối tình đồng tính của Đông và Lam, rồi qua hoạt động làm điếm nam (vốn là hai chuyện khác nhau) được đưa lên màn ảnh, không hiểu Vũ Ngọc Đãng muốn nói lên điều gì?
Nhóm nhân vật thứ hai, cô gái điếm, thằng cười và con vịt, dường như có một cốt truyện mạch lạc, chứa đựng tình người và người xem còn đoán được ý nghĩa của câu chuyện. Nhưng đường dây này lại không ăn nhập với đường dây của nhóm nhân vật thứ nhất. Việc thằng cười ấp quả trứng hàng ngày chờ đón nở ra con là một việc làm phản tự nhiên đến mức nực cười. Trong bối cảnh Sài Gòn náo nhiệt, cuộc sống tù túng, nhếch nhác của cô gái điếm và thằng cười thì con vịt là một sinh linh bé nhỏ gắn kết hai cuộc đời lại. Có thể nói, con vịt là một chi tiết hay trong phim nhưng đạo diễn đã không thể hiện được những cung bậc xoay quanh mối quan hệ ấy để làm bật lên giá trị nhân văn, khiến cho câu chuyện giữa thằng cười và con vịt trở nên khó tin và bị cường điệu hóa. Một trong những điểm đáng chú ý khác của phim này đó là lối xây dựng nhân vật với những mảng tâm lý đối nghịch như những mảnh vỡ xếp cạnh nhau. Rất ít biểu lộ xung đột nội tâm, những điều trái ngược diễn ra một cách hiển nhiên đến phi lý. Lam yêu Khôi nhưng lại dễ dàng bỏ Khôi ở nhà một mình hàng đêm để đi đón khách. Rồi Khôi và Long cũng đi đón khách mà không rõ động cơ. Trường đoạn cuối phim khi Lam bị những tên xã hội đen trả thù đến chết thì đạo diễn muốn cảnh báo tầng lớp nào và đưa ra bài học gì cho người xem?
Không thể phủ nhận, trong bối cảnh điện ảnh đương đại, việc các đạo diễn đưa vào phim những vấn đề thầm kín, cùng với sự thể hiện mới lạ trong cách kể chuyện phim đã tạo nên diện mạo mới cho phim Việt. Nhưng đôi khi, sự cách tân đã vượt quá giới hạn hợp lý và trở thành xa lạ. Nghệ thuật phải đi từ chính cuộc đời, đi vào những bi kịch cá nhân, bi kịch thời đại, những vấn nạn trong đời sống xã hội hiện đại. Có một chân lý bất biến là, dù khai thác ở khía cạnh nào thì khi phim đến với khán giả cũng phải đem lại giá trị thẩm mỹ, cảm xúc đẹp đẽ, thiêng liêng từ những điều thầm kín nhất của con người.
Mô tả con người trong tính hoàn chỉnh và đa diện, từ bản năng đến ý thức, từ ý thức đến tiềm thức, cả những cái cao cả và thấp hèn, để từ đó nhận diện con người là một vấn đề cần thiết. Nó tạo nên sự phong phú, sống động, chân thực. Nhưng, hiện nay, cái bản năng của con người đang được các nhà làm phim khai thác quá mức, cái ý thức chưa được bộc lộ hợp lý, hài hòa đã làm cho nhân vật trong phim trở nên méo mó, kỳ dị và biến dạng.
Đó phải chăng là một vấn đề mà các nhà phim hiện nay cần phải khắc phục để phù hợp hơn với tính cách, lối sống của người Việt Nam trong cuộc sống hiện đại. Không thể và không nên vì mục đích câu khách rẻ tiền mà làm ảnh hưởng đến thị hiếu của người xem, đặc biệt là tầng lớp khán giả trẻ tuổi.
Nguồn : Tạp chí VHNT số 336, tháng 6-2012
Tác giả : Thu Thủy