Việc các đạo diễn tên tuổi ở lĩnh vực điện ảnh lấn sân sang làm phim bộ, phim truyền hình thời gian qua đã góp phần mang đến cho khán giả nhiều tác phẩm chất lượng hơn.
Phim Đi về phía lửa
Khi kinh phí đầu tư cho phim điện ảnh càng lúc càng cao và gặp nhiều khó khăn trong huy động vốn, trong khi có một tệp lớn khán giả sẵn sàng chi tiền cho các nền tảng giải trí trực tuyến thì đã có một lượng đạo diễn điện ảnh được mời cầm trịch các phim bộ, series phim truyền hình. Có thể kể đến Victor Vũ với Trại hoa đỏ, Đinh Tuấn Vũ phim Nhà mình lạ lắm, Trần Hữu Tấn với Tết ở làng Địa Ngục… đã tham gia các series phim dài tập phát trên nền tảng K+.
Galaxy Play, VieON… cũng đã mời không ít đạo diễn điện ảnh hợp tác như Hàm Trần với bộ phim Mất tích đêm 30, Lê Bình Giang với Trong màn đêm không chớp mắt, Thắng Vũ với Thời hoa dại, Trần Bửu Lộc với Tái sinh, Sugar daddy & sugar baby, Bùi Thạc Chuyên với Không sợ hãi...
Đạo diễn Trần Hữu Tấn chia sẻ: “Tôi cho rằng đó là một tín hiệu tốt cho thấy chất lượng phim series sẽ được cải thiện hơn khi có các đạo diễn tên tuổi tham gia. Và hơn hết, tôi nhìn thấy được định hướng đầu tư mạnh hơn cho phim series từ các nhà đầu tư”. Đạo diễn Trần Thanh Huy thì phân tích, trên thế giới, chất lượng phim series rất cao, không hề thua phim điện ảnh. Điều này cũng là xu thế tất yếu khi hiện nay việc giải trí tại nhà đang rất phát triển.
Cảnh trong phim Nhà mình lạ lắm
Là cái tên đứng sau bộ phim Đi về phía lửa do K+ đầu tư, dự kiến lên sóng trong dịp tết, đạo diễn Trần Thanh Huy chia sẻ: “Hiện các nhà đầu tư đều muốn đẩy mạnh chất lượng phim bộ, đặc biệt là các series gốc. Vì thế, họ tăng cường mời các đạo diễn điện ảnh với ưu thế là có cách kể chuyện bằng hình ảnh độc đáo”. Trong lần đầu lấn sân sang thể loại mới này, Trần Thanh Huy mong muốn sẽ góp phần nâng cao thị hiếu thưởng thức của khán giả. Với những đạo diễn như anh, việc chuyển hướng này cũng là cơ hội để trau dồi nghề nghiệp, đồng thời cũng là cách để tiếp cận thêm những đối tượng khán giả mới - những người rất có thể sẽ là khán giả phim điện ảnh trong tương lai.
Hầu hết đạo diễn điện ảnh khi quyết định lấn sân sang làm phim bộ đều thừa nhận yếu tố tiên quyết và điểm chung khiến họ nhận lời chính là câu chuyện. Theo đạo diễn Victor Vũ, anh chọn thực hiện Trại hoa đỏ vì tác phẩm có một màu sắc mới lạ và hấp dẫn, và đặc biệt là chứa đựng những tình tiết rất gần gũi với đời sống văn hóa tinh thần người Việt. Với tiêu chí câu chuyện phải có sức lay động, đạo diễn Trần Thanh Huy đã chọn Đi về phía lửa. Anh cho biết: “Câu chuyện trong phim khắc họa một trong những nghề nguy hiểm nhất trên thế giới, khắc họa những con người sẵn sàng dùng mạng sống của mình để đi cứu người khác. Đó là cái hay khiến tôi nhận lời”.
Cảnh trong phim Thời hoa dại
Để đảm bảo các series này đạt chuẩn như phim điện ảnh, thách thức về kinh phí là câu chuyện cố hữu. Tại buổi ra mắt dự án Tết ở làng Địa Ngục, bà Trịnh Thủy Liên, Giám đốc nội dung và các kênh K+, nhấn mạnh, với điều kiện sản xuất và ngân sách hạn chế ở Việt Nam, ngoài tâm huyết và kinh nghiệm, cần thêm cả một chút “liều lĩnh” mới dám thực hiện dự án với các yếu tố cổ trang, kinh dị, bối cảnh một ngôi làng cổ kính, hẻo lánh trong rừng sâu, núi thẳm...
Thách thức quan trọng khác còn đến từ những khác biệt về mặt thể loại và cả hành vi xem phim của khán giả. Đạo diễn Trần Hữu Tấn cho biết: “Với phim dài tập, để giữ được sự hứng khởi chờ đón của khán giả qua từng tập là một trong những điều làm tôi phải suy nghĩ rất nhiều”. Để giải bài toán này, với mỗi tập phim Trại hoa đỏ, đạo diễn Victor Vũ xây dựng như một phim điện ảnh thu nhỏ. Còn đạo diễn Trần Thanh Huy thì tin rằng, để tạo ra sự lôi cuốn phải có nhịp phim nhanh, sự kiện diễn ra dồn dập, các mối quan hệ chặt chẽ, có cả cao trào và những khoảng lặng.
Ai cũng thấy, việc mạo hiểm đầu tư này đã cho ra những “trái ngọt” khi khán giả có thêm những lựa chọn với phim thuần Việt có chất lượng. Trại hoa đỏ đã được phát sóng tại 177 quốc gia. Phim Tết ở làng Địa Ngục cũng luôn giữ vị trí tốp 1 về lượng người xem trong thời gian lên sóng. Phim Không sợ hãi từng đoạt Cánh diều bạc 2021 hạng mục phim tài liệu. Tuy nhiên, để đạt tham vọng “làm được một series phim kinh dị Việt Nam có chất lượng tiệm cận phim của Hàn Quốc hay Mỹ” như chia sẻ của đạo diễn Trần Hữu Tấn, còn rất nhiều thứ phải làm trong bối cảnh các điều kiện sản xuất nhiều khó khăn. Nhưng ít nhất, đường đi đã dần thành hình với sự tham gia của nhiều đạo diễn có nghề.
Cảnh trong phim Mất tích đêm 30
Mới đây, đạo diễn Phan Đăng Di - người đứng sau thành công của hàng loạt sản phẩm điện ảnh nổi tiếng với nhiều giải thưởng quốc tế như Đập cánh giữa không trung, Bi, đừng sợ!, Cha và con và... cũng tham gia làm phim dài tập. Lấy thế mạnh về phong cách làm phim cá nhân, thường thể hiện sự nhạy bén trong việc tạo hình nhân vật và diễn đạt thông điệp về cuộc sống và xã hội, Phan Đăng Di đang được kỳ vọng với dự án Ước mình cùng bay.
Kiều Trinh, nữ diễn viên từng tham gia một vài phim điện ảnh của Phan Đăng Di cũng được mời tham gia Ước mình cùng bay. Cô chia sẻ sự ngạc nhiên khi đạo diễn làm phim dài tập: “Những bộ phim của anh là dòng phim nghệ thuật, chỉ đi dự thi quốc tế không chiếu ở Việt Nam nhiều. Đây là phim truyền hình đầu tiên của anh nên tôi khá bất ngờ”.
Thuộc thể loại tâm lý, tình cảm, gia đình, Ước mình cùng bay có bối cảnh xóm ngụ cư nhỏ vào những năm đầu thế kỷ 21, nơi cuộc sống thiếu thốn dần biến mất, nhường chỗ cho cuộc đua vươn tới giàu sang. Phim là hành trình về số phận của những con người mong muốn thoát nghèo, họ buộc phải bước vào cuộc mưu sinh với nhiều ước mơ, hoài bão và mất mát. Phim dự kiến phát sóng độc quyền trên VieON vào đầu năm 2024.
Đạo diễn Đinh Tuấn Vũ, người đã “cầm trịch” 6 bộ phim điện ảnh từ thương mại đến nghệ thuật, trong đó có nhiều phim nghệ thuật khai thác đề tài tương đối khó như Cuộc đời của Yến, Truyền thuyết Quán Tiên... Chia sẻ về việc lần đầu lấn sân sang màn ảnh nhỏ, đạo diễn Đinh Tuấn Vũ tâm sự, với thời lượng series phim 12 tập lên tới 720 phút, so với thời lượng một bộ phim điện ảnh chỉ rơi vào khoảng 110-120 phút thì sự khác nhau khá nhiều, từ giai đoạn chuẩn bị cho tới quá trình quay thì số ngày quay, số ngày chuẩn bị kịch bản đều tăng lên đáng kể... Cũng theo đạo diễn Đinh Tuấn Vũ, với Nhà mình lạ lắm thì anh cùng đoàn phim đã thực hiện khâu casting cực kỳ kỹ càng để có được dàn diễn viên cả hai miền Nam - Bắc từ những gương mặt nghệ sĩ gạo cội, nhiều kinh nghiệm như NSND Trung Anh, NSND Kim Xuân...cho tới những gương mặt lần đầu đóng phim như: Lê Bống, Tuấn Đạt, bé Nhã Uyên...
Cảnh trong phim Trại hoa đỏ
Nói về việc khác biệt giữa làm phim dài tập và điện ảnh, đạo diễn Đinh Tuấn Vũ cho biết: Nếu để phân tích chi tiết thì sự khác biệt giữa phim series và điện ảnh là rất nhiều. Nhưng nếu nhìn tổng thể thì với tôi, một phim series như Nhà mình lạ lắm vẫn có kết cấu cốt lõi như một phim điện ảnh, dù thời lượng gấp gần 10 lần. Và trong đó, mỗi tập lại là một phim điện ảnh nhỏ.
Không nghi ngờ gì, việc các đạo diễn điện ảnh đổ bộ sang mảng phim bộ, phim dài dài tập đang mang đến luồng gió mới cả về nội dung, phong cách lẫn cách thể hiện cho loại hình này.
TIẾN ANH
Nguồn: Tạp chí VHNT số 562, tháng 2-2024