Nếu trước đây, các diễn viên khi bước qua thời xuân sắc sẽ khó lòng nhận được vai diễn hay khi màn ảnh tràn ngập các trai thanh, gái lịch, người đẹp, đại gia thì ngày nay cơ hội dường như đang dành cho tất cả.
Phim Hương vị tình thân quy tụ nhiều gương mặt có tuổi
Sự lên ngôi của dòng phim về gia đình đã kéo theo sự khởi sắc ở tất cả các lứa tuổi. Những diễn viên ở độ tuổi U60, U70, U80 ngoài đảm nhiệm vai cha mẹ còn có thể đảm nhiệm vai ông, bà - những trưởng lão trong gia đình. Khi gia đình trở thành đối tượng hướng tới và khai thác của các series phim truyền hình nhiều tập thì người có tuổi (đại diện cho những thế hệ cha mẹ, chú bác, ông bà…) cũng được dành nhiều đất hơn. Cá biệt ở một số bộ phim họ còn được dành đất ngang ngửa nhân vật chính. Và đã có không ít trường hợp số phận, hoàn cảnh của những bậc cao niên đủ gây sóng gió, sự cuốn hút không kém gì lớp trẻ.
Trong bộ phim Hướng dương ngược nắng, nếu chuyện tình của lớp hậu sinh với ba bề, bốn thứ con được tác giả chăm chút thì chuyện tình trái ngang của thế hệ trước với những ân oán tình thù cũng gay cấn, hấp dẫn không kém.
Một bà Bạch Cúc (diễn viên Thu Hà đóng) đến cuối đời khi tìm được hạnh phúc muộn màng mới có thể buông bỏ, tha thứ cho người chồng bội bạc cũng như tình địch suốt mấy chục năm của mình. Một Diễm Loan (Vân Dung đóng) cho đến già vẫn bồng bột, nông nổi đã gây ra bao oan nghiệt. Vai người mẹ nông nổi liên tiếp vướng vào lưới tình của trai trẻ đến tận khi sắp lên chức mẹ chồng, mẹ vợ đã khiến các con phải lo lắng, bận lòng.
NSND Thanh Quý (trái) có một vai ấn tượng trong Cuộc đời vẫn đẹp sao
Trong bộ phim Hương vị tình thân thì ngoài vòng xoáy tình yêu của các bạn trẻ như Nam (Phương Oanh), Long (Mạnh Trường), Thy (Thu Quỳnh), Huy (Anh Vũ)… cha mẹ họ với những mối tình thầm kín, những ân oán, bí mật che dấu suốt mấy chục năm cũng là tuyến truyện chiếm sóng không ít. Bà Sa - cô gái cắt tóc gội đầu xinh đẹp với chuyện tình oái ăm đã gây nên bao nỗi oan khiên với bố của các con mình. Bà cũng là nguyên nhân để ông Sinh (Võ Hoài Nam đóng) chịu hàm oan suốt bao nhiêu năm.
Có thể nói, với sự lên ngôi của phim truyền hình cũng như mảng phim về đề tài gia đình, câu chuyện độ tuổi nào dành cho phim đã có nhiều thay đổi. Trong một số bộ phim ăn khách thời gian qua, nhân vật người già cũng được xây dựng hấp dẫn hơn cả về mặt tính cách, số phận, tâm lí…. Bà Nga (NSUT Thanh Quý) trong Thương ngày nắng về, ông Sơn (NSND Trung Anh) trong Về nhà đi con, ông Thành (NSND Bùi Bài Bình) trong Lối nhỏ vào đời, bà Tình (NSUT Thanh Quý) trong Cuộc đời vẫn đẹp sao, ông Toại - bà Cúc (NSND Bùi Bài Bình và Lan Hương) trong Gia đình mình vui bất thình lình… đều tạo được dấu ấn rõ rệt, thậm chí trở thành những hình tượng ông bố, bà mẹ “quốc dân”, chiếm trọn tình yêu của khán giả.
Phim Hướng dương ngược nắng với sự thể hiện xuất sắc của NSND Thu Hà và nghệ sĩ Vân Dung
Trong bộ phim Thông gia ngõ hẹp còn có sự xuất hiện của nhân vật cao tuổi như cụ Thập (bà nội Phan do nghệ sĩ Tuyết Liên ở tuổi gần 80 thủ vai), tạo nên một thế giới tâm lý người lớn tuổi rất đáng theo dõi. Ðặc biệt, phim lan tỏa thông điệp ý nghĩa ở nhân vật của nghệ sĩ Tuyết Liên: Dù có ghê gớm nhưng vẫn toát lên sự đáng yêu, đáng kính của một người bà luôn hết mực yêu thương con cháu.
Phim Nơi giấc mơ tìm về của đạo diễn Trịnh Lê Phong với tên gọi ban đầu là Bà ngoại lắm chiêu. Bộ phim lấy cảm hứng từ những người cao tuổi - một mảng nội dung ít được đề cập trong phim ảnh, quy tụ dàn nghệ sĩ gạo cội tham gia như các NSND Trọng Trinh, Lê Khanh, NSƯT Tất Bình, Ðỗ Kỷ. NSND Lê Khanh vào vai chính bà Lan, một người phụ nữ quyền lực, sống có trách nhiệm, yêu thương cháu hết mực nhưng lại quá nguyên tắc, áp đặt, đôi khi gây ngột ngạt cho những người xung quanh và chính bản thân. Bà giao công ty cho cháu và vào viện dưỡng lão để giúp đỡ những người sống ở đây...
Rõ ràng, mảng đề tài về người già vẫn còn nhiều tiềm năng cho các nhà làm phim. Thế giới người già có rất nhiều khía cạnh để khai thác, nỗi cô đơn của họ, sự cách biệt tuổi tác giữa các thế hệ trong gia đình, tình yêu dành cho con cháu, bên cạnh đó cũng có thể khai thác những người già lạc quan, yêu đời... Tuy nhiên, không phải ai cũng chấp nhận mạo hiểm. Bởi điều quan trọng cần phải có kịch bản hay, hấp dẫn thì phim mới ăn khách, hấp dẫn người xem. Theo các đạo diễn, phim về người già luôn đòi hỏi kịch bản phải có nhiều yếu tố mới lạ, giàu cảm xúc, giàu giá trị nhân văn nhưng cũng phải rất kỹ càng, trau chuốt... Ngoài ra, tâm lý của một nhà đầu tư, nhà sản xuất luôn muốn chọn nội dung, đề tài nào nhanh chóng và kiếm được thật nhiều lợi nhuận để thực hiện. Ðó là lý do khiến phim về người già dù ít cạnh tranh nhưng luôn bị xếp sau.
Phim Nơi giấc mơ tìm về với sự tham gia của NSND Lê Khanh và Trọng Trinh
Trên thế giới đã có rất nhiều bộ phim chiếu rạp đặt nhân vật người già làm trung tâm và những phim đó đã gặt hái được rất nhiều giải thưởng. Ở Việt Nam, dù đã xuất hiện một số bộ phim truyền hình lấy hình tượng bố mẹ, người già làm nhân vật chính nhưng vẫn rất ít “đất” diễn vì tâm lí lo lắng lượng người xem sẽ không nhiều. NSND Như Quỳnh chia sẻ: “Thực tế, những bộ phim có nội dung về giới trẻ, tình tay ba tay tư sẽ dễ hấp dẫn khán giả hơn. Nhưng nếu nhà sản xuất, nhất là những người viết kịch bản đọc nhiều, xem nhiều, biết nhiều, thấu hiểu được nỗi niềm, tâm tư, ước vọng, rồi kể những câu chuyện tình cảm của người được cho là “già” thì vẫn sẽ có những bộ phim hay về đề tài này”.
Theo khảo sát của Hệ thống đo lường định lượng khán giả truyền hình Việt Nam, những người trên 55 tuổi ở Việt Nam và khắp nơi trên thế giới luôn là lượng khán giả lớn nhất của truyền hình. Họ có nhiều thời gian rảnh rỗi trong ngày hơn và bắt đầu bước vào giai đoạn tuổi già. Khi mắt mờ đi, tai nghe không còn rõ thì nhu cầu tiếp cận thông tin của họ sẽ bó hẹp lại dần trong phạm vi nghe nhìn.
Lâu nay, vì thiếu vắng những bộ phim, chương trình đặc thù dành cho đối tượng này đã khiến không ít cụ già rơi vào tình cảnh phải xem các chương trình giải trí hay phim ảnh không phù hợp với độ tuổi của mình. Việt Nam đang có tốc độ già hóa dân số rất nhanh, từ 10 đến 20 năm nữa chúng ta sẽ có một tỷ lệ dân số già “hiện đại”. Nhận thức được việc thiếu vắng phim dành cho người cao tuổi, ông Nguyễn Khải Anh, Phó Giám đốc VFC cho biết, hiện VFC vẫn đang nỗ lực mở rộng đối tượng khán giả, đa dạng dòng phim và hướng nhiều hơn đến những “cây cao bóng cả” trong xã hội. Khán giả có thể kỳ vọng trong thời gian tới sẽ hình thành một “thế giới phim truyền hình” dành cho người cao tuổi cũng như thông điệp phim sẽ tăng cường sự kết nối giữa các thế hệ trong một gia đình.
Phim Thương ngày nắng về với diễn xuất ấn tượng của bà mẹ - NSND Minh Hòa
Trên thế giới, điện ảnh ở nhiều nước vẫn lấy người già làm nhân vật trung tâm. Và khi đã có nhiều phim khai thác về lứa tuổi này cũng sẽ vơi đi nỗi lo của nhiều nghệ sĩ gạo cội lớn tuổi khi họ từng chia sẻ: chẳng bao giờ dám mơ đến vai chính ở tuổi này. Ngoài ra, với sự trưởng thành cũng như bề dầy kinh nghiệm về diễn xuất chính lớp diễn viên có tuổi này sẽ là dàn bao vững chãi để nâng đỡ, hướng dẫn các diễn viên trẻ về nghề. Họ cùng với kinh nghiệm, tuổi nghề sẽ là lựa chọn hoàn hảo cho nhiều cảnh diễn tâm lý yêu cầu sự dầy dặn về nghề. Trên tất cả, chính sự đa dạng về độ tuổi cũng khiến phim ảnh trở nên hấp dẫn hơn khi chạm đến một phần không nhỏ của thế giới.
HOA NGUYỄN
Nguồn: Tạp chí VHNT số 559, tháng 1-2024