Nghệ thuật sân khấu: Những trăn trở về nghệ sĩ trẻ

Vừa qua, Hội Nghệ sĩ sân khấu Hà Nội có tổ chức tọa đàm Nghệ sĩ trẻ trong nghệ thuật biểu diễn sân khấu hiện nay. Tại cuộc tọa đàm, các ý kiến đều khẳng định, nghệ sĩ trẻ là động lực, là tương lai phát triển của ngành nghệ thuật sân khấu nhưng ở lực lượng này, đã và đang tồn tại nhiều vấn đề cần khắc phục.

Các nghệ sĩ Chèo tương lai

Vai trò của nghệ sĩ trẻ trong nghệ thuật biểu diễn 

Nghệ thuật biểu diễn nói chung, sân khấu nói riêng có rất nhiều đặc thù mà một trong những đặc thù quan trọng nhất là: vở diễn - sản phẩm nghệ thuật đích thực được tạo ra - có tính duy nhất: chỉ trong buổi diễn đó, trong không gian và thời gian đó, không lặp lại. Người nghệ sĩ biểu diễn sẽ có những sáng tạo, những thăng hoa đúng ở giây phút trên sàn diễn, ngay lập tức… Sân khấu biểu diễn không cho phép sai lầm, không cho phép sự lơ là bất kỳ phút giây nào người diễn viên hiện diện trên sàn diễn. Người diễn viên vừa là tác giả (của nhân vật mình thủ vai) vừa là sản phẩm sáng tạo (nhân vật)… Vì vậy, có thể khẳng định, nếu không còn diễn viên thì sân khấu cũng không tồn tại. Người diễn viên có vai trò vô cùng to lớn với nghệ thuật biểu diễn, trong đó có sân khấu. Mỗi giây phút trên sân khấu vừa được quy định sẵn, đồng thời vẫn còn chỗ cho những ứng tác, ứng diễn để đối phó với những bất ngờ phát sinh. Và cũng từ đó mà bộc lộ được phẩm chất, thể hiện được nét riêng của người diễn viên. Bản lĩnh sân khấu, duyên sân khấu cũng là ở đây. Người diễn viên càng có kiến thức, càng có kinh nghiệm, sẽ mau chóng tìm được cách giải quyết hợp lý, đúng hoàn cảnh kịch, giữ được vai (không bị thoát vai) cũng như không đi lệch đường dây phát triển của kịch bản.

Nhưng ở mức độ nào đó, sân khấu là sân chơi của tuổi thanh xuân, của sức sống tươi trẻ. Nghệ nhân xưa truyền tụng câu nhắc nhở “thầy già, con hát trẻ”. Chính người trẻ mới làm nên cái mới, sức thanh xuân bất hủ cho sân khấu. Không gì chán hơn khi nhân vật ở độ tuổi đôi mươi mà diễn viên cứ tầm U60 vào vai theo kiểu cưa sừng làm nghé… Bởi thế, vai trò của các nghệ sĩ trẻ là rất quan trọng.

Thực trạng đội ngũ nghệ sĩ trẻ hiện nay 

Bài học nhập môn của sân khấu nhấn mạnh, sân khấu là loại hình tổng hợp, mỗi thành phần đều có liên quan chặt chẽ đến nhau. Nhưng câu chốt lại vẫn là, sân khấu lấy diễn viên làm trung tâm, người diễn viên là những ông hoàng bà chúa thống lĩnh sàn diễn, bởi nhân vật bằng xương bằng thịt hiện diện trước mắt khán giả là chính bản thân người diễn viên với hình thể, giọng nói, hành động diễn xuất. Tuy ở từng thời điểm khác nhau, những thành phần tham gia sáng tạo sân khấu có độ mạnh, yếu khác nhau, song, nhìn chung, đội ngũ diễn viên sân khấu vẫn được đánh giá là khá ổn định, có độ phát triển vững cả về chất và lượng. Dù với các hình thức sân khấu kịch hát dân tộc, sự thiếu vắng tài năng trẻ vẫn còn hiện diện ở đơn vị này, đơn vị khác, nhưng nhìn một cách tổng quan, sân khấu đang sở hữu đội ngũ diễn viên trẻ trung, năng động, có tài.

Các nghệ sĩ trẻ của Nhà hát Chèo HN thử sức mình với các vai mẫu trong vở Quan Âm Thị Kính

Tuy nhiên, dù lạc quan thì vẫn có những điều người làm nghề còn băn khoăn về chất lượng của các diễn viên, đặc biệt diễn viên kịch hát. Có nhà nghiên cứu từng khẩn thiết kêu cứu vì diễn viên kịch hát dân tộc đã không còn biết cách để đọc bản cổ nhạc theo hệ thống Hò - Xự - Xang... mà chỉ biết đọc theo hệ thống nhạc Ðồ Rê Mi... hay các nghệ sĩ Chèo hiện nay đa phần không thuộc hết hệ thống các làn điệu Chèo cổ... Ðáng tiếc nhất là, do thiếu hiểu biết, thiếu kiến thức đã dẫn tới sự lệch chuẩn trong đánh giá các giọng hát các bài bản cổ. Nhiều giọng hát chèo của các diễn viên ngày nay không còn cái duyên của chèo cổ, nhưng dần dà lại được công nhận là “mới”, là thể hiện được sự phát triển theo hướng tất yếu của thời đại... Chẳng hạn như kỹ thuật rung giọng thì được các em diễn viên trẻ thực hiện như hát nhạc mới, nhân danh tiết tấu thời đại, bắt nhịp với nhu cầu thời đại để bỏ qua nét ứ hự đáng yêu của chèo, hát nhanh hơn nhiều so với cổ truyền. Trong khi đó, theo các nghệ sĩ thành danh thì việc hát chậm, hát đúng với cổ truyền là rất khó bởi khi đó người hát phải có thực tài và có sự luyện tập đến mức điêu luyện mới có thể thực hiện được những kỹ thuật láy, nảy, rung, ngắt, nhả chữ... của kỹ thuật thanh nhạc cổ truyền.

Chưa kể đến những kỹ thuật biểu diễn gần như đã bị thất truyền ở tuồng như kỹ thuật đi hia cong... và rất nhiều vở tuồng cổ với những kỹ năng biểu diễn rất khó, rất tinh tế.. đã gần như không còn tồn tại khi thế hệ các nghệ sĩ tài danh một thời như Hoàng Hiệp Tắc, Vũ Văn An, Nguyễn Ba Tuyên, Ðoàn Thị Ngà, Nguyễn Ðắc Nhã... về với tiên tổ. Với chèo, tình hình cũng không khả quan hơn, khi lối diễn cổ điển, mẫu mực ở những vở chèo cổ mà dù có tới hàng chục đoàn chèo nhưng các đơn vị này hoàn toàn không còn khả năng phục hồi toàn bộ những kỹ năng và nghệ thuật biểu diễn mà thế hệ lớp nghệ nhân lão thành như các cụ Trùm Thịnh, Cả Tam, Năm Ngũ, Lý Mầm, Hề Phẩm, Kép Tích... từng thực hiện.

Các đồng nghiệp chúc mừng diễn viên Phan Quang Thắng (NH Tuổi trẻ) đạt giải Nhất tại Cuộc thi Tài năng Diễn viên kịch nói toàn quốc 2023

Những nghệ sĩ đầu đàn ngành Chèo nhận định rằng, lớp trẻ bây giờ không thể hát được như các thế hệ trước vì nhiều lý do như: vừa ngại khó, vừa có phần không thực sự coi trọng lối hát cổ, kinh điển và mẫu mực, cách hát phải dùng đến cụm từ “tận thổ can tràng”.

Các diễn viên của sân khấu kịch hát hầu hết là xuất thân từ nông thôn rồi được tuyển dụng, học tập vất vả trong những đòi hỏi có phần khắt khe của loại hình có nhiều trình thức, bài bản khó khăn mới thành tài. Song, ngay cả khi đã ra trường vẫn cần các em phải rèn thanh luyện sắc thường xuyên. Những bạn nổi bật được các Ðài Truyền hình, các kênh đa phương tiện chú ý… và bỗng nổi tiếng. Từ một ngành Sân khấu nhiều khi bị coi là có phần “âm lịch”, “lạc hậu”… nay trở thành tâm điểm của một hình thức nào đó… rất nhiều em bị ngợp và rời bỏ sân khấu một cách dễ dàng.

Ở những kịch chủng khác vẫn còn có những diễn viên trẻ do tuổi đời còn ít, kinh nghiệm chưa nhiều, sau vài ba thành công ở vai diễn được tung hô đã vội thỏa mãn, có cái nhìn hời hợt, tự mãn về nghề nghiệp, không chú trọng rèn đức luyện tài… Ðáng tiếc nhất là những diễn viên được đánh giá là có tài năng mà không biết trui rèn, đã sớm buông thả, rơi vào những vụ tai tiếng về đạo đức, nhân phẩm, thậm chí đánh mất tương lai… 

Chưa kể, chính sách đãi ngộ, chế độ hợp đồng, biên chế vào các đơn vị nghệ thuật hiện đang co hẹp cũng làm mất đi những diễn viên trẻ có khả năng. Thật khó cho lãnh đạo các đơn vị hiện nay khi vừa phải thực hiện đủ nghĩa vụ cho những diễn viên đã lớn tuổi không còn sức diễn mà lại phải lựa cách để giữ chân người trẻ. Bài toán luẩn quẩn này chắc chắn chưa tới hồi kết khi kinh phí được cấp ngày một hạn hẹp, nghệ thuật biểu diễn chưa lấy lại được vị thế của mình trong lòng khán giả, nhất là khán giả trẻ. 

Một vài suy nghĩ 

Khi ngành kịch hát nói riêng, sân khấu nói chung hiện đang ở vị thế thấp trong xã hội, thật khó để mời gọi các nam thanh nữ tú đủ tiêu chuẩn thanh sắc đến với nghề. Ðặc biệt, với các ngành kịch hát truyền thống nhiều trăm năm như Tuồng, Chèo đã có nhiều chính sách ưu đãi với các em như được miễn học phí, được đảm bảo đầu ra mà còn rất khó khăn để tuyển sinh. Hiện tại, với chính sách tinh giản biên chế, số diễn viên chưa đến tuổi hưu theo chế độ nhưng đã hết tuổi nghề vì không còn xuân sắc, còn rất đông ở các đơn vị khiến các lãnh đạo đau đầu vì người làm được việc thì không thuộc đơn vị quản lý, người của đơn vị lại không đủ khả năng nhận vai. 

Cơ chế chưa hoàn toàn kích thích và thu hút được diễn viên trẻ, diễn viên giỏi, khiến cho việc giữ chân người tài thêm khó. Càng khó để yêu cầu các em tích cực hăng say với nghề, sẵn lòng bỏ cả cuộc đời mình vào nghề. Chưa kể, đến với nghề, còn phải là sự khổ luyện quá vất vả, rất cần năng khiếu và sự đam mê trong khi giới trẻ cũng có những ước vọng tìm kiếm được một công việc tốt, thu nhập cao... Cứ hiện trạng đó thì tương lai không xa, các ngành này sẽ mất đi thế hệ kế cận xứng đáng, lại càng vất vả để gìn giữ, bảo tồn vốn cổ trong cách thức biểu diễn rất khó đạt tới đỉnh cao như các nghệ nhân Tuồng, Chèo xưa.

Sinh viên khoa Kịch hát Dân tộc Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội

Việc cần làm thì nhiều, nhưng có lẽ cần bắt nguồn từ việc cải thiện, nâng cao chất lượng đầu vào. Mong muốn này chỉ có thể trở thành hiện thực khi đảm bảo được đầu ra, nghĩa là sinh viên ra trường có được cuộc sống tối thiểu với đồng lương nhận được từ hoạt động nghề nghiệp, có được chỗ ở tạm thời cho đến khi xây dựng gia đình. Sau một thời hạn nhất định (1, 2 năm) thử việc, các em phải được thi viên chức để có thể là công chức, viên chức chính thức. Thế hệ trẻ hiện nay khá thực tế nên chỉ khi cải thiện được tình hình của diễn viên trẻ đang được công tác tại đơn vị thì mới có khả năng kích thích các em quyết tâm vượt qua tâm lý e ngại, những rào cản của định kiến còn tồn tại trong gia đình, trong xã hội về nghề xướng ca để đến với nghệ thuật. Có như vậy, lực lượng diễn viên trẻ mới phát triển một cách vững vàng.

NGỌC BẢO

Nguồn: Tạp chí VHNT số 559, tháng 1-2024

;