Phát triển loại hình du lịch temple stay ở Việt Nam

Temple stay (du lịch ngủ chùa) là loại hình du lịch mới xuất hiện và ngày càng phổ biến ở các quốc gia châu Á như Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan… với nhiều chương trình khác nhau. Ở Việt Nam, loại hình du lịch Temple stay đã xuất hiện nhưng chưa rõ nét với nhiều hình thức khác nhau như trại hè, các khóa tu tập… do nhà chùa tự tổ chức. Để phát triển du lịch temple stay, Việt Nam cần học hỏi kinh nghiệm của các quốc gia khác và căn cứ vào điều kiện thực tế của đất nước để đưa ra định hướng khi phát triển loại hình du lịch này.

1. Khái quát chung về loại hình du lịch temple stay

Temple stay là loại hình du lịch lần đầu tiên xuất hiện ở Hàn Quốc. Năm 2002, Hàn Quốc đăng cai tổ chức giải bóng đá World Cup, lượng khách đến đông nên chính phủ Hàn Quốc đề nghị các nhà sư trụ trì của một số ngôi chùa cho khách du lịch lưu trú qua đêm tại chùa. Điều này vừa đảm bảo cung cấp cơ sở lưu trú cho khách du lịch với giá rẻ, vừa là dịp để quảng bá văn hóa Phật giáo truyền thống của Hàn Quốc. Trải qua 15 năm phát triển, hiện nay loại hình du lịch này rất thu hút khách tham gia và lan rộng sang nhiều quốc gia khác trong khu vực. Năm 2008, temple stay đoạt giải Grand Prize (sản phẩm du lịch đặc sắc nhất Seoul) tại cuộc thi Các tour du lịch khám phá Seoul năm 2008. Năm 2009, temple stay đoạt nhiều giải thưởng như: giải Best Exhibition Award tại Hội chợ Du lịch quốc tế ITB Berlin; giải tốp năm sản phẩm du lịch văn hóa đặc sắc nhất do tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế OECD bình chọn. Năm 2010, temple stay đoạt giải Best Exhibition Award khu vực châu Á và châu Úc tại Hội chợ Du lịch quốc tế ITB Berlin (1). Hiện nay, Hàn Quốc có hơn 100 ngôi chùa tham gia thực hiện chương trình du lịch temple stay. Các chương trình được thiết kế với thời lượng khác nhau như: chương trình ½ ngày (3,5 giờ), chương trình 24 giờ (bao gồm ngủ đêm), 2 ngày 1 đêm, 4 ngày 3 đêm và tùy theo nhu cầu của khách. Chi phí cho chương trình từ 10.000 KRW đến hơn 100.000 KRW tùy thuộc vào từng loại chương trình, đối tượng khách và từng ngôi chùa.

Ba loại chương trình temple stay phổ biến là: temple stay thư giãn (tĩnh dưỡng cơ thể và trí óc thông qua thiền định và thực hành các nghi lễ Phật giáo); temple stay trải nghiệm (tìm hiểu các truyền thống, văn hóa Phật giáo Hàn Quốc thông qua bữa ăn theo nghi thức của người tu hành, lạy 108 lạy hồng danh sám hối, làm đèn lồng hoa sen, tham quan các di sản văn hóa); temple stay tu tập (sống cuộc sống của người tu hành, thực hiện các nghi lễ Phật giáo, quán chiếu bản thân thông qua thiền định) (2).

Nội dung chương trình du lịch temple stay là các hoạt động ở ngay tại ngôi chùa. Trong đó du khách sẽ được mặc trang phục nhà chùa để hóa thân thành các nhà sư và tham gia vào các hoạt động tôn giáo giống như một nhà tu hành thực thụ. Các hoạt động không quá phức tạp để đảm bảo mọi du khách có thể tham gia được như: lễ Phật (là nghi lễ tụng kinh một ngày 3 lần), bữa ăn theo nghi thức nhà chùa (là một nghi thức ăn uống đòi hỏi phải tuyệt đối giữ im lặng và không được phép bỏ phí thức ăn), thiền định, lễ trà (kết hợp đối thoại với các nhà sư để hiểu thêm về Phật giáo), học võ sunmudo, làm đèn lồng hoa sen, pháp lạy 108 lạy hồng danh sám hối, làm tràng hạt, chép kinh Phật, đi bộ, làm việc tập thể…

Bản chất của temple stay là du lịch tôn giáo trong đó khách du lịch lưu trú ngay tại chùa. Trong thời gian lưu trú ở chùa, du khách có cơ hội thỏa mãn nhu cầu tâm linh của bản thân, trải nghiệm cuộc sống của người tu hành và văn hóa Phật giáo. Điều kiện tiên quyết để loại hình du lịch temple stay được thực hiện là phải có sự đồng ý và tham gia của nhà sư trụ trì tại các ngôi chùa. Đối với những ngôi chùa được lựa chọn để thực hiện phải đảm bảo không gian thanh tịnh, khuôn viên rộng, hệ thống cơ sở hạ tầng đáp ứng được những nhu cầu tối thiểu cho du khách (ăn, ngủ, vệ sinh cá nhân). Đặc biệt, những ngôi chùa có lịch sử lâu đời, có giá trị về kiến trúc nghệ thuật sẽ càng hấp dẫn hơn.

Loại hình du lịch này có nhiều ưu điểm: có thể thực hiện trong thời gian cả năm, khắc phục được tính thời vụ trong du lịch; không đòi hỏi phải bỏ nhiều vốn đầu tư cơ sở hạ tầng tiện nghi do nơi ăn, nghỉ của du khách rất đơn giản; chi phí cho chương trình du lịch không lớn do trong thời gian lưu trú tại chùa du khách sẽ tự phục vụ, bữa ăn và phòng ngủ đơn giản, các dịch vụ bổ sung không nhiều và chi phí ít; đối tượng khách tham quan đa dạng với lứa tuổi và nghề nghiệp khác nhau; thời gian các chương trình du lịch có thể thiết kế linh hoạt phù hợp với nhu cầu của từng đối tượng khách. Bên cạnh đó, loại hình du lịch này không gây ra nhiều tác động tiêu cực đến môi trường tự nhiên.

2. Điều kiện để phát triển loại hình du lịch temple stay ở Việt Nam

Về điều kiện lịch sử, Phật giáo là tôn giáo lớn nhất ở Việt Nam hiện nay. Trải qua lịch sử hàng nghìn năm du nhập và phát triển, Phật giáo đã có nhiều tông phái khác nhau, để lại dấu ấn sâu đậm trong văn hóa Việt Nam. Với hệ thống triết lý giàu tính nhân văn, Phật giáo đã khẳng định vị trí quan trọng trong đời sống tôn giáo, chính trị ở nước ta. Hàng ngàn ngôi chùa có quy mô lớn nhỏ mang màu sắc đặc trưng của các tông phái khác nhau ở khắp các vùng lãnh thổ đã tạo nên bức tranh Phật giáo đa sắc màu. Trong đó, nhiều ngôi chùa và thiền viện có lịch sử lâu đời, kiến trúc độc đáo, tọa lạc ở vị trí phong cảnh hữu tình, thanh tịnh như chùa Hương (Hà Nội), thiền viện Trúc Lâm Yên Tử (Quảng Ninh), thiền viện trúc lâm Tây Thiên (Vĩnh Phúc), thiền viện Trúc Lâm Đà Lạt (Lâm Đồng), thiền viện trúc lâm Phương Nam (Cần Thơ), chùa Minh Thành (Gia Lai), chùa Thiên Mụ (Thừa Thiên - Huế), chùa Linh Ứng (Đà Nẵng), chùa Vĩnh Tràng (Tiền Giang), chùa Phật Lớn (An Giang)…

Về điều kiện xã hội, trước áp lực cuộc sống hiện đại xu hướng xả stress bằng các phương pháp tu tập, thiền định ngày càng được quan tâm. Số lượng người muốn tìm đến chốn già lam để giải tỏa tinh thần, cân bằng cuộc sống ngày càng nhiều.

Một số ngôi chùa hiện nay tổ chức các khóa tu mùa hè đã thành công, thu hút hàng ngàn lượt người tham gia như: thiền viện Trúc Lâm Yên Tử (Quảng Ninh), thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên (Vĩnh Phúc), chùa Hoằng Pháp (TP. HCM), chùa Phật Quang (Kiên Giang), chùa Vĩnh Hưng (Long An)… Các vấn đề về thông tin khóa tu, quy trình đăng ký, nội dung và nội quy chương trình đã được thực hiện khá bài bản. Hiện nay, các khóa tu mùa hè tổ chức chủ yếu cho đối tượng là các em học sinh, sinh viên ở độ tuổi từ 10 đến 25 tuổi. Các chương trình tu tập cho người trung và cao tuổi chưa được tổ chức quy mô, bài bản. Kinh phí cho các khóa tu này hoàn toàn tùy thuộc vào sự phát tâm công đức của các bậc phụ huynh. Lợi ích của các khóa tu tập tại chùa đã được khẳng định, nhận được nhiều sự ủng hộ của nhân dân và nhà chùa. Đây chính là điều kiện tiền đề để các doanh nghiệp lữ hành nghiên cứu xây dựng và phát triển loại hình du lịch temple stay.

3. Một số lưu ý khi tổ chức chương trình du lịch temple stay

Loại hình du lịch temple stay không đòi hỏi phải đầu tư kinh phí cho hệ thống cơ sở hạ tầng quá nhiều trong khi lợi ích xã hội lại rất lớn, vì vậy, phát triển loại hình du lịch này là hướng đi phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội của nước ta. Các chương trình temple stay có thể thực hiện riêng biệt theo từng chủ đề khác nhau để phù hợp với từng đối tượng du khách. Ngoài ra, có thể lồng ghép với các chương trình du lịch tham quan thông thường khác. Vì vậy, thời gian thăm chùa sẽ kéo dài hơn và du khách có điều kiện trải nghiệm cuộc sống của người tu hành, khám phá vẻ đẹp và tận hưởng không gian yên tĩnh tại ngôi chùa. Việc kết hợp này vừa góp phần giảm đáng kể chi phí lưu trú vừa tăng thêm tính sinh động cho chương trình. Trong quá trình thực hiện các chương trình du lịch dài ngày có thể xen kẽ nhiều hoạt động như: tham quan chùa, lễ Phật, tụng kinh, lao động tập thể, chép kinh, học thiền định, học giáo lý về luật nhân quả, nghiệp báo…

Dựa trên kinh nghiệm phát triển loại hình du lịch temple stay của Hàn Quốc và một số quốc gia khác có thể rút ra một số lưu ý khi phát triển loại hình du lịch này ở Việt Nam:

Các chương trình du lịch cần được thiết kế riêng cho từng ngôi chùa để tránh sự trùng lặp, nhàm chán. Tùy thuộc vào thế mạnh của từng ngôi chùa để xây dựng chủ đề (thư giãn, trải nghiệm, tu tập…) và nội dung chương trình phù hợp. Temple stay là du lịch ngủ chùa nên các hoạt động chính của du khách diễn ra tại chùa và các địa điểm tham quan xung quanh. Vì vậy, các ngôi chùa được lựa chọn phải nằm ở vị trí vừa đảm bảo không gian yên tĩnh, thanh tịnh vừa có thể dễ dàng liên kết với các điểm tham quan khác.

Cần nghiên cứu chi tiết thị trường khách vì temple stay là loại hình du lịch khá kén khách, vì vậy cần lưu ý phân loại khách (về độ tuổi, thời gian rỗi…) để xây dựng chương trình phù hợp. Vấn đề thông tin truyền thông cần được thực hiện bài bản để du khách hiểu và tham gia với tâm thế chủ động. Du khách lưu trú tại chùa là chốn linh thiêng nên cần phải công bố rõ những nội quy cụ thể để tránh tối đa những phiền toái. Mỗi cơ sở được lựa chọn tổ chức cần có cổng thông tin điện tử để cập nhật chương trình nhanh nhất đến du khách. Bên cạnh đó, đội ngũ tổ chức thực hiện chương trình phải là những người có am hiểu sâu sắc về các nghi lễ Phật giáo.

_______________

1, 2, Lê Tuyết Mai, Temple stay ở Hàn Quốc một loại hình du lịch mới, Tạp chí Nghiên cứu Văn hóa, số 4-2013.

 

Tác giả: Đặng Hoàng Giang

Nguồn: Tạp chí VHNT số 413, tháng 11 - 2018

;