PHÁT TRIỂN HOẠT ĐỘNG DU LỊCH Ở HUYỆN CÁI BÈ, TIỀN GIANG

1. Tài nguyên phát triển du lịch huyện Cái Bè

Môi trường sinh thái

Huyện Cái Bè cách trung tâm thành phố Mỹ Tho 50km, cách TP.HCM 113km. Diện tích tự nhiên của huyện là 420,9 nghìn km2. Huyện giáp với tỉnh Vĩnh Long, Đồng Tháp, huyện có điều kiện tự nhiên thuận lợi để liên kết phát triển du lịch liên vùng.

Khí hậu Cái Bè thuận lợi để phát triển hoạt động du lịch sinh thái. Đây là địa phương được thiên nhiên ưu đãi với hệ thống thủy lợi tự nhiên tốt nhất trong tỉnh. Sông Cái Bè là nguồn tài nguyên nước quan trọng để phát triển việc trồng cây ăn trái cung cấp trong nước và xuất khẩu, nổi bật nhất là: bưởi Cổ Cò, xoài cát Hòa Lộc, sầu riêng Ngũ Hiệp, quýt Cái Bè... Đặc biệt, điểm tham quan chợ nổi Cái Bè đã phát triển du lịch cộng đồng gắn liền với các làng nghề truyền thống bánh tráng, cốm, kẹo, vườn cây ăn trái đặc sản, làng cổ Đông Hòa Hiệp.

Di sản văn hóa

Huyện Cái Bè có hệ thống các di tích kiến trúc nghệ thuật như: tượng đài chiến thắng Cổ Cò, đình Ông Lữ, đình Mỹ Lương, đình Hòa Lộc...; các di tích gắn liền với tôn giáo như: nhà thờ Cái, chùa Phù Châu có giá trị lịch sử và nghệ thuật đặc sắc; nhiều ngôi nhà cổ như: Ba Đức, nhà cổ ông Cai Huy, nhà cổ Anh Kiệt được xây dựng theo cấu trúc nhà truyền thống Nam Bộ gồm 5 gian, 3 chái hình chữ đinh cùng các hoa văn chạm khắc, trang trí công phu. Các nhà cổ nằm đan xen với những vườn cây trái xum xuê tạo nên vẻ đẹp dân dã, thơ mộng.

Các lễ hội lớn của huyện như: lễ tắm cồn được tổ chức vào dịp tết Ðoan Ngọ tại cù lao Tân Phong, lễ cúng thủy thần tại miếu Cậu ở Vàm Mân… luôn thu hút du khách và trở thành hoạt động truyền thống của người dân địa phương.

Làng nghề thủ công truyền thống của huyện Cái Bè có từ lâu đời, nổi tiếng nhất là nghề làm cốm, kẹo xã Đông Hòa Hiệp, nghề làm bánh tráng, bánh phồng. Trước đây sản phẩm chủ yếu tiêu thụ trong dịp lễ tết, hiện nay đã mở rộng thị trường tiêu thụ và khẳng định được thương hiệu.

Ẩm thực của huyện Cái Bè nổi tiếng là với nhiều món như: chuối quết dừa, ốc gạo hấp, chả giò rế, cá ngát nấu cơm mẻ, cá rút xương dồn thịt cuốn bánh tráng, vịt nấu chao, lẩu mắm cá hú bông lục bình, cá lóc nướng trui… tạo nên văn hóa ẩm thực độc đáo của địa phương.

Cơ sở hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật

Hiện nay, huyện có 2 cơ sở nghỉ dưỡng đạt tiêu chuẩn 2 sao là Mekong Riverside và Mekong Lodge và 7 khách sạn tiêu chuẩn 1 sao. Huyện chú trọng nâng cấp 3 nhà cổ để phục vụ du lịch homestay cho du khách.

Về cơ sở ăn uống, huyện có 18 nhà hàng và quán ăn lớn phục vụ khách du lịch và khách dừng chân trên đường từ miền tây về TP.HCM và ngược lại như: nhà hàng Xẻo Mây, Thái An… đã phục vụ tốt nhu cầu về ẩm thực của các đối tượng khách đến với huyện Cái Bè.

Về phương tiện, các doanh nghiệp đầu tư 161 chiếc đò máy với 2.149 ghế cùng với hơn 40 đò chèo liên kết với Tân Phong (Cai Lậy) để khai thác du lịch. Doanh thu du lịch ở huyện Cái Bè chủ yếu dựa vào nguồn thu chính từ 3 loại hình dịch vụ khách sạn, ăn uống và vận chuyển, giúp cho đời sống người dân địa phương được cải thiện rõ rệt.

2. Thực trạng hoạt động du lịch Cái Bè

Các loại hình và sản phẩm du lịch ở huyện Cái Bè

Trong thời gian qua, huyện Cái Bè đã phát triển các sản phẩm du lịch như: tham quan, nghỉ dưỡng sông nước, miệt vườn, tìm hiểu văn hóa truyền thống, du lịch liên kết với các điểm như cù lao Tân Phong, cù lao Ngũ Hiệp huyện Cai Lậy và cù lao Thới Sơn - thành phố Mỹ Tho. Ngoài ra còn chú trọng liên kết không gian du lịch trong và ngoài huyện như: TP.HCM - Cái Bè; tour liên kết Cái Bè với các cù lao của tỉnh Vĩnh Long, Bến Tre, Đồng Tháp; tour liên kết Cái Bè đi các tỉnh lân cận trong vùng đồng bằng sông Cửu Long; tour liên kết với khu du lịch sinh thái Đồng Tháp Mười (Tân Phước); tour liên kết Cái Bè đi Gò Tháp, Xẻo Quýt (Đồng Tháp).

Tuy nhiên, việc phát triển nhanh phương tiện đò du lịch, các văn phòng đại diện của nhiều doanh nghiệp nhỏ, dẫn đến tình trạng cung lớn hơn cầu nên cạnh tranh không lành mạnh đã ảnh hưởng không ít đến môi trường du lịch của huyện. Tài nguyên và tiềm năng du lịch từng bước được khai thác nhưng tiến độ xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật ở các điểm lưu trú còn chậm, vệ sinh môi trường các điểm đến chưa đảm bảo. Sản phẩm du lịch trùng lặp, chưa mang tính đặc thù riêng. Các di tích lịch sử, văn hóa không được trùng tu bảo quản, các tuyến điểm chưa thật sự hấp dẫn, chưa phát huy năng lực và điều kiện tổ chức tour du lịch dài ngày trong huyện, hiệu quả kinh tế còn thấp.

Chợ nổi Cái Bè đang giảm sút số lượng thương hồ và khó bảo tồn về lâu dài. Một trong những nguyên nhân là huyện không có chính sách hỗ trợ kinh phí duy trì hoạt động cho các chủ ghe kinh doanh, chưa xây dựng lễ hội đặc trưng cho chợ nổi Cái Bè, chưa có sự khác biệt về sản phẩm kinh doanh so với các chợ nổi khác ở đồng bằng sông Cửu Long, tình trạng ô nhiễm môi trường từ công việc buôn bán và sinh hoạt của hộ dân trên ghe…

Nguồn nhân lực du lịch

Trung tâm dịch vụ du lịch Cái Bè có 10 hướng dẫn viên quốc tế và nội địa, lao động trong lĩnh vực lưu trú và ăn uống khoảng 150 người. Nguồn nhân lực của huyện tương đối dồi dào nhưng chưa được đào tạo chuyên môn. Đội ngũ hướng dẫn viên thiếu kiến thức lịch sử, văn hóa, sinh thái của địa phương nên chưa có khả năng thu hút và tạo ấn tượng cho du khách. Trình độ ngoại ngữ còn hạn chế, gây ảnh hưởng đến quá trình thuyết minh và ứng xử giao tiếp văn hóa, không đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của khách du lịch. Một số hộ tham gia hoạt động kinh doanh chỉ nghĩ đến lợi ích trước mắt nên thiếu đầu tư chiều sâu, chưa thay đổi phong cách phục vụ.

Quản lý nhà nước về phát triển du lịch

Công tác quản lý nhà nước về du lịch thiếu đầu mối và không có kinh phí. Công tác tuyên truyền quảng bá du lịch chưa đi vào chuyên sâu. Công tác xúc tiến du lịch mới dừng lại ở việc tham gia hội chợ triển lãm, chưa phối hợp tốt với các tổ chức cung cấp thông tin cần thiết nhằm hướng dẫn các doanh nghiệp tìm kiếm, khai thác thị trường để phát triển kinh doanh lữ hành, nhất là lữ hành quốc tế trực tiếp. Kinh nghiệm quản lý kinh doanh và trình độ nghiệp vụ của cán bộ, lao động trong ngành vẫn còn nhiều hạn chế.

Để phát triển hoạt động du lịch ở huyện Cái Bè theo hướng bền vững, huyện ủy, UBND huyện và các ngành cần tập trung mọi nguồn lực giải quyết các vấn đề:

Giải pháp về tổ chức, quản lý: duy trì hoạt động xúc tiến tại các thị trường khách truyền thống thuộc các quốc gia Nhật, Mỹ, Úc, Hàn Quốc, Anh, Trung Quốc. Cần chú trọng từng phân đoạn thị trường, nghiên cứu nhu cầu và sở thích riêng biệt của từng nhóm khách để có chiến lược quảng bá hiệu quả. Duy trì thị trường khách truyền thống từ TP.HCM và tỉnh nội vùng và các tỉnh Đông Nam Bộ. Phát triển, mở rộng thị trường bằng cách liên kết với doanh nghiệp lữ hành ở xa như Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh… qua các hoạt động famtrip, hội chợ du lịch. Thường xuyên kiểm tra các cơ sở kinh doanh ăn uống, cơ sở lưu trú, các điểm vui chơi giải trí để đảm bảo an toàn cho du khách, đảm bảo chất lượng dịch vụ và tuân thủ đúng pháp luật. Tổ chức các hội nghị, hội thảo, triển lãm chuyên đề, liên hoan văn hóa ẩm thực du lịch để giới thiệu tiềm năng, lợi thế, chính sách khuyến khích đầu tư phát triển du lịch, kêu gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư vào các dự án du lịch của huyện với các chính sách ưu đãi đầu tư phù hợp.

Giải pháp về xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng: cần tập trung vào sản phẩm du lịch sinh thái kết hợp trải nghiệm sinh hoạt văn hóa truyền thống đặc trưng của cư dân vùng sông nước Nam Bộ. Xây dựng chương trình du lịch đặc sắc với những hoạt động thu hút du khách như: đi thuyền trên kênh rạch, nghe đờn ca tài tử, tham quan các cơ sở sản xuất thủ công mỹ nghệ, tát mương bắt cá, thưởng thức trái cây và đặc sản địa phương, nghỉ đêm trải nghiệm nhà cổ tại làng cổ Đông Hòa Hiệp. Tập trung xây dựng sản phẩm tham quan, tìm hiểu du lịch nông nghiệp, nhà vườn giúp du khách hiểu biết về hoạt động sinh kế của người dân vùng đồng bằng sông Cửu Long. Phát triển du lịch có trách nhiệm như khuyến khích du khách tham gia vào việc bảo vệ đa dạng sinh học và cân bằng hệ sinh thái tại chợ nổi Cái Bè.

Giải pháp về nguồn nhân lực: cần có những chính sách khuyến khích, ưu đãi đối với các doanh nghiệp kinh doanh du lịch tại huyện có sử dụng người lao động là người địa phương. Doanh nghiệp cần hỗ trợ về chỗ ăn ở, các khoản trợ cấp ban đầu, hỗ trợ về lâu dài, có đãi ngộ phù hợp với người lao động để họ an tâm gắn bó với nơi làm việc. Tạo điều kiện cho cán bộ làm công tác quản lý ngành du lịch được đi học và nâng cao trình độ chuyên môn. Tập huấn định kỳ các kiến thức văn hóa, sinh thái, tuyên truyền giáo dục ý thức bảo vệ tài nguyên du lịch tự nhiên, kỹ năng phục vụ du khách cho nhân lực du lịch và cộng đồng địa phương. Tạo điều kiện cho các hộ kinh doanh tham gia vào hoạt động du lịch có trách nhiệm.

Giải pháp về vốn đầu tư: liên kết tổ chức xúc tiến, kêu gọi đầu tư trên địa bàn huyện. Thu hút nguồn đầu tư để khai thác khu du lịch Cồn Quy (xã Tân Thanh) thành khu du lịch trọng điểm khai thác hoạt động sông nước miệt vườn, cùng với trái cây đặc sản là xoài Cát Chu. Cần hoàn thiện cơ chế quản lý đầu tư, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, tạo sự công bằng giữa các nhà đầu tư trong nước và ngoài nước, giữa tư nhân và nhà nước. Cần tăng cường phối hợp chặt chẽ giữa các ngành liên quan sớm hoàn thành các quy hoạch du lịch, xây dựng cơ chế, chính sách ưu đãi về đất đai, miễn giảm thuế… nhằm khuyến khích nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước tham gia vào đầu tư du lịch.

Hợp tác liên kết phát triển du lịch trong vùng đồng bằng sông Cửu Long: tiếp tục thực hiện chương trình hợp tác với TP.HCM, phối hợp tổ chức các buổi hội thảo, các tour khảo sát, liên kết giữa doanh nghiệp trong huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang và TP.HCM trong hoạt động du lịch. Liên kết với các huyện trong tỉnh, với các tỉnh lân cận như Bến Tre, Vĩnh Long để xây dựng cơ chế hợp tác phát triển du lịch liên kết vùng như: tạo sản phẩm du lịch mang nét đặc trưng của từng địa phương, nâng cao chất lượng sản phẩm, thống nhất chương trình tour và giá bán, tránh phát triển các sản phẩm trùng lặp, tình trạng cạnh tranh không lành mạnh làm giảm hiệu quả kinh doanh hoạt động du lịch.

Sự phát triển du lịch của huyện Cái Bè những năm qua thực tế không tách rời sự phát triển du lịch chung của cả nước và tỉnh Tiền Giang. Để phát triển du lịch bền vững cần có sự chung tay phối hợp giữa các nhà đầu tư, chính quyền quản lý và cộng đồng dân cư địa phương. Các nguồn lợi về du lịch nếu được phân chia hợp lý và gắn liền với bảo vệ môi trường sinh thái, văn hóa, xã hội sẽ là động lực duy trì và phát triển du lịch cho huyện Cái Bè.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 405, tháng 3 - 2018

Tác giả : CHU KHÁNH LINH

;