Nhìn lại xuyên suốt quá trình sáng tác thơ của Phan Thị Thanh Nhàn, yếu tố trữ tình đóng vai trò như phương thức biểu đạt chính trong thơ bà. Chính yếu tố này đã góp phần tạo nên chất nữ tính, đằm thắm, giản dị mà tinh tế khi đề cập đến những điều gần gũi trong cuộc sống hằng ngày của mỗi con người.
Một buổi sáng hè kỳ lạ, Hà Nội có tiết trời se lạnh như mùa thu, tôi đã vinh dự được gặp gỡ và có cuộc trò chuyện thú vị cùng nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn. Ấn tượng đầu tiên của tôi về nhà thơ đó là đôi mắt của bà. Một đôi mắt rất sáng, rất trong ẩn chứa trong đó là một vẻ giản dị mà tinh tế vô cùng.
Phan Thị Thanh Nhàn sinh ngày 9/8/1943. Bà là người Hà Nội gốc, sinh ra là lớn lên tại phường Tứ Liên, quận Tây Hồ, Hà Nội. Sau khi tốt nghiệp Khoa báo chí Trường Tuyên giáo Trung ương, Phan Thị Thanh Nhàn về làm phóng viên thời sự của Báo Hà Nội Mới trong nhiều năm rồi bà về làm Phó Tổng biên tập Báo Người Hà Nội. Sau đó, bà giữ chức Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà văn Hà Nội trước khi nghỉ hưu.
Phan Thị Thanh Nhàn đến với thơ từ rất sớm. Bà sáng tác thơ khi mới 10 -11 tuổi. Mặc dù bố mẹ bà đều là người làm kinh doanh nhưng lại vô cùng thích đọc sách nên từ bé bà đã được tiếp xúc với nhiều cuốn sách kinh điển của thế giới. Bầu không khí văn chương trong gia đình đã nuôi dưỡng tâm hồn thơ trong bà. Những năm tháng tuổi thơ êm đềm và đẹp đẽ sống bên gia đình là những viên gạch đầu tiên tạo nguồn cảm hứng để bà theo đuổi con đường thơ ca sau này.
Phan Thị Thanh Nhàn dành sự quan tâm đặc biệt đến đề tài gia đình từ khi mới cầm bút. Mỗi vần thơ hồi đó đều là những cảm xúc chân thật, tự nhiên từ những suy nghĩ rất đỗi ngây thơ, hồn nhiên của cô bé trong ngôi nhà mái lá tràn ngập hạnh phúc.
Càng về sau, những vần thơ mộc mạc của bà, nhất là những vần thơ về mẹ càng có chiều sâu và đánh thức trái tim của độc giả:
“Nhưng con đã khóc ròng khi con ngồi bên mẹ
Mẹ 90 giờ đã lẫn rồi
Mắt mờ đục miệng nói hoài không nghỉ
Toàn những điều mẹ nhớ lại thôi.”
(Mẹ ơi!)
Không chỉ thành công trong các bài thơ viết về tình cảm gia đình, nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn đặc biệt để lại ấn tượng riêng trong những bài thơ sáng tác về tình yêu đôi lứa. Trong đó, bài thơ được nhiều người biết tới và đã được phổ nhạc là bài Hương thầm được bà sáng tác năm 1969. Phan Thị Thanh Nhàn chia sẻ: Khi bà còn nhỏ, gia đình bà sống trong một căn nhà nhỏ với mảnh vườn khá rộng, có trồng một cây bưởi. Độ tháng Ba, khi thời tiết vẫn còn hơi se lạnh cùng với những cơn mưa phùn mùa xuân là thời điểm cây bưởi nở hoa. Hoa bưởi mọc thành từng chùm, nở màu trắng tinh khôi và thơm ngát tỏa hương khắp khu vườn. Người em trai tên Khải của bà rất quan tâm và thương chị, biết chị thích hoa bưởi nên thường hái để sẵn trong túi xách của bà từ lúc nào. Sau đó vì đất nước chiến tranh, em trai bà lên đường nhập ngũ để tham gia cuộc kháng chiến chống Mỹ bảo vệ Tổ quốc. Trước ngày lên đường, có cô bạn nhà ở cạnh bên, học cùng lớp sang chơi. Thấy em trai và bạn học cùng ngồi dưới tán cây bưởi, chỉ ngồi cạnh nhau bối rối mà không nói với nhau điều gì cả. Tình cảm của đôi bạn vô cùng trong sáng, e ấp là nguồn cảm hứng để bà sáng tác bài thơ Hương thầm:
Cửa sổ hai nhà cuối phố
Không hiểu vì sao không khép bao giờ
Đôi bạn ngày xưa học chung một lớp
Cây bưởi sau nhà ngan ngát hương đưa…
Khổ thơ đầu bài thơ mở ra một không gian nghệ thuật rất tình tứ. Bà chọn hình ảnh “cửa sổ” để kết nối hai tâm hồn với nhau. Đặc biệt hai khung cửa sổ lại “không khép bao giờ” tạo ra không gian mở để hai những con người trong hai căn nhà có thể gắn kết với nhau qua những ánh nhìn sang phía nhà đối diện.
Đôi bạn ngày xưa học chung một lớp
Cây bưởi sau nhà ngan ngát hương đưa
Một tín hiệu tình yêu hé mở, “cây bưởi sau nhà ngan ngát hương đưa” như biểu tượng cho một tình yêu trong sáng, thuần khiết của mối tình đầu tiên vô cùng đẹp đẽ, đáng nhớ trong cuộc đời mỗi con người. Tiếp theo, nhà thơ mở ra trước mắt chúng ta là người con gái tuổi trăng tròn vô cùng hiền dịu, cô gái
Giấu một chùm hoa trong chiếc khăn tay
Cô gái ngập ngừng sang nhà hàng xóm
Hành động của cô gái vừa chủ động nhưng vẫn giữ được nét tế nhị, kín đáo trong cách thể hiện tình cảm với người bạn cùng lớp năm nào. Lí do cô gái sang “nhà hàng xóm” là vì “Bên ấy có người ngày mai ra trận”. Ngày mai, “đôi bạn ngày xưa học chung một lớp” chia xa. Ngày mai, có thể là cuộc gặp gỡ cuối cùng “một đi không trở lại”. Ngày mai, anh lên đường ra trận để chiến đấu vì Tổ quốc còn em ở lại Hà Nội để tiếp tục học tập - Cuộc ra đi sinh tử mà có thể cách xa nhau mãi mãi. Cô gái mang tín vật tình yêu thật giản dị, thân thuộc mà vô cùng ý nghĩa, chùm hoa bưởi ngát hương được gói nhẹ nhàng trong chiếc khăn tay để tặng người bạn của mình.
Họ ngồi im chẳng biết nói năng chi
Mắt chợt tìm nhau rồi lại quay đi
Nào ai đã một lần dám nói
Tình yêu giữa hai người dường như “trong lòng đã tỏ” nhưng họ ngồi cạnh nhau mà “chẳng biết nói năng chi” không gian tĩnh nhưng sóng trong lòng đã dậy “mắt chợt tìm nhau” họ nén nhìn đối phương nhưng không dám nhìn lâu bởi vì đây là lần đầu tiên họ biết yêu, biết nhớ nhung đôi mắt của một người. Những vần thơ với nhịp điệu rất chậm thể hiện tình yêu bẽn lẽn, hồn nhiên, kín đáo.
“Hoa bưởi thơm cho lòng bối rối
Anh không dám xin cô gái chẳng dám trao
Chỉ mùi hương lặng lẽ thanh tao
Không giấu được cứ bay dịu nhẹ”
…
Cô gái như chùm hoa lặng lẽ
Nhờ hương thơm nói hộ tình yêu
Rồi theo từng hơi thở của anh
Hương thơm ấy thấm sâu vào lồng ngực
Anh lên đường hương sẽ bay theo khắp
Họ chia tay vẫn chẳng nói điều chi
Mà hương thầm thơm mãi bước người đi
Đọc những vần thơ nhẹ nhàng, nồng thắm chúng ta như sống lại tình yêu của cả một thời khói lửa. Một tình yêu rất đẹp, thuần khiết và kín đáo. Họ yêu nhau mà chỉ có thể giấu trong lòng mỗi người. Họ gác lại tình yêu đôi lứa để ra trận vì tình yêu đất nước, vì hòa bình, độc lập cho mai sau. Câu thơ cuối được nhà thơ sử dụng rất đắt: “Mà hương thầm thơm mãi bước người đi” câu thơ gợi ra bao cảm xúc nơi người đọc, gợi ra một cuộc chia ly đầy lưu luyến. Một tình yêu thầm kín mà bền chặt, tế nhị mà đậm sâu.
Trải qua hơn 50 năm với bao thăng trầm của lịch sử, Hương thầm một thời tới nay vẫn “ngào ngạt” trong lòng bao tâm hồn yêu thơ. Hương thầm như một bức tranh đẹp tái hiện lại tình yêu của một thế hệ thanh niên đã yêu và đã sống hết mình trong thời kỳ lịch sử đầy vất vả, đau thương nhưng vô cùng hào hùng của dân tộc.
Không chỉ Hương thầm mà nay nhà thơ còn có Con đường, Anh, Nhẫn cỏ đều là những bài thơ tiêu biểu, đặc sắc mang màu sắc hoài niệm về quá khứ trong tuyển tập thơ của Phan Thị Thanh Nhàn:
Nếu anh đi với người yêu
Chỉ mong anh nhớ một điều nhỏ thôi
Con đường ta đã dạo chơi
Xin đừng đi với một người khác em
(Con đường)
Càng về sau thơ Phan Thị Thanh Nhàn càng đằm sâu, gây ấn tượng từ hình tượng đến cảm suy, nhiều khi để lại cảm giác mênh mang không dứt:
Anh gầy như then cửa
Đóng nghiêm trang đêm ngày
Ngôi nhà mình xinh quá
Bưởi trước nhà hương bay
Thôi - mình xa nhau nhé
Em khóc mà chia tay
Hạnh phúc như bóng tối
Nhạt nhòa trong mắt cay
(Anh)
Nhìn lại xuyên suốt quá trình sáng tác thơ của Phan Thị Thanh Nhàn, yếu tố trữ tình đóng vai trò như phương thức biểu đạt chính trong thơ bà. Yếu tố trữ tình đã góp phần tạo nên chất nữ tính, đằm thắm, giản dị mà tinh tế khi đề cập đến những điều gần gũi trong cuộc sống hằng ngày của mỗi con người. Có thể thấy, thơ như tiếng lòng của của bà. Thơ thể hiện những rung cảm tinh tế, sâu sắc của tâm hồn đa cảm. Thơ thay bà nói những vui buồn trong cuộc sống biến đổi không ngừng. Thơ cũng là người bạn tri âm, tri kỷ đồng hành cùng bà vượt qua những buồn đau trong cuộc đời để hướng tới những điều tốt đẹp.
Theo năm tháng, thơ Phan Thị Thanh Nhàn cũng có sự biến đổi trong bút pháp và cảm xúc. Từ những bài thơ tình trong sáng, nhẹ nhàng tươi tắn chuyển sang màu sắc trầm lắng, giàu trải nghiệm, đầy trăn trở nhưng độ lượng, bao dung hơn hàm chứa vẻ đẹp của lòng nhân hậu và sự cảm thông sâu thẳm. Từ trong cách khai thác đề tài, xây dựng hình tượng thơ đến hình ảnh, nhịp điệu… tất cả hòa phối tạo nên một vẻ đẹp riêng không trộn lẫn.
Thơ Phan Thị Thanh Nhàn là thơ của cõi lòng tinh khiết, giản dị và sâu lắng, mộc mạc và tinh tế. Nhiều khi từ những chi tiết và sự việc cụ thể, tác giả đã khái quát hóa, hình thành những tứ thơ độc đáo, để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng người đọc.
QUYÊN QUYÊN
Nguồn: Tạp chí VHNT số 502, tháng 6-2022