NSNA Vũ Lâm: Với những tác phẩm giàu cảm xúc

Năm 1997, lần đầu tiên tiếp xúc với chiếc máy ảnh film hiệu Pratika, cũng là mốc đánh dấu sự “bén duyên” của Vũ Lâm với nhiếp ảnh. Hiện nay anh là hội viên Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hải Phòng và là một trong những nghệ sĩ nhiếp ảnh (NSNA) trẻ nhiều triển vọng của vùng đất hoa phượng đỏ.

Sau nhiều năm gắn bó, đến năm 2018 Vũ Lâm mới quyết định đến với con đường sáng tác nghệ thuật. Vốn sẵn có nền tảng kiến thức về mỹ thuật từng học từ thời cấp 3, nên Vũ Lâm đã thuận lợi chinh phục môn nghệ thuật ánh sáng. Nhiều tác phẩm nhiếp ảnh đong đầy cảm xúc của anh đã ra đời và giành giải thưởng cao. Như tác phẩm đầu tiên Hồi ức giành giải Nhì tại cuộc thi ảnh Nghệ thuật Hải Phòng năm 2018; Tiếp đến là giải Nhất tác phẩm Phố đi bộ Hải Phòng cuộc thi Ảnh đẹp Du lịch Hải Phòng 2019; tác phẩm Tần tảo giành giải Nhất cuộc thi The Winner Priz chủ đề phụ nữ; giải Ba ảnh bộ cuộc thi Hải Phòng - Khát vọng vươn lên do Thành ủy Hải Phòng tổ chức năm 2019; giải Ba cuộc thi về đề tài Phật giáo với tác phẩm Chùa Đồng - Yên Tử năm 2021; và Bằng danh dự FIAP tác phẩm Sapa ngày tuyết rơi hạng mục Du lịch, tại Cuộc thi ảnh Nghệ thuật quốc tế VN21 tổ chức tại Việt Nam; và bộ ảnh Phòng cháy chữa cháy trên biển được triển lãm tại cuộc thi ảnh Biển đảo quê hương cấp quốc gia… Những giải thưởng không chỉ là niềm vui, mà còn là sự động viên, khích lệ để Vũ Lâm tiếp tục “rong ruổi” trên hành trình sáng tạo nghệ thuật. 

Trong sáng tác, Vũ Lâm thử sức trong nhiều đề tài, nhưng anh thường bị cuốn vào thể loại phong cảnh và con người trong lao động sản xuất, bởi anh muốn lưu giữ những hình ảnh, khoảnh khắc đẹp của con người, quê hương, vùng đất và những tập tục địa phương mà anh đặt chân đến. Đó là, sự lung linh, huyền ảo của ánh sáng, những ngôi nhà cao tầng soi bóng xuống dòng sông Tam Bạc tạo nên vẻ đẹp nên thơ trong Phố đi bộ Hải Phòng; hay một màu trắng xóa của tuyết trên mặt đất, mái nhà, giao thoa với trời mây nơi Sapa ngày tuyết phủ; một màu đỏ rực rỡ của lá phong trong Mùa lá đỏ ở Cao Bằng tại hồ Bản Viết; hình ảnh sinh động của người dân Mù Căng Chải đang may áo trong ngôi nhà với những bắp ngô vàng óng; đôi mắt sáng long lanh của Em bé Tây Ninh đang đứng một lò gốm; hay bóng dáng của cụ ông, cụ bà trong không khí xuân đầm ấm, bên cạnh những nét cổ kính với tường gạch rêu phong, cổng nhà mái ngói nơi làng cổ Đường Lâm, Hà Nội…

Trong mỗi tác phẩm của Vũ Lâm, người xem có thể thấy được sự đầu tư kỹ lưỡng từ bối cảnh, khuôn hình đến bố cục, ánh sáng. Đó còn là sự tìm tòi trong từng góc máy, khám phá trong phong cách thể hiện, nên các tác phẩm của anh mang một dấu ấn riêng, không bị trùng lặp với các tác giả khác. Mỗi bức ảnh là một câu chuyện được anh kể một cách “hấp dẫn” với nhiều cảm xúc. Đó còn là vẻ đẹp của thiên nhiên, hình ảnh con người say mê trong lao động, sản xuất được toát lên một cách chân thực nhưng giàu tính nghệ thuật, làm nổi bật lên những thông điệp nhân văn gửi gắm đến với người xem. Chính vì thế, nhiều tác phẩm của Vũ Lâm không chỉ được khán giả yêu thích, mà còn được giới làm nghề đánh giá cao. 

Sapa ngày tuyết phủ

Cũng như nhiều nghệ sĩ khác, để có được một tấm hình ưng ý, Vũ Lâm cũng phải đi lại nhiều nơi, khám phá nhiều vùng đất, đồng thời phải dồn nhiều tâm sức cho tác phẩm. Trong đó có Chùa Đồng - Yên Tử, với tác phẩm này Vũ Lâm đã phải canh chừng suốt một đêm, chờ khi bầu trời thật trong và không có mây mù mới tiến hành bấm máy. Sau gần 4 tiếng loay hoay với nhiều góc chụp, anh mới hoàn thành và ưng ý với đứa con tinh thần của mình. Hay như tác phẩm Mùa lá đỏ ở Cao Bằng, để chụp được bức ảnh này, thì phải “bắt” đúng thời điểm. “Tôi đã phải nhờ người dân nơi đó báo cho biết khoảng thời gian lá bắt đầu chuyển sang màu đỏ. Khi có thông tin là tôi lên đường, đến đó đợi chờ cho đến khi lá thật đẹp mới bắt tay vào chụp. Có những năm, tôi lên đến nơi, chờ trong nhiều ngày, nhưng màu lá bị chuyển sang màu cháy xám rất xấu, lại đi về chờ năm tới. Với hành trình vượt mấy trăm km từ nhà đến với Hồ Bản Viết, Cao Bằng, sau đúng 4 năm đi, lại tôi mới có được bộ ảnh như mong muốn”. 

Bên cạnh thể loại ảnh đơn, Vũ Lâm cũng chú trọng với thể loại ảnh bộ. Bởi khi chụp ảnh bộ, người nghệ sĩ có thể làm nổi bật nhiều ý tưởng liên kết nhau, trong khi một bức ảnh đơn không thể hiện được hết những điều tác giả muốn diễn tả. Trong số nhiều bộ ảnh đã gặt hái thành công, Vũ Lâm cảm thấy thích thú với những hình ảnh Lễ cấp sắc của người Dao áo dài. Đây là một trong những nét văn hóa rất đặc sắc tạo nên cái rất riêng của dân tộc, góp phần rất quan trọng làm phong phú đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc Dao ở Hà Giang. Để có được bộ ảnh đó, anh phải nhờ sự giúp đỡ của trưởng bản về nơi ăn nghỉ, cũng sự giải thích thấu đáo về phong tục, tập quán của dân tộc Dao. Vì thế, câu chuyện trong tác phẩm của anh được thể hiện một cách logic, đầy sống động và chân thật.

Tôi hỏi Vũ Lâm, đã nhiều lần từng quyết tâm rời xa nhiếp ảnh, vì sao lại quay trở lại? Anh trả lời: “Nhiếp ảnh đối với tôi không chỉ là yêu thích mà còn là say mê, đắm đuối. Tôi đã từng muốn thay đổi, năm lần bỏ hẳn, bán hết máy, nhưng cũng chỉ một thời gian lại mua máy, quay về với nhiếp ảnh. Nhiều khi ngồi nghĩ, tôi cũng cảm thấy bản thân “rất lạ”. Ví dụ như, có hôm trời mưa, chỉ ngửi mùi đất xông lên, là tôi cảm thấy nhớ Tây Bắc da diết và thôi thúc tôi đến đó. Mấy ngày sau, tôi bắt xe lên đường đến với Tây Bắc, ở đó sáng tác cả tuần xong mới trở về. Nhiều chuyến đi của tôi không có kế hoạch và báo trước, nên tôi cảm thấy thật may mắn khi được vợ cảm thông, đồng cảm và chia sẻ”. 

May áo

Yêu nghệ thuật và nhiếp ảnh, nên Vũ Lâm đã trang bị cho mình một Studio để vừa thỏa sức đam mê, vừa phục vụ cho cuộc sống. Được làm công việc yêu thích đã giúp cho anh được học hỏi giao lưu với nhiều nghệ sĩ, từ đó tạo thêm sự thú vị và hưng phấn trong lĩnh vực sáng tác nghệ thuật. “Trong thời gian tới, bên cạnh việc tiếp tục sáng tác, giới thiệu hình ảnh đất nước, con người Việt Nam đến với người xem trong nước và quốc tế. Tôi sẽ tiếp tục lên đường ghi lại tất cả những hình ảnh đẹp về phong tục, tập quán, lễ hội của người dân tộc vùng cao. Tôi cho rằng, cần phải lưu giữ lại những nét văn hóa đặc sắc đó, vì theo thời gian những phong tục đó sẽ dần bị mai một đi, không còn nữa”- Vũ Lâm chia sẻ.

NGỌC BÍCH

Ảnh: VŨ LÂM

Nguồn: Tạp chí VHNT số 499, tháng 5-2022

;