Dạy học, làm thơ và chăm sóc gia đình là những công việc mà người phụ nữ Bùi Kim Anh đã dồn tất cả thời gian, tâm sức. Dạy học cũng đến tuổi nghỉ hưu. Con cái cũng đến lúc trưởng thành, độc lập. Còn thơ, thơ mãi là niềm trăn trở, day dứt, khát khao, là tri kỷ tri âm đồng hành trên mọi nẻo…
Nếu tính từ tập thơ đầu tiên Viết cho mình (1995), đến bây giờ, vắt qua hai thế kỷ, nhà thơ Bùi Kim Anh đã có 12 tập thơ được xuất bản, tập nào cũng đầy đặn cả về chữ và tình. Tập gần đây nhất gồm những sáng tác bà viết trong hơn hai năm dịch bệnh COVID-19 được bà lý giải: tập thơ thứ 12, in năm 2022, với 120 bài. Cách nói giản dị mà nhẹ nhõm, hóm hỉnh, cho thấy tâm hồn người phụ nữ ấy còn trẻ lắm, còn nhiều năng lượng lắm cùng thơ.
Ngoài 40 tuổi, cô giáo Bùi Kim Anh mới cho ra mắt tập thơ đầu tiên. Từ thời điểm đó về sau, các tập thơ được xuất bản khá đều, năm trước năm sau, hai năm, ba năm, muộn nhất là 6 năm một tập. Tâp thơ Bán không cho gió được trình bày mỹ thuật hiện đại trang nhã, bìa cứng với gam màu chủ đạo là đen và xám. Đây có lẽ là tập thơ nặng nhất, buồn nhất, với những giằng xé, bất an, nghi ngờ, phủ định, và rạn vỡ niềm tin. Cũng từ tập thơ này ghi nhận chuyển biến mạnh mẽ của hồn thơ Bùi Kim Anh, vốn đã đượm buồn thao thức, nay càng thêm trắc trở hoài nghi, và đặc biệt hướng nội - đi sâu vào cái tôi của chính mình, khám phá những không gian tồn tại trong cái tôi ấy, khám phá những tầng bậc cảm xúc vừa phân định vừa đan xen rằng rịt giữa khóc giữa cười, giữa mặn và chát, giữa đắng và ngọt:
Câu thơ em viết cho em
Cởi ra xa xót vò thêm nát nhàu
Buông tay qua nhịp cơ cầu
Tuột sâu nỗi nhớ một câu không vần
(Cho anh và em)
Nếu Viết cho mình (1995), Cỏ dại khờ (1996), Lối mưa (1999) là tiếng nói nhỏ và sâu của người đàn bà với những nỗi buồn dịu dàng, những cô đơn như dự cảm, thì với Bán không cho gió (2005) và những tập thơ sau (Lời buồn trên đá - 2007, Lục bát cuối chiều - 2008, Bắc lên ngọn gió mà cân - 2010, Đi tìm giấc mơ - 2012, Nhặt lời cho bóng lá - 2015, Hình như mùa đã lỡ - 2017), nỗi buồn duềnh lên, trào lên, có khi như bục vỡ, có khi thu về đọng lại còn là một ngấn nước, một vệt cứa khắc sâu trong đêm tối. Bùi Kim Anh sống với những nỗi niềm ấy, chịu đựng và làm quen với nó.
Chuyện của mình như chuyện của ai
Đau lâu quá đến không còn đau nữa
Cộng mất mát rồi
Chả còn gì để so đo
Và cũng với tâm thế “Chả còn gì để so đo”, “Đau lâu quá đến không còn đau nữa”, nhà thơ đã dần vượt thoát khỏi miền bàng hoàng ấy, bình thản đối diện, bình thản chấp nhận. Bởi khi đã trải nghiệm đến tận cùng mất mát, sự phản bội, tráo trở của lòng người, sự gập ghềnh của kiếp nhân sinh, thì sẽ nhận ra rằng những điều ấy không thể hủy diệt được sức sống, niềm tin, tình yêu. Sau trận hỏa hoạn, người ta sẽ tìm kiếm những đồ vật còn sót để gây dựng lại nơi an cư. Sau được mất, vợ chồng con cái sẽ ngồi lại bên nhau, nhận thấy gia đình là điều quý giá nhất. Họ sẽ nắm tay nhau, truyền cho nhau thêm sức mạnh, tiếp tục gieo những mầm xanh cho khu vườn trước mặt.
Và giờ đây, ở tuổi ngoài 70, nhà thơ Bùi Kim Anh thực sự hạnh phúc. Những công việc những sự kiện lớn lao nhất trong cuộc đời cũng đã làm rồi, cũng đã trải qua rồi. Các con gái con trai đều trưởng thành, có tổ ấm riêng, đủ sức đối diện và vượt qua mọi khó khăn. Các cháu nội ngoại mỗi ngày thêm lớn khôn, biết thương yêu và gắn bó với gia đình. Chú lính chì Thiện Nhân - cậu bé gặp nạn năm xưa được mẹ Mai Anh - con gái bà nhận nuôi, qua nhiều lần đối diện sinh tử đã trở thành một chàng trai khôi ngô mạnh mẽ và hiếu thảo. Hạnh phúc thực sự đã được đổi bằng nước mắt. Hạnh phúc ấy trân quý đến nghẹn ngào. Bà và chồng có thể an yên mỉm cười trong căn nhà tĩnh lặng.
Vậy nên, ở tập thơ thứ 11 Tóc trắng nắng mai, và đặc biệt ở tập thơ thứ 12 Thức bước thời gian, nỗi buồn trong thơ Bùi Kim Anh đã thoát thai. Hay nói chính xác thì nó vẫn còn đó, như một phần không thể thiếu trong cuộc đời. Nhưng nỗi buồn là cái nền để những niềm vui, những hạnh phúc bé nhỏ được nảy nở, được ngân lên.
những đóa hoa nở màu tím huyền hoặc
nụ hồng cuộn cánh chờ sương hứng giọt đọng
bông nhài ướp hương trăng gió
và em gọi thơ
và em lãng vãng cùng thơ
có là đêm liêu trai đâu mà hồn hoa thổn thức
cánh hoa mong manh như tất cả những gì đẹp trên thế gian
đêm mong manh như giấc mơ xa vắng
và em gọi anh
và em lạc rồi ý thơ
(Mong manh)
Nắm bắt khoảnh khắc “mong manh” khi thiên nhiên giao hòa lòng người giao hòa để dệt thành một bài thơ, lưu khoảnh khắc tình sóng sánh ấy, để nó không bị tan không bị biến đi, để mỗi khi đọc lại thêm một lần nhớ - đó quả thực là một hồn thơ rất trẻ, một hồn thơ vượt lên tuổi tác đời thường. Hồn thơ ấy vẫn không ngừng khát vọng - khát vọng yêu, được trẻ lại cùng tình yêu, được rung động sáng trong và mãnh liệt như thuở nào đôi mươi:
Là thơ nói ta còn trẻ
Tóc trắng rồi thì có sao
Là thơ nói ta hãy viết
Tình yêu bao lời ngọt ngào
Thơ ở bên bà mọi lúc mọi nơi, mọi khoảnh khắc, là người bạn để trò chuyện - đối thoại - gắt gỏng - giận dỗi lúc vui lúc buồn, lúc nấu ăn rửa bát, lúc đi chợ, dọn nhà, lúc đêm vắng trằn trọc khó ngủ. Thậm chí, thơ được gieo vần cả trong giấc mơ. Chỉ cần một câu thơ đến, một tứ thơ vụt hiện là bà đặt bút. Viết ra giấy, ra sổ tay, viết trên điện thoại, trên ipad. Thơ kết nối bà với bạn bè, với thế giới thật và cả thế giới ảo, nhắc bà xếp ý xếp vần, ghi lại những bình dị nhất, giản đơn nhất, hàng ngày nhất.
Nhà mình
ngày nào cũng bừa
ngày nào cũng dọn
chẳng bao giờ hết việc
Cầu thang
mỗi ngày đi lên đi xuống
không nhớ có bao nhiêu bậc
ngã vô thức
Thơ mình
cảm xúc tràn cảm xúc
không ghi năm tháng để nhớ
nhãng quên
Thế là
đi mãi chưa hết căn nhà
viết mãi chưa hết cuộc đời
ngã lại dậy đi
xóa rồi lại viết
(Đi mãi chưa hết căn nhà)
Làm mãi không hết việc nhà, đi mãi không hết căn nhà, và viết mãi, viết mãi, vẫn chưa hết bài thơ đời mình. Một cách sắp đặt, một cách nhìn về thơ thật giản dị và cũng thật sâu sắc của người từng trải.
Nhà thơ Bùi Kim Anh (áo dài hoa đỏ, hàng thứ 2) cùng các bạn thơ trong buổi ra mắt tập thơ Thức bước thời gian
Tự nhận mình là người đàn bà làm thơ, bà không thiêng hóa, không áp cho thơ những sứ mệnh, cũng chưa từng tuyên ngôn. Qua từng ngày sống, Bùi Kim Anh lại càng giản dị hóa mọi quan niệm, mọi tồn tại. Giản dị chứ không phải đơn giản. Và đó là một thái độ thích ứng cần thiết. Thế nên dễ hiểu vì sao ở tập thơ mới này, với số lượng bài thơ trang thơ đầy đặn, ngoài nhan đề thì các chữ đầu dòng thơ hầu hết không viết hoa, không dấu câu, thứ tự các bài sắp xếp theo bảng chữ cái. Yếu tố thị giác này đặt thơ về giữa đời thường, gợi sự tuôn chảy của nguồn thơ, của hồn thơ.
Sẽ còn những bài thơ tiếp, những tập thơ tiếp, bởi dù “tóc trắng” thì hồn vẫn “nắng mai”.
ANH THƯ
Nguồn: Tạp chí VHNT số 499, tháng 5-2022