Rosa Luxemburg - Đóa hồng bất tử

Rosa Luxemburg Hoa hồng bất tử là cuốn sách truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ về niềm tin, lý tưởng và nghị lực vượt khó khăn. Tư tưởng, các tác phẩm và những lá thư mà bà để lại là một tài sản đồ sộ, mà cuốn sách chỉ là những lát cắt tiêu biểu để độc giả Việt Nam có thể hiểu thêm về một trong những người phụ nữ vĩ đại nhất thế kỉ XX.

Rosa Luxemburg (1871 - 1919)

Rosa Luxemburg (1871 - 1919) không chỉ là biểu tượng cho đấu tranh vô sản, mà còn được đề cập như một hình mẫu lịch sử cho đấu tranh vì quyền phụ nữ và bình đẳng giới. Bà được đánh giá là một nhân vật nổi bật của phong trào xã hội chủ nghĩa cổ điển - một nhà tư tưởng lỗi lạc, nhà hùng biện sắc sảo và nhà lãnh đạo tiên phong của chính nghĩa vô sản. Nhà báo và sử gia xã hội chủ nghĩa nổi tiếng Franz Mehring từng gọi bà là “bộ não tuyệt vời nhất sau Marx”. Người đồng đội và người bạn thân yêu của bà, Clara Zetkin, đã miêu tả bà là “thanh kiếm sắc bén, ngọn lửa sống của cách mạng”. Lãnh tụ Bolshevik, Vladimir Lenin, người vẫn thường phê phán những quan điểm mà ông cho là sai lầm của bà, cũng phải thừa nhận địa vị của bà như một “đại bàng” của phong trào Cộng sản. Cuộc đời của bà đã được viết lại qua nhiều cuốn sách nhưng “Rosa Luxemburg - Hoa hồng bất tử” là cuốn sách mang đến một góc cảm nhận tinh tế, nhẹ nhàng về cuộc đời một nhân vật lịch sử từ khi ấu thơ tới lúc trưởng thành, hoạt động đấu tranh không mệt mỏi.

  Rosa Luxemburg là một người Do Thái, một phụ nữ Ba Lan, có quốc tịch Đức, khuyết tật về thể chất, bị phân biệt đối xử suốt thời đi học vì nguồn gốc của gia đình, nhưng  những trở ngại đó không khiến bà chùn bước. Bằng con đường học tập miệt mài, và bằng các hoạt động thực tiễn, bà đã vươn lên trở thành một trong những nhà lãnh đạo tối cao của phong trào xã hội chủ nghĩa lớn nhất và mạnh nhất ở thế giới phương Tây. Trong sự nghiệp ngắn ngủi nhưng rực rỡ của mình, bà đã nhiều lần đụng độ các tầng lớp tinh nhuệ của quân đội Phổ và sánh ngang với Karl Kautsky, August Bebel, Victor Adler, và nhiều lãnh đạo của chủ nghĩa xã hội khác. Bà đã tập hợp quần chúng công nhân chống lại chủ nghĩa tư bản và chiến tranh đế quốc, đồng thời thách thức chủ nghĩa chính thống của chủ nghĩa Mác với tư cách vừa là nhà lý luận vừa là người hướng dẫn tại trường đảng Dân chủ Xã hội ở Berlin.

Sau khi bị những tên côn đồ thân phát xít sát hại vào tháng 1/1919, Luxemburg đã được tưởng nhớ như một liệt sĩ cho cuộc cách mạng và là biểu tượng cho những đỉnh cao bi thảm của nước Đức trong thế kỷ 20. Để tưởng nhớ những công lao của bà, Quỹ Rosa Luxemburg (RLS) đã được thành lập vào năm 1990 tại CHLB Đức. Quỹ có nhiệm vụ chủ yếu là giáo dục chính trị vì các mục tiêu phát triển xã hội tiến bộ ở trong và ngoài nước. 

Để giúp nhiều bạn đọc được tiếp cận, tìm hiểu về bà Rosa Luxemburg cũng như có cơ hội được đọc một cuốn sách viết về nhân vật lịch sử có ảnh hưởng lớn tới nhiều lĩnh vực sau này, cuối tháng 5/2022, Nxb Phụ nữ Việt Nam phối hợp với Quỹ Rosa Luxemburg khu vực Đông Nam Á tại Hà Nội, khoa tiếng Đức - Trường Đại học Hà Nội đã tổ chức buổi tọa đàm và giới thiệu sách Rosa Luxemburg - Hoa hồng bất tử. TS Nguyễn Duy Nhiên - Trưởng khoa Triết học, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội - đánh giá Rosa Luxemburg sở hữu luồng tư duy đa chiều. Câu chuyện về cuộc đời bà để lại cho độc giả hôm nay nhiều bài học về niềm tin, nghị lực vượt khó, ý chí vươn lên và chiến thắng số phận.

Các diễn giả trong buổi Tọa đàm

Trong khi đó, thạc sĩ Nguyễn Quốc Vương - nhà nghiên cứu giáo dục và lịch sử - cho rằng một trong những yếu tố có ảnh hưởng nhất định đến tư duy của người phụ nữ này là bối cảnh lịch sử, xã hội lúc bấy giờ: “Bà sống trong thời điểm thế giới đang bước vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ hai và đầy rẫy sự bất bình đẳng về quyền con người. Rosa Luxemburg là phụ nữ, song lại rất quan tâm đến học vấn và quyền tự do ngôn luận. Từ tiến sĩ trong một "tháp ngà khoa học", bà đi vào đời sống của công nhân và người dân lao động để tiến hành cuộc đấu tranh ngôn luận của mình”.

Là đạo diễn và nhà sản xuất của một số bộ phim về phụ nữ, khi tiếp cận Hoa hồng bất tử: Rosa Luxemburg, đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp nhận thấy đây là một hình tượng phái yếu đã biết mạnh mẽ đứng lên, đấu tranh cho quyền bình đẳng giới: “Cuộc đời Rosa đa sắc màu như một đóa hồng. Tư tưởng của bà đi từ những quyền căn bản nhưng lại mang tính chất giáo dục khai phóng vượt mọi thời đại. Bà đã sống và chết với lý tưởng của mình”.

Ông Philip Degenhardt, Giám đốc Vùng - Văn phòng đại diện Quỹ Rosa Luxemburg khu vực Đông Nam Á tại Hà Nội cho biết: “ Nước Đức chúng tôi cũng có những nhà tư tưởng lớn, trong đó có bà Rosa Luxemburg người cách đây 150 năm đã có những tư tưởng tuyệt vời vì sự chống chiến tranh. Chính vì thế, chúng tôi đã phối hợp với Nxb Phụ nữ để xuất bản cuốn sách này với mong muốn chia sẻ những tư tưởng đó…”.

 Cuốn sách Hoa hồng bất tử - Rosa Luxemburg không chỉ truyền tới cho người đọc những tư tưởng, khát vọng đấu tranh vì hòa bình mà qua đó còn gửi tới độc giả thông điệp: bằng con đường học tập miệt mài tất cả chúng ta đều có thể phá bỏ những định kiến, vượt lên hoàn cảnh để cống hiến cho cộng đồng, cho cuộc đời và tỏa sáng đến mãi về sau.

HOÀNG PHƯƠNG

Nguồn: Tạp chí VHNT số 502, tháng 6-2022

;