Ông quan gần dân, hết lòng vì dân

Đình và nhà thờ "Trạng Bùng" Phùng Khắc Khoan tại xã Phùng Xá, huyện Thạch Thất, Hà Nội

 

Phùng Khắc Khoan, tự là Hoằng Phu, hiệu là Nghị Trai, sinh ngày 3 tháng Giêng năm Mậu Tý (1528) trong một gia đình có truyền thống Nho học tại làng Bùng, xã Phùng Xá, huyện Thạch Thất, trấn Sơn Tây - nay thuộc huyện Thạch Thất, thành phố Hà Nội.

Ông sinh ra và lớn lên khi non sông Đại Việt đã về tay nhà Mạc. Vốn có tư chất thông minh, lại được cha rèn cặp nên từ nhỏ, ông đã nổi tiếng khắp vùng. Sau ông theo học Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm càng nức tiếng văn hay, kiêm thông cả thuật số. Ấy thế nhưng, khác với người thầy của mình, ông không đi thi, không chịu ra làm quan với triều Mạc.

Khi đất nước đã hình thành cục diện Nam Bắc triều với nhà Mạc từ Ninh Bình trở ra Bắc, nhà Lê Trung hưng từ Thanh Hóa trở vào, ông theo Lê Bá Lỵ tham gia công cuộc phù Lê diệt Mạc vào đầu đời vua Lê Trung Tông (1548-1556).

Năm Đinh Tỵ (1557), Phùng Khắc Khoan đỗ đầu khoa thi Hương ở Yên Định (Thanh Hóa). Thái sư Trịnh Kiểm gặp ông, biết ông là người có mưu lược, học thức uyên bác, cho tham dự việc trong màn trướng, trao chức Ký lục ở ngự dinh, trông coi quân dân bốn vệ.

Những năm từ 1558 đến 1571 đời Lê Trung Tông, ông vâng mệnh đi các huyện chiêu dụ lưu dân về làm ăn như cũ. Sau đó, ông được thăng Cấp sự trung Binh khoa, rồi đổi sang Cấp sự trung bộ Lễ. Vì có việc trái ý vua, ông bị giáng chức ra thành Nam thuộc huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An. Ít lâu sau, ông lại được triệu về.

Năm Canh Thìn (1580) đời Vua Lê Thế Tông, nhà Lê bắt đầu mở lại khoa thi Hội ở Vạn Lại (Thanh Hóa), ông đang làm cấp sự Lễ khoa xin được dự thi và đỗ Hoàng giáp khi đã ngoài 50 tuổi. Ông được thăng làm Đô cấp sự.

Hai năm sau (năm Nhâm Ngọ 1582), ông xin từ quan về nhà riêng ở Vạn Lại, vua đồng ý nhưng chỉ một năm sau đó (năm Quý Mùi 1583), ông lại được vời ra làm Hồng lô tự khanh.

Năm Ất Dậu (1585), ông được đổi sang làm Hữu thị lang bộ Công, rồi Thừa chính sứ Thanh Hoa (tức Thanh Hóa). Sau khi nhà Mạc bị đánh đuổi khỏi thành Thăng Long (1592), nhà Lê Trung hưng tiếp quản kinh kỳ thì Phùng Khắc Khoan được phong chức Kiệt tiết tuyên lực, công thần (năm Quý Tỵ 1593). Đến năm Ất Mùi (1595), ông được thăng Công bộ Tả thị lang.

Năm Đinh Dậu (1597), ông được cử làm Chánh sứ sang nhà Minh (Trung Quốc). Theo Sử gia Phan Huy Chú thì bấy giờ, nhà Minh nhận hối lộ của con cháu nhà Mạc, không chịu nhận sứ. Ông lúc còn đợi mệnh vua Minh đã đưa thư cho Súy ty nhà Minh, kể rõ hết tội trạng nhà Mạc cướp ngôi, rằng con cháu nhà Lê, tới cửa quan đợi mệnh, mà thiên triều lại giúp nhà Mạc đè nén nhà Lê, thế là về bè với kẻ gian tà, lấy gì để tỏ đại nghĩa với thiên hạ, giúp danh giáo cho muôn đời sau. Người Minh khen là có nghĩa, cho sứ thần qua cửa, ông mới đến được Yên Kinh. Đến Yên Kinh, ông lại phải biện bác về lễ vật cống nạp sao khác với con cháu Mạc Đăng Dung và dâng lên 30 bài thơ nhân dịp sinh nhật vua Minh. Ông rất được khen về sự trung nghĩa, “toàn quân mệnh, tráng quốc uy”, được thăng làm Tả thị lang bộ Lại, tước Mai Lĩnh hầu sau khi đi sứ về nước (xin xem Lịch triều hiến chương loại chí, tập 2, Nxb Trẻ, Thành phố Hồ Chí Minh, 2004, tr. 148-149).

Phùng Khắc Khoan được đánh giá là “người phò tá có công lao tài đức” (Phan Huy Chú); ông quan gần dân, hết lòng vì dân. Chẳng thế mà sau hơn 400 năm kể từ ngày ông qua đời, người dân vẫn luôn kể những câu chuyện hết sức cảm động về Phùng tiên sinh, rằng sau khi đi sứ, ông đã mang về một số loại cây, dạy dân cách trồng trọt, chế tác nông cụ, làm nghề dệt lượt…

Năm Kỷ Hợi (1599), đời Vua Lê Kính Tông, Phùng Khắc Khoan được thăng làm Thượng thư bộ Công. Năm 1602, thăng ông làm Thượng thư bộ Hộ, tước Mai Quận công. Khi mất (năm Quý Sửu 1613), ông được truy tặng chức Thái phó.

 

THANH HÀ

Nguồn: Tạp chí VHNT số 546, tháng 9-2023

 

;