Nguyễn Mậu Tuyên (1518-1599) người làng Thịnh Mỹ, huyện Lôi Dương xưa, nay thuộc xã Thọ Diên, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa. Ông là con Nguyễn Trinh, dòng dõi công thần Thức quốc công Nguyễn Như Lãm; lập nhiều công lao trong sự nghiệp trung hưng nhà Lê, được người đương thời và hậu thế nhìn nhận là “có văn học, có kiến thức, có tư cách giúp nước, tài đức đều đủ” (Lịch triều hiến chương loại chí, tập 2, Nxb Trẻ, Thành phố Hồ Chí Minh, 2014, tr. 145).
Nguyễn Mậu Tuyên sinh ra trong buổi hoàng hôn của thời Lê Sơ với đầy rẫy những sự biến, các cuộc phế lập, thanh trừng… rồi Mạc Đăng Dung cướp ngôi Lê Cung Hoàng (năm 1527). Năm 1533, trên đất Lào, một cựu thần nhà Lê là Nguyễn Kim (1468-1545) lập Lê Trang Tông lên ngôi chống lại nhà Mạc. Tháng 5 năm 1545, Nguyễn Kim bị một hàng tướng nhà Mạc là Dương Chấp Nhất đầu độc chết, con rể ông là Trịnh Kiểm lên thay. Thời Vua Lê Trung Tông (1548-1556), khi Trịnh Kiểm nắm binh quyền, Nguyễn Mậu Tuyên đã tìm đến gặp, xin được theo giúp. Họ Trịnh dùng Mậu Tuyên làm tham mưu. Như cá gặp nước, Mậu Tuyên giúp Trịnh Kiểm bày kế trong màn trướng, lập nhiều công lao. Đến thời Lê Anh Tông (1557-1572), Mậu Tuyên được phong làm Hữu thị lang bộ Lại, tước Nhân Nghĩa bá; sau đó lại đổi ông sang Hữu thị lang bộ Binh, Tường Lân bá.
Năm 1570, Trịnh Kiểm mất, hai con Trịnh Kiểm là Trịnh Cối và Trịnh Tùng tranh giành quyền bính. Không ít người theo Trịnh Cối, lắm kẻ theo Trịnh Tùng (trong đó có Nguyễn Mậu Tuyên). Sau Trịnh Cối yếu thế chạy sang hàng nhà Mạc. Trịnh Tùng được Nguyễn Mậu Tuyên phò tá yên trong chống ngoài. Nhờ có công lao, hai năm sau (1572), Nguyễn Mậu Tuyên được thăng tước hầu.
Năm 1573, đời Vua Lê Thế Tông (1573-1599), Nguyễn Mậu Tuyên được đổi sang làm Đô ngự sử. Đến năm 1580, ông được thăng Thượng thư bộ Công. Năm 1582, ông làm Thượng thư bộ Hộ. Khi nhà Mạc bị đánh đuổi khỏi Thăng Long (1592), ông theo vua về kinh, được thăng Thượng thư bộ Lại, phong là Minh nghĩa phụ hưng công thần.
Theo Sử gia Phan Huy Chú, lúc bấy giờ, kinh đô mới khôi phục, mọi việc còn rối beng, ông giữ chức Tể tướng, mọi việc làm đâu ra đấy, được nhà nước trông cậy. Năm 1594, ông mang sắc đi truy tặng cho Chiêu Huân Tĩnh Công (Nguyễn Kim). Năm 1595, nhà nước mở khoa thi Hội cho học trò trong nước, sai ông giữ quyền lấy đỗ. Ông lấy đỗ các ông Nguyễn Thực sáu người trúng tuyển. Sau khi đỗ, Nguyễn Thực (1554-1637) ngay lập tức được phong Đô cấp sự Hộ khoa; năm 1601, đổi sang Hồng lô tự khanh.
Năm 1606, đời Vua Lê Kính Tông, Nguyễn Thực làm phó sứ sang nhà Minh, khi trở về được thăng Tả thị lang bộ Lễ.
Cuối năm 1617, Nguyễn Thực được thăng Thượng thư bộ Hình. Năm 1627, Nguyễn Thực được thăng Thiếu phó, tước Hương quận công.
Năm 1631, đời Vua Lê Thần Tông, Nguyễn Thực được thăng Thiếu úy, tới năm sau thì gia phong Quốc lão. Năm 1634, ở tuổi bát tuần, Nguyễn Thực được thăng Thái phó, Thượng thư bộ Hộ trước khi nghỉ hưu.
Nguyễn Thực là Tể tướng có học, nổi tiếng. Con ông là Nguyễn Nghi cũng tiếp nối truyền thống khoa bảng, cũng làm tới chức Tể tướng… Chuyện lấy đỗ Nguyễn Thực chứng tỏ Nguyễn Mậu Tuyên có “con mắt xanh” và nhìn đúng người, biết dùng người vì sự nghiệp chung, lấy sơn hà xã tắc làm trọng.
Nguyễn Mậu Tuyên xứng đáng với đánh giá của Phan Huy Chú rằng: “ông là dòng dõi công thần, học vấn rộng rãi, chín chắn, phẩm hạnh thuần hậu. Làm quan hơn 40 năm, hết lòng với hoàng gia. Ông giữ tiết kiên trinh, trải gian nan giúp nên bình định, dựng nên công lao sự nghiệp tốt đẹp. Về sau giữ chức Tể tướng, là bậc nguyên lão cầm quyền chính làm khuôn phép cho trăm quan, đứng đầu danh thần thời trung hưng…”
(Lịch triều hiến chương loại chí, sđd, tr. 146-147).
THANH HÀ
Nguồn: Tạp chí VHNT số 543, tháng 8-2023