Có thể gọi chị là nhà thơ, họa sĩ Giáng Vân nhưng tôi vẫn muốn gọi chị bằng danh xưng “nữ sĩ”, dù chị không chỉ là “ngươi đàn bà chuyên viết văn làm thơ” mà còn là nghệ sĩ đa tài: làm báo, tổ chức triển lãm, sự kiện, vẽ tranh… và giờ là làm gốm. Triển lãm Đời gốm của Giáng Vân diễn ra tại gallery Chau & Co số 11 ngõ 123 Nguyễn Đình Thi, quận Tây Hồ, Hà Nội từ ngày 10/9 đến 25/9/2022.
Ở người phụ nữ bé nhỏ với điệu cười hồn nhiên phóng khoáng thật tự do ấy luôn ẩn giấu trong mình nguồn năng lượng bí ẩn. Nó giúp chị luôn năng động, luôn đi tìm cái mới và khám phá mọi năng lực tiềm ẩn bên trong. Mỗi lần gặp chị là một lần được thưởng thức những tác phẩm mới, chứng kiến một lần “biến hình” của chị trong những vai trò mới mẻ. Không đơn giản coi đó là những “cuộc chơi nghệ thuật”, Giáng Vân luôn nghiệm túc với những lựa chọn của mình, đam mê và cháy hết mình trong không gian sáng tạo mà chị thiết lập ra và lôi kéo người xem vào đó bằng nguồn năng lượng bí ẩn của mình.
Có lẽ những ký ức về thơ Giáng Vân trong nhiều kẻ yêu thơ vẫn luôn là những câu thơ luôn hằn sâu trong ký ức của bài Yên tĩnh đã được nhạc sĩ Phú Quang phổ nhạc thành ca khúc Đâu phải bởi mùa thu:
“Em ru gì cho đá núi
Đá núi trụi trần vết tạc của thời gian
Em ru gì cho dòng sông
Dòng sông chẳng khi nào ngừng lặng…
Em ru gì cho anh
Mặt trời linh thiêng mặt trời giông tố…
Xin đừng trách em nhiều cũng xin đừng day dứt
Cây lá có rơi nhiều xin đừng hỏi mùa thu…”
Thế nhưng với Giáng Vân thì “những bài thơ được viết cách đây vài chục năm tôi thấy không liên can tới mình” như có lần chị từng trả lời một nhà báo. Và có lẽ câu thơ này như một lời “tuyên ngôn” của chị: “Tôi đã bước ra khỏi tôi/Là không trở lại”. Không hẳn là sự phủ nhận chính mình, nhưng có lẽ quan niệm “Câu thơ đã viết/Giống như hơi thở/Đã thở rồi. Không thở sẽ chết/Nhưng không thể còn thở lại” đã giúp chị luôn muốn khai phá những điều mới mẻ, những đam mê tiềm ẩn để rồi luôn khiến công chúng ngạc nhiên, bất ngờ.
Các tác phẩm trưng bày tại triển lãm Đời gốm của nhà thơ Giáng Vân
Ba tập thơ Năm tháng lãng quên (1990), Trên những ngày buồn (1995) và Đường gió (2013) dường như cũng chính là những dấu mốc đáng nhớ trên đường đời của chị. Từ một cô gái đa cảm với rất nhiều cung bậc của tình yêu, người đàn bà yêu đuối, đắm say nhưng cũng đầy buồn bã tuyệt vọng đến một người phụ nữ trải đời với nhiều chiêm nghiệm, phóng khoáng và tự do trên “đường gió”.
Về hưu, chia tay tờ Phụ nữ Thủ đô sau nhiều năm gắn bó, Giáng Vân tiếp tục năng động với nhiều công việc, từng định phiêu lưu với việc làm báo giấy tiếp cho đến làm giám đốc điều hành Trung tâm nghệ thuật đương đại Heritage Space, mở quán café với nhiều dự định rất… thơ. Và rồi nhờ cơ duyên tình cờ, chị bắt đầu cầm cọ nhưng lại nghiêm túc theo đuổi con đường chuyên nghiệp với tạo hình bằng ba triển lãm cá nhân. Triển lãm cá nhân thứ 4: Đời gốm cho thấy niềm đam mê mới của chị với những sắc màu nồng ấm và tin cậy của gốm.
Hãy nghe Giáng Vân bộc bạch về cơ duyên khiến chị “chạm vào gốm”: “Tôi hoàn toàn không ý thức được vì sao tôi lại can dự đến gốm, dù rằng đã mấy chục năm trước, khi làng Bát Tràng bắt đầu rục rịch mở lại những xưởng gốm đầu tiên, với những lò củi thô sơ, với những bát ăn cơm và bát chiết yêu, những bộ ấm chén như thời chiến, tôi và cô bạn Vũ Thúy Quỳnh đã lọ mọ sang, hy vọng kiếm được vài thứ hay ho. Trải biết bao cơn biến động của thị trường, những cơn lao đao của thợ và nghệ nhân gốm, những thợ gốm tài hoa phải đối mặt với gốm Trung Quốc dán nhãn Bát Tràng… Tôi, rồi không hiểu sao vẫn dõi theo những bước đường của gốm, với buồn lo và hy vọng.
Rồi một ngày tôi cầm cọ vẽ. Như một mối tơ duyên rất tự nhiên, trong vô thức tôi thích vẽ những chiếc bình gốm. Nếu là tĩnh vật hoa thì đi cùng nó luôn là những bình gốm các kiểu dáng. Và không hiểu sao luôn là gốm vuốt tay, và thô, là loại gốm độc bản không phải hàng sản xuất hàng loạt. Những chiếc bình gốm đó luôn gợi lên sự ấm áp, tĩnh tại của mẹ đất, của tâm hồn và những bàn tay người thợ tạo nên nó, sự biến điệu của lửa và không khí làm nóng chảy men tạo ra những kết quả diệu huyền không thể đoán trước, cũng như không thể lí giải bằng các công thức toán học. Rồi cũng tự nhiên, tôi nhận ra những bình gốm của tôi rất sống động và tình cảm, và tôi đặc biệt thích chúng. Tuy nhiên, gần đây tôi mới thực sự chạm vào gốm theo nghĩa đen, và chạm vào gốm bằng sự cảm nhận đời sống tinh thần của gốm”.
Với 25 bức tranh vẽ bằng chất liệu acrylic và 25 tác phẩm gốm vẽ tay độc bản, Đời gốm thực sự là một câu chuyện đầy cảm xúc kể lại chặng đường đến khi “thực sự chạm vào gốm theo nghĩa đen” của Giáng Vân.
Việc chạm vào gốm đầu tiên của chị chính là vẽ rất nhiều tĩnh vật gốm, và 25 bức tranh gốm được trưng bày trong triển lãm của chị đã mở ra một cuộc trò chuyện thú vị với những bố cục, màu sắc, ánh sáng. Chúng mở đường cho khán giả đến với những tác phẩm gốm độc bản tạo dựng được một thứ mỹ cảm thật “tinh tế, đơn giản, mộc mạc, mà quyến rũ…” mà chị “càng vẽ càng nhận ra, sâu sắc hơn”. Chị nhận ra chính “thứ không khí đặc biệt” này “là lí do tồn tại của mọi thứ nghệ thuật, là luôn chứa đựng trong đó một thứ năng lượng sống, cho dù câu chuyện của nó rất bé nhỏ, và không hề nổi sóng”.
Với mỗi tác phẩm gốm, Giáng Vân vẽ trang trí lớp men trên phôi gốm có sẵn. Nhưng điều thu hút chị nhất chính là mỗi tác phẩm dù trải qua nhiều công đoạn nhưng sản phẩm cuối cùng luôn là sự độc đáo ngẫu nhiên không định trước. Như lời của nhà thơ Thi Nguyên thì: “Chúng ta chỉ làm gốm bằng một tay thôi, tay kia để cho thần may mắn làm nốt”. Ngay cả điều này cũng chứa đựng một triết lý nhân sinh, một thứ năng lượng bí ẩn của đời sống, mang lại nguồn cảm hứng bất tận cho người nghệ sĩ.
DIÊN VỸ
Nguồn: Tạp chí VHNT số 514, tháng 10-2022