Với mong muốn lan tỏa những điều tốt đẹp, những tấm lòng thiện lương, những con người đáng sống, Đặng Hồng Giang đã dấn thân đến với thể loại phim tài liệu khi hiểu rõ ngôn ngữ chân thực, sống động của loại hình này.
Ngoài 30 tuổi, sau khi đã trải qua nhiều công việc khác nhau, Đặng Hồng Giang bỗng đột ngột rẽ hướng, tìm đến với phim tài liệu qua khóa học thạc sĩ báo chí và truyền thông chuyên sâu về phim tài liệu tại Australia.
Nói về quyết định của mình, Đặng Hồng Giang chia sẻ: phim tài liệu là hơi thở cuộc sống, thậm chí ngay cả khi trái đất ngừng thở các đạo diễn vẫn có thể làm một bộ phim cuối cùng về sự ngừng thở này. Các câu chuyện không bao giờ hết, nó luôn xảy ra ở đâu đó, miễn là bạn phát hiện, chắt lọc được. Mỗi câu chuyện hay đều cần được lan tỏa. Có lẽ khao khát được kể lại những câu chuyện, được lan tỏa những giá trị, những thông điệp tích cực đã dẫn Đặng Hồng Giang đến với phim tài liệu. Không thuộc biên chế của các hãng phim, các đài truyền hình đồng nghĩa với việc Đặng Hồng Giang sẽ phải tự làm tất cả, trong đó có việc tìm kiếm kinh phí để sản xuất những bộ phim của riêng mình.
Câu chuyện đầu tiên mà anh muốn kể chính là chú lính chì Thiện Nhân. Không đi vào những chi tiết buồn, hoàn cảnh đáng thương của cậu bé khi bị mẹ đẻ bỏ rơi, bị thú hoang ăn mất một phần cơ thể, bộ phim Lửa Thiện Nhân dành kể về người đã cưu mang, nuôi nấng cậu bé cùng nỗ lực của chính chú lính chì. Câu chuyện dù đã được biết đến qua báo chí nhưng chính cách tiếp cận sáng tạo cùng cách kể của Đặng Hồng Giang đã khiến Lửa Thiện Nhân tạo nên một cú chấn động. Không chỉ được phát hành tại một số rạp chiếu (điều rất hiếm hoi ở phim tài liệu), Lửa Thiện Nhân còn được công chiếu ở nhiều trường học. Tình thương yêu vô bờ cũng như hành trình tìm lại những phần cơ thể, những chức năng đã mất cho cậu bé của mẹ nuôi Mai Anh và bé Thiện Nhân đã mang tới nhiều xúc động. Cái được nhất của bi kịch là một quỹ mang tên Thiện Nhân ra đời với sự góp sức của các Mạnh Thường Quân, những chuyên gia y tế đến từ nhiều nơi trên thế giới trong hành trình chữa lành, mang lại một cuộc đời mới, một hy vọng mới cho các bé khiếm khuyết một phần cơ thể. Qua Lửa Thiện Nhân, tên tuổi đạo diễn Đặng Hồng Giang cũng được chú ý và trở thành bảo chứng cho nhiều bộ phim tài liệu sau đó như Đáng sống, Mầm sống, Một con đường, Đi về miền đất lạnh...
Ngay từ tên gọi, những Lửa Thiện nhân, Mầm sống, Đáng sống… đã gợi lên những hy vọng, sự tích cực dẫu những nhân vật xuất hiện trong phim còn nhiều khiếm khuyết, những gian khó, vất vả nhưng sâu trong họ là khao khát, là ý chí, nghị lực vươn lên trong cuộc sống. Tuy tần suất làm phim không nhiều, nhưng mỗi tác phẩm của anh, mỗi câu chuyện anh kể, mỗi nhân vật trong phim đều ít nhiều chạm đến trái tim khán giả.
Áp phích Lửa Thiện Nhân - một trong những phim tài liệu hiếm hoi ra rạp
Trong quá trình làm phim, khi nhiều nhân vật chính của phim bật khóc với chính câu chuyện của mình, Đặng Hồng Giang cho biết: Tôi đồng cảm với họ nhưng ở góc độ đạo diễn thì cần phải tỉnh táo hơn nhân vật để giữ mạch của câu chuyện. Nhiều bộ phim của tôi khiến khán giả bật khóc khi nhân vật và câu chuyện của họ bị đẩy vào tận cùng bế tắc, bất hạnh. Tôi thích phim tài liệu hiện thực khi không thể thêm bớt hay tô hồng. Ở nhiều câu chuyện, mình chỉ cần sắp đặt và cấu trúc sao cho khéo léo, logic để cuốn khán giả khi mà chính câu chuyện, nhân vật đã đầy sức hút.
Tôn trọng sự thật, tôn trọng ngôn ngữ loại hình nhưng những khó khăn về đầu ra, thời lượng chiếu… cũng khiến anh nhiều lúc phải lựa chọn. Bộ phim Đi về miền đất lạnh (hợp tác cùng đạo diễn Bùi Hồng Điệp) kể về người lính Trần Văn Bản từng 5 lần nhận giấy báo tử. Sau khi sống sót trở về, ông đã dành phần lớn thời gian quay lại chiến trường đi tìm hài cốt đồng đội. Thậm chí, ông còn mang hài cốt của đồng đội về nhà, giấu vợ con, cất giữ trên gác xép, chờ đến thời điểm thích hợp mới mang ra nghĩa trang. Tính đến thời điểm phim công chiếu, ông Bản đã chỉ đường, kết hợp với các tổ chức tìm được hơn 2.200 bộ hài cốt. Tên phim cũng được trích từ câu nói của ông: “Khi biết ở đâu còn đồng đội nằm mà chưa tìm được hài cốt các anh thì cảm giác đất đó lạnh lẽo lắm. Nhưng khi tìm được rồi thì đất ấm trở lại liền”.
Một câu chuyện hay, hậu trường toàn chuyện độc nhất vô nhị, thậm chí có những sự lạ lùng thu hút sự chú ý của chuyên gia quốc tế. Nó không đơn thuần là câu chuyện đi tìm mộ liệt sĩ mà việc đi tìm mộ chỉ là cái cớ. Chính thân phận nhân vật mới thật đặc biệt và nó đặc biệt đến mức đạo diễn nghĩ nó đủ tiêu chuẩn để đưa ra rạp. Tuy nhiên, bộ phim lại là một trong những tác phẩm mà VTV đặt hàng nên phần chiếu trên đài đạo diễn đã phải bỏ đi một nửa nội dung. Đó cũng là điều mà đạo diễn Đặng Hồng Giang cảm thấy tiếc nuối.
Sự tiếc nuối ấy vẫn còn nguyên khi nhắc đến nhân vật mà anh đã đi mòn lốp xe đến nhà chỉ để uống cà phê và gợi chuyện suốt cả tháng trời. Đạo diễn Đặng Hồng Giang cho biết: “Lạ lùng lắm. Mang hài cốt người ngoài về cất trong nhà đã là cổ kim ít thấy. Khi người nhà tỏ ra lo sợ thì bác ấy bảo: mình chỉ có làm điều tốt thì đồng đội không ai hại mình cả. Sau này cuộc sống của bác có nhiều chuyện cũng không thể lý giải được bằng logic thông thường”.
Xem phim của Đặng Hồng Giang, mỗi nhân vật, mỗi câu chuyện anh kể đều đặc biệt. Cái đặc biệt đến từ câu chuyện, nhân vật, từ cách đạo diễn tiếp cận và đến với mỗi bộ phim. Không quá câu thúc bởi thời gian, mỗi bộ phim của Đặng Hồng Giang đều được tính bằng năm, bằng tháng, qua cảm nhận, nghiền ngẫm và cả sự sáng tạo. Lửa Thiện Nhân có thời gian là 3 năm. Chùm ba phim tài liệu Đáng sống được làm trong 4 năm, riêng với phim ngắn Một con đường, anh quyết định chờ từ năm 2012 đến năm 2014 chỉ để ghi lại khoảnh khắc cậu con trai của người nông dân làm nghề nhặt phế liệu chiến tranh tốt nghiệp đại học bằng chính những đồng tiền mà cha mình phải đánh đổi cả mạng sống làm cái kết...
Cảnh trong phim Mầm sống
Khi đại dịch COVID-19 vừa tạm lắng xuống, Đặng Hồng Giang làm bộ phim Về nhà. Phim nói về những bệnh nhân xuất viện được về nhà. Cùng với đại dịch qua đi, lực lượng nhân viên y tế cũng được về nhà. Và những bệnh nhân xấu số thì về nhà theo một hành trình đặc biệt trên tay những người lính.
Để làm phim này, Đặng Hồng Giang và ê kíp ở ngay trong Bệnh viện 175 nguyên một tuần. Mỗi ngày đều đặn, các anh có mặt ở tầng 3 (trước là tầng 5) - nơi tập trung những bệnh nhân nguy kịch nhất. Chứng kiến sự mỏng manh của cuộc sống, đồng thời mắt thấy tai nghe những nỗ lực “không ngôn từ nào tả hết” của các cán bộ y tế, Đặng Hồng Giang nói rằng anh rút ra được hai điều quý báu cho mình. Thứ nhất, trong cuộc đời dài rộng buông được gì thì cứ buông bỏ bớt đi, bởi ai biết có những lúc người ta chỉ ước ao một hơi thở bình thường cũng là xa xỉ. Thứ hai chính là sự biết ơn dành cho đội ngũ y tế, dù như anh nói bình thường vẫn có chuyện này chuyện khác, người này người kia.
Một tuần ăn ngủ trong bệnh viện nhưng Đặng Hồng Giang vẫn nói rằng, anh bỏ lỡ rất nhiều khoảnh khắc hay, bởi không bắt kịp. “Thể loại này nó thế, không dàn dựng được dù rất tiếc”. Sự kỹ lưỡng đến từng chi tiết ấy đều được đền bù xứng đáng. Lửa Thiện Nhân từng được chọn chiếu khai mạc tại Liên hoan phim độc lập New York 2014, được chọn làm đại diện cho phim Việt Nam trong chùm phim “Panorama - Điện ảnh thế giới chọn lọc” tại Liên hoan phim quốc tế Hà Nội năm 2014.
Tôi tin vào câu chuyện, tin vào sự hấp dẫn của nó, cũng tin mình làm được, Đặng Hồng Giang đã làm được những điều tưởng như không thể. Nói về công việc đạo diễn phim tài liệu, anh chia sẻ: Nghề không bạc với ai, miễn là mình làm đủ tốt.
GIA BẢO
Nguồn: Tạp chí VHNT số 514, tháng 10-2022