Một buổi sáng mùa thu êm dịu. Nắng nhẹ và heo may se lạnh. Hồng Thanh Quang lại mang tặng tôi hai tập thơ Nỗi buồn tốc ký. Nếu tính cả ba tập Cỏ bạc triền đê vừa xuất bản đầu năm nay thì tôi đã đã đọc hết hơn 2000 bài thơ của anh được in thành 5 tập, sang trọng, dày dặn với hơn 2000 trang.
Thật khó tưởng tượng sức viết, và cảm xúc của một nhà thơ lại dồi dào đến thế nếu không nhìn vào thế giới thơ của Hồng Thanh Quang.
Hồng Thanh Quang phong lưu từ khi còn trẻ. Anh sinh ra và lớn lên ở phố Hàng Đào (Hà Nội). Mái tóc chải mượt. Đôi mắt sáng, hằn nét mộng mơ và không giấu được nét đa tình thiên bẩm. Dáng người cân đối. Phong cách nhạy bén và lịch lãm. Cho nên, từ thuở đi vào đời, anh như một ngôi sao. Hồng Thanh Quang là người của công chúng với những đêm thơ nhạc, những sự kiện truyền thông, những chương trình truyền hình. Anh từng học vô tuyến điện ở Liên Xô (trước đây), từng làm báo quân đội, báo công an và Tổng biên tập Báo Đại đoàn kết, nhưng cương vị đó chỉ là một nét phụ trong bức chân dung về Hồng Thanh Quang. Anh phóng túng, đa đoan, nhạy cảm và khao khát trong từng khoảnh khắc. Anh thấu hiểu lẽ đời, sắc bén trong việc phân tích những vấn đề xã hội. Nhưng, điều day dứt trong anh lại là một chữ tình.
Khi tất cả qua đi. Còn lại, cuối cùng vẫn là một nỗi khát khao tình yêu và cái đẹp. Đó chính là những gì làm nên sự sống và thi ca.
Thơ Hồng Thanh Quang, chính là tiếng nói của niềm khao khát sống.
*
Trong quán café thật đẹp, nhìn ra một khoảng sân rộng có nhiều hoa. Mùa thu nhích đi từng bước dịu dàng. Tôi vừa lật giở từng trang sách Hồng Thanh Quang tặng, vừa hỏi anh:
“Ai cũng tò mò muốn biết, sao anh lại có thể viết nhanh và đều đến thế?”
Anh buông từng tiếng chậm:
“Thơ như nhịp điệu cuộc sống, thơ tự sinh ra trong chính cuộc sống của nhà thơ.”
Vốn dĩ cũng là một người làm thơ, tôi hiểu mọi thành công trong cuộc đời này không tự nhiên mà có, phía sau mỗi câu thơ là huyết lệ một đời người.
Tôi dừng lại trước những câu thơ như là tuyên ngôn sống của anh:
“Sinh ra để làm thơ
Sống như không thể chết
Để ngắm các loài hoa
Hôn những gì thanh khiết…”
(Chẳng có việc gì khác)
Tôi lại lật giở sang những câu thơ khác:
“Đã quá muộn đổi hướng về bình ổn
Những yêu thương như gió cuốn tôi chìm
Kiếp lang bạt là phải lang bạt mãi
Sao nở em làm lạc lối tôi tìm…”
(Tình yêu cuối mà tôi được có)
Hồng Thanh Quang lại nói tiếp:
“Thực tế như nhát búa đập vào trái tim nhà thơ và từ đó bật ra thơ.”
Thơ là vậy, chắt ra từ cảm thức, từ tình yêu, nỗi đau và số phận của nhà thơ.
Không bao giờ đao to búa lớn, thơ Hồng Thanh Quang là tiếng lòng thủ thỉ.
Ta hãy nghe anh tâm sự với người yêu:
“Anh không thể không có em được nữa
Bởi đã yêu, đã giận ở trong đời
Không có em, cách gì anh hiểu được
Sống làm sao để khỏi thẹn danh người.”
(Không có em anh thở như không thở)
Và đây là lời tâm sự với người mẹ đã “ở mãi xứ huyền linh’:
“Con mãi mãi bị đọa đày thi sĩ
Gieo tai ương cho những chân thành.
Chỉ xin mẹ. Đợi con ngày đoạn kiếp
Con trở về như một mầm xanh.”
(Giờ đã muộn chẳng thể thay quá khứ)
Hồng Thanh Quang lắng nghe trái tim mình trong từng khoảnh khắc. Thơ anh là thơ của cảm xúc bật ra từ những cảnh huống của cuộc sống. Đó là tiếng nói của tình cảm, chân thành và tha thiết:
“ Em lấp lánh như vì sao bất tử
Soi con đường dẫn tới bình yên
Trong kỷ niệm những bông hoa vẫn nở
Thực dịu dàng nuôi nhớ những niềm quên…”
(Trong kỷ niệm những bông hoa vẫn nở)
Có thế nói, thơ Hồng Thanh Quang là một bức tranh đa sắc về những gam màu cảm xúc có vui, có buồn, có xao xuyến, nhớ thương và đau đớn. Và điều đáng nói là ở sắc độ nào anh cũng đều có những câu thơ gây xúc động và những hình ảnh gây ấn tượng. Hồng Thanh Quang luôn xử lý tốt mạch cảm xúc của mỗi bài thơ, ít khi sa vào tuyệt vọng, nặng nề. Thông thường, mỗi bài thơ của anh khép lại luôn gieo vào tâm trí người đọc một cảm xúc trong sáng.
Thơ Hồng Thanh Quang, về cơ bản chỉ đi vào hai chủ đề lớn là tình yêu và thân phận. Với mỗi chủ đề anh đều tạo được dấu ấn riêng.
Mảng thơ tình yêu của Hồng Thanh Quang chiếm hầu hết trong số các bài thơ đã in và cũng để lại ấn tượng nổi bật nhất trong sự nghiệp sáng tác của anh. Ở đó, biểu lộ cách nhìn, cách nghĩ và ứng xử của nhà thơ trong tình yêu. Người đọc có thể gặp những toan lo day dứt, những hoài tiếc bất tận, những đắm say, cảm thông, chờ đợi… Dường như không có cung bậc tình cảm nào không được ghi lại trong thơ Hồng Thanh Quang. Người ta có thể thấy nhà thơ đa tình, đa đoan quá. Nhạy cảm quá trước những đổi thay bất định trên dòng đời. Những câu thơ bình dị, tự nhiên, như bật ra từ trái tim, rất đỗi đời thường mà có lúc lấp lánh, đẹp như trong cõi mộng.
Mảng thơ thân phận Hồng Thanh Quang viết nhiều khi anh đã có tuổi và trải qua một cơn ốm thập tử nhất sinh. Sau trận ốm năm 2019 phải sang tận Singapore điều trị, anh khỏi bệnh và trở về nhà như trở về từ thế giới bên kia. Lúc đó, Hồng Thanh Quang mang một cái nhìn mới về cuộc sống. Anh bình dị hơn. Yêu mến và biết ơn cuộc đời hơn. Anh thoát dần ra khỏi chuyện sự vụ hằng ngày và lúc này chỉ còn sống cho thơ, ngẫm suy về sự sống và cái đẹp.
Khi đã ở xế chiều, Hồng Thanh Quang càng hiểu hơn sự hữu hạn của cuộc đời và thiên chức của nhà thơ:
“Là thi sĩ, ai muốn làm thi sĩ
Nhưng tứ thơ cứ bám riết tim rồi…
Không phải chữ, đó chính là máu ứa
Xin ông trời, chỉ một kiếp này thôi…”
(Là thi sĩ không thể nào đông đúc)
Là một người duy cảm, anh tìm thấy thân phận gắn liền với tình yêu. Và không ít lần, khi tâm sự với người yêu, anh lại nói về thân phận:
“Chiều muộn rồi… Nắng đã ngủ trong mây
Chỉ lặng lẽ ngoài vườn cây gió hát…
Thêm một ngày bình an trong bão táp
Chỉ vì còn giữ được đức tin nhau.”
(Giấu những lo toan sau những cánh hoa)
Hoặc ở một cảnh huống khác:
“Bao lâu nữa ta cũng thành mây trắng
Trong chuyến bay không hẹn được chung về?
Bao lâu nữa? Thôi đừng tự hỏi!
Ôi cuộc đời, chớp mắt cơn mê…”
(Em chăm chú dõi ngoài cửa sổ)
Hồng Thanh Quang không nói đến cái ngắn ngủi của kiếp người để tuyệt vọng hay bi lụy. Anh luôn giữ được sự lạc quan và cái nhìn trong trẻo, giữ được tâm hồn tràn đầy khát vọng. Đó chính là những gì đã làm cho thơ Hồng Thanh Quang luôn thanh thoát, ấm áp và mơ mộng.
Đêm thơ nhạc Hồng Thanh Quang
Hồng Thanh Quang không có tham vọng cách tân trong nghệ thuật. Thơ anh là tiếng lòng, tự nhiên như hơi thở. Từ buổi đầu sáng tác cách đây khoảng 40 năm, Hồng Thanh Quang luôn giữ giọng thơ du dương, với những câu thơ có trường độ, nhịp chậm. Anh hay sử dụng điệp ngữ như một cách tạo thêm nhạc điệu kết hợp với sự dụng vần chân một cách nhuần nhuyễn khiến bài thơ du dương và gần với lời hát. Có lẽ đây là một lợi thế để nhiều nhạc sĩ, trong đó có cả nhạc sĩ lớn như Phú Quang thích thú chọn phổ nhạc cho những bài thơ của anh.
Trong các tác phẩm của mình, Hồng Thanh Quang luôn duy trì mạch trữ tình tươi mới và quyến rũ. Đó là một điều không dễ dàng với một thi nhân trên cả hành trình sáng tạo với biết bao bão táp của kiếp người. Anh không kể lể, không lạm bàn thế sự, giữ cho thơ luôn mang vẻ đẹp của tâm hồn và rung động của trái tim.
Tất cả những yếu tố ấy, khiến thơ Hồng Thanh Quang mang vẻ đẹp riêng, để lại nhiều ấn tượng trong trí nhớ người yêu thơ.
*
Câu chuyện với thi sĩ Hồng Thanh Quang vẫn sôi trào mà ngày đã đứng trưa.
Mùa thu ném những chiếc lá vàng xuống con đường lát gạch màu nâu sậm. Lẽ ra chúng tôi có thể ngồi nhâm nhi chút rượu vang và nghe anh kể tiếp về mùa thu nước Nga với những năm tuổi trẻ đầy mê đắm. Những năm tháng ấy, dù còn là sinh viên vô tuyến điện, anh đã bén duyên với thi ca của nước Nga hùng vĩ. Từ đó, anh đã dịch và in gần một ngàn bài thơ trữ tình của xứ sở bạch dương. Nhiều bạn đọc trẻ tuổi đã mê những bài thơ dịch của anh, đã ghi vào sổ tay thơ, đã lưu giữ như những kỷ vật của một thời xuân xanh nhiều náo động.
Sự sống tươi đẹp vì con người luôn biết khát vọng. Chúng ta không đến thế giới này để than vãn và tuyệt vọng. Chính tình yêu, niềm khao khát sống làm cho chúng ta mạnh mẽ và hạnh phúc. Đó cũng chính là những gì Hồng Thanh Quang đã nói với tôi qua những bài thơ dạt dào cảm xúc của ông.
Hồng Thanh Quang ngồi nhích về phía tôi, anh bảo:
“Ta chụp một bức ảnh ghi lại khoảnh khắc này!”
Trông anh vẫn phong độ, tươi tắn ở tuổi sáu mươi. Hồng Thanh Quang đứng lên. Anh chìa tay ra:
“Hẹn gặp lại nhé!”
Tôi tiễn anh vài bước chân rồi trở lại căn phòng êm như nhung, ngồi bên ô cửa nhỏ lặng lẽ đọc những câu thơ của anh:
“Và có thể buổi chiều như cổ tích
Thu vẫn còn, đông đã lạnh mờ sương
Tôi bỗng thấy phố phường thêm sắc lạ
Ôi tháng mười, như một niềm thương…”
(Và có thể buổi chiều như cổ tích)
Hà Nội thu 2022.
THIÊN SƠN
Nguồn: Tạp chí VHNT số 514, tháng 10-2022