Trong bối cảnh văn học thiếu nhi dù đã có nhiều khởi sắc nhưng vẫn chưa thoát khỏi cảnh “chiếu dưới” trong quan niệm của nhiều người cầm bút và các nhà quản lý văn học nghệ thuật, việc Trần Đức Tiến tự nhận mình là “lão già viết truyện trẻ con” có thể xem là chuyện lạ. Càng thú vị hơn khi cách định danh ấy lại tràn vị hạnh phúc, thậm chí có cả niềm kiêu hãnh của một nhà văn đã vượt ra những ràng buộc không hề dễ chịu của tuổi tác để tiếp tục đỡ đầu cho ước vọng được đọc những trang văn về chính mình của bạn đọc nhỏ tuổi. Mấy chục năm nay, Trần Đức Tiến cứ thế mà tự buộc mình vào lời hứa viết truyện về trẻ con, cho trẻ con. Sự ràng buộc dễ thương, dễ chịu này kéo từ thời “hai đầu gối còn dẻo, một đêm viết xong một truyện” cho đến khi “xương khớp thoái hóa, ba năm, năm năm mới ra nổi cuốn sách”. Và lần này, kết quả của mối duyên bền bỉ ấy là A lô!... Cậu đấy à?.
Ba năm trước, trên Facebook cá nhân, Trần Đức Tiến vu vơ thả mấy dòng: “Cây khế này, trên ngọn có con sóc, dưới gốc có con cóc, loanh quanh gần đó là con thằn lằn và một lão già viết truyện trẻ con”. Được biết, ý tưởng viết sách khởi sự từ mấy dòng tản mạn đó. Phôi thai từ sự giản dị nên thơ, những câu chuyện trong A lô!... Cậu đấy à? như những bông hoa trong sớm mai đồng nội. An lành, thơm tho, sinh động về chữ nghĩa lẫn ý tứ. “Người làm vườn” Trần Đức Tiến đã tạo ra bầu sinh quyển đẹp cho độc giả. Sự đôn hậu, tình yêu trẻ, vốn văn hóa dày dặn, sự tinh tế của nhà văn là phông nền vững chãi của miền an trú mang tên đồng thoại.
Để có A lô!... Cậu đấy à? sau thành công của Xóm Bờ Giậu là điều không dễ dàng với nhà văn. Bờ Giậu là vùng sáng thẩm mĩ của đời văn Trần Đức Tiến. Với Xóm Bờ Giậu, tác giả đã nhận được rất nhiều lời khen tặng kèm theo giải thưởng, trong đó có giải thưởng Sách Quốc gia năm 2019 hạng mục Sách thiếu nhi. Cái bóng lớn của chính mình, liệu nhà văn có vượt qua? Rất may là Trần Đức Tiến thuộc tạng người điềm đạm, tỉnh táo trước mọi khen chê. Nhà văn chia sẻ: “Thấy tác phẩm viết cho trẻ của mình được các bậc phụ huynh nhiệt liệt chào đón, các nhà phê bình khen ngợi, đừng vội nhầm đã thành công. Phụ huynh, nhà phê bình, một cách vô thức, luôn đọc tác phẩm của bạn bằng tâm thế của người lớn”. Trần Đức Tiến xác định rõ “mục đích tối thượng” mà trang viết mình hướng đến, đó là viết cho trẻ con, là làm cho trẻ con thích. Những bông hoa của mùa hoa đồng thoại thứ hai trong đời văn Trần Đức Tiến được khai mở từ tâm thế sáng tạo đó.
Một tác phẩm viết về tuổi thơ của nhà văn Trần đức Tiến
Dõi theo hành trình sáng tạo nghệ thuật của Trần Đức Tiến sẽ nhận thấy nhà văn ngày càng hiểu trẻ con hơn. Hiểu những trò chơi dường như đã thành hơi thở của trẻ: thi nhìn vào mắt nhau không chớp, thi nín thở, thi ngứa không gãi, thi ghép từ, thi im lặng. Hiểu cái ngúng nguẩy và những giận hờn như mưa bóng mây của chúng. Hiểu nỗi khao khát khám phá thế giới. Hiểu những vẫy gọi xa xôi… Với người viết cho thiếu nhi, sự hiểu ấy thực sự cần thiết. Người đọc cũng ngỡ ngàng trước sự “trẻ hóa” bất ngờ của nhà văn Trần Đức Tiến. Xét kĩ thì xóm Bụi Trúc trong A lô!... Cậu đấy à? kì thực vẫn là Xóm Bờ Giậu xưa. Cách kể chuyện của Trần Đức Tiến vẫn thế. Điềm tĩnh, chắc chắn. Có chút hóm, có chút mơ mộng trữ tình. Tuy nhiên, hai mươi ba câu chuyện trong A lô!... Cậu đấy à? đã rất lỏng về chất truyện, tự nhiên duỗi mình về phía mơ mộng, nên thơ. Phần thông điệp hay bài học kín đáo nép mình trước cái cảnh quan sinh thái sinh động và đầy sức gợi. Những thay đổi ấy là hành trình vượt lên thói quen sáng tác của thế hệ lẫn cá nhân. Điều này bắt nguồn từ sự trăn trở để gợi mở hướng đi mới cho văn học thiếu nhi của chính nhà văn. Trần Đức Tiến dõi theo đời sống văn học và nhận diện rõ sự khác biệt giữa các nhà văn thế hệ 8X, 9X với thế hệ mình. Các nhà văn già chú trọng đến “chủ đề”, “vấn đề” của tác phẩm, nỗ lực chuyển tải thông điệp ngắn gọn, tường minh đến bạn đọc nhỏ tuổi. Với nhà văn trẻ, những vấn đề đó lại “ẩn” kỹ hơn, nhờ đó, các tác phẩm có vẻ đẹp “lung linh, sống động”. Sự khác biệt đó dẫn dụ nhà văn đến với gần với hướng đi của các nhà văn trẻ. Nhờ đó, độc giả đã thấy một Trần Đức Tiến tươi trẻ ngay từ cách đặt tựa cho những câu chuyện nhỏ: Từ ngọn cây xuống gốc cây, Viên bi có bông hoa màu xanh lá mạ, Mười dấu hỏi và mười dấu than…
Ở mùa hoa đồng thoại lần này, bên cạnh việc bảo lưu những đặc điểm, thuộc tính vốn có của loài vật, tác giả tiếp tục nhận diện/ phát hiện/ cài cắm tiếng nói của những sinh vật nhỏ bé. Xét ở khía cạnh này, Trần Đức Tiến đã đặt mình đúng ở vị thế của trẻ con - những chủ nhân dễ thương của tư duy “vật ngã đồng nhất”. Và tác giả cũng đã đến rất gần với quan niệm sáng tác đồng thoại của bậc thầy viết truyện đồng thoại Việt Nam - nhà văn Tô Hoài, người đã từng phát biểu rằng: “Không phải chỉ có các em nhỏ mới coi là tự nhiên việc cái ghế biết nói, con bê đánh bạn với người, mà với người đọc, người xem nói chung, khi nghệ thuật đã đạt tới trình độ khắc họa được nội dung và tâm trạng thì cái ghế cười khanh khách, con mèo thủ thỉ trò chuyện, ông trăng biết nói cũng gợi nhiều điều nghĩ ngợi đúng đắn sâu xa cho bất cứ ai”. Trần Đức Tiến khéo léo gieo hạt niềm tin đến độc giả nhỏ tuổi, làm cho các em tin vào tiếng nói rất người của thiên nhiên, từ đó mà lây lan thói quen lắng nghe những thanh âm đến từ sinh thái. Những trang viết của Trần Đức Tiến, dù là hư cấu, tưởng tượng vẫn làm cho người đọc tin vào mối liên hệ giữa những sáng tạo nghệ thuật của nhà văn với trải nghiệm của chính tác giả. Đó là những trải nghiệm thực tế của lão nhà văn già với chính không gian sống đẫm đầy chất sinh thái chứ không phải là những thứ vay mượn. Hơn thế, đó còn là những trải nghiệm vượt lên Xóm Bụi Trúc, vượt lên ngôi nhà nhỏ trên ngọn cây khế mà hẳn là tác giả đã phải trả giá bằng mồ hôi, nước mắt. Nhờ đó, tác giả đã bắt trúng “trend” thị hiếu thẩm mỹ của con người đương đại với xu hướng “rủ nhau về chốn quê mùa, đắm mình trong khung cảnh thanh bình và thưởng thức những món ăn dân dã” (Du khách đến Bụi Trúc); tinh tế chiết xuất muôn dạng mùi hương của Gió: “Lúc thì hương tầm xuân, lúc thì hương nguyệt quế, lúc thì hương ngọc lan. Tầm xuân dịu dàng. Nguyệt quế sực nức. Ngọc lan mê mẩn. Đôi khi là hương thơm ngọt ngào của trái xoài, trái sầu riêng vừa chín tới. Rồi mùi hương mộc mạc của lúa ngậm sữa trên cánh đồng. Hương tươi mát của thảm cỏ sau mưa. Lẫn trong những hương vị làng mạc, phố xá gần gũi, phảng phất cả mùi mặn mùi của đại dương vời vợi” (Dấu chân của cô Gió). Đi qua những trải nghiệm cuộc đời, nhà văn vì thế mà cũng sâu sắc hơn trong cách nhìn nhận, đánh giá sự vật hiện tượng, kiểu như: “Không có cô Gió, cái phong linh không cười. Nhưng cái cười vẫn là của cái phong linh” (Dấu chân của cô Gió).
Đọc truyện Trần Đức Tiến không khó để nhận ra “sự tận tâm với đời sống” của nhà văn để tìm ra “vị” của đời, ngay trong những cuộc đời “nhạt”. Mãi cái chốn thân quen mà thành bao nhiêu chuyện kể. Phần lớn truyện hoặc không có cốt truyện hoặc rất lỏng về kết cấu các sự kiện nhưng luôn có một sự đáng yêu nào đấy. Có khi là sự vụn vỡ thú vị của niềm tin khi phát hiện sự thật là Cóc không hề có răng như trong thần thoại. Có khi là cách huyền thoại hóa quá trình tiến hóa của “hạt đỗ đen” thành động vật lưỡng cư vẫn thường được gọi là “cậu ông trời”: một chú cá bé như hạt đỗ đen, có đuôi, bơi lăng xăng trong vũng nước; một con quái vật nhìn thấy, ngoác cái miệng rộng định đớp; hạt đỗ đã nhảy lên bờ, khoác lên mình tấm áo phòng hộ toàn gai nhọn. Trong khá nhiều sự đáng yêu ấy nhất quyết có những khoảng xanh mát đến từ khung cảnh giản đơn của xóm Bụi Trúc với những giọt sương ngủ quên trên lá trúc xanh, với mùi tầm xuân trong gió thoảng. Đặc biệt, tôi thích cái cách tác giả cứ vu vơ thả ra một vài ước vọng trong trang văn. Bẵng đi một thời gian, người đọc ngỡ ngàng khi thấy ước vọng ấy quay về với hơi thở nóng ấm của hiện thực. Những bức thư trên những chiếc lá khế vàng nhỏ nhoi mà Bông Lau gửi bố trong truyện Bố đi đâu lâu thế cứ tưởng đã chìm lấp trong vàng rực lá mùa thu lại nhận được sự hồi đáp ngạc nhiên và ngọt ngào ở câu chuyện Mười dấu hỏi và mười dấu than. Sự hồi đáp ấy tiếp thêm niềm tin cho người đọc, để họ an nhiên thả lòng cho gió cuốn đi.
Một số tác phẩm của nhà văn Trần Đức Tiến
Tập truyện A lô!... Cậu đấy à? là hành trình kết nối Xóm Bụi Trúc với Xóm Bờ Giậu, kết nối xóm Bụi Trúc với những không gian khác. Nhà văn để cho các nhân vật được trải nghiệm không gian bằng hồi ức, bằng cách đắm chìm trong những câu chuyện kể của người khác, bằng cách dấn thân trực tiếp vào những chuyến đi. Tác giả thôi thúc những ước vọng trải nghiệm từ chính cách đặt tên cho những vùng đất: Thung lũng Hồ Nước Cạn, Ngõ Lênh Láng, Đại lộ Đầm Đìa, thành phố Xà Cừ, sân bay Cát Trắng… Mỗi cái tên ít nhiều đều gợi dậy khao khát khám phá. Đấy là nghệ thuật “nối mạng”, kết nối muôn loài về thời gian và không gian, để biết thế giới là mênh mông, là vô tận. Trần Đức Tiến trao cho nhân vật nhiều phương tiện kết nối: những cuộc điện thoại, những lá thư, những chuyến đi, những trò chơi… Sau tất cả, thẳm sâu trong mỗi nhân vật vẫn là ước vọng được hồi hương, được về với nơi chôn rau cắt rốn. Như tâm tư của Cóc Tía, khi Hồ Nước Cạn là nơi chôn nhau nhưng đang trôi dạt về Xóm Bụi Trúc. Như niềm riêng của nhà văn, người đã lớn lên từ cái mênh mang, trù phú của đồng quê Bắc Bộ nhưng mấy chục năm trời lại sống xa quê.
Với mùa hoa đồng thoại thứ hai này, Trần Đức Tiến đã thể hiện rõ ý định xây dựng bảo tàng sinh thái cho văn học, một bảo tàng dành riêng cho miền thôn dã. Trong truyện Du khách đến Bụi Trúc, nhà văn đã biến Xóm Bờ Giậu trở thành di tích/ di sản văn hóa. Cuối truyện, nhân vật Bông Lau còn tưởng tượng về một ngày sẽ có cuốn sách viết về xóm Bụi Trúc, một ngày nào đó xóm Bụi Trúc sẽ tiếp tục trở thành chứng tích đầy tự hào và đầy thương nhớ, gợi nhớ về một ngôi nhà xây bằng cành lá khô và người chủ… Đến Một ngày nắng đẹp, các nhân vật được xem là hậu bối của những cư dân Xóm Bờ Giậu ngày xưa lại tiếp tục dệt giấc mơ trưng bày, giữ gìn cẩn thận con đường mòn của bà Hoa Cúc Áo, cây gậy của cụ giáo Cóc, cây đàn của nhạc sĩ Dế Lửa, ngôi nhà Bình - gốm - vỡ, bài hát của ông Thằn Lằn, bài thơ của nhà thơ Dế Còm… Người đọc tiếp tục chờ đợi mùa hoa đồng thoại thứ ba của Trần Đức Tiến. Để bảo tàng sinh thái của miền thôn dã sẽ mở được mở rộng biên độ. Để bạn đọc nhỏ tuổi có thêm những lựa chọn sinh động cho văn hóa đọc. Tin chắc, với sự kỳ vọng ấy, nhà văn sẽ có thêm động lực để trả nợ những yêu thương.
NGUYỄN THANH TÂM
Nguồn: Tạp chí VHNT số 511, tháng 9-2022