Nghệ sĩ hóa trang Nguyễn Thị Lam: Những gương mặt nghề...

Đã bước vào tuổi xưa nay hiếm nhưng nghệ sĩ hóa trang Nguyễn Thị Lam vẫn đắm đuối khi nói về nghề. Bằng kinh nghiệm, những kiến thức tích lũy cả cuộc đời làm nghề bà đã trợ giúp, tư vấn cho nhiều lớp nghệ sĩ đàn em trong công việc hóa trang cho phim.

Nghệ sĩ hóa trang Nguyễn Thị Lam qua nét vẽ của họa sĩ Lưu Vinh - con trai bà

Sinh ra và lớn lên ở Bắc Ninh - mảnh đất Kinh Bắc hội tụ nhiều giá trị văn hóa lâu đời - cả tuổi thơ của nghệ sĩ hóa trang Nguyễn Thị Lam cũng thấm đẫm những làn điệu quan họ. Đến với công việc hóa trang từ khi còn rất trẻ, may mắn của nghệ sĩ Nguyễn Thị Lam là được theo học một khóa đào tạo về hóa trang do các chuyên gia Trung Quốc giảng dạy. Khóa học được mở ra vào những năm 1958 - 1959 và cho tới tận bây giờ nghệ sĩ hóa trang Nguyễn Thị Lam vẫn còn nhớ rất rõ về hai người thầy của mình: Nghệ sĩ hóa trang Tôn Hồng Khôi và Trương Lập Đường.

Gắn những năm tháng tuổi trẻ với bước đi chập chững của nền điện ảnh cách mạng, có thể nói, cô gái trẻ Nguyễn Thị Lam ngày ấy đã mang hết nhiệt huyết tuổi trẻ, sự say nghề để hòa cùng đồng nghiệp làm nên những tác phẩm để đời của nền điện ảnh cách mạng. Trẻ trung, nhiệt huyết, có thầy giỏi hướng dẫn bà như được chắp thêm đôi cánh để thỏa sức sáng tạo, thử nghiệm trong lĩnh vực hóa trang cho phim.

Với hơn bốn chục đầu phim truyện điện ảnh, hàng loạt bộ phim buổi ban đầu của điện ảnh cách mạng đã có sự chung tay, góp sức của bà trong lĩnh vực hóa trang như các phim Chị Tư Hậu, Đến hẹn lại lên, Đường về quê mẹ, Nguyễn Văn Trỗi, Người chiến sĩ trẻ, Tiền tuyến gọi, Ngày lễ thánh, Mối tình đầu, Hồi chuông mầu da cam...

Nghệ sĩ hóa trang Nguyễn Thị Lam khi còn trẻ

Có thể nói suốt những năm tháng tuổi trẻ là những năm bà “khăn gói” đi cùng các đoàn làm phim. Có những bộ phim bà phải xa nhà tới 5 - 6 tháng. Hai cậu con trai nhỏ đành nhờ cả vào ông bà nội khi bà và chồng - diễn viên, đạo diễn Lưu Xuân Thư - bận rong ruổi theo các đoàn làm phim. Với hàng loạt địa danh trải dài theo các tỉnh, nơi đoàn phim đóng đô từ tháng tới vài tháng để làm phim cũng là lúc bà có thêm thời gian để tìm hiểu cuộc sống, cách ăn mặc, phong cách riêng của từng vùng miền, những lớp người khác nhau để rồi kiến thức đó được áp dụng khi hóa trang cho nhân vật trên phim. 

Làm nghề lâu năm, bà cũng hiểu rõ tầm quan trọng của hóa trang trong việc xây dựng, lột tả, khắc họa tính cách, số phận nhân vật. Tùy vào từng vai diễn, hoàn cảnh xuất thân, sự biến đổi của nhân vật theo các biến cố, hoàn cảnh sống... mà bà có cách hóa trang để tạo nên điểm nhấn, sự in dấu của thời gian, tuổi tác. Cũng như các thành phần khác trong đoàn, mỗi khi nhận phim, bà cũng phải đọc rất kỹ kịch bản để có được cảm nhận, sự hình dung khái quát nhất về bối cảnh, thời đại, nội dung câu chuyện qua đó lên phương án hóa trang tối ưu nhất cho nhân vật. Hóa trang lâu năm, bà biết lựa theo đặc điểm của từng khuôn mặt để có cách hóa trang hiệu quả nhất khi quyết định nhấn vào tông nền, đường nét hay cách tạo khối góp phần làm nổi bật lên tính cách, nội tâm nhân vật. 

Áp phích phim Chị Tư Hậu

Ngoài những yêu cầu nghiêm ngặt, đặc thù về hóa trang, việc đoàn phim sử dụng máy quay, thiết bị ánh sáng, mầu sắc hay đen trắng, quay ngày hay quay đêm, nội hay ngoại cảnh cũng đòi hỏi người nghệ sĩ hóa trang phải có kiến thức, sự am tường để phối hợp cho hiệu quả. Trong một bộ phim, mọi thành phần đều có sự tương tác nên để làm tốt công việc ngoài kiến thức chuyên môn không ngừng được cập nhật, nâng cao bà còn chủ động tham khảo, tìm đọc nhiều sách báo, nghiên cứu về xã hội, văn hóa, lịch sử… để bổ trợ thêm cho công việc. Với kiến thức không ngừng cập nhật sau nhiều năm làm nghề, bà có thể nói say sưa hàng giờ về cách trang điểm, phục sức, thậm chí là cách vấn khăn, búi tóc… của phụ nữ Việt qua các thời kỳ. Nếu phụ nữ xưa chuộng lối tả chân thì người hóa trang cần chọn phấn nền, chì mắt, son môi ở tông tự nhiên nhất. Càng về sau, lối trang điểm càng đậm và sắc sảo hơn. Cách trang điểm của một phụ nữ miền Bắc cũng khác với miền Nam, miền xuôi khác miền ngược, thành thị khác nông thôn chưa kể còn nguồn gốc xuất thân, nền tảng kinh tế gia đình, những biến đổi trong đời người... Nếu phụ nữ cần nhấn vào gương mặt, đầu tóc, khăn áo, trang sức thì nam giới cũng phải chú ý đến râu tóc, trang phục sao cho lên được thần thái, cốt cách, sự khác biệt của từng người, từng nhân vật cụ thể. Trong đời làm nghề của bà, ngoài vốn kiến thức thì sự học hỏi từ chính thực tế, từ công việc cũng rất quan trọng. Bà kể nhiều phim làm giữa mùa hè, gặp phải diễn viên nhiều mồ hôi, cảnh chưa diễn xong lớp hóa trang đã trôi đi quá nửa lại phải tranh thủ giữa các lớp diễn để dặm thêm phấn, lau bớt mồ hôi, làm sao để giữ cho thần sắc nhân vật được thống nhất, liền mạch giữa các cảnh quay...

Ở tuổi nghỉ hưu, bà vẫn như con thoi ra Bắc vào Nam tham gia vào các đoàn quay ca nhạc, quảng cáo, phim truyện điện ảnh, phim truyện truyền hình, các chương trình tấu hài. Chia sẻ về công việc, bà cho biết: Trong hóa trang, tôi thiên về đánh mỏng, nhẹ sao cho chân thực, gần với tự nhiên nhất. Cái tài của người hóa trang là phải giữ được thần thái của gương mặt để sao cho khi diễn các cơ trên mặt của người diễn viên phải biểu hiện được cảm xúc, tình cảm, cách ứng xử của nhân vật trong kịch bản. Trong nghề hóa trang, thách thức không phải là hóa trang theo nguyên mẫu.Vì, ngoài độ giống còn phải làm sao tải được thần thái, khí chất để người diễn viên tin và thấy gần nhất với nguyên mẫu mà họ đang hóa thân”.

Phim Đến hẹn lại lên

Ngoài thể hiện các sắc thái tình cảm, dấu ấn thời gian lưu lại trên gương mặt, nghề hóa trang cũng đòi hỏi phải biết cách tạo nên những dị biệt, các vết bầm tím, sẹo, rỗ hay những vết thương, vết máu giả do chiến tranh, bệnh tật đem lại. Độ chân thực, nông hay sâu lại phụ thuộc vào cảm nhận, trình độ, tay nghề của người nghệ sĩ hóa trang. Ngoài trang điểm thì trang sức cũng góp phần không nhỏ tạo nên sự khác biệt của nhân vật. Trong nhiều bộ phim cổ trang, bà đã tham gia làm tới hàng trăm độn tóc giả, khăn vấn cho đúng chất của phụ nữ Việt Nam các thập niên đầu của thế kỷ trước. Công việc hóa trang cũng dạy bà nhiều kiến thức về trang phục, đầu tóc, quần áo ở các giai đoạn, thời kỳ khác nhau của lịch sử. Bà có thể say sưa cả giờ khi chia sẻ về cách đan râu, tóc hay cách may yếm, áo của phụ nữ Việt xưa. Những kiến thức cả cuộc đời tích lũy bà cũng không ngần ngại đem chia sẻ, truyền thụ cho nhiều lớp em, lớp cháu trong nghề. Gắn bó với lớp đạo diễn thế hệ đầu của điện ảnh như Trần Vũ, Hải Ninh, Bạch Diệp, Nguyễn Ngọc Trung, Bùi Đình Hạc... bà cũng cộng tác ăn ý khi tham gia nhiều phim với lớp đạo diễn trẻ sau này. Ở tuổi ngoài 80 bà vẫn gắn với dòng chảy của phim ảnh khi cộng tác, tư vấn, góp ý với nhiều đạo diễn, các em, các cháu học sinh của bà về hóa trang, râu, tóc, yếm, áo, cách phục sức, vấn khăn trong các phim, clip ca nhạc, tấu hài… Có những bộ phim, bà đã phải dành ra cả tuần lễ để cắt, khâu, may tới mấy chục chiếc yếm cổ tròn của phụ nữ thời xưa. Đối với nghệ sĩ Nguyễn Thị Lam được gắn bó, sáng tạo, chia sẻ công việc mình yêu thích cũng là một hạnh phúc. Và niềm hạnh phúc đó vẫn đang đồng hành cùng với bà qua những dự án phim. Chia sẻ về công việc, bà nói: “ Tôi yêu nghề hóa trang. Tôi sẽ còn gắn bó với công việc này đến khi nào không còn làm được nữa”.

NGUYÊN AN

Nguồn: Tạp chí VHNT số 514, tháng 10-2022

;