Đang làm việc tại Nhà hát ca múa nhạc Thăng Long, NSƯT Ngọc Anh (Nguyễn Ngọc Anh) là một trong những “cây sáo” được khán giả yêu mến và giới làm nghề đánh giá cao. Không chỉ say mê, biểu diễn với sáo trúc, anh còn làm công tác giảng dạy, truyền tình yêu âm nhạc dân tộc đến với các học sinh khoa âm nhạc truyền thống Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam.
NSƯT Ngọc Anh
NSƯT Ngọc Anh được sinh ra và lớn lên tại làng Dương Cốc, xã Đồng Quang, huyện Quốc Oai, TP Hà Nội - nơi nổi danh với “đất Tuồng” xứ Đoài nói riêng và của Thăng Long - Hà Nội ngàn năm văn hiến nói chung.
Cũng tại mảnh đất này, tình yêu nghệ thuật luôn bỏng cháy, đã được nuôi dưỡng trong gia đình dòng họ Nguyễn Ngọc. Ông nội của Ngọc Anh - nghệ nhân Nguyễn Ngọc Bỉnh là nhạc công, đã góp nhiều công sức cho đội tuồng của làng với vai trò nhạc trưởng. Tuy không làm việc trong nhà hát hay đơn vị chuyên nghiệp, nhưng ông có thể sử dụng thông thạo năm loại nhạc cụ dân tộc khác nhau; Tiếp nối, bố của anh là NSƯT Ngọc Khánh, trước khi về hưu là quân số của Nhà hát Tuồng Việt Nam. Ông được những người làm nghề kính trọng và đặt cho biệt danh “Khánh kèn” bởi ông có ngón kèn rất độc đáo. Tiếng kèn Sona đầy biến ảo, huyền diệu của NSƯT Ngọc Khánh không chỉ làm mê hoặc những người yêu sân khấu tuồng truyền thống, mà còn khẳng định vị trí riêng có của nó trên sân khấu kịch hiện đại, cũng như quyến rũ người nghe qua các làn điệu dân ca trữ tình, lãng mạn mang chất vùng - miền trong cả nước khiến biết bao vị khách nước ngoài thêm ngưỡng mộ cây kèn Sona thuần Việt. Cháu đích tôn của nghệ nhân Ngọc Bỉnh - NSƯT Ngọc Anh bên cạnh thành công trong cây sáo trúc, anh đã tiếp nhận “chân truyền” từ người cha, viết tiếp những ước mơ của ông, giữ gìn tiếng kèn sona thuần Việt, để đưa nó ngày càng vang xa hơn.
Chia sẻ lý do vì sao lại lựa chọn sáo trúc mà không phải là những nhạc cụ mà ông nội và cha của anh từng sử dụng, anh cho biết, "tiếng sáo đã thu hút tôi từ khi còn nhỏ, giai điệu của nó dịu êm và đi sâu vào lòng người. Đồng thời tôi thường được nghe tiếng sáo của cố NSND Đinh Thìn, mỗi lần nghe trong tôi lại có nhiều cảm xúc và thích thú. Vì thế tôi đã chọn nhạc cụ này để theo đuổi".
Gia đình nghệ sĩ Ngọc Anh - Bích Ngọc và hai con trai
Lớn lên từ làng quê với sự yên bình, cổ kính và mộc mạc, chính những điều đó đã ảnh hưởng rất lớn đến tâm hồn của người nghệ sĩ. Vì thế tiếng đàn của NSƯT Ngọc Anh luôn mang đến cho người nghe những rung cảm với chiều sâu nội tâm và bị cuốn hút vào những giai điệu với nhiều cung bậc cảm xúc. Để có được sự điêu luyện và lôi cuốn, thì người nghệ sĩ phải “trau dồi, luyện tập chăm chỉ, chỉn chu trong từng nốt nhạc, đồng thời tôi luôn thổi sáo bằng trái tim”- NSƯT Ngọc Anh tâm sự.
Đã có rất nhiều tác phẩm được NSƯT Ngọc Anh thể hiện thành công, nằm trong số đó là các nhạc phẩm: Luyện năm cung (nhạc chèo), Mùa xuân biên phòng (NSƯT Ngọc Phan), Tiếng gọi mùa xuân (NSND Đinh Thìn)- đã giúp anh đoạt giải nhất cuộc thi Độc tấu và hòa tấu nhạc cụ dân tộc toàn quốc năm 2008; hay với hai tác phẩm Mặt trời đỏ (2009) và Rừng gọi (2010) của NSƯT Huỳnh Tú, anh đã giành huy chương vàng tại Hội diễn ca múa nhạc toàn quốc…
Nhạc cụ dân tộc không chỉ thỏa mãn sự đam mê mà còn mang đến cho NSƯT Ngọc anh công việc và cả một gia đình đầm ấm, hạnh phúc. Người bạn đời của anh là nghệ sĩ Bích Ngọc chơi đàn tam thập lục, cùng công tác tại Nhà hát ca múa nhạc Thăng Long. Hai cậu con trai kháu khỉnh đã bộc lộ năng khiếu về âm nhạc. “Tôi đang dạy cho con trai lớn về sáo, khả năng thẩm âm của bạn ý rất tốt. Sang năm, khi cháu đủ tuổi, tôi sẽ cho cháu thi vào Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam để học tập” - nghệ sĩ chia sẻ.
Ngoài các buổi biểu diễn tại Nhà hát, NSƯT Ngọc Anh còn đứng lớp, giảng dạy chuyên ngành sáo trúc tại Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam. Với việc biểu diễn và truyền đạt kiến thức về nhạc cụ dân tộc, anh đang góp phần bảo tồn âm nhạc truyền thống cũng như đưa tiếng sáo của Việt Nam ngày càng vang xa đến với bạn bè trên thế giới.
NSƯT Ngọc Anh cùng đồng nghiệp, bạn bè
THÁI AN
Nguồn: Tạp chí VHNT số 526, tháng 2-2023