Bùi Đình Hạc là đạo diễn thành công cả phim truyện và phim tài liệu. Hầu hết phim của ông đều được giải cao trong và ngoài nước. Nhưng có lẽ, ấn tượng về phim tài liệu của ông có phần nhỉnh hơn. Chính ông là người đã đưa về cho điện ảnh Việt Nam giải Vàng đầu tiên tại LHP Quốc tế Moscova cho bộ phim tài liệu Nước về Bắc Hưng Hải. Và gần 30 năm sau, bộ phim Hồ Chí Minh - Chân dung một con người của ông gây một tiếng vang mạnh mẽ và để lại những ấn tượng sâu đậm trong lòng công chúng.
Trong một lần trò chuyện với tôi tại nhà riêng ở Võng Thị (Hà Nội), đạo diễn Bùi Đình Hạc nhớ lại:
Năm 1978, ông được giao nhiệm vụ cùng với nhà biên kịch Hồng Hà, nhà quay phim Đỗ Duy Hùng sang Liên Xô làm phim về đề tài Bác Hồ. Hàng tháng trời đoàn làm phim đến tìm kiếm tư liệu ở Viện lưu trữ Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô (trước đây). Tại đây đoàn đã tìm được tấm Hộ chiếu xác định chính thức ngày Bác Hồ đến nước Nga vào tháng 6 năm 1923. Rồi sau đó đoàn đến Viện Lưu trữ Điện ảnh Liên Xô. Ở đây các nhà làm phim Việt Nam đã xem hơn 10 vạn mét phim tư liệu có dính dáng đến thời gian hoạt động của Bác ở Liên Xô. Đoàn đã chọn được những thước phim có hình ảnh Bác ở Đại Hội quốc tế Cộng sản lần thứ 5; Đại hội quốc tế nông dân, Đại hội quốc tế Công hội lần thứ 3; Đại hội quốc tế phụ nữ lần thứ 3… Và nhiều hình ảnh của Bác ở Quốc tế cộng sản. Đoàn cũng đã đề nghị được xem những thước phim thừa của những cảnh quay phim thời sự về Đại hội Quốc tế Cộng sản lần thứ 5 mà không đưa vào phim và đã tìm ra đoạn phim một 1,5m có hình ảnh Bác đi lẫn trong những người dân Matxcơva. Đó là những tư liệu mới rất quý giá. Sau này đạo diễn Bùi Đình Hạc đã đưa những tư liệu đó vào hai bộ phim tài liệu Nguyễn Ái Quốc đến với Lê nin và Đường về Tổ quốc. Hai bộ phim thể hiện một thời kỳ quan trọng trong quá trình hoạt động của Bác từ khi Người đến với Đất nước của Lê nin đến khi người về đến Pác Bó năm 1941 đưa cuộc cách mạng của dân tộc ta vào thời kỳ quyết định.
Hai bộ phim này gắn liền với những hoạt động chính trị sôi nổi của Bác để giải phóng dân tộc và nhân dân ta. Nhưng đạo diễn Bùi Đình Hạc vẫn thấy cần có một bộ phim khác về Bác có sức khái quát hơn, với một cách nhìn khác về Bác. Ông tiếp tục suy nghĩ, nung nấu và hơn 10 năm sau, năm 1989, ông bắt tay vào làm bộ phim Hồ Chí Minh - Chân dung một con người.
Mục đích chính mà đạo diễn Bùi Đình Hạc theo đuổi là cố gắng cắt nghĩa sự vĩ đại của Bác Hồ bằng những thước phim về sự giản dị vô song về Bác. Ông cũng muốn làm phim tài liệu theo một cách mới, thoát hẳn khỏi thời gian biên niên, đi vào những khía cạnh tâm hồn của Bác và khám phá những chi tiết vô cùng mới lạ về hình ảnh của Người. Ngay khi bắt tay làm phim, đã có những cảnh báo của đồng nghiệp về sự khó khăn mà bộ phim sẽ gặp phải. Nhưng đạo diễn Bùi Đình Hạc và các đồng nghiệp của ông ở Hãng phim Ngọc Khánh vẫn cố gắng thực hiện ý tưởng của mình.
Cảnh phim Hồ Chí Minh chân dung một con người
Bùi Đình Hạc đã dựa vào những tư liệu khá phong phú còn lưu trữ được ở Viện Phim Việt Nam. Và một điều may mắn đã đến khi ông tìm thấy những cảnh phim lưu trữ gần 40 năm trước đó mà chưa bao giờ được sử dụng. Đó là những cảnh Bác Hồ đi chiến dịch, cởi trần, vớt nước suối lên lau người, tự giặt lấy quần áo rồi vừa đi vừa phơi quần áo mắc trên cây sào. Những cảnh này đã khiến đạo diễn Bùi Đình Hạc xúc động. Ông cấu tạo các hình ảnh phim thành một trường đoạn Bác đi chiến dịch. Nhưng đến khi duyệt phim, đã có những thành viên trong Hội đồng duyệt phim cho rằng, không thể để Bác với những hình ảnh nhếch nhác như vậy và muốn cắt bỏ. Nhưng Bùi Đình Hạc đã phát biểu cho rằng, những cảnh phim đó biểu lộ sự giản dị phi thường của Bác và kiên quyết giữ lại. Cuối cùng thì cũng có những ý kiến ủng hộ và bộ phim được thông qua.
Những khó khăn của đạo diễn và đoàn làm phim được đền đáp bằng sự yêu mến của khán giả. Khi bộ phim được trình chiếu, khán giả đã nhiệt liệt đón nhận. Dường như ở nơi nào bộ phim được chiếu khán giả cũng nhớ đến những chi tiết ấy. Cho đến nay, những hình ảnh quý giá này đã được trên 70 cơ quan thông tấn của các quốc gia sử dụng.
Đạo diễn Bùi Đình Hạc tiết lộ, ông biết chắc chắn những thước phim Bác Hồ tập Thái cực quyền, Bác đánh bóng chuyền… là của nhà quay phim Nguyễn Thế Đoàn. Còn cảnh Bác đi chiến dịch thì ông chưa biết chắc là ai quay… Những thước phim của nhà quay phim Nguyễn Thế Đoàn đã từng gây sửng sốt và khắc sâu trong trí nhớ của nhiều người khi được sử dụng trong phim Hồ Chí Minh - Chân dung một con người, nhưng trước đó nó đã phải nằm lặng lẽ trong kho lưu trữ trong một thời gian dài, và công lao của người quay những thước phim đó đã không được đánh giá thỏa đáng.
Từ năm 1990, khi bộ phim được trình chiếu, tác phẩm này đã đi vào lòng khán giả như một trong những bộ phim tài liệu được yêu quý nhất. Hầu hết các cảnh phim là hình ảnh của Bác trong các mối quan hệ vô cùng phong phú mà cũng đời thường nhất. Khán giả không thể quên tấm áo bạc màu, đôi dép cao su của Bác. Không thể quên tình cảm Bác dành cho những cụ già, em nhỏ, cho các cháu thiếu nhi, cho thanh niên, bộ đội; tình cảm của Bác với quê hương xứ sở khi Bác trở về thăm quê đứng lặng bên ngôi nhà xưa, bên khung cửi mà mẹ Bác đã dệt và Bác đi bên những hàng râm bụt, hỏi han bà con lối xóm, trò chuyện với những người bạn thuở thiếu thời; hình ảnh của Bác trước bạn bè thế giới, với những người bạn năm châu…
Khi Chính phủ và nhân dân Ấn Độ dựng tượng Bác Hồ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng phái đoàn Việt Nam sang dự lễ khánh thành, bộ phim đã được trình chiếu và được đón nhận vô cùng nồng nhiệt. Ở trong nước, bộ phim cũng đã được trình chiếu trên truyền hình quốc gia và địa phương liên tục trong nhiều năm. Bộ phim cũng được chiếu ở những nơi lưu niệm về Bác Hồ trên khắp miền đất nước. Có những sinh viên trước khi đi du học nước ngoài đã gọi điện cho đạo diễn muốn có một bản in bộ phim trong đĩa DVD như một hành trang đến với xứ người…
Hồ Chí Minh - Chân dung một con người là một tác phẩm nghệ thuật đích thực, nó vượt qua mọi thử thách của thời gian và ngày càng tỏa sáng trong tâm trí của khán giả.
Đạo diễn Bùi Đình Hạc(4/6/1934 - 1/7/2023) là nguyên Cục trưởng Cục Điện ảnh. Ông được trao tặng giải thưởng Hồ Chí Minh đợt III (2007) và danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân đợt 1 (1984). Bùi Đình Hạc để lại một sự nghiệp điện ảnh phong phú với những tác phẩm nổi tiếng như: Nước về Bắc Hưng Hải, Nguyễn Văn Trỗi, Đường về quê mẹ, Hoa Thiên lý, Nguyễn Ái Quốc đến với Lê Nin, Đường về tổ quốc, Hồ Chí Minh chân dung một con người, Hà Nội 12 ngày đêm… Tác phẩm của ông luôn có tiếng vang và giành được nhiều giải thưởng lớn trong nước và quốc tế.
THIÊN SƠN
Nguồn: Tạp chí VHNT số 541, tháng 7-2023