Dấu xưa trên những trang văn

Ngày văn hóa đọc năm nay đón nhận nhiều tác giả trong và ngoài nước đến với các hoạt động, hội thảo, tham quan… gắn với công việc viết sách và giao lưu cùng bạn đọc. Trong số các nhà văn về nước tham dự có Trần Thùy Mai - một cây bút nữ có nhiều sáng tác hay về lịch sử.

Nữ nhà văn Trần Thùy Mai 

Sinh ra tại Quảng Nam và lớn lên tại Huế, Trần Thùy Mai có nhiều kỷ niệm cũng như sự yêu thích với thành phố nơi mình sinh sống và trưởng thành. Lịch sử của thành phố, lịch sử của những lăng tẩm, đền đài gắn với các triều đại đã qua, đặc biệt là triều Nguyễn với hàng chục lăng tẩm còn lưu giữ luôn mang đến cho Trần Thùy Mai những cảm xúc. Là người nặng tình cảm, yêu cái đẹp, mê văn chương, Trần Thùy Mai đã chuyển những cảm xúc về thành quách, lịch sử, những nhân vật trong quá khứ lên các trang viết. Chị viết miệt mài, say sưa về mảnh đất, con người, triều đại từng làm nên vẻ vang nơi thành phố mình sống. Một số truyện của chị đã được chuyển thể thành kịch, thành phim như Trăng nơi đáy giếng, Gió không ở lại… Trong các tác phẩm của mình, phụ nữ luôn là đối tượng được chị dành trọn tâm sức để khám phá, để sáng tạo, yêu thương cũng như tìm hiểu mọi vui buồn, những bất hạnh, khổ đau xảy đến với họ - những nữ nhân vật của mình. 

Một cô Hạnh trong Trăng nơi đáy giếng (nhân vật trong tiểu thuyết và phim cùng tên) yêu chồng đến hy sinh cả sở thích, thói quen và danh dự của mình. Cô chiều chồng như chiều niềm vui, lẽ sống, sự tồn tại trong đời. Khi nhận ra mọi hy sinh của mình là vô nghĩa, cô tìm đến với tâm linh, với thế giới thần bí. Ở đó, vẫn là sự hy sinh, là lòng ngưỡng mộ, sự chu toàn nhưng cô tìm được cảm giác an ủi, được chở che, tôn trọng. Bộ phim cho thấy sự hy sinh cùng những thua thiệt mà người phụ nữ phải gánh chịu, trong đó không hiếm trường hợp là sự cam tâm, tình nguyện. Hàng loạt tác phẩm của chị như Gió thiên đường, Thập tự hoa, Quỷ trong trăng, Thương nhớ hoàng Lan, Mưa đời sau, Người bán linh hồn, Trăng nơi đáy giếng… là những câu chuyện như vậy khi nhân vật chính là những người phụ nữ ở nhiều lứa tuổi, hoàn cảnh khác nhau.

Bìa tiểu thuyết Công chúa Đồng Xuân (2 tập)

Là phụ nữ cũng là người viết, văn của Trần Thùy Mai nhẹ nhàng, tinh tế. Cái tinh tế đến từ chính cách chị lựa chọn, trăn trở đặt tên cho những câu chuyện mình viết. Ở nhiều truyện, chính tên gọi đã khái quát, truyền đi thông điệp mà tác giả gửi gắm trong câu chuyện. Nhiều tên truyện của Trần Thùy Mai đánh thẳng vào trí tò mò của độc giả như Gió thiên đường, Quỷ trong trăng, Mưa đời sau… Nói về điểm này, nữ nhà văn Trần Thùy Mai từng chia sẻ chị trân trọng công việc mình làm, trân trọng độc giả. Vì thế, dù chỉ là tên gọi, chị cũng muốn dồn tâm sức để có được một cái tên hay, nhiều sức gợi. 

Không chỉ phác họa nên những thân phận phụ nữ hiện đại với nhiều tầng bậc cảm xúc, Trần Thùy Mai còn “ say mê” với lịch sử, với những thân phận phía sau cung cấm. Niềm cảm hứng đó có thể bắt nguồn từ không khí của kinh thành Huế, của cố đô cũ mà nhiều năm, nhiều tháng đã âm thầm ngấm sâu vào chị để khi sống xa quê hương, khi đủ duyên chị đã dành nhiều tâm sức, hàng ngàn trang sách để viết về những người muôn năm cũ. Chị cố gắng phục dựng, khắc họa, lý giải cuộc đời của những người phụ nữ cách mình vài chục năm trước như tiểu thuyết lịch sử Từ Dụ Thái Hậu (chánh thất của Hoàng đế Thiệu Trị), Công chúa Đồng Xuân… 

Nhà văn Trần Thùy Mai (áo dài) trong buổi giao lưu

Nếu những người phụ nữ hiện đại sống cùng thời với nhà văn được chị cảm, chị rung động và sáng tác nhờ những quan sát, tìm kiếm, khắc họa bởi những thân phận đâu đó quanh mình thì với những nữ nhân của thời đại trước chị phải tìm kiếm, sáng tạo và vận dụng nhiều đến sự tưởng tượng. Theo Trần Thùy Mai, khi viết về tiểu thuyết lịch sử, nhân vật lịch sử chị dựa vào ba nguồn quan trọng là sử sách chính thống được ghi chép lại, những câu chuyện dân gian, thêu dệt bên lề và quan trọng nhất là góc nhìn, thiên kiến của chính tác giả về cùng một câu chuyện, nhân vật, triều đại, những sự kiện quan trọng…

Nhà văn Trần Thùy Mai từng tự nhận: Tôi chỉ viết về những gì mình nghĩ, mình thích, những gì gắn bó thật sự với mình. Có thể thấy lịch sử và những người phụ nữ góp phần làm nên nó cũng là một phần trong thế giới sáng tạo và gắn bó mật thiết với “miền sáng tác” của nhà văn. Có lẽ vì thế mà người phụ nữ quyền lực như Từ Dụ Thái Hậu được bà dành đến gần 1000 trang sách để viết về những thăng trầm, áp lực và cả sự huy hoàng, hạnh phúc của người đàn bà nắm trọn quyền lực chốn cung cấm. Chính khả năng đồng cảm với nhiều đối tượng, nhiều lứa tuổi trong xã hội như chị từng nhận đã khiến chị tìm ra chìa khóa để bước vào cuộc đời của người phụ nữ có ảnh hưởng suốt 30 năm của triều Nguyễn. Nói về cơ duyên khi viết tiểu thuyết lịch sử, Trần Thùy Mai cho biết: Có hai điều làm tôi yêu thích tiểu thuyết lịch sử. Thứ nhất, khi viết hay đọc một tiểu thuyết lịch sử, chúng ta có tâm thế hào hứng của một nhà du lịch, một người khám phá. Ta du lịch, khám phá về lại miền quá khứ. Trang sách kích thích trí tưởng tượng và dệt lên những giấc mơ. Điều thứ hai mà tôi thích viết hay đọc về tiểu thuyết lịch sử là nó giúp người viết, người đọc có thể trở thành những “quan tòa”. Tùy theo quan niệm, cách luận giải, nhìn nhận cuộc sống của mỗi người viết, người đọc có thể đem tới những kiến giải mới, đánh giá mới về những sự kiện, con người, triều đại, cách lựa chọn của các “đối tượng” trong từng hoàn cảnh lịch sử cụ thể. Chính các góc nhìn, sự lý giải khác nhau ấy là khởi nguồn cho những sáng tác của các nhà văn, đạo diễn về cùng một sự kiện, sự việc hay những cá nhân có tác động tới dòng chảy của lịch sử. Bộ tiểu thuyết lịch sử ( 2 tập) Từ Dụ Thái Hậu đã đoạt giải sách hay năm 2020 và giải nhất cuộc thi tiểu thuyết lần thứ 5 của Hội Nhà văn Việt Nam 2020.

 Phim Trăng nơi đáy giếng được chuyển thể từ truyện cùng tên của nhà văn Trần Thùy Mai

Tiếp nối mạch viết về lịch sử, tiểu thuyết Công chúa Đồng Xuân (2 tập) cũng là một tác phẩm đáng nể của nhà văn Trần Thùy Mai. Tác phẩm kể về công chúa Gia Phúc, con gái của Vua Thiệu Trị, nàng công chúa xinh đẹp và phóng khoáng của kinh thành Huế. Hai bộ tiểu thuyết là Từ Dụ Thái Hậu (2 tập) và Công chúa Đồng Xuân ( 2 tập) với hơn ngàn trang viết, trải dài suốt 70 năm trong triều đại nhà Nguyễn từ thời Vua Gia Long đến thời Vua Tự Đức người đọc như được thấy lại dấu xưa qua những trang văn. Qua hai bộ tiểu thuyết lịch sử của Trần Thùy Mai, triều Nguyễn đã được nhìn nhận qua các câu chuyện, sự xung đột từ trong cung cấm đến các biến cố lịch sử cũng như nét văn hóa, sự đặc sắc về ẩm thực. 

Viết nhiều thể loại từ truyện ngắn, truyện vừa, truyện dài, tiểu thuyết… trong đó có nhiều truyện viết về tuổi trẻ, về những người sống sau mình vài chục năm cũng như những người cách mình một thế hệ, Trần Thùy Mai cũng khá đa dạng trong cách viết. Chị chia sẻ: Chọn cách viết như thế nào là tùy theo từng nội dung của câu chuyện. Chính nó lái mình theo chứ nhiều khi không phải do mình muốn phá cách, thay đổi hay tìm một lối viết mới cho mốt hơn, hợp thời hơn. 

Tiểu thuyết Từ Dụ Thái Hậu

Nhìn lại sự nghiệp viết văn của Trần Thùy Mai, chính tình yêu với nhân vật, với phái nữ cũng như tình yêu với lịch sử đã làm nên nét riêng đặc sắc của chị. Người phụ nữ viết văn đã phả được dấu xưa lên những trang viết, làm sống lại những chi tiết, câu chuyện tưởng như xa xôi mà vẫn rất gần gũi.

PHI YẾN

Nguồn: Tạp chí VHNT số 538, tháng 6-2023

;