Hồ sơ Mỹ thuật Đông Dương: Sự ra đời của "Phố Victor Tardieu” ở Hà Nội năm 1944

Victor Tardieu, Lao động, 1902, sơn dầu. @Bảo tàng mỹ thuật Rennes

Có lẽ rất ít người Hà Nội hôm nay biết rằng cái tên “Phố Victor Tardieu” đã từng xuất hiện trong lịch sử hình thành và phát triển của thủ đô ta dưới thời Pháp thuộc.

Vào ngày 28/6/1944, Toàn quyền Đông Dương đã ký một nghị định đặt tên “Phố Victor Tardieu” cho một con phố nằm ngay bên hông Trường Mỹ thuật Đông Dương (tiền thân của Trường Mỹ thuật Việt Nam), nay là đoạn cuối của phố Trần Quốc Toản bắt vào đường Lê Duẩn, Hà Nội [1,2].

Xung quanh sự ra đời của nghị định nói trên có nhiều điều thú vị mà bài viết này muốn kể lại, ngõ hầu giúp bạn đọc hôm nay hình dung phần nào bối cảnh Hà Nội thời xưa đó cùng vai trò của những cá nhân đã dự phần vào một hoạt động có ý nghĩa nhằm vinh danh và ghi ơn người Thầy đầu tiên của nền mỹ thuật Việt Nam hiện đại.

Đôi nét về thân thế sự nghiệp của người được đặt tên phố 

Victor Tardieu (sinh năm 1870 tại Lyon - mất năm 1937 tại Hà Nội) tốt nghiệp Trường Cao đẳng Mỹ thuật Quốc gia Paris năm 1892. Từng đoạt nhiều giải thưởng danh tiếng về mỹ thuật tại Pháp, ông đã có cơ hội sang Đông Dương sau khi nhận được Giải thưởng Đông Dương về hội họa năm 1920. Tới xứ thuộc địa của Pháp thời bấy giờ với với tâm thế ban đầu của người nghệ sĩ viễn du tới xứ “Đông Pháp” (Indochine) xa xôi mà hấp dẫn, có lẽ ông không ngờ định mệnh dường như đã quyết ông sẽ làm nhiều việc vĩ đại hơn là một chuyến tham quan đi vẽ ngắn hạn. Chỉ sau mấy tháng đến Hà Nội, vào ngày 6/6/1921, ông đã đặt bút ký vào bản hợp đồng cam kết với Toàn quyền Đông Dương Maurice Long thực hiện công việc thiết kế trang trí cho nội thất tòa nhà chính của Đại học Đông Dương. [3]

Với bản hợp đồng mới, có cơ hội lưu lại xứ Đông Dương lâu dài hơn, họa sĩ Victor Tardieu nhanh chóng hòa nhập với đời sống mới tại thủ phủ Hà Nội. Không chỉ say mê tìm hiểu nghệ thuật bản địa nhằm phục vụ cho công trình trang trí Đại học Đông Dương, ông cũng tích cực đóng góp vào nhiều sự kiện kinh tế, văn hóa và xã hội: thiết kế mẫu bằng chứng nhận công trái Đông Dương, thiết kế thảm trang trí nội thất cho gian Đông Dương tại Đấu xảo Paris 1925; làm cố vấn và là ủy viên ban tổ chức đấu xảo mỹ thuật và kỹ nghệ của Hội Khai Trí Tiến Đức ở Hà Nội; thành viên chính thức của Ủy ban Bảo tồn các di tích cổ Bắc Kỳ, v.v... Uy tín và danh tiếng của Victor Tardieu tại chính quốc và các hoạt động văn hóa xã hội nổi bật ở Đông Dương là tiền đề quan trọng và tạo điều kiện thuận lợi để Quyền Giám đốc Nha Học chính Đông Dương Blanchard de la Brosse ủng hộ và Toàn quyền Đông Dương Marital Merlin phê chuẩn đề án thành lập Trường Mỹ thuật Đông Dương do ông đề xuất vào tháng 10/1924.

Tin Victor Tardieu tham gia Hội đồng xét duyệt tác phẩm tham giả Đấu xảo Art-Deco ở Paris năm 1925. @Thực nghiệp Dân báo, 02-07-1924

Vừa là hiệu trưởng đầu tiên của Trường Mỹ thuật đông Dương từ tháng 11/1924, Victor Tardieu đồng thời cũng là [Chánh] thanh tra các trường nghệ thuật trên toàn cõi Đông Dương. Trong thời kỳ ông làm hiệu trưởng, từ 1924 tới ngày qua đời vào tháng 6/1937, Trường Mỹ thuật Đông Dương đã có những thành tựu vượt bậc, đặc biệt là sự ra đời của nghệ thuật sơn mài và nghệ thuật tranh lụa - hai niềm tự hào của nghệ thuật Việt Nam hôm nay. Nắm những trọng trách quan trọng khi chuẩn bị cho Đông Dương tham dự các cuộc đấu xảo quốc tế lớn ở Paris năm 1931, 1937 hay đấu xảo San Franciso năm 1929, ông đã góp phần xiển dương nền nghệ thuật và thủ công mỹ nghệ bản xứ, quảng bá tiềm năng của nghệ thuật của người Việt ra thế giới bên ngoài. 

Kế tục sự nghiệp của Victor Tardieu, nhà điêu khắc Évariste Jonchère, hiệu trưởng thứ hai của Trường Mỹ thuật Đông Dương giai đoạn 1938-1944 đã kiên định và sáng tạo thực hiện đường lối giáo dục chấn hưng mỹ thuật và kỹ nghệ bản địa của người tiền nhiệm. Nhiều thế hệ nhà giáo và cựu sinh viên của Trường Mỹ thuật Đông Dương ngày trước và Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam hôm nay đã, đang và vẫn tiếp tục có nhiều đóng góp cho mỹ thuật Việt, kiến trúc Việt Nam, cho sự phát triển của nền giáo dục nghệ thuật mang tinh thần khai phóng do Victor Tardieu khởi xướng.

Các hoạt động tưởng niệm Victor Tardieu và sự ra đời của Nghị định đặt tên phố mang tên ông 

Tại lễ tang của Victor Tardieu được cử hành trọng thể ở Hà Nội sáng ngày 15/6/1937, Viện trưởng Đại học Đông Dương Bertrand đã đọc điếu văn trong đó có đề xuất về việc cần có những công trình tưởng niệm người quá cố: “Tôi mong muốn rằng trong vài tháng nữa, một pho tượng bán thân, được tạc bởi các bậc thầy của Trường Mỹ thuật và những người học trò của ông bằng chất liệu đá của xứ sở này, sẽ được dựng lên tại chính ngôi trường này, ngôi trường của ông và cũng là di sản để lại của ông, để nói với các thế hệ tương lai điều mà mọi người luôn khắc ghi: Nơi đây đã từng sống một con người có trái tim yêu thương tuổi trẻ, yêu thương mảnh đất Việt Nam, một con người của bổn phận và trách nhiệm, một nghệ sĩ cao quý... (“La Volonte Indochine, 14/6/1937”).

Ngày 20/6/1937, bài “Ông Tardieu” trên báo Ngày Nay có nêu ý kiến: “… Chúng tôi mong rằng sẽ có một công cuộc gì để kỷ niệm ông Victor Tardieu. Tưởng không có ai xứng đáng hơn ông nữa.”

Thông báo của Hội Việt Nam [Chấn hưng] Mỹ thuật Kỹ nghệ về lễ kỷ niệm Victor Tardieu - người sáng lập ra Hội. @Nước Nam, 15/6/1940.

Tại lễ tưởng niệm 2 năm ngày mất của Victor Tardieu và khánh thành pho tượng bán thân bằng đồng do Georges Khánh, cựu sinh viên khóa 1 và đương kim giáo sư của Trường Mỹ thuật Đông Dương thực hiện, ngài Loubet đại diện cho Giám đốc Nha Học chính đã phát biểu: “Nếu vào thời trước, có lẽ người An Nam đã dựng đình tôn ông Tardieu làm thành hoàng. Theo phong tục Pháp, chúng ta đã kỷ niệm người ân nhân ấy bằng buổi lễ hôm nay. Cách biểu lộ tuy khác, xong lòng biết ơn không vì thế mà kém thiết tha.” (Ngày Nay, số 166, 17/6/1939).

Ngày 7/6/1944, một cuộc họp của Hội đồng thành phố Hà Nội đã thống nhất kiến nghị lên Thống sứ Bắc Kỳ và Toàn quyền Đông Dương về việc đặt tên Victor Tardieu cho một con phố ở Hà Nội [2].

Ngày 16-6-1944, sau những hoạt động không mệt mỏi của ông Charles Lacollonge, đương kim chủ tịch Hội Việt Nam Chấn hưng Mỹ thuật và Kỹ nghệ, Thống sứ Bắc Kỳ đã chính thức gửi một công văn cho Toàn quyền Đông Dương với nội dung (lược dịch) như sau [2]:

+++++

Hà Nội, ngày 16/6/1944

Thống sứ Bắc Kỳ

Kính gửi: Ngài Toàn quyền Đông Dương tại Đà Lạt

Tôi xin trân trọng thông báo với Ngài rằng ông Lacollonge, Chủ tịch Hội Chấn hưng Mỹ thuật và Kỹ nghệ tại Hà Nội, đã bày tỏ với tôi lòng mong muốn:

1- Có một tấm biển tưởng niệm được gắn lên tường của Trường Mỹ thuật nhằm tưởng nhớ Victor Tardieu, nhà sáng lập và hiệu trưởng của ngôi trường;

2- Tiến hành đồng thời một cuộc lễ kép, vừa khánh thành tấm biển [tưởng niệm] này vừa khánh thành con phố mới “Victor Tardieu” (là một phần của đường Reinach, đoạn nối từ phố Bovert tới đường Mandarine).

  Ông Lacollonge sẽ đặc biệt hân hạnh nếu Ngài có thể chủ trì buổi lễ kép này. Buổi lễ có thể diễn ra - tại thời điểm lắp đặt tấm biển kỷ niệm - trong dịp Ngài ra Hà Nội mùa đông này.

Tôi sẽ rất lấy làm cảm kích nếu Ngài có thể phúc đáp để tôi thông báo lại với ông Lacollonge.

Ký tên: J. HAELEWYN

+++++++

(Hết trích)

Và cuối cùng, ngày 28/6/1944, Toàn quyền Đông Dương Jean Decoux đã ký văn bản Nghị định về việc đặt tên “Phố Victor Tardie” ở Hà Nội. Nội dung của bản Nghị định mang tính lịch sử đó như sau [4]:

+++++

Văn phòng [Phủ Toàn quyền]

Số 1168-D

TOÀN QUYỀN ĐÔNG DƯƠNG

Huân chương Bắc đẩu Bội tinh hạng nhì,

- Chiểu theo các Sắc lệnh ngày 20/10/1911 quy định về quyền hạn của Toàn quyền và việc tổ chức tài chính và hành chính Đông Dương;

- Chiểu theo Sắc lệnh ngày 29/8/1940;

- Chiểu theo Nghị định ngày 15/1/1903, về việc tái cấu trúc lại lãnh thổ Đông Dương;

- Chiểu theo Sắc lệnh ngày 2/5/1941 ban hành ngày 16/5/1941 và được áp dụng tại các lãnh thổ hải ngoại trực thuộc Bộ trưởng Thuộc địa, các điều khoản của Sắc lệnh ngày 3/1/1924 về các công trình tưởng niệm công cộng;

- Xét đề nghị của Hội đồng Thành phố Hà Nội trong phiên họp ngày 7/6/1944;

- Theo đề nghị của Thống sứ Bắc Kỳ,

NGHỊ ĐỊNH:

Điều 1 - Tại thành phố Hà Nội, phần đường “Reinach” nằm giữa phố Bovet và đường Mandarine được đặt tên mới là “Phố Victor TARDIEU”.

Điều 2 - Thống sứ Bắc Kỳ chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này.

Đà Lạt, ngày 28/6/1944

Ký tên: DECOUX

+++++++

(Hết trích)

Nghị định do Toàn quyền Đông Dương ký ngày 28-6-1944 có ghi rõ tại Điều 1 (dịch): “Tại thành phố Hà Nội, một phần của phố “Reinach” nằm giữa phố Bovet và đường Mandarine được đặt tên mới là “Phố Victor TARDIEU”. @TTLTQG1

Thay cho lời kết 

Qua những thông tin nói trên, có thể thấy vai trò quan trọng của Hội đồng Thành phố Hà Nội và ông Lacollonge, kiến trúc sư, người kế nhiệm Victor Tardieu làm chủ tịch Hội Việt Nam Chấn hưng Mỹ thuật và Kỹ nghệ, trong việc đề xuất và thuyết phục các quan chức cao cấp nhất ở Đông Dương ra nghị định thành lập “Phố Victor Tardieu” ở Hà Nội vào năm 1944.

Ngay thời điểm Victor Tardieu mới qua đời, sự nghiệp của ông đã nhận được những đánh giá khách quan và xác đáng. Tờ La Volonte Indochine, số ra ngày 14/6/1937, nhận định (xin lược dịch): “… [Ông là] một thiên tài hàng đầu trong số những người đã đến để mang lại cho xứ sở này những hình thái và mô thức văn minh thông qua nghệ thuật tinh tế nhất của ông [về hội họa], một thiên tài người Pháp, người đã nỗ lực, bằng cách truyền bá sự sùng bái Cái Đẹp một cách hào sảng và không vụ lợi nhất, để hợp nhất tinh thần kiến tạo của Phương Tây với truyền thống cổ xưa của Á Đông.” Một năm sau đó, khi bàn về vai trò của Trường Mỹ thuật Đông Dương trong bối cảnh lịch sử nước Việt, nhà sử học Đào Duy Anh trong “Việt Nam văn hóa sử cương” (1938) đã đưa ra một tổng kết mang tính dự báo: “… Trong nghệ thuật sử nước ta, Trường ấy có cái địa vị rất trọng yếu là làm trung tâm cho một cuộc cải tạo lớn.”

Đánh dấu vị trí của “Phố Victor Tardieu” theo Nghị định của Toàn quyền Đông Dương năm 1944. (Bản đồ Hà Nội trước 1945: Số “26” là khu vực khuôn viên Trường Mỹ thuật Đông Dương. Số “59” là khu Đấu xảo. Rue Bovet là phố Yết Kiêu hiện nay).

Hà Nội hôm nay đã có những tên phố “Tô Ngọc Vân”, “Nam Sơn”, “Nguyễn Phan Chánh”, “Bùi Xuân Phái” … lưu danh các danh nhân từng là học trò của Thầy Victor Tarieu và Trường Mỹ thuật Đông Dương. Với những đóng góp to lớn của Victor Tardieu cho sự giao thoa văn hóa Pháp - Việt, cho nền mỹ thuật và kiến trúc thủ đô nói riêng và Việt Nam nói chung, hy vọng một ngày gần đây, đặc biệt là tiến tới kỷ niệm 100 năm ngày thành lập Trường Mỹ thuật Đông Dương (1924 - 2024), đường phố Hà Nội lại có tấm biển mang tên Victor Tardieu.

________________

Tài liệu tham khảo

1. Ghi chú: “rue Reinach” hiện nay là phố Trần Quốc Toản; “rue Bovet”: phố Yết Kiêu; “route Mandarine”: đường Lê Duẩn. 

2.Tư liệu lưu trữ của Trung tâm Lưu trữ quốc gia 1.

3. Sách báo thời Pháp thuộc. 

4. “Hồ sơ Mỹ thuật Đông Dương: Lần đầu tiên công bố Nghị định của Toàn quyền Đông Dương năm 1944 về việc đặt tên phố Victor Tardieu tại Hà Nội”, Phạm Long, Vũ Thị Minh Hương, Tạp chí Mỹ thuật Nhiếp ảnh, số 5(83), 2019.

ANDREA TRẦN - PHẠM LONG

Nguồn: Tạp chí VHNT số 541, tháng 7-2023

;