Họa sĩ Tô Ngọc Vân - Di sản để lại

Tốt nghiệp Trường Mỹ thuật Đông Dương năm 1931, họa sĩ Tô Ngọc Vân đã dành cả cuộc đời mình cho hội họa. ông cũng để lại nhiều tác phẩm có giá trị nghệ thuật, đóng góp vào tiến trình phát triển của hội họa hiện đại Việt Nam. Nhiều tác phẩm để lại của ông trở thành tài sản vô giá của nền mỹ thuật Việt Nam và mãi mãi được trân trọng, giữ gìn. Từng giữ nhiều trọng trách trong quá trình công tác, sự nghiệp sáng tác của ông luôn song hành cùng lịch sử dân tộc cho đến ngày ông hy sinh tại mặt trận Điện Biên Phủ.

Người khơi mạch nguồn sáng tạo 

Họa sĩ Tô Ngọc Vân là người đứng thứ ba trong câu truyền tụng về “tứ bất tử” của nền hội họa Việt Nam thế kỷ XX: “Nhất Trí” (Nguyễn Gia Trí), “Nhì Lân” (Nguyễn Tường Lân), “Tam Vân” (Tô Ngọc Vân), “Tứ Cẩn” (Trần Văn Cẩn). Là sinh viên khóa 2 của trường Mỹ thuật Đông Dương (1926 - 1931), ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, Tô Ngọc Vân đã có tranh trưng bày triển lãm bên cạnh những tác phẩm của Lê Phổ, Mai Trung Thứ, Vũ Cao Đàm - những tên tuổi lớn mà về sau đã làm rạng danh nền mỹ thuật Việt Nam trên đất Pháp. Ông đã sớm góp phần mang tiếng nói của nghệ thuật Việt Nam ra quốc tế. Năm 1931, tranh sơn dầu Bức thư của Tô Ngọc Vân được tặng bằng danh dự ở Triển lãm hội họa Pháp và được Huy chương vàng ở Triển lãm thuộc địa tại Paris.

 Hà Nội vùng đứng lên, 1946, khắc gỗ

Tô Ngọc Vân là một trong những họa sĩ lớn có đóng góp vào sự phát triển của nền nghệ thuật hiện đại Việt Nam. Phong cách nghệ thuật của ông là sự kết hợp tinh tế giữ kỹ năng điêu luyện trong hội họa phương Tây hoà cùng sự tỉ mỉ, chau chuốt, giàu tình cảm của người Á Đông. Sự am hiểu uyên bác về học thuật cùng niềm đam mê nghệ thuật, thế giới quan sinh động đã giúp Tô Ngọc Vân sáng tạo nên những tác phẩm vô cùng giá trị. Hầu hết các tác phẩm của ông đều sử dụng chất liệu chính là tranh sơn dầu. 

Ngay từ những năm học trong Trường Mỹ thuật Đông Dương, ông đã sớm nghiên cứu kỹ lưỡng kỹ thuật sử dụng chất liệu sơn dầu ở Việt Nam và là người có công đầu tiên trong việc sử dụng chất liệu này ở Việt Nam. Sơn dầu có sức cuốn hút mạnh mẽ bởi ông nhận thức sử dụng chất liệu này một cách điêu luyện sẽ người nghệ sĩ biểu đạt được nhiều cung bậc tình cảm trong mỗi bức tranh. Tuy sự nghiệp ngắn ngủi nhưng ông đã để lại cho hậu thế một di sản nghệ thuật đồ sộ. 

Hai chiến sĩ, 1949, màu nước

Trước Cách mạng tháng Tám, chủ đề chính trong tranh của họa sĩ Tô Ngọc Vân là tôn vinh cái đẹp. Điểm nổi bật là toàn bộ các bức tranh của ông đều dùng chất liệu sơn dầu với bút pháp điêu luyện. Vẻ đẹp của người phụ nữ Việt Nam là nguồn cảm hứng sáng tạo bất tận của ông. Tranh của Tô Ngọc Vân không chỉ tái hiện vẻ đẹp của hình thể của người phụ nữ Việt Nam, đặc biệt là thiếu nữ thành thị mà còn lột tả được nội tâm của nhân vật. Qua đó bày tỏ quan điểm của ông về cái đẹp và nhân sinh quan của một người nghệ sĩ. 

Những bức tranh nổi tiếng của ông thời kỳ này là: Buổi trưa (1936), Xuân tươi (lụa - 1940), Thiếu nữ bên tràng kỷ (sơn dầu - 1941), Thiếu phụ ngồi bên tranh tam đa (1942), Bên hoa (1942), Thiếu nữ bên hoa huệ (1943), Hai thiếu nữ và em bé (1944), Thiếu nữ bên hoa sen (1944)…Với bút pháp lãng mạn, ông đã khắc họa được nét dịu dàng mềm mại hòa quyện cùng sự nền nã, đoan trang tạo nên những biểu tượng tôn vinh vẻ đẹp của người phụ nữ Việt Nam. Những bức tranh này cũng được đánh giá là những tác phẩm nghệ thuật giá trị nhất trong sự nghiệp của Tô Ngọc Vân. 

 Họa sĩ Tô Ngọc Vân thời trẻ

Thiếu nữ bên hoa huệ là tác phẩm nổi tiếng nhất và gây được nhiều tiếng vang nhất của ông. Với bố cục chặt chẽ, bức tranh mô tả cảnh một thiếu nữ mặc áo dài trắng đang nghiêng đầu một cách đầy duyên dáng, khơi gợi về phía lọ hoa huệ trắng. Tà áo dài trắng mềm mại, thanh khiết, ôm trọn lấy thân hình thiếu nữ làm toát lên một vẻ đẹp đài các, nhu mì. Tô Ngọc Vân đã cho thấy cách sử dụng màu điêu luyện để thể hiện được cái mềm mại gợi cảm ở đường cong trên đùi thiếu nữ và nhất là cách dùng dao gạt bớt lớp sơn phía trên để lộ ra lớp sơn hồng bên dưới tạo nên sắc ửng hồng trên má thiếu nữ. Khuôn mặt nghiêng e ấp bên những đóa hoa huệ trắng thanh tao tạo nên vẻ đẹp man mác buồn, vừa hiền thục lại vừa đoan trang. Chỉ bằng những nét phác thảo đơn giản, bức tranh đã lột tả được vẻ đẹp tâm hồn của người phụ nữ, toát lên vẻ đẹp chung của phụ nữ Việt Nam. Ngay trong lần triển lãm đầu tiên tại nhà Khai Trí Tiến Đức (Hà Nội) vào năm 1945, bức họa Thiếu nữ bên hoa huệ đã được nhiều người chú ý khi trưng bày cùng với tranh của Nguyễn Đỗ Cung, Lê Văn Đệ…

Phản ánh nhân sinh và thời cuộc 

Giai đoạn sau năm 1945 với thế giới quan luôn đi cùng những biến chuyển của nhân sinh và thời cuộc, Tô Ngọc Vân cũng để lại nhiều tác phẩm gắn liền với những dấu mốc của lịch sử dân tộc. 

Chủ tịch Hồ Chí Minh là một trong những đề tài thành công nhất trong tranh của Tô Ngọc Vân, đánh dấu một bước ngoặt trong sự nghiệp của ông. Đầu năm 1946 được Hội văn hóa Cứu quốc giới thiệu, ông cùng các họa sĩ Nguyễn Đỗ Cung và nhà điêu khắc Nguyễn Thị Kim vào Bắc Bộ phủ vẽ tranh và nặn tượng Bác. Tác phẩm Hồ Chủ tịch làm việc tại Bắc Bộ Phủ (1946) đã được trưng bày tại Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc lần thứ nhất tại Hà Nội. Được vẽ bằng chất liệu sơn dầu với hai gam màu chủ yếu là đen và trắng, bức tranh có bố cục làm nổi bật tầm vóc của vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc. Hình ảnh Bác Hồ khoan thai và đĩnh đạc, trên nền ánh sáng được xử lý vô cùng tinh tế và sinh động. Giản dị, trang nghiêm mà không kém phần tráng lệ huy hoàng, Hồ Chủ tịch làm việc tại Bắc Bộ Phủ là bức chân dung sơn dầu đẹp nhất của Tô Ngọc Vân sáng tác trong thời kỳ đầu của nền mỹ thuật Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. 

Hai thiếu nữ và em bé, 1944

 Với quan niệm về cái đẹp thay đổi theo nhân sinh quan thời đại, ở thời kỳ này, tác phẩm của ông tập trung vào các ký họa hình ảnh kháng chiến và những con người của thời đại thay vì tập trung vào chân dung người phụ nữ như những năm trước. Đặc biệt, tranh của ông không chỉ sử dụng chất liệu sơn dầu mà còn nhiều thể loại khác như tranh sơn mài, ký họa màu nước hay màu nước. Nổi bật trong các tác phẩm của ông giai đoạn này còn là hình ảnh của những con người dọc đường kháng chiến, đó có thể là vẻ đẹp của người phụ nữ Việt Nam mạnh mẽ trong khói lửa chiến tranh hay hình ảnh của người chiến sĩ quả cảm…

Tháng 4/1954, ông được lệnh lên đường đi Điện Biên Phủ, trên đường ra trận, ông đã vẽ nhiều ký họa về bộ đội, dân công, phong cảnh Tây Bắc… Nhiều bức tranh phản ánh hơi thở của cuộc sống và con người kháng chiến được ra đời như: Qua đèo, Cho ngựa ăn, Qua suối, Trú quân, Hành quân qua suối, Giáo viên dân tộc Thái, Cô gái dân tộc Mèo, Ba cô gái Thái… Ngày 17/6/1954, Tô Ngọc Vân cùng hai họa sĩ Nguyễn Văn Tỵ và Nguyễn Văn Ngọc trở lại chiến trường Điện Biên Phủ chép những tài liệu thực tế để chuẩn bị sáng tác những tác phẩm lớn về chiến thắng lịch sử này. Ông đã hy sinh tại cây số 41 Ba Khe, khi vượt qua đèo Lũng Lô. Chiếc cặp vẽ mà ông đem theo đi chiến dịch chứa nhiều ký họa dọc đường, đặc biệt có bức ký họa chì Đèo Lũng Lô ghi ngày vẽ 15/6/1954. Đây có thể là bức tranh cuối cùng trong cuộc đời sáng tác của ông. 

Thiếu nữ bên hoa huệ được Tô Ngọc Vân sáng tác vào năm 1943, khi ông đang giảng dạy tại Trường cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương

Hy sinh trong khi đang sáng tác tại chiến trường, lịch sử dân tộc và lịch sử mỹ thuật Việt Nam hiện đại đã ghi danh Tô Ngọc Vân như một họa sĩ lớn có công góp phần tạo dựng nền mỹ thuật Việt Nam và một người chiến sĩ xung kích trên mặt trận tư tưởng trong kháng chiến chống Pháp.

Trong suốt sự nghiêp của mình, ông từng kinh qua nhiều vị trí và giữ nhiều chức vụ quan trọng như: Trưởng đoàn Văn hóa Cứu quốc ở khu Mười, Hiệu trưởng Trường Mỹ thuật kháng chiến, Trường đoàn văn hóa kháng chiến Việt Bắc, Giám đốc Trường Cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam… 

Thiếu nữ bên hoa sen, 1943

 Để ghi nhớ công lao của ông, một khóa học của Trường Mỹ thuật Việt Nam từ chiến khu trở về Thủ đô đã lấy tên ông: Khóa học Tô Ngọc Vân 1955-1957. Toàn bộ tác phẩm của ông được Nhà nước lưu giữ, trưng bày tại Viện Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Ông được tặng thưởng Huân chương Độc lập Hạng Nhất và là một trong tám họa sỹ được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt I (1996). Năm 1985, một đường phố ở Thành phố Hồ Chí Minh được đặt theo tên ông và năm 1995, một đường phố ở Hà Nội được đặt theo tên ông.

NGUYỄN KIM DUNG

Nguồn: Tạp chí VHNT số 541, tháng 7-2023

;