Những yếu tố tạo nên giá trị đặc sắc của tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương

Lễ rước trong ngày Giỗ Tổ - Ảnh: Nguyễn Trung Kiên

Truyền thuyết dân gian khắp vùng trung châu Bắc Bộ từ nghìn năm qua vẫn liền mạch lưu truyền về sự hiện tồn của 18 đời Vua Hùng, trong đó, vị Vua Hùng đầu tiên đã có công dựng ra nhà nước Văn Lang trong lịch sử hình thành của cộng đồng Việt Mường - sau đó là của cộng đồng quốc gia đa dân tộc Việt Nam. Nếu như trên vùng đất Phong Châu cổ xưa, núi thiêng Nghĩa Lĩnh trở thành biểu tượng trung tâm khởi nguồn và quy tụ sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng thờ cúng các Vua Hùng - giống như nơi hiện tồn của Tông Miếu bên Hàn Quốc hay đền Kashihara linh thiêng của người Nhật Bản… (1) thì với người Việt Mường xưa, tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, mà đỉnh cao là thực hành tín ngưỡng thờ các Vua Hùng, lại lan tỏa từ trung tâm kinh đô Văn Lang đến với mọi gia đình tại khắp các làng bản. Cố GS,TS Ngô Đức Thịnh, khi bàn về nét đặc sắc của di sản tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đã nhận xét: “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là bản sắc văn hóa độc đáo, đặc sắc không phải ở nghi thức tế lễ hay di tích lịch sử đền Hùng mà chính là ở ý nghĩa niềm tin, thể hiện sự đoàn kết văn hóa, tâm linh dân tộc… Tính độc đáo của tín ngưỡng này thể hiện rất rõ ở yếu tố thờ Hùng Vương chính là thờ Quốc Tổ. Đây là hiện tượng không phải dân tộc nào cũng có. Tín ngưỡng này không xuất phát ngay ở thời kỳ Vua Hùng mà phải đến TK XVII-XIV, từ thời Lý - Trần, dưới sức ép của giặc ngoại xâm, các nhà lãnh đạo quân sự phải xây dựng một ý thức hệ cho toàn dân tộc… Ý thức hệ này vô cùng quan trọng, nó kết tinh sức mạnh của cả một dân tộc, giúp chúng ta chiến thắng mọi kẻ thù và giữ vững nền độc lập qua những thời kỳ lịch sử lâu dài” (2).

Thực tế cho thấy, tại khá nhiều gia đình của cả người Mường lẫn người Việt ở các huyện Thanh Thủy, Thanh Sơn, Lâm Thao, Cẩm Khê, bài vị các Vua Hùng được lập và đặt trên ban thờ gia tiên, con cháu tại gia phụng thờ cùng với tổ tiên huyết thống của gia đình. Dường như, không nơi đâu như vùng đất Văn Lang này, người dân đã “bình dân hóa” hình tượng các đức Vua, đón vong linh các đức Vua (bài vị) về phối thờ trên cùng ban thờ Tổ tiên của dòng họ hoặc gia đình mình. Điều đó tạo ra sự gần gũi thường nhật, can dự vào mọi hành vi, hoạt động của con người trên bước đường làm ăn, đấu tranh sinh tồn qua hàng nghìn năm lịch sử. Như vậy, ngay từ buổi lịch sử thuở thiếu thời, trong tâm thức người Việt Mường, các vị Vua Hùng, những người luôn được coi là đối tượng có công khai mở quốc gia, dân tộc, luôn được trân trọng, nhưng không bao giờ chiếm thế độc tôn, duy nhất tại bất kỳ không gian sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng nào. Ở tỉnh Phú Thọ, trong số gần 1.500 di tích thờ tự (đình, đền, miếu, chùa, nghè) thuộc 275 xã/ phường/ thị trấn, dễ dàng nhận ra, xen trong hệ thống các di tích tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, còn là hàng loạt các hệ thống thờ tự (riêng rẽ hoặc phối thờ) các vị anh hùng văn hóa, các danh nhân lịch sử, từ Sơn Tinh, Quý Minh, đến con cháu các Vua Hùng, từ Hai Bà Trưng đến các nữ tướng cùng các danh nhân đích thực sau này. Đó là những người luôn được dân chúng ca ngợi, tôn vinh và trân trọng phụng thờ như những biểu tượng cao đẹp nhất cho sự gắn bó với đời sống cộng đồng, chăm lo vận mệnh sinh tồn của người dân cùng công lao đóng góp vào sự nghiệp dựng nước, giữ nước vĩ đại của toàn dân tộc.

Âm vang đất Tổ - Ảnh: Nguyễn Trung Kiên

Chính từ không gian văn hóa linh thiêng này, trong tâm thức bao đời, ý thức dân tộc và ý thức lịch sử, sự quý trọng/ tri ân các bậc tiền nhân và ước nguyện cộng đồng, luôn hòa quyện, phối nhập một cách tự nhiên, hình thành nên giá trị cho một lẽ sống, một đạo lý tri ân, mang tính truyền thống đối với các bậc tiền nhân của cộng đồng dân tộc. Cũng bởi vậy, dõi theo suốt dọc dài lịch sử, với người Việt Nam, một cá nhân, dù công lao có lớn lao đến mấy, muốn tồn tại trong tâm thức dân gian, tất phải hóa thân vào cộng đồng, lấy cộng đồng làm gốc để tạo đà sinh ra các giá trị văn hóa, được đời đời vinh danh.

Bài học hóa thân vào cộng đồng, lấy cộng đồng làm gốc đã được chuyển hóa, kết tinh sinh động từ những truyền thuyết dân gian kể về các hành vi thân thuộc của đức Vua Hùng cùng các con cái, tướng lĩnh gắn bó với hoạt động thường nhật, gắn với vận mệnh sống còn của người dân. Tại nhiều làng quê vùng trung châu Phú Thọ vẫn lưu truyền hàng trăm câu chuyện về những ngày Vua Hùng về với xóm làng, dạy dân cày bừa, cấy lúa, trồng khoai… Người dân làng Minh Nông qua bao thế hệ, luôn nhắc nhở nhau công lao của Vua Hùng đã từng về dạy dân làng này cấy lúa, gieo hạt thuở mới lập làng, dân tình đói kém. Sự tri ân từ ký ức văn hóa bình dị đó đã được thể hiện cụ thể qua hình thức thực hành tín ngưỡng dâng bát cơm mới đầu tiên của mỗi thời vụ thu hoạch trong năm lên ban thờ các Vua Hùng và tổ tiên ở từng gia đình, như một lời nhắc nhở con cháu sống theo đạo lý “uống nước, nhớ nguồn”, “ăn quả nhớ kẻ trồng cây”. Người dân Hùng Lô ngay trung tâm thành phố Việt Trì bao đời qua vẫn truyền cho con cháu công lao của Vua Hùng về dạy dân làng cách cày bừa, gieo mạ, trồng lúa để giúp cho dân làng tránh được đói khát, sinh tồn và phát triển. Cũng từ đó, người dân Hùng Lô, từ hàng nghìn năm qua, đã suy tôn Vua Hùng là Thành Hoàng làng, dựng đình phụng thờ, với tâm thức tin rằng vị Vua anh linh luôn thường trực với mọi nỗi vui buồn của dân làng, phù hộ người dân an cư lạc nghiệp, trở thành biểu tượng cao cả trong việc kết nối và điều chỉnh tâm lý cộng đồng, sức mạnh cộng đồng làng xã. Vào ngày giỗ Vua và cũng là giỗ Thành Hoàng làng, trên mâm lễ dâng cúng bao giờ cũng đặt trang trọng 3 đon mạ xanh tốt, có ý nhắc nhở các thế hệ hậu sinh về một ký ức văn hóa bất tử trong lòng người dân từ quá khứ xa xăm. Có lẽ, việc thờ phụng, tôn vinh một vị Vua của toàn dân tộc làm Thành Hoàng làng mình như ở Hùng Lô và dâng đon mạ bình dị, thân thuộc của nhà nông làm đồ thờ cúng đã là sáng tạo tín ngưỡng văn hóa hiếm hoi, dường như độc nhất, vô nhị ở Việt Nam!

Trong tâm thức dân gian của cộng đồng cư dân Phú Thọ, Hùng Vương vừa là vị thủy tổ, vừa là thánh vương, vừa là người lập nước nhưng cũng là người chăm lo cuộc sống cho dân, vừa thiêng liêng lại gần gũi, có mặt với cộng đồng ở mọi tình huống cuộc đời của mỗi con người, trong cuộc sống của cộng đồng theo vòng quay của thiên nhiên, mùa vụ. Không phải ngẫu nhiên mà hàng loạt các truyền thuyết kể về những tháng năm Vua Hùng dạy dân cấy lúa, dạy dân đi săn, dạy dân đắp đê chống lụt, dạy dân săn bắn… đã được hóa thân vào đời sống văn hóa cộng đồng, thể hiện qua hàng loạt các biểu tượng văn hóa sinh động, hoạt động nghi lễ và thực hành lễ hội tại các làng quê Phú Thọ. Tại hàng nghìn nơi thờ cúng Hùng Vương, vợ con, tướng lĩnh của Hùng Vương ở mọi miền đất nước, không phải nhân vật nào của tín ngưỡng dân gian cũng có một kho tàng di sản văn hóa (cả vật thể lẫn phi vật thể) khổng lồ như thế gắn liền với sinh hoạt đời sống tâm linh của cộng đồng.

Người dân làng Trẹo (nay thuộc thị trấn Hùng Sơn, huyện Lâm Thao) có lễ hội rước Hùng Vương từ trên núi Nghĩa Lĩnh về làng ăn Tết vào ngày 24, 25 tháng Chạp hằng năm. Người dân tin rằng, các vị Hùng Vương dù đứng đầu một quốc gia, nhưng vẫn là những thành viên thân thiết, gần gũi, không thể thiếu vắng trong dịp dân làng ăn Tết Nguyên đán…Và còn hàng loạt lễ hội ở các xã vùng ven di tích đền Hùng như: lễ hội đánh Phết của xã Sơn Vi (huyện Lâm Thao); lễ hội cúng 100 con gà sống của xã Phù Ninh (huyện Phù Ninh); lễ hội trò trám của xã Tứ Xã (huyện Lâm Thao); lễ hội xuống đồng cấy lúa của xã Hy Cương (thành phố Việt Trì); lễ hội hát xoan xã Kim Đức (thành phố Việt Trì); lễ rước Vua đón xuân ở xã Tiên Kiên (huyện Lâm Thao); lễ hội giã bánh giày, nấu bánh chưng ở xã Kim Đức (thành phố Việt Trì) để dâng cúng Vua Hùng; lễ hội nấu cơm thi dâng đức Vua Hùng ở làng Hạ Bì Hạ (huyện Thanh Thủy); lễ hội ném chài xã Vân Phú (thành phố Việt Trì) diễn lại sự tích Vua Hùng đi săn...

Trải qua hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, bằng những nguồn truyện kể cùng những hình thức thực hành sinh hoạt tín ngưỡng, lễ hội, người dân Việt Nam muốn chứng minh rằng, dù trong lúc đất nước thái bình hay những khi lâm vào thời vận cam go nhất, các Vua Hùng vẫn “hiện diện” như một nguồn lực tinh thần vô tận, xuyên suốt cả thời gian lẫn không gian đến với từng người dân, từng gia đình, ở bất cứ nơi đâu, dù trong nước hay ngoài biên giới Tổ quốc. Trong tâm thức dân gian, sự chăm lo và gắn bó gần gũi với số phận sinh tồn, làm ăn và phát triển của cộng đồng dân chúng từ các thế hệ Vua Hùng cùng các bậc tiền nhân thuở xa xưa luôn là “một sự thực lịch sử”, cần được ghi nhớ và tri ân. Với mong ước của người dân, bài học về những vị anh hùng khai sáng quốc gia - nhà nước từ thời đại Hùng Vương chiếm lĩnh được niềm tin bất diệt của cộng đồng người dân đất Việt, được minh chứng qua những câu chuyện kể, các hành vi thực hành tín ngưỡng bình dị và gần gũi thường nhật hiện đã và đang tồn tại hầu khắp các làng/ bản ở Việt Nam nhiều nghìn năm qua, cũng chính là những bài học mang tính biểu tượng sinh động và sâu sắc, cần thiết được các thế hệ đời sau noi theo. Đó cũng chính là những yếu tố mang lại giá trị độc đáo và đặc sắc cho “tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương” - di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại!

______________

1. Bùi Quang Thanh, Giá trị tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương trong văn hóa Việt Nam, Tạp chí Cộng sản, số 868, 2-2015, tr.75-80.

2. Nhiều tác giả, Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương hành trình đến di sản nhân loại; Nxb Hội Nhà văn, Hà Nội, 2013, tr.242-243.

GS, TS BÙI QUANG THANH

Nguồn: Tạp chí VHNT số 530, tháng 4-2023

;