Họa sĩ người Mỹ Jean Michel Basquiat đã qua đời vào năm 1988, nhưng sự nghiệp của ông “ngày càng lẫy lừng” bởi hàng loạt "tác phẩm mới" liên tiếp được bọn làm tranh giả bổ sung thêm.
Tác phẩm của cố nghệ sĩ Jean-Michel Basquiat đã trở thành mục tiêu của những kẻ sao chép - nhưng vẫn có thể nhận biết các dấu hiệu giả mạo. @NYP
Vào tháng 6 /2022, một nhóm tội phạm nghệ thuật bị Cục điều tra liên bang Hoa Kỳ (FBI) phát lệnh bắt giữ để điều tra tính xác thực của 25 bức tranh trong cuộc triển lãm “Anh hùng & Quái vật: Jean-Michel Basquiat” tại Bảo tàng Nghệ thuật Orlando. Trong khi đó, cũng vào cuối tháng 5-2022, một nhà môi giới nghệ thuật ở quận Palm Beach, thuộc thành phố Florida, tên là Daniel Elie Bouaziz đã bị buộc tội vì bán tranh Basquiat giả tại hai gallery của ông ta trên Đại lộ Worth.
Richard Polsky, một nhà buôn tranh trước đây, hiện đang điều hành một công ty chuyên thẩm định các tác phẩm nghệ thuật, cho biết tác phẩm của Basquiat “chắc chắn” là một trong những mặt hàng nghệ thuật bị làm giả nhiều nhất. Theo ông, “các tác phẩm của Basquiat nói chung không dễ làm giả. Các chủ đề điển hình, ví dụ như đầu lâu và những cái sọ kỳ cục hay một số các họa tiết khác, đều có thể bị sao chép, nhưng chỉ ở một mức độ nào đó thì còn dễ che dấu tung tích giả mạo …”.
Dưới đây xin kể lại tóm tắt một số vụ việc liên quan tới các thủ đoạn làm tranh giả Basquiat và hồ sơ giả đã bị FBI phát giác trong thời gian gần đây.
1. Vô đề (Chân dung tự họa hay Khuôn mặt Vương miện II) được vẽ "sau khi tác giả qua đời"?!
Nhà biên kịch truyền hình quá cố Thad Mumford được cho là đã mua một bộ sưu tập trực tiếp từ Basquiat chỉ với 5.000 USD vào những năm 1980, cất chúng vào một kho đồ cũ, nơi chúng bị quên lãng cho đến năm 2012, khi ông ta không thanh toán được tiền thuê nhà cho chủ sở hữu. Đồ đạc của ông bị tịch biên, bao gồm cả ‘các bức tranh của Basquiat’, đã được bán đấu giá. (Mumford đã qua đời vào năm 2018.)
Bảo tàng Nghệ thuật Orlando cuối cùng đã biết đến ‘bộ sưu tập’ này, và vào tháng 1/2022, đã công bố chúng trong một cuộc triển lãm ‘bom tấn’ với tên gọi “Anh hùng & Quái vật: Jean-Michel Basquiat”.
"Kiệt tác của Basquiat" (rởm) được rao bán với giá 12 triệu USD. @NYP
Nhưng 25 bức tranh đã bị thu giữ vào tháng 6 năm 2022, và là đối tượng của một cuộc điều tra của FBI - một phần vì trong số này có một bức tranh, “Vô đề (Chân dung tự họa hay Khuôn mặt Vương miện II),” được vẽ trên một tấm vỏ thùng hàng của hãng FedEx có một dòng chữ mà theo nhà thiết kế của công ty này cho biết: sáu năm sau cái chết của Basquiat thì FedEx mới sử dụng mẫu chữ này (xem ảnh).
Mặc dù giám đốc và giám đốc điều hành của bảo tàng này, ông Aaron De Groft, vẫn khẳng định chúng là thật, và vì thế đã tổ chức trưng bày chúng, song theo điều tra của FBI, những bức tranh này không những được chế tác giả mạo, mà kèm theo đó, bọn tội phạm có tổ chức còn dàn dựng nhiều câu chuyện không có thật và tạo dựng những giấy tờ giả để chứng tỏ nguồn gốc "thật" của những bức vẽ rởm nhằm tiêu thụ dễ dàng.
2. “Kiệt tác của Basquia” trị giá 12 triệu USD với chữ ký không đúng chỗ
Vào ngày 26/5/2022, Daniel Elie Bouaziz, người sở hữu hai phòng tranh là Galerie Danieli và Danieli Fine Art tại thành phố Palm Beach, đã có tên trong một trát hình sự liên bang được đệ trình ở tòa án Nam Florida với những cáo buộc bán tranh giả của Basquiat và một số họa sĩ tên tuổi khác, ví dụ như Andy Warhol, Banksy và Roy Lichtenstein.
Bouaziz đã bán một bức tranh giả được khoác áo ‘kiệt tác của Basquiat’ với giá 12 triệu USD, sau khi mua nó trên mạng đấu giá LiveAuctioneers chỉ có 495 USD. Tuy nhiên, thật không may cho gã lừa đảo, người mua lại là một đặc vụ chìm của FBI.
Vương quốc vinh quang của những chàng trai được cho là do Basquiat vẽ vào những năm 80 của thế kỷ trước. @NYP
Theo nhà tư vấn nghệ thuật Emily Santangelo, nói chung nếu dùng tranh làm quà tặng thì “Basquiat không bao giờ ký tên vào các bức tranh của mình ở mặt trước. Nếu ông ấy có ký tên thì sẽ ký vào mặt sau của bức tranh”.
Tin tức về các hoạt động bất hợp pháp bị cáo buộc của Bouraziz lần đầu tiên được đưa ra ánh sáng khi FBI đột kích vào một trong những phòng trưng bày ở Palm Beach của ông ta, Danieli Fine Art, vào tháng 12. Ông ta cũng là chủ sở hữu Galerie Danieli; cả hai cơ sở kinh doanh đều nằm trên Đại lộ Worth, nơi đã trở thành điểm nóng cho các phòng trưng bày nghệ thuật quốc tế có uy tín ở vùng đất giàu có của Florida.
3. Vương quốc vinh quang của những chàng trai vẽ quá nhiều biểu tượng
Vào tháng 7/2021, chính trị gia người Mexico, Angel Pereda, bị bắt ở New York vì cố gắng rao bán các bức tranh giả của Basquiat và Haring cho một người trung gian - sau này được tiết lộ là người cung cấp thông tin cho FBI - người mà ông ta hy vọng sau đó sẽ bán được chúng với giá hàng triệu USD. Một trong những bức tranh như vậy được đặt tên là “Glory Boys Kingdom,” (Tạm dịch: “Vương quốc vinh quang của những chàng trai”) và Pereda tuyên bố nó "được Basquiat vẽ vào những năm 1980".
Trong một cuộc phỏng vấn của báo New York Post vào tháng 10 năm 2022, nhà môi giới nghệ thuật Joseph K. Levene cho biết: “Mặc dù phong cách tranh vẽ của Basquiat trông có vẻ đơn giản và trẻ thơ, song sự thực là phải mất rất nhiều công sức.” Một bức tranh vẽ nguệch ngoạc và vội vàng không thể là tranh của Basquiat.
Vô đề (Chân dung tự họa hay Khuôn mặt Vương miện II), được gán cho Basquiat "vẽ từ năm 1982" trên một hộp chuyển đồ của FedEx. @Bảo tàng Nghệ thuật Orlando
Levene còn nói thêm rằng bức tranh “Pereda nói là của Basquiat” cũng không thuyết phục được một phần bởi vì “trên đó có quá nhiều biểu tượng” đặc trưng của Basquiat: máy bay, vương miện hay những gương mặt với những chiếc răng to tướng. “Nó có nhiều biểu tượng quá mức cần thiết!” - Levene nhấn mạnh.
Cùng với tội trạng cố tình tiêu thụ tranh giả, Pereda còn bị buộc thêm tội chuyển khoản gian lận.
4. Tác phẩm Vô đề (1983) kèm theo giấy chứng thực rởm
Nhà buôn nghệ thuật người Ý Annina Nosei là một chuyên gia về Basquiat. Phòng trưng bày tại SoHo của bà, đóng cửa vào năm 2006, không chỉ trưng bày một bộ sưu tập ấn tượng các bức tranh đích thực của Basquiat, mà trong tầng hầm của gallery còn là xưởng vẽ của cố họa sĩ vào những năm 80 của thế kỷ trước.
Khi chủ sở hữu của một gallery ở Nam Florida sẵn sàng trả gần 1 triệu USD cho hai bức tranh được cho là của Basquiat có xuất xứ từ Philip Righter (người rao bán đang sống tại California), người chủ gallery đã xin ý kiến của bà. Và kết quả là: Nosei tuyên bố rằng cả hai bức tranh cùng mớ "giấy tờ xác thực" của chúng đều là đồ giả.
Vô đề (1983) được gán cho Basquiat và giấy chứng thực rởm. @NYP
Righter đã sử dụng các nhãn mác giả để chứng minh hắn đã mua hai bức tranh của Basquiat từ phòng tranh của Nosei ở SoHo. Hắn đã chế tác các giấy tờ giả về quyền tác giả có dập nổi - khá giống nhưng không phải những mẫu giấy tờ mà Gerard Basquiat, cha của cố họa sĩ và người quản lý di sản từng sử dụng trong các tài liệu liên quan đến các di sản hội họa của Basquiat.
Vĩ thanh
Vào tháng 6/2020, Philip Righter bị bắt tại California và bị kết án 5 năm tù với một số tội danh, bao gồm tội lừa đảo thư tín, tội gian lận chuyển khoản và gian lận thuế, và cuối cùng, hành vi giả mảo danh tính họa sĩ - một trọng tội.
Cuối tháng 6/2022, Aaron De Groft, giám đốc nghệ thuật kiêm giám đốc điều hành Bảo tàng Nghệ thuật Orlando đã bị cách chức chỉ vài ngày sau khi FBI đột kích vào bảo tàng và thu giữ tại chỗ 25 bức tranh đang được trưng bày trong một cuộc triển lãm các tác phẩm "được cho là của Jean-Michel Basquiat" mà tính xác thực của chúng đã bị truy vấn. De Groft còn bị buộc tội gửi thư đe dọa một chuyên gia từng thẩm định các bức tranh trước khi triển lãm và đã lưu ý rằng "có ít nhất 9 trong số 25 bức tranh là không thể do Basquiat vẽ".
Tháng 10/2022, một cựu nhân viên nhà đấu giá ở Los Angeles, Michael Barzman, đã nhận tội khai man với các nhà điều tra liên bang, thừa nhận chủ mưu và tiếp tay với một kẻ đồng lõa để chế tác hàng loạt tranh Basquiat giả, trong số đó có 25 bức từng được trưng bày vào năm ngoái tại Bảo tàng Nghệ thuật Orlando. Theo bản nhận tội, Barzam và kẻ đồng lõa chỉ dành khoảng 5 phút và không quá 30 phút để tạo ra mỗi một bức tranh giả. Sau đó, cặp đôi gian trá này để những bức vẽ ra ngoài trời hòng làm chúng ẩm mốc để trông cũ kỹ như thể có tuổi đời hàng thập kỷ. Barzman đã rao bán nhiều tranh giả và chia một nửa lợi nhuận cho cộng sự của mình.
Các tài liệu của tòa án cũng chứng minh Barzman đã bịa tạc ra nguồn gốc giả mạo cho các bức tranh giả, bao gồm một câu chuyện không có thật rằng chúng đã được tìm thấy trong một kho đồ cũ, và sau đó cũng tạo ra các tài liệu giả để củng cố câu chuyện bịa đặt này. Hắn sẽ phải đối mặt với mức án 5 năm tù giam.
Đặc vụ Cục Điều tra Liên bang Hoa Kỳ đột kích Bảo tàng Nghệ thuật Orlando vào tháng 6 năm 2022, thu giữ 25 bức tranh trưng bày "được cho là của Basquiat". @Willie J. Allen Jr./Orlando Sentinel/AP
Vào ngày 21/2/2023, Daniel Elie Bouaziz ở Florida đã nhận tội rửa tiền thông qua một kế hoạch buôn bán các tác phẩm giả mạo của các nghệ sĩ tên tuổi với giá ngất ngưởng tại các phòng tranh ở Nam Florida của hắn. Tên tội phạm, chủ hai gallery Danieli Fine Art và Galerie Danieli ở Palm Beach, đã phải ký vào một văn bản thừa nhận hắn ta cố ý tham gia vào hoạt động thương mại giữa các tiểu bang với số tiền từ hàng chục tới hàng trăm ngàn USD từ việc bán tác phẩm nghệ thuật giả bất hợp pháp, - một hành vi phạm tội lừa đảo có tổ chức. Khách hàng đã đặt cọc khoản thanh toán cho tác phẩm nghệ thuật. Sau đó, số tiền này đã được gửi vào tài khoản của Bouaziz, trà trộn với các khoản tiền khác rồi được hắn luân chuyển đến các tài khoản khác nhau.
Bouaziz hiện đang phải đối mặt với bốn tội danh, mỗi tội có mức án tối đa là 20 năm tù và phạt tiền từ 250.000 đến 500.000 USD.
Giá trị tác phẩm của Basquiat vẫn đang tiếp tục tăng vọt: Năm 2017, một trong những bức tranh của ông được bán với giá 110,5 triệu USD tại Sotheby’s - mức đấu giá cao nhất hiện tại đối với một tác phẩm nghệ thuật của Mỹ. Nếu 25 bức tranh được trưng bày ở Bảo tàng Nghệ thuật Orland được xác thực là của Basquiat, thì theo ước tính của công ty chuyên định giá nghệ phẩm Putnam Fine Art and Antique Appraisals, tổng giá trị của chúng cũng lên tới gần 100 triệu USD.
“Thế giới sẽ không bao giờ ngừng tạo ra những bức tranh giả của Basquiat - đặc biệt là trong thời gian sắp tới. Bởi vì giờ đây ông ấy đang ở trên đỉnh của kim tự tháp!” - chuyên gia thẩm định Richard Polsky dự báo. Chính vì thế, công việc của các đặc vụ thuộc Biệt đội phòng chống tội phạm nghệ thuật (Art Crime Team) của Cục Điều tra Liên bang Hoa Kỳ (FBI) giờ đây vẫn luôn bận rộn, được tiến hành lúc âm thầm, khi công khai, và có sự phối hợp chặt chẽ của các học giả, các chuyên gia thẩm định, các ủy viên công tố và các luật sư đoàn nhằm đảm bảo tính minh bạch của thị trường, bảo vệ quyền tác giả, bảo vệ quyền lợi chính đáng không chỉ của Basquiat và những người thừa kế mà còn của mọi nghệ sĩ, của các nhà sưu tập và/hoặc chủ sở hữu của các tác phẩm xác thực.
(Tổng hợp theo báo chí nước ngoài)
VÂN ANH
Nguồn: Tạp chí VHNT số 535, tháng 5-2023