Sự phát triển kinh tế và hội nhập quốc tế đã buộc các công sở và cán bộ công chức, người lao động đến nhà quản lý ý thức rõ hơn về trang phục. Trang phục nơi công sở là một dấu hiệu nhận biết thương hiệu, văn hóa của đơn vị. Thông qua trang phục và việc chú trọng đến trang phục của đơn vị, khách hàng, đối tác phần nào đánh giá được uy tín và vị trí của đơn vị đó. Bài viết đưa ra các khái niệm cơ bản và những yếu tố tác động đến văn hóa trang phục nơi công sở, từ đó đánh giá một số vấn đề của trang phục công sở hiện nay.
1. Các khái niệm liên quan
Công sở
Thuật ngữ công sở được nhắc nhiều trong văn nói và cả văn viết, gần như mặc định cho các cơ quan nhà nước nói riêng và các cơ quan, đơn vị, công ty nói chung.
Tại Điều 70 Luật Cán bộ, công chức năm 2008 (sửa đổi, bổ sung năm 2019) xác định: “Công sở là trụ sở làm việc của cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị sự nghiệp công lập, có tên gọi riêng, có địa chỉ cụ thể, bao gồm công trình xây dựng, các tài sản khác thuộc khuôn viên trụ sở làm việc” (1).
Theo Điều 2 Nghị định 152 của Chính phủ năm 2017 quy định về tiêu chuẩn, định mức sử dụng trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp, công sở được hiểu là: “Cơ quan nhà nước, cơ quan Đảng Cộng sản Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội được ngân sách Nhà nước đảm bảo kinh phí hoạt động, đơn vị sự nghiệp công lập, ban quản lý dự án sử dụng vốn Nhà nước (hay còn gọi là cơ quan, tổ chức, đơn vị)” (2).
Ngoài ra, theo cách hiểu khác công sở là một tổ chức đặt dưới sự quản lý trực tiếp của Nhà nước để tiến hành một công việc chuyên ngành của Nhà nước, thực hiện cơ chế điều hành, kiểm soát công việc hành chính. Là nơi soạn thảo văn bản để thực hiện công vụ, đảm bảo thông tin cho hoạt động của bộ máy quản lý Nhà nước, nơi phối hợp hoạt động thực hiện một nhiệm vụ được Nhà nước giao, nơi tiếp nhận yêu cầu, đề nghị, khiếu nại của công dân.
Hay nói cách khác, công sở là tổ chức của hệ thống bộ máy nhà nước hoặc tổ chức công ích được nhà nước công nhận, bao gồm cán bộ công chức được tuyển dụng, bổ nhiệm theo quy chế công chức hoặc theo thể thức hợp đồng để thực hiện công vụ nhà nước, có vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và có cơ cấu tổ chức do pháp luật quy định, được sử dụng công quyền để tổ chức công việc nhà nước hoặc dịch vụ công phục vụ lợi ích chung của xã hội, của cộng đồng.
Văn hóa công sở
Văn hóa công sở là toàn bộ những giá trị tinh thần và vật chất được gây dựng nên trong quá trình tồn tại và phát triển của một công sở. Văn hóa công sở bao gồm các tập quán, truyền thống ăn sâu vào hoạt động của cộng đồng, chi phối tình cảm, nếp suy nghĩ và hành động của mọi thành viên trong triển khai công việc và thực hiện các mục đích của tổ chức.
Hiểu một cách khái quát, văn hóa công sở là một loại quy ước về hành vi mà các thành viên trong công sở dựa vào đó để điều khiển các mối quan hệ tương tác của mình với những người khác. Văn hóa công sở còn là một hệ thống các giá trị được hình thành trong quá trình hoạt động của công sở, tạo nên niềm tin và thái độ của cán bộ công chức, viên chức làm việc trong công sở, ảnh hưởng đến cách làm việc và hiệu quả hoạt động công sở.
Xây dựng văn hóa công sở là xây dựng một nề nếp, phương thức làm việc khoa học, có kỷ cương, dân chủ, giúp cán bộ công chức nhận thức đúng, đủ về trách nhiệm, nghĩa vụ của mình đối với nhân dân và xã hội giúp hình thành thái độ, hành vi ứng xử, giao tiếp đúng mực với nhân dân, với đồng nghiệp. Văn hóa công sở cũng là yếu tố quan trọng góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan hành chính Nhà nước.
Trang phục trong công sở
Trang phục thể hiện sắc thái riêng, bản sắc riêng của mỗi người hay mỗi dân tộc. Trong mỗi môi trường làm việc khác nhau, chúng ta có thể lựa chọn những trang phục khác nhau. Ở những môi trường đặc biệt mang tính chất đặc thù, trang phục cũng gắn liền với công việc mà chỉ nhìn trang phục họ mặc chúng ta có thể biết ngành nghề và môi trường họ đang làm. Nhưng dù trong bất cứ môi trường làm việc nào, trang phục được lựa chọn đều mang tính lịch sự. Đặc biệt, trong môi trường công sở thì yêu cầu về trang phục cần được thực hiện một cách nghiêm túc. Bởi trang phục cán bộ công chức lựa chọn sẽ thể hiện và đánh giá về bản chất và giá trị của mỗi con người. Lựa chọn mặc đẹp, trang phục lịch sự, kín đáo… chính là thể hiện sự tôn trọng bản thân, tôn trọng mọi người xung quanh mình.
Theo Quyết định 1847/QĐ-TTg ngày 27-12-2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc Quyết định phê duyệt Đề án Văn hóa công vụ: Khi thực hiện nhiệm vụ, cán bộ, công chức phải ăn mặc gọn gàng, lịch sự, đi giày hoặc dép có quai hậu. Trang phục phải phù hợp với tính chất công việc, đặc thù của ngành và thuần phong, mỹ tục của dân tộc. Đối với ngành, lĩnh vực có trang phục riêng thì thực hiện theo quy định của ngành (3).
Như vậy, trang phục thể hiện được văn hóa của đơn vị, ngành nghề mà đơn vị đó thực hiện nhiệm vụ. Trang phục được mặc bởi những con người có trách nhiệm, tôn lên trọng trách của người mặc thì được gọi là trang phục công sở.
Những yếu tố tác động đến văn hóa công sở
Thuận lợi
Văn hóa công sở có vai trò rất quan trọng trong sự phát triển của các đơn vị, tác động đến các hoạt động và việc thực thi công vụ, nhiệm vụ của cán bộ công chức hằng ngày. Để văn hóa công sở có thể phát triển và bước đầu có được thành quả như những năm gần đây chúng ta có thể thấy được những yếu tố thuận lợi tác động đến xây dựng văn hóa công sở.
Trước hết, đất nước Việt Nam chúng ta có bề dày giá trị văn hóa lịch sử nghìn năm. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, chúng ta luôn giữ vững được những giá trị văn hóa, cùng với xu thế phát triển của thế giới, đất nước ta đang trên đà phát triển vừa kế thừa những giá trị truyền thống tốt đẹp, giao lưu tiếp biến văn hóa, chọn lọc những tinh hoa của thế giới, để vận dụng phát triển văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm bản sắc dân tộc.
Đảng và Nhà nước ta đã có sự quan tâm đúng đắn về xây dựng, phát triển văn hóa nói chung, trong đó có văn hóa công sở, từ đó đưa ra những chủ trương, chính sách, những chương trình, hướng dẫn cụ thể để các cấp, các ngành từ trung ương đến cơ sở triển khai thực hiện. Đây là yếu tố quan trọng, là điều kiện thuận lợi giúp cho việc phát triển và xây dựng văn hóa công sở trong giai đoạn hiện nay.
Điều kiện kinh tế - văn hóa xã hội phát triển, nhận thức của người dân ngày càng được nâng cao cũng là yếu tố tác động tích cực tới xây dựng văn hóa công sở hiện nay. Thực hiện xây dựng văn hóa công sở phụ thuộc rất nhiều vào yếu tố con người và cơ sở vật chất. Trong đó yếu tố con người giữ một vai trò quyết định. Xây dựng văn hóa công sở hiệu quả và phát triển phụ thuộc vào trình độ, năng lực, chuyên môn, nghiệp vụ, khả năng giao tiếp, ứng xử, trách nhiệm, thái độ, nhận thức của đội ngũ cán bộ công chức, của người đứng đầu. Yếu tố vật chất bao gồm cơ sở vật chất, trang thiết bị làm việc, trụ sở cơ quan, chính sách tiền lương hiện nay cũng được quan tâm chú trọng hơn, tạo điều kiện thuận lợi để thực hiện xây dựng văn hóa công sở. Ngoài ra, các yếu tố tác động do điều kiện kinh tế - xã hội hiện nay phát triển, sự phát triển của công nghệ hiện đại thời kỳ 4.0 ảnh hưởng nhiều đến quá trình xây dựng văn hóa công sở, giúp văn hóa công sở được thực hiện một cách hiệu quả, xây dựng cơ quan hành chính nhà nước hiện đại, văn minh.
Khó khăn
Bên cạnh những yếu tố thuận lợi tác động đến xây dựng văn hóa công sở, chúng ta cũng đang đối diện với nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến quá trình xây dựng văn hóa công sở.
Một là, do đặc thù đất nước ta phát triển đi lên từ nền tảng xã hội nông nghiệp cổ truyền, do vậy những tập quán, thói quen, tâm lý tiểu nông, làng xã vẫn còn tồn tại trong suy nghĩ hành động của không ít cán bộ công chức và người dân. Tâm lý cào bằng, trọng tình, trọng tuổi, trọng kinh nghiệm vẫn còn ảnh hưởng trong quá trình thực thi công vụ. Ngoài ra, thu nhập từ lương và trợ cấp hàng tháng của cán bộ công chức hiện tại còn thấp, do vậy áp lực về tài chính khiến nhiều cán bộ công chức phải làm thêm, kinh doanh buôn bán, thậm chí một số người móc nối làm những điều phi pháp, trái quy định.
Hai là, sự thiếu nhất quán trong nhận thức, trình độ chuyên môn, hành động của không ít cán bộ công chức trong cơ quan hành chính nhà nước. Nhiều cán bộ công chức chưa ý thức được trách nhiệm, vị trí việc làm của mình khi được tuyển dụng, suy nghĩ làm việc trong các cơ quan nhà nước để hưởng lương và biên chế suốt đời. Do vậy, có tâm lý an phận thủ thường, tạo sức ỳ ảnh hưởng đến chất lượng giải quyết công việc. Vì lợi ích cá nhân mà một số cán bộ công chức thiếu tinh thần trách nhiệm, tạo ra cơ chế “xin - cho”, gây phiền hà cho nhân dân, ảnh hưởng đến chất lượng công việc và diện mạo của nền hành chính công vụ.
Ba là, điều kiện phát triển kinh tế - xã hội ở mỗi địa phương có sự chênh lệch nên cũng ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình xây dựng văn hóa công sở. Bởi muốn xây dựng văn hóa công sở phát triển hiện đại, văn mình thì phụ thuộc rất lớn vào điều kiện kinh tế, sự quan tâm tạo điều kiện của địa phương, của người đứng đầu.
3. Một số vấn đề về trang phục trong công sở hiện nay
Bên cạnh công tác xây dựng cảnh quan, kiến trúc tại công sở, việc thiết kế trang phục cho cán bộ công chức cũng là yếu tố thể hiện rõ nét văn hóa công sở. Theo quy định về trang phục của cán bộ công chức trong các cơ quan hành chính Nhà nước hiện nay khá linh hoạt, phù hợp với tính chất công việc. Tại điều 5, mục 1, chương 2 Quyết định 129/2007/QĐ- TTg ngày 2-8-2007 của Thủ tướng Chính phủ ban hành quy chế văn hóa công sở tại các cơ quan hành chính nhà nước quy định: Khi thực hiện nhiệm vụ cán bộ công chức phải ăn mặc gọn gàng, lịch sự... (4). Thực tế hiện nay tại công sở thuộc trung ương và thành phố lớn, thị trấn thì đa số cán bộ công chức đã thực hiện việc sử dụng trang phục theo quy định, trang phục của cán bộ công chức gọn gàng, lịch sự về cơ bản đáp ứng yêu cầu của công sở, tạo được sự thân thiện với người dân. Việc cán bộ công chức nữ mặc váy quá ngắn trên đầu gối, hay trang phục không lịch sự xảy ra khá ít. Đối với cán bộ công chức làm việc tại bộ phận “Một cửa” được hỗ trợ kinh phí đồng phục hằng năm. Đồng thời, hằng ngày, việc đeo thẻ công chức được bố trí nhưng chưa được thực hiện thường xuyên.
Việc ban hành quy chế văn hóa cơ sở tại các cơ quan hành chính Nhà nước và quy định về xây dựng cảnh quan, kiến trúc và trang phục đối với cán bộ công chức đã thay đổi nhận thức và chú trọng đến việc xây dựng cảnh quan, môi trường làm việc và xây dựng hình ảnh, phong cách làm việc đối với cán bộ công chức, viên chức và người lao động làm việc tại cơ quan hành chính nhà nước, góp phần xây dựng môi trường văn hóa công sở.
Trang phục công sở còn bao gồm cả việc đeo thẻ của cán bộ công chức trong giờ làm việc. Thẻ công chức yêu cầu phải có đầy đủ thông tin về họ tên, bộ phận làm việc của cán bộ công chức. Tuy nhiên, hiện nay chưa có một quy định cụ thể về mặc trang phục như thế nào mà chỉ quy định chung chung ăn mặc lịch sự, phù hợp. Tuy nhiên, việc thực hiện đồng phục và kinh phí để may đồng phục cho tất cả cán bộ công chức làm việc tại các đơn vị hành chính thì chưa có quy định. Việc đeo thẻ trong giờ làm việc cũng chưa được thực hiện một cách nghiêm túc, một số nơi đeo thẻ theo hình thức đối phó khi có đoàn kiểm tra…
Để tạo sự đồng bộ chuyên nghiệp trong trang phục đối với cán bộ công chức, các đơn vị cần xây dựng quy chế quy định cụ thể về trang phục hằng ngày đối với cả nam và nữ. Có quy định về trang phục hằng ngày, trang phục mặc trong các ngày lễ lớn, thường xuyên đeo thẻ cán bộ công chức khi làm việc tại cơ quan; coi việc thực hiện nghiêm về trang phục và đeo thẻ hằng ngày làm cơ sở đánh giá thi đua hằng tháng, hằng quý và cả năm đối với cán bộ công chức.
__________________
1, 3. Quốc hội, Luật Cán bộ, công chức, Hà Nội, 2008.
2. Thủ tướng Chính phủ, Quyết định số 1847/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án Văn hóa công vụ, Hà Nội, 2018.
4. Thủ tướng Chính phủ, Quy chế văn hóa công sở tại các cơ quan hành chính Nhà nước, 2007.
Tài liệu tham khảo
1. Bộ Văn hóa Thông tin, Điển hình xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 2004.
2. Nguyễn Hoàng Linh Chi, Văn hóa công sở trong các cơ quan hành chính nhà nước ở nước ta hiện nay, Luận văn thạc sĩ Luật Hành chính, Học viện Khoa học Xã hội, 2014.
3. Võ Bá Đức, Cẩm nang văn hóa ứng xử và giao tiếp nơi công sở, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 2012.
4. Trịnh Thanh Hà, Xây dựng văn hóa ứng xử công vụ của công chức cơ quan hành chính Nhà nước Việt Nam hiện nay, Học viện Hành chính quốc gia, 2009.
NGUYỄN THỊ LAN HƯƠNG
Nguồn: Tạp chí VHNT số 509, tháng 9-2022