Những lúc “nhìn lại mình” của vua Lê Nhân Tông

Người viết từng đề cập đến vua Lê Nhân Tông trong bài “Hai đời vua cùng giữ một chữ Tín”. Chính vì biết giữ tín nghĩa, dùng người nên vị hoàng đế thứ ba nhà Hậu Lê được đánh giá là “còn thơ ấu đã có thiên tư sáng suốt, vẻ người tuấn tú đường hoàng, dáng điệu nghiêm trang, sùng đạo Nho nghe can gián, thương người làm ruộng, yêu nuôi muôn dân, thực là bậc vua giỏi, biết giữ cơ đồ” (Ngô Sĩ Liên). Để giữ được cơ đồ trong suốt mười mấy năm trị vì, không phải không có những lúc Lê Nhân Tông phải tự “nhìn lại mình”.

Tháng 2 năm 1443 (Quý Hợi), chỉ nửa năm sau khi lên ngôi, vua đã có chiếu: “Mới rồi, trời hiện điềm tai biến như sao sa, động đất. Trẫm rất lo sợ, suy nghĩ nguyên nhân tai biến không biết bởi đâu. Có phải vì trẫm mới cầm quyền, chưa biết giảm nhẹ lao dịch thuế khóa, có điều không lợi cho dân không? Hay là phụ quốc đại thần điều hòa trái lẽ nên khí âm dương không hài hòa mà đến thế chăng? Hay là việc ngục tụng không công bằng, hối lộ công khai, xử án còn nhiều oan uổng mà đến nỗi thế chăng? Hay là bọn cung nữ oán hờn chưa thả chúng ra nên hại tới hòa khí mà đến nỗi thế chăng? Có phải là bọn gièm pha âm mưu xảo quyệt, để công thần chịu oan khuất chưa được rửa oan mà đến nỗi thế chăng? Hay là vì bày việc thổ mộc, xây dựng cung điện chăng? Kẻ tiểu nhân được tiến dung, còn người quân tử phải lui ẩn chăng? Đường nói năng bịt kín mà ơn trên bị che lấp chăng? Bọn phi tần lộng hành mà cửa sau bỏ ngỏ chăng? Lệnh cho khắp quan lại, quân dân đều phải hết lòng bày tỏ những điều có thể xoay được lòng trời, dập hết tai biến, hãy thẳng thắn nói ra, chớ nên ẩn giấu, để giúp trẫm sửa những điều thiếu sót” (Đại Việt sử ký toàn thư, Nxb Văn hóa   , Hà Nội, 2009  , tr 580 ).

Tháng 10 năm 1445 (Ất Sửu), sau một thời gian đất nước tiếp tục phải gánh chịu nhiều thiên tai, vua xuống chiếu: “Trẫm ở ngôi cao mà chưa biết việc đời cho nên liền mấy năm nay, tai dị liên tiếp, sấm sét luôn luôn, mưa dầm quá độ, nước lớn ngập tràn, đê điều bị vỡ, làm hỏng nhà cửa muôn dân, đầm hồ sụt lấp, dâu rau ngập úa. Có phải vì chính sự có thiếu sót mà hại đến hòa khí vận âm dương biến đổi? Muốn chấm dứt sự trừng phạt của trời cao, phải rộng ban điều ân huệ cho kẻ dưới. Nay ban các điều về thuế, giảm tội rộng rãi theo thứ bậc khác nhau” (Đại Việt sử ký toàn thư, sđd, tr 581).

Chưa đầy 2 năm sau, tháng 7 năm 1447 (Đinh Mão), vua lại xuống chiếu: “Nhận lỗi trách mình, duy bậc chí thành mới có thể làm được; trừ tai cứu nạn, thực điều nhân chính phải đặt lên hàng đầu. Trẫm từ khi lên ngôi đến nay, thiên tai xảy ra luôn, dân chúng rất đói kém. Mới rồi, đã hạ lệnh cho các nha môn trình bày những điều có thể làm lợi cho quân dân để chọn lựa thi hành, nay lại thi hành, lệnh cho thải bớt các cung nữ bị giam cấm. Các đạo làm bản tâu trình bày những việc đau khổ của dân trong hạt” (Đại Việt sử ký toàn thư, sđd, tr 583 ).

Năm sau nữa, tháng 6 năm 1448 (Mậu Thìn), vua lại có chiếu cầu lời nói thẳng: “Vài năm nay, tai dị liên tiếp xảy ra: lụt lội, hạn hán, sâu bệnh không năm nào không có. Có phải vì đạo giữ nước trị dân của trẫm trên không thuận lòng trời, dưới chưa thỏa chí dân mà đến nỗi thế không? Hay là các đại thần phò tá không được người xứng đáng, điều hòa trái phép, xếp đặt sai lẽ mà đến nỗi thế chăng? Hỡi các quan trong ngoài cho tới các sĩ dân, các ngươi hãy vì trẫm mạnh dạn nói ra, hãy chỉ rõ những việc làm phương hại tới nhân dân và chính sự của trẫm và các tể thần. Nếu có người hiền lương phương chính, cũng cho được tự tiến cử. Khi trình bày sự việc, cần phải đúng sự thực, không nên viện dẫn suông lời văn cổ xưa để trả lời trẫm” (Đại Việt sử ký toàn thư, sđd, tr 587 ).

Đến tháng 4 năm 1449 (Kỷ Tỵ), vua tiếp tục có chiếu tự trách mình: “Trẫm gặp phải gia biến, bên trong thì mẫu hậu coi chầu, bên ngoài thì đại thần giúp việc mà liền năm đại hạn, lúa má mất mùa, dân chúng buồn than. Nghĩ kỹ tội ấy, hẳn có nguyên do. Có phải do trẫm không biết dốc niềm thành kính để được hưởng long trời, không biết lo tròn đạo hiếu để thờ phụng tông miếu, không ban ân huệ cho khắp muôn dân nên đến nỗi thế chăng? Có phải trẫm không biết sử dụng nhân tài, những kẻ được dung đều là loại hèn kém mà đến nỗi thế chăng? Có phải do nạn hối lộ công khai, tệ phi tần lộng hành mà đến nỗi thế chăng? Hay là do trẫm không dè dặt tiêu dùng, thường lạm tiêu bừa, để hại của dân mà đến nỗi thế chăng? Hay là các đại thần giúp việc chưa trọn đạo điều hòa âm dương mà đến nỗi thế chăng? Hay là các tướng soái phiên thần không biết yêu thương quân dân, quen thói đục khoét mà đến nỗi thế chăng? Có phải vì các thú lệnh không biết vỗ nuôi nhân dân, chỉ lo bòn vét mà đến nỗi thế chăng? Hay là quan coi hình ngục không giữ công bằng, chỉ lo xử nặng, kẻ nào đút lót thì tha, để oán khí bốc lên mà đến nỗi thế chăng? Có phải các quan thừa hành chỉ chuộng hư văn, để ân trạch của vua bị tắc lại ở trên, tình của kẻ dưới không thấu lên trên được mà đến nỗi thế chăng? Hay là các nhà quyền quý cậy thế ra oai để dân mọn bị hại mà đến nỗi thế chăng? Có phải vì chọn lựa người hiền, cất nhắc người sót chưa được thi hành, để thói cầu cạnh chạy chọt ngày một tệ hại mà đến nỗi thế chăng? Hay là do chủ tướng đảo lộn quân công, lấy không làm có, làm hại đạo công mà đến nỗi thế chăng? Có phải vì chưa thi hành đầy đủ nhân chính, để dân chúng vẫn còn nhiều người thất nghiệp mà đến nỗi thế chăng? Có phải vì con cháu các bậc công thần cố cựu chưa được bổ dùng hết để đền đáp công lao của họ mà đến nỗi thế chăng? Tất cả tội lỗi trên chồng chất lại, đã làm tổn thương hòa khí, nếu không xét lời dạy sửa lỗi lầm, làm tròn đạo tu dưỡng mình thì làm sao trên có thể lay chuyển được lòng trời, dưới có thể cứu vớt được nạn dân?” (Đại Việt sử ký toàn thư, sđd, tr 594 - 595 ).

Trong vòng 7 năm, nhà vua có đến 5 lần tự “nhìn lại mình” như vậy kể cũng là nhiều. Mà nào đã hết, tháng 4 năm 1451 (Tân Mùi), sau khi trong nước xảy ra thiên tai, nhà vua lại có chiếu: “Mấy năm nay, hạn hán, sâu trùng liên tiếp xảy ra; tai dị luôn luôn xuất hiện. Năm nay đương mùa xuân, lại có mưa đá. Có phải chính vì sự thiếu sót lầm lỗi chưa sửa được đến nỗi thế chăng? Hay là điều hòa trái lẽ, làm hại tới hòa khí chăng? Có thể vì hình ngục oan khuất mà chưa được rửa oan chăng? Hay là thuế dịch vụ nặng nề, để dân chúng ta oán chăng? Nghĩ rằng tai họa này hẳn có nguyên do. Nếu không ban ân huệ thực để an ủi lòng người thì lấy gì báo đáp trời cao và chấm dứt tai biến? Trong những điều khoản tha có tha các loại thuế, những kẻ trốn tránh thì cho ra đầu thú, những án kiện bỏ đọng thì cho tâu trình đầy đủ nguyên do” (Đại Việt sử ký toàn thư, sđ, tr 601).

Chuyện người xưa tự “nhìn lại mình” thật đáng để người nay tự “soi gương”, tự vấn!

Tác giả: Thanh Hà

Nguồn: Tạp chí VHNT số 456, tháng 3-2021

 

;