Những kẻ du hành về tương lai...

Thông thường mỗi khi xuân đến tôi thường nhớ đến những ký ức ngọt ngào hoặc buồn bã những mùa xuân qua. Nhưng sao mùa xuân nay tôi lại không muốn nói về ký ức. Những năm tháng buồn nghèo đằng đẵng và những mùa đông rét mướt kéo qua tuổi thơ tôi cùng những đứa trẻ trong làng. Những năm tháng không có sách để đọc, không có phim để xem… Tất cả đó, giờ chỉ còn là một hình ảnh xa xôi ảo mờ trong trí nhớ. Cuộc đời đã khác, với biết bao biến thiên, lận đận và thời đại cũng đã thay đổi đi nhiều…

Sau này tôi thường tham gia dạy học cho các bạn trẻ. Đấy là lúc tôi gặp lại thời tuổi trẻ của mình và đồng hành với thế hệ sau. Tôi hạnh phúc vì hằng ngày vẫn nhìn những gương mặt non tơ, hồn nhiên, tràn đầy sức sống. Và điều quan trọng là tôi có dịp nghĩ về sự sống tiếp tục sinh sôi và dò tìm mối liên lạc trong tâm tư, tình cảm của lớp người đi trước với các thế hệ sau này. Đó không phải là một điều dễ dàng. Lịch sử có những bước đi nhanh chóng, có biết bao điều tưởng chừng rực rỡ, hay náo động một thời sẽ ngủ yên trong quên lãng và hóa thành hư vô. 

Không phải tự nhiên mà nhiều lần tôi lẩn thẩn nghĩ về tác giả dân gian nào đã sáng tạo ra câu chuyện Từ Thức (mà sau này được Nguyễn Dữ viết lại trong tập Truyền kỳ mạn lục). Chỉ một năm chàng Từ Thức lên trời, kết hôn với một nàng tiên, khi trở về, như một chớp mắt, thế mà đã là một trăm năm dưới trần gian. Khi Từ Thức rời cõi tiên đẹp đẽ kỳ thú trở lại với quê hương thì tất cả cảnh cũ người xưa đều biến mất. Chàng trơ trọi, bơ vơ trong nỗi mất mát không thể nào tưởng tượng được và cuối cùng chàng đành bỏ đi vào núi thẳm. Từ Thức là câu chuyện về con người cùng một lúc phải trải qua những nền văn minh và thời đại khác nhau. Đấy là một câu chuyện cổ tích đã gợi ra nhiều suy ngẫm hôm nay, khi sự hội nhập thế giới diễn ra vô cùng nhanh chóng, hệ giá trị cũ hằng ngày bị thay thế bởi những giá trị mới, nền văn minh quá khứ đang ngày một biến đi và con người bước vào một giai đoạn mới với vô vàn biến động.

Sống ở Hà Nội mấy chục năm, mỗi khi có dịp trở lại các vùng quê đã từng gắn bó, tôi không khỏi bâng khuâng. Hơn ba mươi năm trước, khi tôi rời nông thôn ra đi, nơi đó chỉ là vùng thuần nông thôn dã và con người thuần khiết, nhân hậu, thủy chung với nét đẹp văn hóa cổ truyền. Giờ, khi quay trở về, cảnh cũ người xưa đã khác. Những con đường nhựa, đường bê tông mở rộng chạy dọc từ đầu đến cuối làng đã thay cho những khóm chuối, bờ tre một thuở. Hai bên đường, những nhà cao tầng, những cửa hàng, cửa hiệu mọc lên san sát đã thay cho mái nhà tranh vách nứa như một biểu tượng thân thuộc từ bao đời. Trước khi tôi đi, cả làng chỉ có mấy chiếc xe máy, giờ chỗ nào cũng thấy ô tô đỗ kín bên đường. Và những người xưa áo nâu, khăn mỏ quạ, giờ đã không còn. Những người trẻ tuổi đã sinh ra, lớn lên dựng xây cuộc sống mới, với cách làm, cách nghĩ và cách sống mới, họ dường như không biết gì về những năm tháng đói khổ chưa xa.

Hoài tiếc… Mà thực ra làm sao có thể hoài tiếc về một sự đổi thay tất yếu. Dù sao, khi cảm nhận sự mất mát của những vẻ đẹp cũ xưa, có lần tôi đã không cầm lòng mà viết mấy câu thơ:

“Khu vườn thoảng hương cau

Lá trầu xanh ngoài dậu

Mái nhà tranh

Lừng còng

Áo nâu

Bà tôi…

Tuổi thơ mất rồi

Chỉ ký ức rưng rưng mỗi hoàng hôn cỏ úa

Quê hương san sát nhà bê tông

Những biển hiệu quảng cáo

Thiếu nữ @ nhìn tôi xa lạ

Người xưa đã thành hoa cỏ phía đồng xa…”

Sự đổi thay đã diễn ra nhanh chóng hơn mọi sự tưởng tượng và trên mọi bình diện của cuộc sống. Một đứa trẻ ở Hà Nội bây giờ có thể ngồi xem cảnh đón năm mới của cư dân trên toàn cầu qua một chiếc màn hình bé nhỏ hoặc tham dự một lớp học online của một giáo viên bên Mỹ. Mọi ranh giới, mọi khoảng cách đang được xóa nhòa, đang được rút ngắn nhờ công nghệ. Con người có thể giao lưu với nhau một cách dễ dàng hơn bao giờ hết. Nhưng lại phải đối diện với những áp lực khủng khiếp của công việc khi luôn phải gồng mình lên chống lại sự tụt hậu và sự cạnh tranh. Và chính trong điều kiện đó, con người dễ cô đơn, tâm tưởng dễ xa cách với nhau hơn trong thời đại đa văn hóa. Đôi khi người ta sống cạnh nhau, nhưng tư tưởng, tình cảm của người ta lại không thể đồng điệu, thậm chí đối nghịch với nhau. Vì thế, không tránh khỏi xung đột, va chạm như một tất yếu mà hoàn cảnh mang lại. Đó là nói cái cá nhân của con người, nhưng cũng có thể suy rộng ra như những xu hướng khác biệt đang ngày càng lộ rõ trong đời sống xã hội. 

Làng cổ Đường Lâm - Ảnh: internet

Nhiều học giả đã nói đến sự va chạm của các nền văn minh trong thời hiện đại. Trong vài chục năm nay, những giá trị phổ quát ở phương Tây dựa trên nền tảng công nghệ thông tin và văn hóa nghe nhìn được truyền bá vào các nước phương Đông, trong đó có Việt Nam đang làm đảo lộn nhiều chuẩn mực giá trị cổ truyền. Nền văn hóa đất nước, trong xu thế hội nhập đã nhào nặn lại và biến đổi không ngừng và không tránh khỏi sự lột xác đau đớn. 

Trong bối cảnh như vậy, sáng tác văn học nghệ thuật cũng sẽ gặp những thách thức to lớn. Đã qua rồi cái thời một tác phẩm nghệ thuật có thể dành được sự quan tâm của hầu hết mọi người trong xã hội. Con người ngày nay hướng về những câu chuyện riêng tư, với những tư tưởng, cảm xúc và mĩ cảm rất khác nhau, và vì thế, nhu cầu thưởng thức nghệ thuật cũng hết sức đa dạng. Và có lẽ vì thế chăng mà tôi nghĩ rằng, nền nghệ thuật hiện đại sẽ phải chấp nhận những dòng chảy của những tư tưởng thẩm mĩ khác biệt. Nó phải là một vườn hoa của những sắc màu phong phú, sinh động và ở đó, những cái mới không ngừng được sinh ra. 

Nhưng như thế vẫn là chưa đủ. Không có cái mới nào không được khởi sinh từ cái cũ. Không thể có một nền nghệ thuật rực rỡ hoàn toàn phi truyền thống. Cái tâm thức dân tộc, cái tiềm thức của cộng đồng, những tinh hoa ngàn năm của nền văn hóa sẽ tiếp tục hóa thân trong những hình thức mới, tạo nên những ám ảnh trong các hình tượng nghệ thuật mới. Nhưng làm sao, làm thế nào, cái mối liên lạc ngàn đời ấy trở nên dễ dàng hơn và không bị lìa đứt trong một thế giới đầy xô động với những biến thiên ghê gớm như hôm nay?

Tôi ngồi nghe những bản nhạc mà những bạn trẻ mới lớn say mê, nhưng không dễ tìm thấy được ở đó sự đồng cảm. Và cũng như vậy, những bài thơ, những cuốn tiểu thuyết một thời các bạn đồng lứa tôi yêu thích đã không còn được lớp bạn đọc sau này săn đón nữa. Đó không phải lỗi tại ai. Khi những cơ sở xã hội cho ý thức và mĩ cảm thay đổi quá nhanh thì sẽ tạo nên những sự đứt gãy văn hóa như thế đó. 

Dù muốn hay không, chúng ta đều là những kẻ du hành về tương lai. Chúng ta chỉ còn một cách là cố để hiểu biết thực tại và hình dung ra tương lai trong khả năng mình. Thế giới đang bước vào một kỷ nguyên mới với cuộc cách mạng khoa học lần thứ tư, ở đó kỹ nghệ sẽ chi phối vào hầu hết lĩnh vực và trí tuệ nhân tạo trở thành một ngành có uy quyền bậc nhất. Con người không chỉ cạnh tranh với chính mình mà còn cạnh tranh với chính những sản phẩm mà mình tạo ra. Chưa ai có thể tường tận những gì sẽ diễn ra vơi cuộc sống con người. Trong một tình thế như vậy, cầm bút vốn đã là một việc khó, lại càng khó…

Tản văn: THIÊN SƠN

Nguồn: Tạp chí VHNT số 520, tháng 12-2022

;