Là tác giả của những bộ phim truyền hình Ngược chiều nước mắt, Chạy trốn thanh xuân, Mùa hoa tìm lại, Lối về miền hoa…, đạo diễn Vũ Minh Trí được biết đến với sở trường các phim “ngôn tình”, tâm lý gia đình, tình yêu và tuổi trẻ trên sóng VTV. Với Mẹ ơi đừng cáu, một lần nữa anh trở lại với đề tài sở trường của mình trong những câu chuyện hôn nhân - gia đình đầy trắc ẩn và giàu nhân ái.
Nếu Bạch mã hoàng tử (2015) chuyển thể từ tác phẩm văn học cùng tên là một bộ phim dành cho tuổi teen đận chất lãng mạn thì kể từ bộ phim ngay sau đó Viết tiếp bản tình ca, đạo diễn Vũ Minh Trí đã bộc lộ rõ sở trường của mình trong những bộ phim xoay quanh đề tài hôn nhân và gia đình. Kể từ đây, những bộ phim của anh, dù đặt trong bối cảnh nào cũng đều là những câu chuyện về tình yêu, hôn nhân và những sai lầm, trả giá trên hành trình kiếm tìm hạnh phúc. Với lối kể chuyện nhẹ nhàng, dung dị xen lẫn nét hóm hỉnh duyên dáng, mỗi bộ phim của anh đều để lại những dư vị rất riêng.
Bộ phim Ngược chiều nước mắt là những vấn đề muôn thuở trong gia đình nhưng có sức hấp dẫn ngay khi lên sóng giờ vàng phim Việt vì đã mạnh dạn đề cập đến những vấn đề nhạy cảm như: mối quan hệ anh rể - em dâu, chuyện ngoại tình của thầy giáo, hành trình làm mẹ đơn thân của một cô sinh viên trẻ… Phim trở thành một trong những dự án phim thành công năm 2017 của Trung tâm sản xuất Phim truyền hình - Đài Truyền hình Việt Nam (VFC) vì có sự đầu tư chỉn chu, kỹ lưỡng, gửi gắm thông điệp nhân văn về tình yêu thương, lòng trắc ẩn của con người... và đã góp phần đưa khán giả Việt quay trở lại với màn ảnh nhỏ.
Cũng là một câu chuyện về gia đình, bộ phim Đừng bắt em phải quên (2020) lại xoay quanh cuộc hôn nhân của cặp vợ chồng trung niên dù bề ngoài tưởng như vẹn tròn viên mãn nhưng thực chất họ chỉ ở bên nhau như một thói quen, dù luôn khát khao tình cảm nhưng lại quên giữ lửa tình yêu. Đó cũng là lúc người thứ ba chen vào…
Phát sóng vào những ngày cả nước gồng mình trong đại dịch, Mùa hoa tìm lại (2021) được khán giả đón nhận bởi một câu chuyện dung dị, lối kể chuyện nhẹ nhàng, giản dị mà đi vào lòng người. Cũng là câu chuyện về hành trình kiếm tìm hạnh phúc nhưng đặt trên nền bối cảnh làng quê nông thôn với những con người hiền lành chân chất mà gần gũi đáng yêu. Kịch bản phim thuần Việt, tiết tấu nhẹ nhàng với số lượng tập phim vừa phải, cách gia giảm miếng hài và bi tinh tế, Mùa hoa tìm lại có thể được xem là một thành công của đạo diễn Vũ Minh Trí.
Cảnh phim Đừng làm mẹ cáu
Hai bộ phim Chạy trốn thanh xuân và Lối về miền hoa của Vũ Minh Trí lại tràn ngập hơi thở thanh xuân. Chạy trốn thanh xuân dù hài lước, lãng mạn, ngọt ngào nhưng vẫn có những nốt trầm dành riêng cho những cuộc hôn nhân khi tình yêu đã “hết kỳ hạn”. Khi đó, sự phản bội, những bí mật, phút giây mỏi mệt khiến cho con người luôn đứng trước sa ngã để rồi phạm sai lầm. Và đó cũng là tiền đề cho những đau khổ của thế hệ sau. Còn Lối về miền hoa (2022) cuốn hút khán giả bởi nội dung giản dị về tình yêu tuổi trẻ và chuyện lập nghiệp. Bộ phim cho thấy tay nghề đạo diễn của Vũ Minh Trí đã đạt đến độ chín với một phong cách riêng biệt và lối kể chuyện nhẹ nhàng, dung dị. Không cần tạo “drama” với những tình tiết hay câu chuyện giật gân, phim vẫn thu hút khán giả bằng sự tự nhiên, gần gũi.
Đừng làm mẹ cáu lại là một câu chuyện khá đặc biệt. Nó bắt đầu từ những trải nghiệm của chính biên kịch Diệu Thúy khi chính cô đã trải qua hành trình kết hôn rồi ly hôn, trở thành mẹ đơn thân từ khi còn rất trẻ. Và khi Diệu Thúy mạnh dạn kể câu chuyện của riêng mình, cô đã gặp được một bạn đồng hành đồng điệu là biên kịch Thủy Vũ. Kịch bản Đừng làm mẹ cáu ra đời khi cô con gái đáng yêu của biên kịch Diệu Thúy đã trở thành nguồn cảm hứng. Câu chuyện là hành trình đầy nước mắt và cả nụ cười của Hạnh - cô gái 18 tuổi vừa chuẩn bị bước chân vào đại học thì biến cố ập đến khi chị gái cô ăn chơi gặp tai nạn. Mất nhà cửa, lại phải nuôi con gái vừa lọt lòng của chị, Hạnh bắt đầu cuộc sống của một người mẹ đơn thân: không nhà cửa, không chồng, không tiền bạc và không cả kinh nghiệm. Theo thời gian, đứa trẻ lớn dần lên, quá trình hình thành nhân cách của bé cũng chính là hành trình trưởng thành của Hạnh. Hai mẹ con nương tựa vào nhau, bộn bề nỗi lo cơm áo nhưng cũng ấm áp tình thân, con gái trở thành động lực để Hạnh nỗ lực hoàn thiện bản thân mình và kiếm tìm hạnh phúc. Hành trình của hai mẹ con đã mở ra một câu chuyện rộng lớn hơn với nhiều cảnh ngộ hơn.
Biên kịch Thủy Vũ tiết lộ, dự án này là một thử thách với hai nhà biên kịch và cả đạo diễn Vũ Minh Trí bởi nó là câu chuyện đầy trắc ẩn về những cung bậc của tình mẫu tử khi không phải người phụ nữ nào cũng sẵn sàng để làm mẹ, không phải đứa trẻ nào cũng có quyền lựa chọn mình sẽ ra đời. Số phận hoặc chính cuộc đời đã xô đẩy họ, có những nỗi niềm của người mẹ khiến đứa con lớn lên trong trách móc. Đó là hoàn cảnh của ba người mẹ: Hạnh và bé Happi, Vy và bé Voi, bà Kim mẹ của Quân. Từ những câu chuyện rất riêng tư của họ mở ra góc khuất trong tâm hồn những người làm mẹ. Người phụ nữ nào cũng mong muốn được hạnh phúc nhưng có những lúc họ buộc phải lựa chọn. Cách sống và lựa chọn của người mẹ sẽ phản ánh trong tâm hồn trẻ thơ, bởi vậy mà mẹ sẽ luôn cáu trong khi con lúc nào cũng thơ ngây với rất nhiều câu hỏi. Nhóm biên kịch và cả đạo diễn vẫn đang vật lộn với những cung bậc khó nói thành lời ấy và chưa biết sẽ kết thúc câu chuyện như thế nào.
Sau câu chuyện cảm động lấy nước mắt trong Thương ngày nắng về, một lần nữa khán giả lại được đắm chìm trong những cung bậc cảm xúc của tình mẹ với Đừng làm mẹ cáu - lần này là một câu chuyện nhỏ xinh hơn. Tình mẫu tử được nhìn từ nhiều phía, từ câu chuyện mẹ con mở ra nhiều hướng để nhìn cuộc đời. Hẳn sẽ có nhiều khán giả nhìn thấy mình trong đó, và chứng kiến hành trình yêu thương - cùng trưởng thành của người mẹ với những đứa con, họ sẽ nhận ra bao la tình mẹ, cuộc đời thật hạnh phúc khi có con và đủ đầy biết bao khi đứa con coi mẹ là cả thế giới của mình. Vẫn lối kể chuyện nhẹ nhàng, dung dị mà gần gũi, đạo diễn Vũ Minh Trí khiến người xem xúc động và cuốn theo mạch chuyện, để rồi nhận ra rằng tình cảm gia đình chính là động lực để mỗi người mạnh mẽ đối mặt với những sóng gió cuộc đời, bởi mỗi khi vấp ngã, ta vẫn còn có mẹ.
Câu chuyện xúc động này đã làm rung động trái tim của chính các diễn viên. Quỳnh Kool thú nhận cô vào vai mẹ hoàn toàn bằng bản năng, chưa từng có chút kinh nghiệm nào và hành trình làm mẹ của Hạnh cũng chính là hành trình khám phá bản năng người mẹ trong cô. Câu thoại khiến Quỳnh Kool ám ảnh và nhớ lâu nhất chính là khi Hạnh than thở với con mình trong nước mắt: “Mẹ thấy mình kém cỏi và nghèo nàn nên ai cũng có quyền bắt nạt, mắng mỏ mẹ. Sao khóa học làm mẹ này mẹ học mãi chưa xong?”.
Còn Bình An trong vai Khôi - người trở thành bố sau cuộc tình một đêm và sống trong cuộc hôn nhân “không mặn không nhạt” với Vy vì trách nhiệm - thì chia sẻ: “Đây thực sự là một khóa học làm bố của tôi, trước khi làm bố thật ở ngoài đời!”.
Đạo diễn Vũ Minh Trí và các diễn viên trong phim Đừng làm mẹ cáu
Sự tinh tế trong tay nghề của đạo diễn còn bộc lộ rất rõ trong việc anh biết khéo léo lựa chọn và khái thác nét diễn xuất còn thô mộc, non nớt nhưng trong veo của hai diễn viên nhí An Nhiên (5 tuổi) trong vai bé Happi và Tuấn Phong (7 tuổi) trong vai bé Voi. Bên cạnh những biểu cảm hồn nhiên, ngây thơ của Tuấn Phong là nét đẹp đáng yêu của bé An Nhiên. Đặc biệt, những câu thoại già dặn “khôn trước tuổi” của một cô bé luôn tự cho mình là “nhất định khôn ngoan hơn mẹ nên sẽ tìm được cho mẹ một người chồng tốt” của An Nhiên thực sự là làn gió mát lành, mang đến nét dí dỏm rất thú vị của bộ phim Đừng làm mẹ cáu. Phim phát sóng lúc 21h40 các ngày thứ 5, 6 hàng tuần trên kênh VTV3 từ ngày 1/12/2022.
LƯƠNG MINH
Nguồn: Tạp chí VHNT số 517, tháng 11-2022