Trong quá trình khai phá vùng đồng bằng sông Cửu Long, lịch sử người Khơme đã ghi nhận và tôn vinh nhiều nhân vật, trong đó có Tiền quân Thống chế Điều bát tướng quân Nguyễn Văn Tồn, nhân vật lịch sử tiêu biểu của cộng đồng người Khơme ở Nam Bộ giai đoạn cuối TK XVIII đầu TK XIX.
Nguyễn Văn Tồn nguyên là người Khơme (1). Về tên gốc Khơme của ông chưa có sự thống nhất, có tài liệu chép là Thạch Duông, Thạch Duồng, Duôn. Tác giả Vương Hồng Sển cho biết: “Nguyễn Văn Tồn, nguyên ông có tên là Duông, vì có công lớn, được ban quốc tính; ông giữ chức Điều bát, ở Trà Ôn. Cho nên người dân ở đấy không dám gọi cá duồng mà phải đổi lại gọi là cá bay”(2). Các sử gia nhà Nguyễn chép: “Tồn trước tên là Duyên, không có họ”(3). Một số tư liệu khác viết, ông có tên là Dung, vì tước phong của ông là Dung Ngọc hầu. Điều này phù hợp với ghi chép của Trịnh Hoài Đức: “…bỗng viện binh Gia Định đến, tiếp hộ Nặc Ông Chân về thành. Thụy Ngọc hầu thống quản đồn Uy Viễn; Dung Ngọc hầu Nguyễn Văn Dung đóng giữ xứ Lò Yêm”(4) và văn bia tại Lăng Ông có ghi: “Mộ của Dung Ngọc hầu, Tiền quân Thống chế Điều bát Nguyễn Văn Tồn…”.
Thạch Duông sinh năm 1763 tại làng Nguyệt Lãng, xã Bình Phú, huyện Càng Long, tỉnh Trà Vinh (5), dưới thời Võ vương Nguyễn Phúc Khoát (1738-1765). Thời trẻ, ông được sung vào hàng dịch đình nô (người giúp việc trong phủ chúa Nguyễn), hết lòng tận tụy trung thành và luôn được tín cẩn hầu cận. Năm 1774, trước sức tấn công mạnh mẽ và ác liệt của quân Trịnh, chúa Nguyễn Phúc Thuần và Nguyễn Ánh phải vượt biển vào Gia Định tránh nạn. Thạch Duông cũng theo hầu chuyến đi này. Trong những lúc khó khăn và gian nan nhất (giai đoạn 1774-1783), ông đã sát cánh cùng chủ tướng Nguyễn Ánh, dù phải bôn tẩu khắp các vùng đất của Gia Định xưa như: Long Xuyên, Sa Đéc, Giòng Lữ, Hậu Giang, Giá Khê, Hà Tiên, Ba Giòng, Mỹ Tho, đảo Phú Quốc, hòn Đá Chồng, đảo Côn Lôn… Vì có công nên Thạch Duông được ưu ái ban cho họ và tên là Nguyễn Văn Tồn. Đây là một vinh dự lớn lao chỉ dành cho những người thân tín, có nhiều công trạng (cũng được coi là ban quốc tính) (6) và cũng từ đây tên tuổi của ông được ghi chép khá nhiều trong chính sử của nhà Nguyễn.
Trước sự vây ráp của quân Tây Sơn, tháng 2-1784 (7), chúa Nguyễn Ánh buộc phải sang Xiêm La cầu viện. Nguyễn Văn Tồn là người Khơme duy nhất theo chúa sang Vọng Các (nước Xiêm La) với chức Cai đội: “Vua bèn đi một thuyền sang Xiêm, bầy tôi đi theo có Tôn Thất Hội, Trương Phúc Giáo, Hồ Văn Bôi, Lưu Văn Trung, Nguyễn Văn Trị, Nguyễn Văn Huấn, Trần Văn Xạ, Nguyễn Văn Tồn (người Chân Lạp), Bùi Văn Khoan, Lê Thượng và nội trù Nguyễn Văn Hội, hơn 30 người, quân theo cũng vài mươi người”(8). Tháng 6-1784, chúa rời Xiêm La đem quân về Gia Định mưu cuộc khôi phục, nhưng thế và lực quân Tây Sơn vẫn còn rất mạnh nên lại phải sang Vọng Các lần thứ hai vào tháng 3-1785. Ông tiếp tục được theo hầu chúa Nguyễn Ánh và “mùa thu năm Đinh Mùi, (ông) từ Xiêm La trở về”(9). Ngay sau khi về nước, ông cùng Hồ Văn Bôi, Nguyễn Văn Trị, Trương Phúc Giáo phối hợp với Lê Văn Quân đánh quân Tây Sơn ở bảo Ba Lai (10) (thuộc huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre) và giành thắng lợi lớn, bèn thừa thắng tiến đóng ở Mỹ Tho (tỉnh Tiền Giang).
Để huy động nhân tài và vật lực của người dân Gia Định, nhất là cộng đồng người Khơme ở vùng Trà Vinh và Mân Thít, tháng 9-1787, chúa Nguyễn Ánh đã “sai Nguyễn Văn Tồn chiêu tập dân Phiên hai xứ Trà Vinh và Mân Thít được vài nghìn người, biên bổ làm lính, gọi là đồn Xiêm binh, cho Tồn làm Thuộc nội Cai đội để cai quản”(11). Trong thời gian làm Thống quản nơi đây, ông đã huy động nhân dân Khơme khai khẩn đất hoang theo phương thức đào ao, lên liếp, chọn giồng, lập nhiều phum sóc mới, phát triển sản xuất và bảo vệ cuộc sống yên bình cho nhân dân. Không những vậy, tháng 10-1787, ông cùng đội quân của mình liên kết với Tôn Thất Huy, Tôn Thất Hội và Lê Văn Quân đánh lui quân Tây Sơn ở Ba Lai (lần thứ hai), Mỹ Lung, Ba Giòng (Tam Phụ), buộc tướng Phạm Văn Tham phải rút quân khỏi Mỹ Tho về Sài Gòn.
Bên cạnh việc luyện tập và tổ chức quy củ đội ngũ Xiêm binh, ông còn đề cử, giới thiệu một số tướng lĩnh người Khơme tham gia vào đội quân của chúa Nguyễn. Tháng giêng 1795, “Cai đội quản Xiêm binh là Nguyễn Văn Tồn xin lập phiên binh phủ Trà Vinh làm một chi 5 hiệu, phiên binh xứ Mân Thít làm đạo Tiền du, đặt các chức chánh phó trưởng chi, trưởng hiệu, cai đội, đội trưởng để cai quản. Vua y cho. Bèn lấy Ốc Nha Diệp và Ốc Nha Oa, làm chánh phó trưởng chi quản các hiệu đội phiên binh 1.500 người, theo Nguyễn Văn Tồn đến Bà Rịa để theo việc quân”(12).
Tháng 11-1796, Nguyễn Văn Tồn đem bộ thuộc của mình phối hợp với các cánh quân của dinh Bình Thuận bao vây và tiến đánh bọn phản loạn của Toàn Phù, tù trưởng Ba Phủ thuộc Thuận Thành (13). Hai bên chiến giữ giằng co, mãi tới tháng 2-1797, với sự tăng viện quân lương, quân của chúa Nguyễn Ánh mới giành được thắng lợi (14).
Dưới sự điều khiển của Võ Tánh, Nguyễn Văn Tồn cùng đội Xiêm binh đã tham gia vào những trận đánh quân Tây Sơn ở thành Quy Nhơn cuối năm 1798. Sau khi chiếm được thành, ông được lưu lại trấn giữ thành Bình Định. Đầu năm 1801, quân Tây Sơn, dưới sự điều khiển của hai võ tướng Trần Quang Diệu và Vũ Văn Dũng, đã tổ chức vây thành Bình Định một cách chặt chẽ, nội bất xuất, ngoại bất nhập, khiến cho quan quân của chúa Nguyễn ở trong thành khốn đốn. Qua 5 tháng bị bao vây, lương thực gần hết, viện binh chưa đến (15), dù quan quân trong thành đã chiến đấu rất dũng cảm, nhưng không thể chống cự được, Võ Tánh, Ngô Tòng Chu và Nguyễn Tiến Huyên đã tử tiết để quân lính không khỏi tổn thương nhiều. Thành Bình Định mất, toàn bộ tướng sĩ trong thành không bị giết nhưng “về sau họ thừa cơ về với ta, không ai chịu làm việc với giặc”(16). Trong trận chiến giữa quân Tây Sơn với quân chúa Nguyễn Ánh ở Tân Quan, Mỹ Ý, Sa Huỳnh, My Sơn, Úc Sơn (giáp giới giữa tỉnh Quảng Ngãi và Quy Nhơn) vào tháng 6-1801, Nguyễn Văn Tồn cùng với Phạm Văn Lý, Nguyễn Văn Hiếu “tự trong quân giặc đem sở thuộc hơn 800 người trở về với ta”(17). Về sự kiện này, cả sách Đại Nam thực lục và Đại Nam liệt truyện có bổ sung: “Năm Tân Dậu (1801), thành (Bình Định) bị hãm, giặc bắt được, Tồn giả cách vì giặc hết sức đánh, quân ta vẫy về, Tồn không đoái hoài, giặc lấy làm tin. Tồn bèn thừa cơ quay về với ta (18).
Tháng 5-1802, Nguyễn Ánh chính thức lên ngôi Hoàng đế, đặt niên hiệu là Gia Long. Để ghi nhận công lao, vua đã bàn công khen thưởng cho các quân thủy bộ và sai “thống quản các dinh quân đem danh sách dâng lên, thăng thụ cho các Thống chế, Thống đồn, Chưởng cơ, Cai cơ, Cai đội, Phó đội, Đội trưởng, Tham quân, Tham luận, Cai án, Thư ký, Tri bạ, Cai hợp, theo thứ bậc khác nhau”(19). Thống quản đồn Xiêm binh Nguyễn Văn Tồn được thăng chức Cai cơ và “sở thuộc là bọn Nguyễn Văn Điền hơn 200 người đều được trao chức Cai đội, Phó đội, Đội trưởng theo thứ bậc khác nhau”(20). Không những vậy, vua Gia Long còn thương tình khó nhọc vì có công chiêu tập binh đinh, theo việc binh nhung đã lâu cho nên tháng 11-1802, Nguyễn Văn Tồn được phép đem quân Xiêm sở thuộc về quê nghỉ ngơi và “sai đặt đồn Trà Ôn ở Trấn Giang cho Tồn kiêm quản cả hai phủ Trà Vinh và Mân Thít, lệ vào dinh Vĩnh Trấn”(21). Từ đây, Nguyễn Văn Tồn càng có nhiều thời gian và điều kiện gắn bó mật thiết với vùng đất Trà Ôn, tiếp tục công việc mở đất, tạo lập xóm làng, giữ gìn an ninh trật tự ở biên giới.
Tháng 8-1808, vua Gia Long cho “triệu Thống quản đồn Xiêm quân là Nguyễn Văn Tồn đem bọn trưởng chi trưởng hiệu quân sở bộ về Kinh. Đến nơi, thưởng cho tiền theo thứ bực khác nhau, ở hơn một năm rồi cho về”(22). Đây không chỉ là vinh dự cho Nguyễn Văn Tồn và cộng đồng người Khơme mà còn là một trả ơn cho vị công thần thân tín, trung thành. Trở về quê hương, tháng 10-1810, “quản trấn binh Nguyễn Văn Tồn quản lãnh binh hai phủ Trà Vinh và Mân Thít” cùng với đội quân triều đình nhà Nguyễn đem quân đi tuần biên giới giáp với nước Chân Lạp để đề phòng và chế ngự sự xâm lấn của nước Xiêm La. Cũng nhằm mục đích phòng thủ vùng biên giới phía tây nam của đất nước, tháng 11-1810, vua Gia Long đã quyết định “đổi đồn Xiêm binh làm đồn Uy Viễn”(23). Khi quân triều đình sang “bảo hộ” và “giúp đỡ” Chân Lạp trước sự uy hiếp của quân Xiêm La, tháng 12-1810, vua cho triệu Nguyễn Văn Nhân rút quân về nước, nhưng “Nặc Chăn lấy cớ nước mới yên định, tình dân chưa yên, xin lưu quân lại bảo vệ. Bèn sai Nguyễn Văn Tồn đem 1.000 binh đồn Uy Viễn đóng thú ở đấy”(24). Tuy nhiên, vì không quen thông thổ, ở La Bích khí hậu lam chướng, quân nhiều người bị bệnh nước độc. Nguyễn Văn Nhân đã tâu xin vua cho Nguyễn Văn Tồn và quân lính đồn Uy Viễn rút về nước (25).
Ngay sau khi về nước, vua Gia Long đã triệu “Quản đạo Kiên Giang là Trương Phúc Giáo và Quản đồn Uy Viễn là Nguyễn Văn Tồn vào chầu, vua cho mỗi người 10 lạng vàng, 30 lạng bạc và 200 quan tiền, áo thường 3 cặp, mũ áo một bộ”(26). Sách Đại Nam liệt truyện cho biết thêm: “(Gia Long) năm thứ 10, lại triệu ông vào Kinh, thăng chức Thống chế, vẫn coi đồn Uy Viễn. Khi trở về cho 10 lạng vàng, 30 lạng bạc, 200 quan tiền, 1 bộ mũ áo đại triều, rồi sai đem 1.000 lính đồn đi đóng thú ở thành Nam Vang”(27). Đây là đặc ân của vua dành cho hai vị công thần có gắn bó từ thuở chúa bôn tẩu khắp các vùng đất Gia Định cũng như sang Vọng Các (28).
Quân Xiêm La cậy nhờ binh thuyền mạnh, nhiều lần gây hiềm khích nơi biên giới, uy hiếp nước “chư hầu” Chân Lạp. Trước tình hình đó, tháng 5-1812, vua Gia Long đã “hạ lệnh cho Mạc Văn Tô đem quân tiến đóng ở Quang Hóa, mà sai Đào Quang Lý dời giữ Xỉ Khê (tên đất, thuộc đạo Quang Hóa) và Thống quản đồn Uy Viễn là Nguyễn Văn Tồn giữ Thông Bình (thuộc đất Tây Ninh ngày nay)”(29), cùng nhau đắp lũy, tiếp ứng cho nhau, khiến quân địch sợ không dám phạm, buộc phải rút lui. Sau đó, ông trở về coi đồn Uy Viễn, tiếp tục cai quản vùng Trà Ôn, Cầu Kè, Mân Thít…
Tháng 9-1817, trước nhiều biến động của thời cuộc, thuộc binh của ông bị sai phái đi nhiều nơi, cho nên quân số có giảm. Ông đã chủ động đề nghị với triều đình “xin cho con là Nguyễn Văn Vị mộ người lập ba đội Uy Viễn nhất, nhị, tam, rồi mộ được hơn 100 người, sai bổ vào các đội tinh binh, lại xin mộ thêm đủ 1 cơ tinh binh, cơ có 10 đội, đội có 50 người” để tăng thêm tiềm lực bảo vệ nơi biên viễn.
Tháng 9-1819, vua Gia Long cho đào vét sông Châu Đốc thông đến Hà Tiên, vừa đảm bảo “kế sách của nhà nước, mưu hoạch về biên thùy, đều quan hệ không nhỏ… thực có lợi muôn đời” vừa giúp “dân Chân Lạp được nhờ lợi, vua Phiên (Chân Lạp) cũng muốn thế”. Đây là công trình có ý nghĩa vô cùng quan trọng nên vua Gia Long đã “sai Trấn thủ Vĩnh Thanh là Nguyễn Văn Thụy và Chưởng cơ Phan Văn Tuyên đốc suất dân phu 5.000 người và binh dân đồn Uy Viễn 500 người, Đồng Phù quản suất dân Chân Lạp 5.000 người, đến tháng 12 khởi công đào (30). Thống quản đồn Uy Viễn Nguyễn Văn Tồn cũng trực tiếp tham gia công trình này.
Do quá tận tụy với công việc, lại làm việc trong điều kiện vô cùng khắc nghiệt, ngày mùng 4 tháng giêng năm Canh Thìn (tức ngày 27-2-1820), Nguyễn Văn Tồn ốm và mất tại Trà Ôn (31). Các sử gia nhà Nguyễn có chép: “Thống quản đồn Uy Viễn là Nguyễn Văn Tồn chết. Vua Minh Mệnh dụ bộ Lễ rằng: Nguyễn Văn Tồn tuy là ở ngoài giáo hóa, nhưng làm tôi thờ tiên đế, đã nhiều năm vất vả, một lòng trung thành, rất đáng thưởng. Bèn sai quan dụ tế, cho hai cây gấm Tống, 20 tấm vải, 200 quan tiền. Lấy Phó quản đồn là Cai cơ Hồ Văn Thất thự Chánh quản đồn, An phủ là Tót làm Phó quản đồn”(32). Ngay sau khi ông chết, vua Minh Mệnh ra lệnh tuyển chọn đội tinh binh đồn Uy Viễn lập thành cơ Tĩnh Biên, giao cho người con là Nguyễn Văn Vị quản lý, được tập ấm tước vị Cai đội thụ Chánh quản cơ. Không những vậy, vua còn cấp cho 7 tên phu coi mộ Nguyễn Văn Tồn ở Trà Ôn (33). Tháng 4-1828, con trai là Quản cơ Nguyễn Văn Vị tâu xin vua Minh Mệnh truy tặng và ban sắc cho cha mình chức Thống chế (phẩm trật chánh Tam phẩm), vì trước kia mới chỉ tặng chức Võ công tướng quân. Cũng nhân dịp này, vua Minh Mệnh đã ngợi ca về lòng trung thành, dũng cảm của Nguyễn Văn Tồn khi dụ bảo bộ Lễ rằng: “Tồn tuy xuất thân từ đứa ở, mà lòng trung dũng đã tự trời cho, Kim Nhật Đê (34) đời Hán cũng không hơn được. Trước kia trong trận Bình Định, quân Uy Viễn đã mất về giặc Tây Sơn, giặc yêu tài của Tồn, Tồn giả cách theo, rồi tìm cách dẫn được cả quân trở về, thực là người trí dũng”(35).
Với những công lao to lớn, Nguyễn Văn Tồn được ban sắc tặng Trung đẳng thần, hàm ân Trung dũng Thiên trực, tước Dung Ngọc hầu; vợ ông được ban mỹ tự là Hiền thục chi thần Thống chế Đại quan. Nhân dân vùng Trà Ôn tưởng nhớ vị tiền hiền, đã xây lăng thờ cúng, với tên gọi đầy tôn kính và thân mật - Lăng Ông, hiện đang an vị tại giồng Thanh Bạch, ấp Mỹ Hòa, xã Thiện Mỹ, huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long. Lễ hội chính được tổ chức vào ngày mùng 3 và 4 tháng giêng âm lịch hàng năm (ngày hóa của thần) với nhiều nghi thức trang nghiêm và long trọng, trở thành ngày hội lớn của nhân dân các dân tộc anh em Khơme, Hoa, Việt,… vùng Trà Ôn, Cầu Kè của tỉnh Vĩnh Long và Trà Vinh (36). Di tích Lăng Ông được Bộ Văn hóa - Thông tin xếp hạng là Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia ngày 13-2-1996.
_______________
1. Các sử gia triều Nguyễn không chép rõ là người Khơme mà thường dùng các cụm từ như “người nước Chân Lạp”, “người Cao Mên”, “người Phiên”, “dân Phiên”,…
2. Vương Hồng Sển, Tự vị tiếng Việt miền Nam, Nxb Trẻ, TP.HCM, 1999, tr.443.
3. Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam liệt truyện, tập 2, Viện Sử học và Nxb Thuận Hóa, Huế, 2006, tr.534.
4. Trịnh Hoài Đức, Gia Định thành thông chí, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 1998, tr.83.
5. Thời điểm ông sinh ra, vùng đất Trà Vinh đã được sáp nhập vào cương thổ của nhà Nguyễn.
6. Nguyễn Ánh - Gia Long đã ban họ và tên cho nhiều người, thuộc nhiều sắc tộc và quốc tịch khác nhau. Người Chàm có: Bô Kha Đáo (đổi thành Nguyễn Văn Chấn), Thôn Ba Hú (thành Nguyễn Văn Hào), Môn Lai Phù (thành Nguyễn Văn Chiêu). Người Pháp có: Jean Baptiste Chaigneau (tên Việt là Nguyễn Văn Thắng), Philippe Vannier (tên Việt là Nguyễn Văn Chấn), De Forcan (thành Nguyễn Văn Lăng)…
7. Đại Nam liệt truyện, tập 2, sđd, tr.534 chép năm Giáp Thìn (1786) là không đúng.
8, 12, 16, 17, 18, 19, 20, 21, 22, 23, 24, 25, 26, 27, 29, 30. Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, tập 1, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 2004, tr.220, 221, 317, 450, 492, 493, 536.
9. Đại Nam liệt truyện, tập 2, sđd, tr.534; Đại Nam thực lục, tập 1, sđd, tr.227 có đoạn: Ngày Bính Dần mùa thu tháng 7 năm Đinh Mùi (1787), “vua tự nước Xiêm trở về, trú ở Hòn Tre”.
10. Theo Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn thì Ba Lai là 1 trong 4 thủ (Đồng Tranh, Đại, Tiểu và Ba Lai) phòng vệ ở các cửa biển, do chúa Nguyễn đặt ra từ TK XVIII. Sách Đại Nam nhất thống chí (tập 5, phần Định Tường, tr.127-128) ghi là tấn Ba Lai, trên có đồn Thuận Phúc.
11. Đại Nam thực lục, tập 1, sđd, tr.230; Đại Nam liệt truyện, tập 2, sđd, tr.534.
13. Nay thuộc huyện Tuy Lý, tỉnh Bình Thuận.
15. Chúa Nguyễn Ánh cũng nhận thấy thành Bình Định vô cùng quan trọng trên con đường tiến ra giải phóng Phú Xuân, vì vậy, chúa sai Lê Văn Duyệt, Tống Viết Phước, Lê Chất, Nguyễn Văn Thành… chia đường tiến quân ra giải vây, cứu thành Bình Định.
27, 28. Đại Nam liệt truyện, tập 2, sđd, tr.534, 276.
31. Nguyễn Văn Tồn sinh sau chúa Nguyễn Ánh 3 năm nhưng lại mất trước vua Gia Long 24 ngày (vua Gia Long mất ngày 3-2-1820), 57 tuổi đời.
32, 35. Đại Nam thực lục, tập 2, sđd, tr.42, 749.
33. Nguyễn Văn Vị tuy là con cháu công thần, có công lao với nhân dân vùng Trà Ôn (Vĩnh Long) nhưng có người tố cáo Vị ngầm liên hệ với Lê Văn Khôi chống lại triều đình. Vua Minh Mệnh đã nghĩ tình cha, không truy cứu tội của con, song từ đó con cháu của Nguyễn Văn Tồn không còn được hưởng chế độ tập ấm nữa.
34. Kim Nhật (Mật) Đê là Thái tử của Hưu Đồ vương nước Hung Nô, sau về với nhà Hán, trước làm Mã giám, sau thăng đến chức Xa kỵ Tướng quân, là người tính tình nghiêm cẩn trọng hậu nên Hán Vũ Đế rất tin dùng.
36. Tại Lăng Ông còn lưu giữ đôi câu đối thể hiện sự kính ngưỡng của người Khơme, người Hoa đối với vị tiền hiền Nguyễn Đức Tồn: Hoa di cộng ngưỡng/Mân Quảng đồng tri ân (Người Hoa, người Khơme đồng ngưỡng mộ/Người Phúc Kiến, người Quảng Đông đều nhớ ơn).
Nguồn : Tạp chí VHNT số 362, tháng 8-2014
Tác giả : Lâm Văn Rạng