Nhạc sĩ Tô Văn đến với âm nhạc bằng cả trái tim

Là người con vùng đất Quảng Xương, Thanh Hóa, nhưng nhạc sĩ Tô Văn (Tô Ngọc Văn) lại sống và làm việc tại tỉnh Lai Châu. Vẻ đẹp thiên nhiên, tình người ấm áp và đặc biệt là nét bản sắc văn hóa nơi vùng cao không chỉ “níu giữ” bước chân nhạc sĩ mà còn trở thành nguồn cảm hứng sáng tác dồi dào trong anh. Nhiều tác phẩm âm nhạc với giai điệu nhẹ nhàng, sâu lắng của anh đã để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng khán giả.

Năm 2010, trong một chuyến anh lên thăm Lai Châu, Tô Văn đã bị quyến rũ bởi vẻ đẹp hùng vĩ nguyên sơ của thiên nhiên và nét bí ẩn của văn hóa các dân tộc thiểu số. Càng khám phá, Tô Văn càng “say” và yêu sâu đậm miền đất này, vì thế, “đứa con” đầu tiên của anh đã “chào đời” với tên gọi: Kỳ quan Tiên Sơn động. Anh chia sẻ, “đây là tác phẩm được phổ từ thơ của nhà thơ Mạc Đích. Tiên Sơn động có nghĩa là Động Tiên Sơn, nơi huyền bí, linh thiêng thuộc huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu. Khi tác phẩm ra đời thật sự tôi ngỡ ngàng và hồi hộp, vì tác phẩm đầu tiên bao giờ cũng mang cho mình nhiều cảm xúc nhất. Tác phẩm đã giành giải của Hội Văn học nghệ thuật tỉnh, và cũng là giải thưởng đầu tiên trong sự nghiệp âm nhạc của tôi”.

Sự thành công đó là chất “xúc tác” mạnh mẽ để anh tiếp tục phổ nhạc và sáng tác các ca khúc ngợi ca vẻ đẹp thiên nhiên, cuộc sống, con người miền đất tình người: Mời anh về Lai Châu, Về Lai Châu ta đi chợ phiên (thơ Lương Chiến Công), Lai Châu nhớ mãi ơn Người (thơ Nguyễn Xuân Phong), Chợ phiên vùng cao (thơ Hoàng Minh Giang)… Trong số đó, Về Lai Châu ta đi chợ phiên với nhạc sĩ là một ca khúc rất đặc biệt. Bởi, “Ca khúc được phổ nhạc bài thơ của anh Lương Chiến Công, hiện là Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Lai Châu. Bằng âm nhạc, tôi đã góp phần khắc họa bức tranh chợ phiên một cách tự nhiên và chân thật. Ca khúc có nét nhạc tươi khỏe và phát triển từ chất liệu Mông, rất phù hợp với dòng hơi thở, tiếng nói của đồng bào quê hương Lai Châu” - nhạc sĩ cho biết. Hay, tác phẩm Gieo chữ trên rẻo cao do anh sáng tác không chỉ dành được sự yêu mến của khán giả mà còn được giới trong nghề đánh giá cao. Ca khúc là lời tự sự của người thầy giáo đã cống hiến tuổi thanh xuân để “lội qua bao con suối, vượt qua bao dốc đèo” mang tri thức “thắp sáng tương lai” trẻ em miền sơn cước… 

Với sự say mê và cống hiến cho âm nhạc, năm 2014, Tô Văn chính thức trở thành hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam. Cũng từ đây, sự sáng tạo trong anh càng trở nên mạnh mẽ, nhiều cuộc thi sáng tác ca khúc do Hội và các tổ chức phát động, đã có sự góp mặt của anh. Vì thế, nhạc sĩ Tô Văn đã vinh dự được trao tặng nhiều giải thưởng: Giải C - Giải thưởng Văn học nghệ thuật Lai Châu lần thứ II năm 2017 với ca khúc Thương lắm ing lả ơi; Giải A - Giải thưởng của Bộ Công an về đề tài Công an nhân dân nhân dịp kỷ niệm 75 năm Ngày Truyền thống Công an nhân dân và 15 năm Ngày hội “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” năm 2020 với ca khúc Bình yên nơi biên cương; giải Khuyến khích trong cuộc thi “Sáng tác ca khúc về thầy, cô và mái trường” do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức năm 2020 với ca khúc Gieo chữ trên rẻo cao; Giải C - Giải thưởng Hội Nhạc sĩ Việt Nam năm 2020 với ca khúc Những bông hoa nở giữa mùa dịch...

Hơn 10 năm gắn bó, Lai Châu giờ đây đã trở thành quê hương thứ hai của Tô Văn, nhưng nhạc sĩ vẫn hướng về “nơi chôn nhau cắt rốn”, sự nhung nhớ đó đã được anh gửi gắm tình cảm vào ca khúc Quê Thanh miền đất tình người và đã được ca sĩ nổi tiếng Anh Thơ thể hiện. “Là người con xứ Thanh nên dù đi xa nhưng trong lòng tôi luôn đau đáu trong tim với nỗi nhớ về quê hương mình. Bằng nỗi nhớ đó, mới đây tôi đã viết ca khúc Quê Thanh miền đất tình người dành cho quê hương. Điều đặc biệt là người thể hiện ca khúc này cũng chính là người con Quảng Xương, một ca sĩ nổi tiếng của nền âm nhạc Việt Nam, ca sĩ Anh Thơ. Tôi coi đó là món quà mà hai người con Quảng Xương dành tặng người dân xứ Thanh. Giọng hát của ca sĩ Anh Thơ thật ngọt ngào, da diết, đã chuyển tải được tâm tư, nỗi lòng tôi. Có những người bạn, cũng xa quê như tôi, sau khi nghe ca khúc đã phải thốt lên: “Nhớ quê quá!”- anh tâm sự.

Với số lượng khá nhiều ca khúc, có thể thấy, Tô Văn là một nhạc sĩ sáng tác “khỏe” và đa dạng đề tài. Ở mỗi thể loại anh đều có sự đầu tư nghiêm túc, tìm tòi, nghiên cứu và sáng tạo. Vì thế các tác phẩm của anh không chỉ đọng lại ấn tượng tốt đẹp mà còn gây xúc động đối với người nghe, nằm trong số đó là tác phẩm Lặng lẽ xanh, ca khúc về đề tài công an nhân dân. Chia sẻ về ca khúc này, anh cho biết “Cho đến nay tôi đã sáng tác 6 ca khúc về đề tài CAND, trong đó Lặng lẽ xanh (lời thơ Đại tá Phạm Hải Đăng, Phó Giám đốc Công an tỉnh Lai Châu) đã để lại trong tôi nhiều ấn tượng và cảm xúc nhất. Vì đây là câu chuyện hoàn toàn có thật viết về người bạn của tác giả bài thơ - Liệt sĩ, Trung úy Phạm Văn Cường, người Hải Phòng, lên Lai Châu công tác sau khi ra trường. Lời thơ ghi lại với cảm xúc thiêng liêng và day dứt của người chiến sĩ công an khi thấy đồng đội mình ngã xuống trong cuộc chiến chống “cái chết trắng”: “Ai qua rừng Tây Bắc chiều nay/ Xin nhẹ chân bạn tôi vừa ngã xuống/ Sau chuyên án cơn mưa chiều rớt vội/ Rừng Tây Bắc xanh lại thêm xanh…”.

Nhạc sĩ Tô Văn và Đại tá Phạm Hải Đăng - Phó GĐ Công an tỉnh Lai Châu trong MV Lặng lẽ xanh

Khi đọc bài thơ này, tôi đã phần nào hiểu được sự hy sinh mất mát của người chiến sĩ Công an. Vì thích lời thơ nên chưa đầy 2 tiếng đồng hồ tôi đã hoàn thành phổ nhạc. Ca khúc có giai điệu nhẹ nhàng, trân trọng và linh thiêng. Lặng lẽ xanh đã vinh dự được giới thiệu trong chương trình Giai điệu bình yên phát trên sóng ANTV tháng 3 vừa qua”. 

Và gần đây nhất, nhạc sĩ Tô Văn cùng Nghệ nhân ưu tú Kim Loan, Phó Chủ nhiệm thường trực CLB Bảo tồn văn hóa đạo Mẫu Việt Nam (trực thuộc Trung tâm Nghiên cứu và bảo tồn tín ngưỡng Việt Nam) vừa ra mắt CD âm nhạc Lời mẹ kể gồm 12 bài hát, trong đó có 1 tác phẩm cũng đề cập đến đề tài CAND. Đó là ca khúc Lời mẹ kể - một câu chuyện có thật của chính tác giả thơ khi trong gia đình có 3 thế hệ là Công an. Lời mẹ kể như lời thúc giục, lời động viên người con theo nghiệp cha, xứng danh là người gìn giữ và bảo vệ sự bình yêu cho nhân dân. Thông qua giai điệu, lời ca, nhạc sĩ mong muốn truyền tải thông điệp về truyền thống tốt đẹp gia đình của tác giả bài thơ nói riêng, đội ngũ CAND nói chung. Đó là truyền thống một lòng kiên trung, sắt son với ngành, giữ gìn an ninh trật tự, mang bình yên đến với cuộc sống của người dân khắp mọi miền Tổ quốc. 

Sau những “cuộc rong chơi cảm xúc” trong âm nhạc, nhạc sĩ Tô Văn lại trở về với vai trò là giáo viên môn Âm nhạc tại Trường THCS Đoàn Kết (TP Lai Châu, tỉnh Lai Châu). Ở đó, với chuyên ngành Sư phạm Âm nhạc… thầy giáo Tô Văn tiếp tục công việc đào tạo, bồi dưỡng và truyền sự đam mê cho các em học sinh yêu thích piano học tập tại Trung tâm Piano Lai Châu do anh sáng lập. “Quả ngọt” mà thầy giáo, nhạc sĩ Tô Văn có được là nhiều lứa học sinh của anh đã đến được với môi trường âm nhạc chuyên nghiệp tại các trường đào tạo uy tín tại Hà Nội. 

Và rồi, lúc bắt gặp bài thơ hay, cảm xúc bất ngờ đến, anh lại sáng tác một cách nghiêm túc và tận tâm, dù nhiều người bạn nhận xét là khó tính. Với anh, “Phải khẳng định tôi không dễ dãi trong âm nhạc, khó tính trong âm nhạc là điều tốt để nâng tầm bản thân nhằm mang đến cho khán giả những ca khúc có chất lượng tốt với giai điệu, lời ca giàu cảm xúc…”.

NGỌC BÍCH

Nguồn: Tạp chí VHNT số 508, tháng 8-2022

;