NHÀ Ở CỔ TRUYỀN CỦA NGƯỜI THÁI Ở THANH HÓA VÀ TÂY BẮC

Nhà ở cổ truyền của người Thái ở Việt Nam là lĩnh vực nhận được nhiều sự quan tâm nghiên cứu của các học giả trong và ngoài nước. Nhiều khía cạnh của vấn đề được miêu tả sâu, chi tiết với lượng thông tin đầy đủ ở các nhóm Thái, hoặc tổng quan nghiên cứu theo vùng địa lý. Trong số đó, có không ít nghiên cứu được tiến hành và viết bởi chính người Thái. Bài viết này, góp thêm vào kho tàng kiến thức chung về văn hóa vật chất của người Thái ở Việt Nam, cụ thể hơn là so sánh những tương đồng và khác biệt của ngôi nhà cổ truyền người Thái ở Thanh Hóa với vùng Tây Bắc, trong một khung cảnh văn hóa đang dần thay đổi.


1. Nhà ở cổ truyền của người Thái ở Thanh Hóa

Về loại hình

Nhà ở cổ truyền của các tộc người ở Việt Nam có thể phân thành ba loại hình cơ bản gồm nhà sàn, nhà đất (nhà trệt) và nhà nửa sàn nửa đất (1). Theo đó, chúng ta thấy mô hình nhà truyền thống phổ biến của người Thái ở Thanh Hóa xưa và nay là nhà sàn (2). Ngoài ra, ở xứ Thanh, loại hình nhà nửa sàn nửa đất được ghi nhận là vẫn tồn tại, nhưng khá hiếm. Người ta xem đó là một loại hình nhà tạm mà gia chủ ở trong khi chưa xây cất được nhà sàn (3). Theo quan niệm truyền thống của người Thái ở Thanh Hóa, nhà sàn mới thực sự là ngôi nhà mà họ mong muốn. Trong tâm thức của họ, nhà sàn to, đẹp và tiện nghi hơn nhà nửa sàn nửa đất.

Về nguyên liệu

Ngôi nhà truyền thống của người Thái ở Thanh Hóa được làm chủ yếu từ nguồn nguyên liệu tự nhiên. Vật liệu để xây dựng nhà sàn truyền thống của người Thái ở Thanh Hóa là gỗ, tre nứa, song mây và tranh cọ, thường có sẵn trong tự nhiên, gần nhà, dễ khai thác. Họ ít khi sử dụng những nguồn vật liệu phải vận chuyển từ các địa phương khác đến. Ví dụ như lá tranh cọ dùng để lợp mái nhà, khi xưa họ khai thác ở trong rừng. Nhiều gia đình còn trồng cây này quanh nhà, để tự túc được đủ lá lợp mái nhà, không cần vào rừng khai thác, xin hàng xóm hay đi mua (4).

 Đối với việc cất một ngôi nhà Thái truyền thống ở xứ Thanh, gỗ có mặt trong hầu hết những kết cấu quan trọng nhất của nhà sàn Thái cổ truyền, được sử dụng để làm cột, kèo quá giang, xà dọc, xà ngang. Gỗ làm cột nhà là cây gỗ to, thường được chặt vào mùa đông để tránh mối mọt. Họ thường xử lý cây cột nhà bằng cách ngâm bùn, và cũng kiêng việc xẻ chúng. Với một hộ gia đình bình dân, việc chuẩn bị gỗ để cất một nóc nhà sàn phải mất vài ba năm. Người Thái Thanh Hóa thích sử dụng nhóm gỗ tứ thiết vào các hạng mục chịu lực quan trọng nhất như cột nhà. Còn đối với xà, quá giang thì có thể chọn các loại gỗ khác, nhẹ hơn, không cứng bằng, nhưng tuyệt đối không thể bị mối. Công việc khai thác và vận chuyển gỗ đòi hỏi sự liên kết của các cá nhân trong làng bản. Chính trong quá trình chuẩn bị ấy, tinh thần tương thân tương ái, tương trợ giúp đỡ lẫn nhau trong cộng đồng Thái được thể hiện rõ nét.

Về kết cấu

Khi có đủ số lượng gỗ cần thiết, người Thái Thanh Hóa sẽ dựng nhà theo một trong hai kết cấu là nhà có đà hoặc nhà quá giang cột chôn. Cả hai loại nhà sàn truyền thống đều là nhà sàn cột chôn, tuy nhiên có những điểm khác biệt khá cơ bản. Loại hình nhà có đà phổ biến ở một số huyện như Thường Xuân, Như Thanh, Quan Sơn. Dấu hiệu để nhận biết kiểu nhà này là cột chôn, dùng ngoãm tự nhiên hoặc được tác tạo, sử dụng lạt buộc. Ngược lại, loại hình nhà cột chôn cũng là mô hình nhà sàn cột chôn, nhưng không hoặc rất ít khi sử dụng ngoãm. Bản thân tên gọi hai loại này cũng xuất phát từ những đặc điểm loại hình chủ yếu dựa trên kỹ thuật kết cấu nhà.

Mô tả kiểu nhà sàn có đà, tác giả Vi Văn Biên nhận xét: “Ưu điểm của nhà này là vững chãi, cột to, có ngoãm tự nhiên hay tự tạo để luồn chốt làm ping để gác đà dưới...” (5).

Đối lập lại, ở loại hình nhà cột chôn, đà trên và đà dưới đã mất, ở đỉnh các cột không còn ngoãm mà trở thành các cọc đặt quá giang, phần không thể xê dịch, liên kết cố định với hệ thống vì kèo bằng kỹ thuật chốt, mộng. Kỹ thuật kết cấu của hai loại hình nhà sàn truyền thống khác nhau nên buộc chủ nhân phải chuẩn bị các loại gỗ khác nhau. Nếu họ định làm nhà có đà, gỗ dựng cột nhất thiết phải là loại gỗ tròn, cả cây, còn loại nhà sàn cột chôn không bắt buộc điều này.

Ngoài những kỹ thuật cơ bản nói trên, kết cấu mái nhà, mặt sàn, vì kèo, vách của hai loại nhà sàn truyền thống không có nhiều khác biệt đáng kể. Trong kỹ thuật làm mái nhà sàn truyền thống, người Thái Thanh Hóa sử dụng đòn tay chịu lực và phủ lớp rui bên trên. Họ đặt chúng song song so với thanh đòn nóc rồi phủ lớp rui chạy song song với vì kèo. Lớp mái nhà bằng lá cọ phủ trên hệ thống này để che mưa che nắng, cố định với nhau bằng lạt buộc. Đáng chú ý là họ không sử dụng các thanh mè phụ trợ cho mái.

Kết cấu nhà truyền thống của người Thái Thanh Hóa phổ biến là có 3 hoặc 5 gian. Trong nhà có những gian chính và các vùng không gian phụ. Toàn bộ không gian nhà được mở thông ra môi trường ngoài bởi 2 cửa chính bố trí phía trước và sau. Mỗi gian trong nhà có hai cửa sổ.

Về mặt bằng sinh hoạt trong nhà

Các mảng không gian trong ngôi nhà truyền thống của người Thái ở Thanh Hóa có sự ngầm định phân chia theo giới, hoặc theo ngôi vị chủ khách. Cụ thể hơn, đối với một mái nhà 5 gian, không gian chính yếu là gian khách và gian thờ. Gian khách là gian ngay khi bước chân lên cầu thang đi vào nhà, là khu vực của người đàn ông, thường là chủ nhà tiếp đón khách. Cũng như gian thờ, hai vùng không gian này không mấy khi thấy người phụ nữ nấn ná ngồi lại. Gian nhà có cây cột chủ thì là phòng ngủ của vợ chồng chủ hộ, con cái. Ngoài gian bếp là nơi không thể thiếu, còn có không gian phụ để đặt ống nước, đồ gia dụng, chạn bát. Thêm vào đó, khi nghiên cứu thực địa ở Thanh Hóa, chúng tôi thấy nhà sàn Thái cổ truyền có sàn phơi. Từ gian thứ ba, các phần không gian hẹp hơn, phân định theo giới khá rõ. Đây là khu vực dành cho phụ nữ sinh hoạt.

Người Thái ở Thanh Hóa tích trữ sản phẩm nông nghiệp sau thu hoạch ngay trong ngôi nhà của mình, ở một sàn gác phía trên bếp lửa. Phần gầm sàn thường là khu vực nhốt gia súc.

Về công cụ làm nhà

Trong phương thức làm nhà truyền thống, người Thái Thanh Hóa chủ yếu sử dụng rìu và dao (dựng nhà có đà), hay bổ sung thêm các công cụ khác như cưa, đục (dựng nhà cột chôn). Trước năm 1950, họ gần như sử dụng các phần gỗ không qua khâu xử lý bằng bào. Họ chỉ sử dụng các công cụ như dao rìu để tạo mặt nhẵn bằng kỹ thuật đẽo, gọt. Trên thực tế, dao là một dụng cụ khá đa năng. Từ sau năm 1950, nhờ giao lưu văn hóa với nhiều tộc người cùng cộng cư trên địa bàn, người Thái đã tiếp nhận thêm những công cụ dựng nhà mới. Đáng chú ý, họ đã học được cách sử dụng bào từ thợ mộc Kinh để làm nhẵn, đánh bóng bề mặt gỗ.

Về thợ làm nhà

Trong làng bản người Thái Thanh Hóa luôn có một vài người thợ dựng nhà. Đó là những người sở hữu tri thức dân gian nhất định liên quan đến kỹ thuật dựng nhà cửa, am hiểu về cách đặt dây, đặt cột, lên kết cấu và phối hợp những hợp phần gỗ tự nhiên để dựng thành công một khung nhà chắc chắn nhất có thể. Nam giới người Thái ở Thanh Hóa ít nhiều đều nắm được những kỹ thuật cơ bản vì họ học được từ việc đổi công giúp nhau dựng nhà. Khi dựng một căn nhà mới, chủ nhà thường mượn nhờ những ai có kinh nghiệm làm người đứng đầu, mời anh em làng xóm tới hỗ trợ đổi công.

Người thợ Thái Thanh Hóa, khi dựng một ngôi nhà truyền thống, sử dụng chính tay mình làm thước đo. Tuy nhiên, đối với mỗi mặt bằng khác nhau thì cách tính của người thợ cũng khác biệt chút ít. Khi đo chiều rộng của ngôi nhà, họ sử dụng sải tay hoặc khuỷu tay. Ví dụ, một gian nhà rộng thường được tính bằng hai sải tay, tương đương 3m. Nhưng khi đo chiều cao của ngôi nhà, người thợ tính bằng cánh tay hay cùi tay. Nhưng không gian cần độ chuẩn mặt bằng, người thợ tận dụng nguyên lý lấy thăng bằng. Theo đó, người thợ, bổ đôi ống nứa bắc hai đầu qua hai cây cột và đổ nước để đánh thăng bằng (6).

Về tín ngưỡng liên quan đến nhà cửa

Người Thái Thanh Hóa dựa vào các yếu tố tự nhiên để dựng nhà, để làm sao ngôi nhà đạt được vị thế vững chãi nhất. Phổ biến nhất là việc dựng nhà dựa theo dòng chảy tự nhiên hoặc đường lượn chân núi. Người ta chọn sông suối hay thế đất thoáng đãng làm chuẩn, theo đó, nếp nhà sàn quay chiều đòn nóc xuôi theo hướng dòng sông chảy tự nhiên. Như thế, quần thể các ngôi nhà nhìn từ trên cao là một sự trải dọc mềm mại thuận theo dòng chảy tự nhiên. Nếu nhà dựng gần vùng núi, hoặc lưng dựa núi, mặt nhìn ra khu vực thoáng đãng hay dòng sông ngọn suối, họ sẽ quay đòn nóc xuôi theo nét lượn của chân núi. Nếu ngôi nhà tồn tại trong một không gian độc lập thì gia chủ sẽ đặt đòn nóc theo hướng Đông hoặc Tây tùy theo dòng họ. Trong cả ba cách đặt nhà trên, người Thái kiêng không đặt nóc nhà mình thẳng với nóc nhà khác. Người ta sợ rằng điều đó sẽ làm nguyên nhân gây ra bất hòa giữa những người trong cùng làng bản bởi họ rất coi trọng mối quan hệ láng giềng.

Đối với ngôi nhà sàn truyền thống, cửa sổ và cầu thang được đặt trên các nguyên lý tín ngưỡng, thường là con số lẻ. Cầu thang lên nhà sàn được đo đếm bằng số lẻ bước chân người lên và xuống. Người Thái có những cầu thang chẵn số bậc nhưng đó là thiết kế dành cho người chết khi họ làm thang nhà mồ. Tương tự, số cửa sổ trong ngôi nhà người Thái Thanh Hóa cũng phải là số lẻ.

Đối với người Thái, mái nhà là một phần quan trọng trong đời sống của gia đình. Họ cho rằng ngôi nhà có liên hệ đến các vấn đề như sức khỏe, việc làm ăn, vận hạn của các thành viên trong gia đình, nên có những phong tục tập quán liên quan khá rõ nét. Những hoạt động và thực hành tín ngưỡng nghi lễ liên quan đến ngôi nhà, chủ yếu ở ba khâu:

Việc chọn đất làm nhà ưu tiên nhìn sông hoặc tựa núi, nếu không thì phải ở những nơi quang đãng. Khi chọn đất dựng nhà, người Thái kiêng việc dựng nhà trên thế đất mà nhà nhìn vào ngọn núi nhô ra, nhà không bị che khuất bởi các mỏm núi. Họ hay viện nhờ thày bói để lựa mảnh đất phù hợp dựng nhà. Việc chọn cột nhà có một số kiêng cữ phổ biến như không chọn cột gẫy, có dây leo. Người Thái cũng kiêng chặt những cây to cổ thụ vì họ tin đó là nơi thần linh cư ngụ.

Ba thời điểm quan trọng trong quy trình dựng nhà có ít nhiều kiêng cữ là chọn ngày dựng nhà, ngày dựng cột chính và ngày cất nóc. Những ngày tốt trong tháng là ngày mùng 2, 3, 14, 15, 26, 27.

Lễ lên nhà mới đánh dấu việc gia chủ được nhập gia và sử dụng không gian sống này cho gia đình. Trong nghi lễ này, người phụ nữ Thái Thanh Hóa được thể hiện vai trò. Vợ của chủ nhà là người đầu tiên được lên nhà mới. Bà chủ nhà phải chuẩn bị một số vật dụng có tính nghi lễ liên quan đến việc ăn (đốt bếp nấu xôi, đặt một hoặc hai ống nước), ngủ (đặt chăn chiếu vào buồng ngủ). Sau các lễ thức này, chủ nhà cúng ma nhà, thổ công và long mạch cầu yên, liên hoan cùng bà con trong làng bản.

 Ngoài ra, người Thái Thanh Hóa còn duy trì một số tập quán kiêng áp dụng cho các đối tượng thành viên trong gia đình và khách đến chơi nhà. Cụ thể là: không được ngồi ở đầu cầu thang, không buông chân xuống nơi cửa sổ, người trẻ không được ngồi phía trên người già, không được nằm quay ngược đầu sàn, không được lấy chân chỉ chỗ cho người khác, lúc người ta đang ngồi không được bước qua mặt, con gái không được mặc váy, áo mỏng đứng trước cửa, ngồi trên nhà phải khép chân… Nếu ai vi phạm thì sẽ bị ma nhà phạt. Thực tế, những kiêng cữ này cũng góp phần điều chỉnh hành vi của con người trong ngôi nhà của người Thái thanh lịch hơn.

2. Nhà ở cổ truyền của người Thái ở Tây Bắc

Về loại hình

Nhà sàn của người Thái ở Tây Bắc đa dạng về kiểu loại và được phân chia dựa theo nhiều tiêu chí khác nhau. Nghiên cứu của Đặng Hoàng Thái và Cầm Trọng cho biết, đây là mô hình nhà cổ truyền điển hình của người Thái ở Tây Bắc Việt Nam (7). Hai tác giả này đề xuất 6 cách phân loại nhà sàn Thái vùng Tây Bắc: theo vùng dân cư của các nhóm địa phương, theo hình thức mặt bằng nhà, theo số gian trong kiến trúc, theo cách đặt cột và số tầng, theo hình thức mái, theo vật liệu xây dựng (8).

Nhận định của họ đã được nhiều nhà nghiên cứu đồng thuận. Tác giả Vương Trung làm rõ thêm rằng: “Loại nhà cổ từ xưa nhất truyền lại là nhà cột chôn” (9). Ông giới thiệu một cách phân chia giản lược hơn: nhà cột chôn, cột kê, nhà có 2 và 4 hàng cột. Tuy có nhiều loại nhà có chút khác nhau như trên nhưng quy lại chỉ có 2 loại mái nhà: hồi cong và hồi thẳng. Tính đến trước năm 1955, ông quan sát thấy nhà mái cong thuộc ngành Thái Đen, còn nhà mái hồi thẳng là của ngành Thái Trắng (10). Như vậy, cách thức phân loại nhà sàn của các tác giả nói trên không có gì mâu thuẫn với nhau. Sự khác biệt trong việc phân loại chủ yếu do việc lựa chọn các tiêu chí hướng đến các chi tiết khác nhau.

Về nguyên liệu

Nhà sàn Thái vùng Tây Bắc sử dụng các nguyên liệu tự nhiên như: gỗ tre, bương, các cây họ tre, nứa, gianh. Thời điểm khai thác cây thường vào cuối thu đầu đông để tránh mối mọt xâm hại vật liệu. Việc chọn lựa cây gỗ dựng nhà đối với người Thái vùng Tây Bắc là không dễ dàng vì họ có khá nhiều tiêu chí, nên cuộc hành trình tìm gỗ nhiều khi phải “miệt mài băng rừng sâu, hay men khe thi thoảng mới gặp” (11). Cột nhà sàn là vật liệu phải lựa chọn tìm kiếm và chờ đợi lâu nhất để có thể đưa vào sử dụng. Cây cột phải lấy từ thân cây gỗ cứng, chịu ẩm, không bị mối xông. Khi người Thái đốn hạ thân cây, họ ngả cây, đẵn khúc vừa tầm làm cột rồi để nằm trong rừng. Họ đợi hai năm sau khi phần dát mục và lõi gỗ chắc mới chuyển về. Những hạng mục khác ngoài cột, thường chuẩn bị mau chóng hơn và không cần đợi quá lâu. Tre được người Thái sử dụng chủ yếu làm dát sàn, đòn tay, dui, mè, đố thưng. Đặc biệt, họ có những thao tác xử lý nguyên liệu thô để làm nhà bằng cách ngâm nước chống mối mọt. Nứa chủ yếu được sử dụng để làm phên vách thưng nhà, rui mè… Lá gianh được chia thành hai loại tấm. Loại thứ nhất là dùng thanh tre dài hơn sải, đánh gianh thành từng bó nhỏ bằng ngón tay, lấy lạt cuốn chặt giằng vào thanh tre. Loại tấm phên gianh này để lợp thân nhà. Loại thứ hai thì lấy cây nứa bổ tư, xẻ dọc thành bốn que nhỏ để cặp phên gianh. Loại tấm phên gianh này để lợp trái nhà vì có thể uốn cong được. Lá gianh phải đảm bảo dày và già, lấy con dao găm hai gang thọc không thấy lọt xuống dưới là được.

Về kết cấu

Nhìn vào kết cấu hệ cột thì nhà truyền thống của người Thái vùng Tây Bắc được chia làm hai loại: cột chôn và cột kê. Mỗi hệ kết cấu này có sự khác biệt đáng kể về chi tiết kiến trúc các loại mộng và sự xếp sắp những bộ phận khung (12). Điểm đáng lưu ý ở đây là nhà cột chôn không đòi hỏi sự ăn khớp của các mộng và sự dằng chéo các bộ phận một cách chặt chẽ, còn nhà cột kê có cách thức khác hẳn.

Tổng thể không gian mặt bằng nhà sàn truyền thống của người Thái được bố trí thành hình vuông hay hình chữ nhật dài, hoặc hình đa giác, kiểu dạng ô van với 2 cạnh dài chạy suốt thân nhà, 6 cạnh ngắn kết hợp tạo ra 2 chái hồi. Mái nhà Thái cổ truyền vùng Tây Bắc được thiết kế quy chuẩn là 3 hay 5 gian tùy theo quy mô gia đình và nguyện vọng của chủ nhà. Nhà 3 gian 2 hàng cột chôn là nếp nhà bình dân phổ biến nhất trong khu vực người Thái ở Tây Bắc (13).

 Những khảo cứu của các nhà nghiên cứu khác có đề cập đến mô hình nhà lớn hơn, với 7 gian. Về bản chất, nó không có nhiều thay đổi mà đơn giản chỉ là sự mở rộng số gian khiến hình thể ngôi nhà phát triển theo hình chữ nhật. Mặt bằng không gian nhà sàn Thái truyền thống được chia thành 2 phần: thân nhà và hai đầu hồi. Điều khác biệt giữa 2 vùng không gian này là phần thân nhà có thể kéo, nối dài, mở rộng số gian tùy theo ý muốn của gia chủ. Trong khi đó, phần hai đầu hồi dường như là đã cố định. Cụ thể hơn, nếu nhà có 3 gian thì phần thân nhà là 1 gian, kết hợp với hai đầu hồi. Nhà 5 gian thì phần thân nhà sẽ tăng lên thành 3 gian, nhà 7 gian thì sẽ có thân nhà 5 gian.

Mái nhà cũng là một hợp phần nằm trong tổng thể, vừa có tác dụng che mưa nắng, vừa tạo hiệu quả thẩm mỹ, giúp phân biệt được các mẫu hình nhà điển hình vùng Thái Tây Bắc. Cơ bản mái nhà sàn truyền thống của người Thái ở Tây Bắc có hai kiểu: mái dốc (vùng Thái Trắng) và hình tròn khum hình mai rùa (vùng Thái Đen và Mộc Châu). Việc này bắt nguồn từ một sự tích về một con rùa dạy người Thái biết làm nhà sàn ở. Vì vậy, nhà của họ phải có hình mai rùa để ghi nhớ công ơn.

Nhà sàn Thái vùng Tây Bắc khá nổi bật với các chi tiết trang trí có tính nghệ thuật, điển hình là khau cút. Về cơ bản, khau cút được chế tạo bởi hai tấm gỗ bắt chéo, dùng để nẹp giữ những tấm gianh lợp phần đầu mái nhà. Khau cút nhà sàn Thái vùng Tây Bắc có nhiều loại, đa dạng, có nhiều ý nghĩa khác nhau. Tác giả Tạ Đức đã chỉ ra 4 chức năng của khau cút: chức năng kỹ thuật, xã hội, thẩm mỹ và tín ngưỡng (14). Theo đó, khau cút là một trong những chỉ báo giúp nhận biết về vai trò, thế lực, tầng lớp xã hội của chủ nhà.

Về mặt bằng sinh hoạt trong nhà

Trong nhà sàn của người Thái có sự phân định khá rạch ròi các khu vực. Mặt bằng sinh hoạt trong nhà người Thái phụ thuộc vào diện tích mặt sàn rộng hay hẹp, tức là vào số gian nhà xây cất mà có. Một căn nhà quy chuẩn 5 gian thì mặt bằng sinh hoạt được chia ra khá chi tiết dựa trên vai trò giới và vị thế của thành viên trong gia đình, mối quan hệ của họ đối với chủ nhà.

Đối với người Thái Đen, trong nhà có nơi để dành cho con trai, con rể, khách ngủ; có nơi để tiếp khách ăn uống, chủ nhà ngồi đan lát, đan chài lưới, hoặc ngâm thơ thư giãn. Nếu là của người có chức quyền thì nơi làm việc của người đó phải có vách ngăn cách với phía trong. Từ gian bếp chính tính vào, gian chính thứ nhất, phía trên để làm nơi thờ phụng tổ tiên. Không gian dưới bàn thờ, gia chủ dành để tiếp khách nam giới. Gian chính thứ hai là gian ngủ của vợ chồng chủ nhà. Gian chính thứ ba là nơi để gia đình người con trai cả ngủ, phía dưới là nơi ăn cơm của gia đình. Gian chính thứ tư, phía trên để gia đình con trai thứ hai ngủ, phía dưới có thể đặt khung dệt vải thổ cẩm, hoặc làm thêm một bếp chung cho cả nhà. Gian thứ năm để con gái, các cháu ngủ. Nếu đàn ông Thái có 2 - 3 vợ thì bố trí theo thứ tự từ gian thứ hai đến thứ tư cho các bà vợ của chủ nhà, sau đó là phần không gian của con trai cả và những người còn lại. Trong ngôi nhà truyền thống của người Thái Đen, nơi ngủ của mỗi cặp vợ chồng Thái đều có màn đen. Phần không gian cuối là bếp chính, họ có thể nhóm ba bốn bếp lửa ở đây. Nếu nhà có người già thì gia chủ kê thêm một giường gần bếp để mùa đông ngủ được ấm (15).

Mặt bằng sinh hoạt trong ngôi nhà của người Thái Trắng có đôi chút khác biệt so với người Thái Đen. Bước lên cầu thang chính vào cửa nhà, gian đầu tiên là không gian tín ngưỡng, nơi thờ cúng. Gian thứ hai là nơi ngủ của ông bà, cha mẹ, rồi mới đến con cháu. Bước lên cầu thang phụ, vào nhà, thì 1/3 gian chính về phía góc là bếp hình chữ nhật, đặt hai bếp đun nấu thường xuyên. Một bếp chính dành để đun nấu chuẩn bị bữa cơm thường nhật cho gia đình. Bếp còn lại là bếp con, chỉ dùng vào việc sưởi ấm, đun nước, nơi người già ngồi kể chuyện cho con cháu. Khi nhà có sự kiện lớn, đón tết, có tang, bếp này mới sử dụng vào mục đích nấu ăn.

Bậc thang và số cửa sổ trong ngôi nhà truyền thống của người Thái ở Tây Bắc cũng là những số lẻ. Nguyên tắc thiết kế cầu thang là không đặt đối diện cửa và không bắc thang lên phía đầu gia chủ nằm ngủ. Người Thái Đen quan niệm bậc thang lẻ là lên nhịp an lành, sung túc, giàu có. Người Thái cũng có cầu thang chẵn bậc nhưng họ chỉ làm cầu thang tạm này khi nhà có tang, để đưa người chết ra ma, sau đó dỡ bỏ.

Về công cụ làm nhà

Dụng cụ làm nhà truyền thống của người Thái vùng Tây Bắc gồm có dao, búa, rìu, đục và dây bằng da trâu. Trong việc làm nhà, họ có khá nhiều loại dao khác nhau. Dao to bản sử dụng chặt cây lớn, dao vừa để chặt cây nhỏ, cây đan vách, hom gianh, và dao nhỏ mũi nhọn dùng chẻ lạt, đục lỗ. Búa, rìu, dao là các vật dụng mang đi rừng để chặt hạ cây to làm cột, kèo, xà nhà. Riêng đục thì không mang đi rừng, chỉ để chế tác tại gia. Dây bằng da trâu phơi khô chuyên dùng để kéo cây gỗ to từ rừng về hay kéo cột khi dựng nhà.

Nhà người Thái Đen có cấu trúc mái vòm khum mai rùa, hai mái chính dài, hai mái đầu hồi ngắn. Nhà không có hiên, độ dốc của mái thường là 65 độ trở lên để nước mưa chảy thoát nhanh. Nhà có hai bếp để sưởi và nấu nướng, hai cửa ra vào. Mỗi gian thường có hai cửa sổ, trừ gian để làm nơi thờ phụng tổ tiên. Nhà có hai cầu thang, làm bằng gỗ nguyên cây được bổ đôi, bậc thang làm bằng gỗ ván dày khoảng 5 phân. Tùy nhà cao thấp mà làm từ 7 - 9 bậc thang. Gỗ làm bậc thang thường là gỗ xoan hoặc gỗ của các loại cây mềm, dẻo, không bị mọt. Sàn nhà thường cao từ 1,6 - 2m.

Về thợ làm nhà

Ở vùng Tây Bắc xưa, trong làng bản người Thái thường có những người thợ dựng nhà nhiều kinh nghiệm. Gia chủ thường mời họ đến để nhờ đo đạc kích thước, định vị nơi đặt cọc, đào hố chôn. Người Thái Đen ở Sơn La có tục giúp nhau làm nhà. Nếu không thể tìm đủ người, họ sẽ mượn nhờ thêm nhân lực ở các bản lân cận. Ngoài hàng xóm, người Thái cũng nhờ cậy anh em họ hàng bên nội, ngoại tới hỗ trợ. Ông cậu là người có vai trò đặc biệt quan trọng khi tiến hành các nghi thức tâm linh lên nhà mới.

Tín ngưỡng liên quan đến nhà cửa

Người Thái vùng Tây Bắc cũng có một số phong tục tập quán, kiêng cữ liên quan trong các khâu chuẩn bị nguyên vật liệu, dựng và lên nhà mới, bố trí không gian sinh hoạt. Người Thái có một số nguyên tắc để chọn ngày tốt vào rừng tìm chặt cây hay dựng nhà. Trong quan niệm truyền thống của họ, có các tháng kiêng không làm việc lớn (tháng tết, tháng 2, tháng nguyệt thực), những ngày kiêng ứng theo từng tháng, hoặc ứng theo gia đình (ngày có người chết, ngày sinh của vợ chồng gia chủ). Trong quá trình tìm nguyên liệu làm nhà, có 8 loại cây không thể chọn để làm nhà: cây có chạc, cụt ngọn, bị sét đánh, không có vỏ, bị lửa cháy xém, cộ thị, mọc trong rừng thiêng, ở bãi tha ma (16).

Khi bắt đầu làm nhà, người Thái quan tâm đến việc chọn vị trí và hướng. Họ có cách bói lạt và bói thóc để xác định nơi đất lành phù hợp dựng nhà. Phong tục liên quan chủ yếu đến việc dựng nhà là việc chọn ngày và giờ. Chủ nhà phải nhờ thày mo chỉ giúp ngày giờ phù hợp. Ở vùng Thái Tây Bắc, không phổ biến việc xem tuổi làm nhà. Nghi lễ quan trọng nhất liên quan đến ngôi nhà là lễ lên nhà mới (17). Lễ này gồm 6 phần việc liên quan: chọn ngày giờ, mang vật dụng, chuẩn bị, chọn người đóng vai chủ nhà, lên nhà mới và cúng nhà mới. Các nghi lễ truyền thống này được người Thái Đen hết sức coi trọng và tổ chức khá bài bản.

Bên cạnh đó, ở người Thái Đen, việc làm nhà còn là một sự liên kết chặt giữa chủ nhà và người bên nhà vợ thông qua hai việc. Theo phong tục, khi làm nhà bên ngoại phải lo cho việc thứ nhất là cột đối diện với cột bàn thờ. Trước khi làm nhà, chủ nhà phải có lời nhờ bên ngoại của mình tìm cho một cái cột tốt, theo kích thước đặt trước, đục đẽo sẵn, khi mang về chỉ việc lắp vào. Trên ngọn cột có giỏ hình mắt cáo úp lên, có bó bông lúa, hạt bông vải, một cái mai rùa (không kiếm được mai rùa thì lấy ván đẽo theo hình mai rùa). Việc thứ hai khi làm nhà bên ngoại phải lo là làm bếp chính, làm xong phải có đĩa gà và ba đôi chén rượu cảm ơn. Gỗ làm khung bếp phải là gỗ tốt, không mọt, thường là gỗ xoan, mạy sọ. Nhà nhỏ thì khung hình vuông 1m, nhà to thì 2m, nhà lớn thì 3m. Lót tiếp giáp với dát nhà là 3 lớp vỏ cây chuối còn tươi, sau đó đổ đất sét lên, nện thật chặt, dày 20cm. Làm xong bắc ba hòn kê lên để sôi cơm nếp. Trên chõ sôi đặt hai que tre bắt ngang theo chiều hướng nhà, dọc và ngang, không đậy vung, chờ khi nào có hơi bốc ra xem mới được đậy. Nếu bốc hơi ở chính giữa thì chủ nhà làm ăn phát đạt, nếu ra hơi ở các cạnh thì chủ nhà làm ra của cải đều ra ngoài, khó giữ được. Đây là một hình thức phán đoán để mua vui trong dịp làm nhà mới. Còn các bếp khác thì giao cho thanh niên trong bản làm giúp. Khi liên hoan nhà mới phải làm mâm riêng cho thanh niên vui hát khặp, tâm sự với nhau, tìm hiểu kết duyên.

3. Tương đồng và khác biệt về nhà của người Thái ở Thanh Hóa và Tây Bắc

Những điểm tương đồng

Về loại hình, ngôi nhà cổ truyền của người Thái ở hai vùng này đều là nhà sàn. Tuy có sự vận động, phát triển, hình thành nên các loại hình cụ thể khác nhau, nhưng nhà sàn là một hình ảnh có tính bản sắc văn hóa của người Thái.

Về nguyên vật liệu làm nhà, nét tương đồng thể hiện trong việc sử dụng các nguồn vật liệu tự nhiên. Tuy cư trú trên những vùng địa lý khác nhau nhưng người Thái ở Thanh Hóa và vùng Tây Bắc đều biết tận dụng những lợi thế lâm thổ sản ở địa phương để dựng nhà. Họ sở hữu một hệ thống tri thức dân gian phong phú liên quan đến rừng, khai thác gỗ và nguyên liệu làm nhà từ rừng.

Về công tác chuẩn bị, người Thái ở cả hai vùng đều có ý thức nghiêm túc đối với việc dựng nhà, coi đó là việc hệ trọng trong đời người. Họ dành ra một khung thời gian khá lâu dài, thường là vài năm để chuẩn bị. Ngôi nhà sàn cổ truyền ở Thanh Hóa hay vùng Tây Bắc, dường như là một biểu hiện vật chất của tinh thần tương trợ, tương thân tương ái, điển hình cho lối sống, văn hóa của người Thái.

Về thợ làm nhà, trong lịch sử, họ là những người am hiểu cách thức làm nhà sàn, tỏ ra năng động, có tinh thần học hỏi và tiếp thu những tri thức mới liên quan đến việc dựng nhà từ các cộng đồng láng giềng. Ví dụ, ở hai vùng đều thấy các nghiên cứu đề cập đến loại hình nhà sàn 4 cột giống nhà sàn của người Mường. Việc tích hợp công cụ, tiến đến làm chủ công cụ và kỹ thuật cũng như hợp tác với các đoàn thợ, nhóm thợ khác tộc người, cho thấy họ đã chủ động tiếp nhận một cách có chọn lọc những gì có lợi để làm giàu văn hóa tộc người mình, dù chỉ từ một ví dụ nhỏ qua việc làm nhà.

Tập tục liên quan đến nhà cửa của người Thái Thanh Hóa và Tây Bắc đều phản ánh quan hệ xã hội khá đa dạng giữa những người trong gia đình và với người ngoài gia đình. Ngôi nhà ở hai vùng đều gắn với một số nghi lễ, tập tục khá tương đồng liên quan đến việc dựng nhà, lên nhà mới. Nhiều quy ước có tính tín ngưỡng cũng tương đồng như cách thức đặt cầu thang, số bậc thang hay số cửa sổ theo nguyên tắc số lẻ, hoặc làm cầu thang tạm để ra ma cho người chết khi nhà có tang.

Cũng dễ nhận thấy rằng các mô hình nhà truyền thống này đều có chung nguyên lý phân chia không gian, phần trong và phần ngoài, theo quan hệ huyết thống hay theo giới, theo quyền lực. Chủ nhà người Thái ở hai vùng đều tỏ rõ tinh thần hiếu khách và cởi mở đón tiếp. Họ quan niệm, chủ nhà phải tận tình chăm lo bữa ăn, nơi ngủ chu đáo, đảm bảo khách đi ăn cá, về ăn cơm, ngủ lại có đệm nằm, chăn đắp.

Những điểm khác biệt

Về tạo hình, khác biệt chủ yếu giữa ngôi nhà truyền thống của người Thái Thanh Hóa và vùng Tây Bắc là mỹ thuật tạo hình. Ở Thanh Hóa, người Thái không sử dụng khau cút, còn tại vùng Tây Bắc, họ có cả một bộ sưu tập khá đa dạng các mẫu hình khau cút. Với người Thái Tây Bắc, khau cút là một bộ phận quan trọng thiết yếu của ngôi nhà, góp phần định hình bản sắc văn hóa của họ.

Về quy mô nhà, ở vùng Tây Bắc, dường như mô hình nhà truyền thống lớn nhiều gian phổ biến hơn trong tầng lớp bình dân. Điều này liên quan đến phong tục tập quán của cộng đồng tộc người, đó là tục ở rể. Mô hình cộng cư các thế hệ gia đình của người Thái (đặc biệt là người Thái Đen) là tiền đề cho việc hình thành những ngôi nhà sàn lớn. Nhà sàn truyền thống ở Thanh Hóa có quy mô nhỏ hơn (3 - 5 gian chính), thường sớm gắn với xu hướng gia đình hạt nhân.

Về vật liệu xây dựng, thực tế, ngôi nhà truyền thống ở Thanh Hóa và vùng Tây Bắc đều phải dựa vào những nguồn lâm sản có sẵn trong tự nhiên mang tính vùng miền. Do đó, tùy vùng miền mà người ta sẽ có cách thức bài trí, sử dụng chúng làm sao cho phù hợp. Kỹ thuật xử lý vật liệu cũng có đôi chút khác biệt. Chẳng hạn, ở Thanh Hóa, người Thái không xử lý gỗ bằng thao tác ngâm để chống mối mọt, trong khi điều này lại luôn được tuân thủ ở một số vùng Tây Bắc.

______________

1. Nguyễn Khắc Tụng, Nhà ở cổ truyền các dân tộc Việt Nam, Nxb Mỹ thuật, Hà Nội, 1996; Nguyễn Khắc Tụng, Tập quán cư trú và nhà ở cổ truyền các dân tộc thiểu số Việt Nam, Viện Dân tộc học, 2002.

2, 3, 4, 5, 6, 18,19. Vi Văn Biên, Văn hóa vật chất của người Thái ở Thanh Hóa và Nghệ An, Nxb Văn hóa dân tộc, Hà Nội, 2006.

7, 8, 12. Đặng Thái Hoàng, Cầm Trọng, Kiến trúc nhà sàn Thái, Tạp chí Dân tộc học, số 2, 1979, tr.47-55.

9, 13. Vương Trung, Nhà sàn cổ người Thái Việt Nam, Nxb Văn hóa dân tộc, Hà Nội, 1997.

10, 11. Đinh Hồng Đinh, Vương Trung, Nhà cổ truyền của người Cơ Tu và người Thái, 2012, tr.139, 144.

14. Tạ Đức, Nguồn gốc và sự phát triển của khau cút, Tạp chí Dân tộc học, số 4, 1985, tr.62-68.

15. Lò Cao Nhum, Bếp lửa trong đời sống người Thái, Nxb Văn hóa dân tộc, Hà Nội, 2008.

16. Tòng Văn Hân, Quy trình dựng nhà sàn cổ của người Thái Đen ở Mường Thanh tỉnh Điện Biên, Nxb Văn hóa dân tộc, Hà Nội, 2011.

17. Nguyễn Văn Hòa, Tục lập bản mường và lệ tế thần núi, thần nguồn nước của người Thái Đen vùng Tây Bắc, Nxb Thời Đại, Hà Nội, 2013.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 384, tháng 6-2016

Tác giả : MAI THỊ HỒNG HẢI

;