Vẫn thời Thái Tổ - Thái Tông, Nguyễn Trãi (cùng Lỗ bộ ty giám là Lương Đăng) được giao việc “đốc làm loan giá, nhạc khí, dạy tập nhạc và múa”. Từ thời vua cha đến thời vua con, mất một khoảng thời gian khá dài, Nguyễn Trãi chỉ dâng lên cho vua Lê Thái Tông bản vẽ của những chiếc khánh đá - nhạc cụ dùng trong nhã nhạc. Theo Đại Việt sử ký toàn thư, “(Đầu năm 1437), Hành khiển Nguyễn Trãi dâng biểu vẽ khánh đá và tâu rằng: “Kể ra, thời loạn dùng võ, thời bình chuộng văn. Nay đúng là lúc nên làm lễ nhạc. Song không có gốc thì không đứng được, không có văn thì không hành được. Hòa bình là gốc của nhạc, thanh âm là văn của nhạc. Thần vâng chiếu làm nhạc, không dám không hết lòng hết sức nhưng vì học thuật nông cạn, sợ rằng trong khoảnh thanh luật khó hài hòa được. Xin bệ hạ yêu nuôi nhân dân, để cho các nơi làng mạc không có tiếng oán giận than sầu, đó là không mất cội gốc của nhạc vậy”. Vua khen nhận. Sai thợ đá ở huyện Giáp Sơn lấy đá ở núi Kính Chủ” (Đại Việt sử ký toàn thư, NXB Văn học, Hà Nội, 2009, tr 563).
Đến tháng 5 cùng năm, “Hành khiển Nguyễn Trãi tâu vua rằng: “Mới rồi bọn thần cùng với Lương Đăng sửa định nhã nhạc nhưng sở kiến của thần không giống sở kiến của Lương Đăng, thần xin trả lại mệnh ấy”. Trước kia, Thái Tổ sai Nguyễn Trãi định quy chế mũ áo, chưa kịp thi hành, đến đây Lương Đăng dâng thư đại khái nói: “Kể lễ thì có lễ đại triều, lễ thường triều. Tế Trời, cáo Miếu, ngày Khánh tiết, ngày Nguyên đán thì làm lễ đại triều, hoàng đế mặc áo cổn, đội mũ miện, lên ngồi ngai báu, trăm quan mang áo mũ triều. Còn như những ngày mồng một, ngày rằm hàng tháng thì hoàng đế mặc áo bào vàng, đội mũ xung thiên, ngồi ngai báu, trăm quan mặc áo công, đội mũ phác đầu. Thường triều thì hoàng đế mặc áo màu vàng, đội mũ xung thiên, ngồi sập vàng, trăm quan mặc áo thường cổ tròn, đội mũ sa đen. Kể nhạc thì có nhạc tế giao, nhạc tế Miếu, nhạc tế Ngũ tự, nhạc cứu hộ nhật thực nguyệt thực, nhạc đại triều, nhạc thường triều, nhạc đại yến chín lần tấu, nhạc trong cung không thể dùng nhất khái được. Về lễ bộ thì có đại giá như xe loan lớn, xe voi kéo, xe ngựa kéo, có kiệu cửu long, kiệu thất long, có xe người kéo đi bước một, xe chạy nhanh. Về đồ nghi trượng thì có qua vàng, phủ, việt, lọng, các thứ cờ chàng, phướn, tinh, kỳ, mao, tiết, chương, quạt, lọng ngũ phương. Ngựa đóng xe và đội ngũ đi theo đều có số nhiều ít, thần không thể chép hết được”. Thư ấy dâng lên, vua lại sai Lương Đăng định. Đăng nhân thể mới dâng lên quy chế về mũ áo và nhạc khí. Đại khái quy chế do Đăng và do Trãi định nhiều chỗ không hợp nhau, lời bàn về nhạc khí lớn nhỏ nặng nhẹ nhiều điều trái nhau, mà tấu cũng không giống nhau, vì thế mà Trãi từ việc. Vua nghe theo lời nghị của Đăng, rồi làm theo” (Đại Việt sử ký toàn thư, Sđd, tr 565).
Thiết tưởng, cần phải nói thêm, nếu Nguyễn Trãi là nhà Nho lớn nhất không chỉ của thời Lê Sơ mà của cả nền văn hóa Đại Việt thì Lương Đăng chỉ là một hoạn quan. Tâm hồn, sở học, chữ nghĩa, cốt cách của một bậc đại Nho đương nhiên quá khác với một hoạn quan nên Ức Trai mới “xin trả lại” cái công việc được vua sai làm. Đương nhiên, không vì không có sự tham gia của Ức Trai mà công việc kia không thể tiến hành, thậm chí đến lúc nào đó, nó sẽ hoàn thành ở mức này hay mức khác. Và sự thực thì đến tháng 11 năm đó (1437), vua Lê Thái Tông sai chép công trình của Lương Đăng rồi đem yết ở cửa Thừa Thiên để các quan được rõ!
Điều đọng lại ở chuyện Nguyễn Trãi được sai chế định nhã nhạc rồi “xin trả lại mệnh ấy” là một tiếng lòng đầy tâm huyết, trách nhiệm, không sợ “trung ngôn nghịch nhĩ”, không sợ những hiểm nguy vì dám đụng vào những thế lực lớn này khác trong triều. Qua sự tâu bày của Nguyễn Trãi, người tinh ý có thể thấy những “sóng gió” đang chờ đợi ông ở phía trước (chỉ mấy năm sau sẽ xảy ra thảm án Lệ Chi Viên, 1442). Những lời của ông đã không bay đi theo gió mà còn mãi cùng non sông, hậu thế: “Hòa bình là gốc của nhạc, thanh âm là văn của nhạc (…) Xin bệ hạ yêu nuôi nhân dân, để cho các nơi làng mạc không có tiếng oán giận than sầu, đó là không mất cội gốc của nhạc vậy”.
Tác giả: Thanh Hà
Nguồn: Tạp chí VHNT số 444, tháng 11-2020