Trước đây, người Ơ đu ở bên dòng sông Nậm Nơn, từ Lượng Minh đến các xã Kim Đa, Kim Tiến. Hiện nay, thực hiện di dân lòng hồ thủy điện bản Vẽ, huyện đã quy hoạch và đưa đồng bào Ơ đu đến lập bản mới tại khu tái định cư (bản Văng Môn, xã Nga My). Mặc dù số lượng chỉ trên 450 người, nhưng Ơ đu vẫn là một trong 54 dân tộc ở Việt Nam, là một trong 5 dân tộc ít người ở miền núi tỉnh Nghệ An.
Cùng với sự phát triển chung về kinh tế, xã hội của huyện miền núi Tương Dương, đời sống người dân đã thay đổi đáng kể. Đảng bộ và chính quyền các cấp đã, đang quan tâm đến việc sưu tầm, khôi phục các yếu tố văn hóa vật thể, phi vật thể, các nét đẹp trong phong tục tập quán, các yếu tố ngôn ngữ gốc của các tộc người thiểu số để gìn giữ sự đa dạng văn hóa trong một thể thống nhất tại huyện miền núi vùng cao Tương Dương. Lãnh đạo huyện ủy, UBND cũng nhiều lần đề cập đến việc bảo tồn những nét văn hóa của tộc người Ơ đu, một cộng đồng cư dân sinh sống trên mảnh đất Tương Dương lâu đời nhất nhưng lại ít người nhất và dấu ấn văn hóa còn lại mờ nhạt nhất. Trong đó, đặc biệt nhấn mạnh về vấn đề làm thế nào để bảo tồn được tiếng nói của tộc người Ơ đu.
Về vấn đề nghiên cứu văn hóa, ngôn ngữ, các nhà khoa học đều thừa nhận giữa ngôn ngữ và văn hóa, ngôn ngữ dân tộc và văn hóa dân tộc, có mối quan hệ gắn bó chặt chẽ, chúng phát triển trong sự tác động qua lại lẫn nhau. “Là một thành tố của nền văn hóa tinh thần, ngôn ngữ giữ một vị trí đặc biệt trong nó. Bởi ngôn ngữ là phương tiện tất yếu, là điều kiện cho sự nảy sinh, phát triển và hoạt động của những thành tố khác trong văn hóa. Ngôn ngữ là một trong những đặc trưng nhất của bất cứ nền văn hóa - dân tộc nào. Chính trong ngôn ngữ, đặc điểm của nền văn hóa dân tộc được lưu giữ rõ ràng nhất” (1). “Giữa tiếng nói của một dân tộc với nền văn hóa của dân tộc ấy chắc chắn phải có một mối quan hệ nhất định. Vì ngôn ngữ trực tiếp phản ánh cách tri giác và tư duy thế giới của cộng đồng dân tộc, mà văn hóa dân tộc không thể không liên quan đến cách tri giác và tư duy ấy” (2). Có thể thấy, dù các tác giả đứng ở góc độ hay theo xu hướng nghiên cứu nào thì cũng xem ngôn ngữ là một thành tố văn hóa, vừa là một phương tiện truyền tải bản sắc văn hóa của cộng đồng nói ngôn ngữ đó, đồng thời ngôn ngữ được xem là một nguồn tư liệu quý báu để nghiên cứu các vấn đề văn hóa, lịch sử các tộc người.
Sự mai một về các yếu tố văn hóa khác như trang phục, phong tục tập quán, lễ hội... của tộc người Ơ đu nói riêng và các tộc người thiểu số nói chung là một quá trình diễn ra trên bình diện tổng thể, đặc biệt là yếu tố ngôn ngữ. Với tộc người Ơ đu, quá trình này đang ở mức độ trầm trọng, đáng báo động. Về ngôn ngữ, cũng như các dân tộc khác, người Ơ đu có ngôn ngữ riêng, tiếng Ơ đu thuộc ngôn ngữ Môn - Khơme, trong các từ vị cơ bản có một tỷ lệ nhất định mang yếu tố Việt Mường. “Đây là một thứ tiếng cổ còn giữ được nhiều phụ âm đầu kép, có khi cặp ba như: bnt, đrb, hem, phrv, thrm… Ở đây thanh điệu cũng đã manh nha, mặc dầu các cặp từ đối lập chưa nhiều. Người Ơ đu ngày nay thường giao tiếp với nhau bằng nhiều thứ tiếng: tiếng phổ thông, tiếng Thái, tiếng Khơ mú” (3). Số người biết tiếng Ơ đu ở Văng Môn cũng chỉ tập trung chủ yếu là người già (đều trên 70, 80 tuổi), hiện còn khoảng 5 người thỉnh thoảng mới dùng đến tiếng Ơ đu, để trao đổi với nhau hoặc trong khi cúng bái. Ngay cả các bài văn cúng cổ nhất của người Ơ đu dùng trong các dịp lễ cũng đã sử dụng tiếng Thái trên 70%. Người Thái có thể hiểu được cơ bản nội dung khi cùng ngồi nghe lại lễ cúng. Đặc biệt ngôn ngữ giao tiếp hàng ngày cũng chịu ảnh hưởng pha trộn của các ngôn ngữ khác như: tiếng Thái, tiếng Khơ mú và tiếng Việt.
Có thể thấy rõ kết quả của quá trình tiếp xúc văn hóa của người Ơ đu và các tộc người khác trên địa bàn qua sự tiếp biến, vay mượn về ngôn ngữ của người Ơ đu. Trong bản ghi chép lại của UBND huyện Tương Dương, sử dụng làm tài liệu dạy tiếng Ơ đu cho con em người Ơ đu trong những năm qua, số lượng vay mượn chiếm khá lớn. Khảo sát ngẫu nhiên trong 232 từ được ghi chép lại thì từ vay mượn của tiếng Thái là: 40 từ, tiếng Việt: 28 từ.
Trong các danh từ chỉ quan hệ gia đình, vốn sử dụng phổ biến, rất khó thay đổi nhất vì các danh từ này thể hiện rõ nhất về văn hóa gia đình, gốc rễ sâu nhất của các yếu tố văn hóa, nhưng thực tế, người Ơ đu vẫn mượn tiếng Thái khá nhiều:
Tất nhiên, quá trình này cũng diễn ra khi tiếp xúc với văn hóa người Việt, số lượng vay mượn tiếng Việt trong ngôn ngữ của người Ơ đu ngày càng nhiều, do quá trình tiếp xúc, phát triển, sử dụng ngôn ngữ tiếng Việt là ngôn ngữ phổ thông. Người Ơ đu sử dụng tiếng Việt và chỉ thay đổi thanh điệu hoặc biến âm cho phù hợp với lối phát âm của mình. Sự vay mượn này tập trung vào những thuật ngữ mới chỉ có trong tiếng Việt, không có trong lịch sử vốn từ của tộc người Ơ đu. Đây là điều tất yếu để diễn đạt các khái niệm mới không có trong tư duy văn hóa của người Ơ đu:
Tiếng Việt | Tiếng Ơ đu | Chú thích |
Cái xô | Xô | Mượn tiếng Việt |
Cái chai | Chái | Mượn tiếng Việt |
Cái cốc | Cốc | Mượn tiếng Việt |
Cái chén | Chèn | Mượn tiếng Việt |
Cái xe đạp | Xe đạp | Mượn tiếng Việt |
Không chỉ vay mượn những thuật ngữ tiếng Việt không có trong lịch sử ngôn ngữ và tư duy của dân tộc mình, người Ơ đu còn vay mượn cả những thuật ngữ vốn rất quen thuộc với đời sống sinh hoạt, lao động sản xuất của họ. Đây chính là yếu tố thể hiện rõ nét sự mai một trầm trọng, làm mất bản nguyên của ngôn ngữ tộc người Ơ đu:
Tiếng Việt | Tiếng Ơ đu | Chú thích |
Con ngan | Ngàn | Mượn tiếng Việt |
Con ngỗng | Ngỗng | Mượn tiếng Việt |
Cái bàn | Ban | Mượn tiếng Việt |
Cái đền | Ten | Mượn tiếng Việt |
Cái thúng | Đùng | Mượn tiếng Việt |
Vấn đề ngôn ngữ có nhiều biến đổi, dần mất đi các yếu tố căn bản trong tiếng nói của tộc người Ơ đu có thể nhìn rõ từ vấn đề lịch sử phát triển, tiếp xúc với các tộc người khác trên cùng địa bàn. Theo tài liệu Dư địa chí Tương Dương, tác giả Ninh Viết Giao và các giai thoại của các cụ già trong bản truyền lại, xưa kia người Ơ đu đông đúc, cư trú suốt trong một vùng dọc sông Nậm Nơn, Nậm Mộ rộng lớn. Họ ở cả Việt Nam và Lào. Ở Việt Nam có ba trung tâm chính là Mường Lằm (tức vùng xã Hữu Khuông, Hữu Dương), Xiềng Mèn (xã Yên Na, Yên Hòa, Yên Tĩnh, Xốp Tăm). Nhưng do những biến động của lịch sử, người Ơ đu lại tìm đến đất Kim Đa (nay là vùng lòng hồ thủy điện bản Vẽ) lập một trung tâm mới ở vùng Huồi Pông, Huồi Xan, sống trong những thung lũng nhỏ, hoang vắng. Trước khi chịu ảnh hưởng, biến động lớn từ sự xâm lược của thực dân Pháp thì những làn sóng di cư tìm đất mới để sinh sống của người Thái, rồi người Khơ mú, người Mông…, người dân Ơ đu bị dồn vào các miền hẻo khuất, nơi đầu khe, ngọn suối. Do dân số quá ít, lại cư trú rải rác, nên người Ơ đu phải hòa đồng với các cộng đồng đông hơn trong vùng. Ở lẫn với người Thái, họ sinh hoạt theo người Thái; ở lẫn với người Khơ mú, họ theo lối sống người Khơ mú. Một bộ phận đông người Ơ đu phải bỏ dần tiếng nói, phong tục tập quán, dòng họ mình, sống trà trộn, lệ thuộc vào các dân tộc khác để khỏi bị tiêu diệt. Trong xã hội phong kiến, thực dân, người Ơ đu phải làm nông nô, cày ruộng cho chủ đất Thái. Bị chiếm đoạt tất cả ruộng đất, rừng núi, buộc người Ơ đu nghèo khổ phải cày cấy không công, nộp một số sản vật địa phương để đổi lấy quyền cư trú trong khu vực cai quản. Chính vì thế trước đây, tộc người Thái còn gọi người Ơ đu bằng một tên gọi có tính chất miệt thị: tày hạt nghĩa là đói rách. Đây chính là điểm thể hiện sự ảnh hưởng mạnh mẽ của tộc người Thái với tộc người Ơ đu, cùng với sự lấn át về kinh tế, trình độ phát triển, ý thức tạo dựng, mở rộng địa bàn cư trú và tầm ảnh hưởng của văn hóa người Thái. Người Ơ đu chịu ảnh hưởng mạnh văn hóa của tộc người Thái từ trang phục, lễ hội, các phong tục và cả ngôn ngữ. Còn đối với tiếng Việt thì không chỉ tộc người Ơ đu mà cả tộc người Thái, Khơ mú, Mông đều vay mượn tiếng Việt vì đây là ngôn ngữ phổ thông của quốc gia, hơn nữa là ngôn ngữ có vốn từ phong phú, không ngừng mở rộng.
Tính đến nay, người Ơ đu đã, đang sống xen lẫn giữa cộng đồng người Thái, Kinh, Khơ mú. Người Ơ đu tập trung về một bản Văng Môn, xã Nga My, huyện Tương Dương vừa thuận lợi cho việc tập trung đầu tư và bảo tồn các yếu tố văn hóa của tộc người này. Đồng thời, đây cũng là một thách thức để bảo tồn các yếu tố văn hóa tộc người khi đặt tộc người Ơ đu trong môi trường tiếp xúc với lối sống ngày càng hiện đại của người Thái, người Kinh lân cận, trong điều kiện kinh tế xã hội ngày càng phát triển, nhiều thành viên trong gia đình người Ơ đu là người thuộc các tộc người Thái, Khơ mú. Con em người Ơ đu được theo học tại các trường học ngày càng được đầu tư khang trang, giáo dục theo tiếng Việt... nên trong cuộc sống sinh hoạt hàng ngày, người Ơ đu sử dụng 3 thứ tiếng này để giao tiếp. Tiếng mẹ đẻ chỉ dùng trong những hoàn cảnh đặc biệt. Chính vì vậy, kết quả khảo sát về ngôn ngữ của người Ơ đu, ngoài số lượng lớn các từ ngữ chịu ảnh hưởng vay mượn của ngôn ngữ Thái còn vay mượn của người Khơ mú, người Kinh, phù hợp với lối tư duy của dân tộc mình để diễn đạt những thuật ngữ, gắn với văn hóa của các tộc người mà họ tiếp xúc, thuận lợi cho quá trình giao tiếp. Có thể khẳng định, ngôn ngữ người Ơ đu hiện nay phần nguyên bản còn rất ít, phần còn lại là thứ ngôn ngữ thứ sinh, kết quả của quá trình tiếp xúc tiếp biến văn hóa trong lịch sử lâu dài. Vấn đề là cần có một sự khảo sát toàn diện, nghiên cứu sâu về ngôn ngữ từ góc độ văn hóa để tìm ra những yếu tố cần bảo tồn, những yếu tố tiếp biến cần phát huy, đặt việc bảo tồn ngôn ngữ lên hàng đầu, là cái gốc để bảo tồn các yếu tố văn hóa khác để làm phong phú thêm nét đẹp văn hóa của người Ơ đu trong sự đa dạng thống nhất về văn hóa các tộc người dân tộc thiểu số ở Tương Dương, đồng thời lồng ghép với việc thực hiện các chính sách dân tộc tập trung phát triển kinh tế, xây dựng cơ sở vật chất.
_______________
1. Nguyễn Đức Tồn, Tìm hiểu đặc trưng văn hóa dân tộc của ngôn ngữ và tư duy ở người Việt, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, 2002, tr. 20-21.
2. Cao Xuân Hạo, Ngôn ngữ và văn hóa, Tiếng Việt, văn Việt, người Việt, Nxb Trẻ, Hà Nội, 2001, tr. 287.
3. Đặng Nghiêm Vạn, Các dân tộc ít người Việt Nam, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1978, tr. 115.
Nguồn : Tạp chí VHNT số 384, tháng 6-2016
Tác giả : VY THỊ BÍCH THỦY