NGHIÊN CỨU PHÁT TRIỂN VÀ ĐỔI MỚI CÔNG NGHỆ ĐIỆN ẢNH

        Tôi có ba người bạn thân vừa nhận giải thưởng Hồ Chí Minh hồi tháng 2-2012: GS, TSKH Bùi Văn Ba, nguyên Chủ nhiệm bộ môn Lý luận Văn học, trường Đại học Sư phạm I Hà Nội; GS Hà Minh Đức, nguyên Viện trưởng Viện Văn học; GS, TS Trần Quang Ngọc, nguyên Viện trưởng Viện Kỹ thuật Điện ảnh và Video Việt Nam.

Lớp chuyên tu Ngoại ngữ Gia Lâm của chúng tôi (1959-1960), sau này có nhiều người thành danh: Phan Văn Khải, Thủ tướng Chính phủ; Nguyễn Ngọc Dũng, GS Đại học Mỹ thuật Công nghiệp; Đỗ Văn Khang, hai bằng TSKH của hai nước, với hai chuyên ngành, GS Trường Đại học KHXH&NV; nhà quay phim tài năng Vũ Phạm Chuân... Khi ấy, Trần Quang Ngọc và Vũ Phạm Chuân là đôi bạn thân, những học sinh phổ thông, vô tư, hồn nhiên, là đàn em ít tuổi nhất lớp.

Tôi có hảo hứng kể chuyện về những người bạn nổi tiếng của mình. Bài này tôi giới thiệu về GS,TS Trần Quang Ngọc.

Trần Quang Ngọc được cử sang Liên xô học năm 1960 tại trường Đại học Kỹ sư Điện ảnh Lêningrát (nay là Xanh Pêtecbua của Liên bang Nga); năm 1965 tốt nghiệp đại học, được chuyển tiếp nghiên cứu sinh, tốt nghiệp tiến sĩ kỹ thuật điện ảnh năm 1969. Suốt thời gian chiến tranh và nhiều năm sau hòa bình là tiến sĩ duy nhất của ngành.

Trần Quang Ngọc luôn ý thức rõ: trong lúc nhân dân kháng chiến gian khổ, được học gần 10 năm ở nước ngoài là một ưu ái rất lớn. Anh luôn quyết tâm hoàn thành mọi nhiệm vụ, kể cả những trường hợp tưởng chừng như không thể giải quyết, hoặc hầu hết cho rằng không thể làm được.

Cụm công trình Giải thưởng Hồ Chí Minh của anh có tên gọi Nghiên cứu phát triển và đổi mới công nghệ ngành điện ảnh phục vụ kháng chiến bảo vệ tổ quốc và phục hồi kinh tế sau chiến tranh, gồm 15 công trình. Các công trình đã tạo ra những thiết bị, nguyên vật liệu, quy trình công nghệ, giải pháp đặc biệt, cơ chế hợp lý, bảo đảm sản xuất, bảo vệ, phổ biến phim đến quần chúng; cả trong vùng địch tạm chiếm, vùng đồng bào các dân tộc, ra các nước trên thế giới.

Máy in phim chiến trường

Thời chiến tranh, các nghệ sĩ vào Nam ra trận như những chiến sĩ. Nhiều người đã hy sinh. Điều đau xót là phim quay được bằng xương máu nghệ sĩ, khi gửi ra Bắc lại bị bom đạn địch đánh phá làm mất trên đường Trường Sơn, hoặc bị khí hậu khắc nghiệt, thời gian làm hỏng. Vũ Phạm Chuân, sau khi tốt nghiệp Quay phim Trường Đại học Điện ảnh Matskva, được cử vào Nam công tác. Hơn ba năm sau, khi Trần Quang Ngọc tốt nghiêp tiến sĩ về nước, Chuân đã hy sinh. Được biết Chuân quay được khá nhiều phim, nhưng không thấy phim nào về được miền Bắc. Danh sách các nghệ sĩ, cán bộ điện ảnh hy sinh ở miền Nam, ghi tại Xưởng phim Thời sự - Tài liệu Trung ương trên đường Hoàng Hoa Thám, khi đó đã khá dài. Làm sao khắc phục được tình trạng này? Giải pháp hữu hiệu là in phim ngay tại chiến trường, gửi ra Bắc nhiều lần, cho đến khi nhận được. Thiết bị in phim thường nặng vài trăm kilôgram, cần buồng tối, điện, đèn và nhiều thiết bị phục vụ. Đưa máy vượt Trường Sơn vào Nam là chuyện khó, việc sử dụng thiết bị nặng, phức tạp trên chiến trường cài răng lược luôn biến động, còn khó hơn. Trần Quang Ngọc đã thiết kế một máy in phim đặc biệt: gọn nhẹ có đủ tính năng cơ bản để in phim; không cần điện, đèn, buồng tối và các thiết bị phục vụ phức tạp. Toàn bộ máy nặng khoảng 4 kilôgram. Máy đã vào Nam in được nhiều phim gửi ra Bắc, dàn dựng phục vụ trong nước và quốc tế. Làm cả phim chiếu tại chỗ, kịp thời phục vụ miền Nam. Máy hoạt động tốt đến ngày chiến thắng. Trên thế giới không đâu có máy in phim như vậy.

          Sản xuất phim 8 mm

Trước đây, chính quyền Sài gòn không kiểm duyệt phim 8 mm. Tận dụng điều này, Đảng và Nhà nước chủ trương sản xuất phim 8 mm đưa vào vùng địch, phục vụ đấu tranh chính trị. Vấn đề đã được thống nhất giữa Trung ương Cục miền Nam, Ủy ban Thống nhất Trung ương, Bộ Văn hóa; Nhà nước đã duyệt chi khoảng 300 ngàn USD, giao Cục Điện ảnh thực hiện. Do chiến tranh không nhập được thiết bị, công việc đành để lại.

Sau khi hoàn thành máy in phim chiến trường, Cục trưởng Cục Điện ảnh đặt lại vấn đề sản xuất phim 8 mm, Trần Quang Ngọc nhận lời. Thấy có khả năng thực hiện được, Cục trưởng báo cáo lên trên. Phó Thủ tướng Phan Trọng Tuệ xuống gặp trực tiếp Trần Quang Ngọc. Ông nêu rõ ý nghĩa chính trị, tầm quan trọng của công việc, động viên khuyến khích và ưu tiên: nếu có khó khăn có thể báo cáo trực tiếp ông.

Trần Quang Ngọc đã giải quyết nhiệm vụ đề ra bằng cách tự chế tạo thiết bị, lập quy trình công nghệ sản xuất, từ những gì sẵn có. Các phim Hội nghị cấp cao nhân dân Đông Dương, Chiến thắng đường 9 Nam Lào, Một ngày Hà nội do anh trực tiếp chỉ đạo sản xuất thử loạt lớn gửi vào Nam. Phó thủ tướng Phan Trọng Tuệ đã xem bộ phim 8 mm đầu tiên ta sản xuất. Trung ương Cục miền Nam nhận được phim, điện ra hoan nghênh, yêu cầu tăng cường sản xuất phục vụ đấu tranh. Bộ phận sản xuất phim 8 mm được thành lập.

Trong lịch sử phát triển điện ảnh Việt Nam đã từng có 3 hệ thống phim: 35, 16 và 8 mm. Hệ phim 8 mm do Trần Quang Ngọc tạo ra không đòi hỏi nhập thiết bị, chất lượng tốt, đáp ứng mọi yêu cầu. Dây chuyền sản xuất phim 8 mm như ta làm, chắc thế giới không đâu có.

          Máy in hình, in tiếng phim 16 mm

Ban đầu, Xưởng phim Giải phóng chưa làm được tiếng phim. Ngành điện ảnh chủ trương chi viện cho Điện ảnh miền Nam hệ thống thiết bị làm phim có tiếng. Trần Quang Ngọc được phân công phụ trách chung và trực tiếp thiết kế máy in hình, in tiếng phim hàng loạt. Chất lượng máy tốt. Báo Nhân dân ngày 7-4-1972 đưa tin. Cục Điện ảnh nhận được thư từ miền Nam gửi ra cho biết: bộ phim có tiếng đầu tiên của Xưởng phim Giải phóng đã được sản xuất trên hệ thống máy này.

          Chiếu phim liên tục (CPLT) bằng một máy

Trước đây, để CPLT phải dùng hai máy. Từ lâu thế giới đặt vấn đề CPLT bằng một máy. Năm 1972, Trần Quang Ngọc đã chế tạo thành công cơ cấu tự động thay cuốn phim rất đơn giản, thực hiện CPLT bằng một máy. Máy đã đi thực tế, tham gia triển lãm thành tựu kinh tế - kỹ thuật Việt Nam. Nhiều báo chí đưa tin. Hơn 10 năm sau (1984) công trình được gửi sang Tổ chức Phát minh Sáng chế Quốc tế (OMPI) và Ủy ban PMSC Liên Xô xét nghiệm, từ kho tư liệu sáng chế của Liên Xô, Mỹ, Anh, Pháp, CHLB Đức, CHDC Đức, Thụy Sĩ, Nhật Bản... với chiều sâu từ 30 đến 50 năm. Cả hai tổ chức này đều khẳng định tính mới, tính sáng tạo, khả năng áp dụng và lợi ích kinh tế xã hội của công trình. Công trình được cấp bằng sáng chế số 10, cấp quốc tế.

Như vậy là sau hơn 70 năm từ ngày điện ảnh thế giới ra đời, lần đầu tiên CPLT bằng một máy thực hiện ở Việt Nam, được thế giới công nhận.

Phương pháp kẹp chi tiết đặc biệt

Được làm bằng bột sắt trên băng từ do Trần Quang Ngọc đề xuất, lúc đó chưa có trong tài liệu kỹ thuật, được áp dụng, để gia công kịp thời sản phẩm, phục vụ quay phim chiến trường. Hơn 10 năm sau, khi Cục Sáng chế ra đời, tác giả đăng ký công trình sáng chế cấp quốc tế. Tiếc là trước đó (sau tác giả), ở nước ngoài đã có người đăng ký.

Bộ phát tiếng phim máy chiếu

Do không nhập được sản phẩm, thiếu phần phát tiếng, máy chiếu phim không xuất xưởng được, bị ứ đọng. Cán bộ chuyên môn liên hệ nhiều nơi giải quyết, nhưng không có kết quả. Trần Quang Ngọc đưa ra giải pháp, không giống Liên Xô, Trung Quốc và các nước khác: rất đơn giản, chất lượng tương đương, giá thành bằng khoảng 1/10. Điều quan trọng là đã đưa nền công nghiệp sản xuất máy chiếu phim hoạt động ổn định trở lại.

Thực tế, tác giả đã phải sử dụng biện pháp kiểm tra, loại trừ yếu tố tâm lý, để kết quả nghiên cứu được thừa nhận, đưa vào thực tiễn.

Cải tạo máy nổ - phát điện

Máy nổ - phát điện Việt Nam làm theo mẫu Liên Xô hoạt động không ổn định. Năm 1979, yêu cầu phục vụ chiến tranh biên giới cấp thiết, mà máy bị hỏng hàng loạt. Bộ Văn hóa yêu cầu Cục Điện ảnh, Xí nghiệp Thiết bị Điện ảnh, Công ty vật tư phối hợp giải quyết gấp việc này. Chuyên gia của Bộ Văn hóa nhiều lần sang Bộ Cơ khí - Luyện kim, nơi sản xuất máy, nhưng không có kết quả. Trần Quang Ngọc được mời về, đã thiết kế thay phần máy nổ Việt Nam bằng máy nổ Mỹ (có nhiều ở ta khi đó), kịp đưa các đội chiếu phim mặt trận và mạng lưới chiếu bóng vào hoạt động.

Tại Triển lãm thành tựu kinh tế - kỹ thuật Việt Nam, công trình được tặng Huy chương Đồng, UB KHKT Nhà nước cấp giấy chứng nhận quyền tác giả,

Đèn hồ quang chiếu bóng

Trước kia, đèn hồ quang chiếu bóng phải nhập ngoại, rất bị động. Nhiều lúc, nhiều rạp phải đóng cửa vì không có đèn. Quy trình sản xuất hồ quang phức tạp, sử dụng nhiều loại thiết bị, nguyên liệu. Có nguyên liệu là nguyên tố hiếm, tác giả phải phối hợp với Tổng cục Địa chất, Đại học Bách khoa, Tổng hợp, Viện Luyện kim màu... khai thác chế biến từ quặng Việt Nam. Trần Quang Ngọc đã làm hàng nghìn thí nghiệm, hàng trăm mẫu thử để hồ quang có chất lượng tốt. Bằng sự phối hợp với các cơ sở, cải tạo các thiết bị sẵn có, Trần Quang Ngọc đã tạo ra dây chuyền công nghệ, sản xuất hàng vạn đèn hồ quang đáp ứng mọi yêu cầu của xã hội, không yêu cầu nhà nước đầu tư nhà xưởng, trang bị.

Tại Triển lãm thành tựu kinh tế - kỹ thuật Việt Nam, công trình được tặng Huy chương Bạc, UB KHKT Nhà nước cấp giấy chứng nhận quyền tác giả,

          Máy chiếu phim mẫu

Máy chiếu phim Việt Nam sản xuất theo mẫu Liên Xô từ năm 1950. Với mục đích nâng cao chất lượng sản phẩm, Trần Quang Ngọc đã chủ trì phối hợp Viện Kỹ thuật Điện ảnh với Xí nghiệp Thiết bị Điện ảnh, Công ty vật tư đổi mới mặt hàng này ngang tầm với các máy cùng thế hệ năm 1990. Công trình đạt các tiêu chuẩn kỹ thuật đề ra.

         Phương pháp ghi phụ đề phim nhựa

Để làm phụ đề giới thiệu phim ra nước ngoài, ngành điện ảnh đã chi nhiều tiền nhập thiết bị, cử người đi học, mời chuyên gia nước ngoài, nhưng công việc không hoàn thành kịp thời hạn. Trần Quang Ngọc đề xuất phương pháp làm phụ đề phim kiểu lộ sáng, đơn giản, chất lượng tốt, không cần nhập thiết bị, kịp làm phim dự liên hoan quốc tế và đáp ứng mọi yêu cầu xuất khẩu phim của ngành nhiều năm liền. Công trình được cấp bằng độc quyền giải pháp hữu ích.

          Chuyển phim máy chiếu theo nguyên lý mới và Cơ cấu tách phim tự động

Đây là những vấn đề kỹ thuật điện ảnh thế giới đặt ra từ lâu, với mục đích nâng cao tuổi thọ phim, chất lượng tiếng phim, hiệu quả sử dụng thiết bị. Trần Quang Ngọc đề xuất, đăng ký hai công trình này, đều được cấp bằng sáng chế cấp quốc tế.

          Làm kỹ xảo trên phim nhựa.

Từ lâu ngành điện ảnh mong muốn xây dựng bộ phận làm kỹ xảo phim, nhưng không thực hiện được vì cần nhiều loại thiết bị đắt tiền. Trần Quang Ngọc thử nghiệm làm việc này bằng trang thiết bị sẵn có và tự chế tạo. Hàng chục kỹ xảo được nghiên cứu, thể hiện thành phim cụ thể. Công trình được Hội đồng KHKT đánh giá xuất sắc. Bộ Văn hóa Thông tin ra quyết định khen thưởng.

         Ghi thuyết minh và lồng tiếng dân tộc vào phim

Đồng bào các dân tộc vùng sâu, vùng xa ít người biết tiếng Kinh. Các đội chiếu bóng địa phương ít người biết tiếng dân tộc. Chiếu phim không có thuyết minh, kết quả hạn chế. Trần Quang Ngọc đã phối hợp với Sở Văn hóa Thông tin Yên Bái, Ủy ban Dân tộc và Miền núi, ghi thuyết minh và lồng tiếng dân tộc vào phim. Phim truyện Người hùng đá đỏ được lồng tiếng Khơme trình chiếu trước khi phim Oshin lồng tiếng Việt phát trên truyền hình.

Đồng chí Hà Đăng, Trưởng ban Tư tưởng Văn hóa Trung ương hoan nghênh khuyến khích; Chủ tịch, phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Quốc hội, Y Ngông Niêk Đam, Cư Hòa Vần cùng các đại biểu kỳ họp thứ 5 khóa IX đã đến Viện Kỹ thuật Điện ảnh nghe báo cáo, xem phim; hoan nghênh, yêu cầu triển khai nhanh phục vụ đồng bào các dân tộc. Cục Văn hóa Thông tin cơ sở đã đặt hàng ngàn băng phim ghi thuyết minh và lồng tiếng các dân tộc: Tày, Mông, Chăm, Khơme chiếu ở các địa phương.

          Mô hình quản lý mới

Từ thực tế nhận thấy, nhiều đề tài KHCN thực hiện bằng ngân sách nhà nước kém hiệu quả. Nhiều công trình xuất sắc nhưng lại để đấy. Chủ trương đổi mới của Đảng và Nhà nước có tác dụng thúc đẩy mạnh mẽ, mở cho KHKT những khả năng to lớn để phát triển. Với những người thực sự tài năng, công trình đáp ứng yêu cầu xã hội, thì hiệu quả kinh tế sẽ lớn hơn kinh phí đầu tư nghiên cứu rất nhiều. Từ đó, Trần Quang Ngọc vận động cán bộ viên chức nghiên cứu, các chủ trương chính sách mới, cùng thực hiện công trình Thử nghiệm mô hình quản lý theo cơ chế mới, tiến hành các hoạt động khoa học kỹ thuật không dựa vào ngân sách Nhà nước. Công trình có hiệu quả, được nhiều chuyên gia cấp cao các bộ, ban, ngành, các cơ quan của Đảng và Nhà nước đánh giá cao. Sau khi có phiếu báo của Văn phòng Chính phủ, các bộ quản lý nhà nước, các tổ chức chính trị xã hội, tổ chức xã hội cấp trung ương có văn bản chính thức đồng tình ủng hộ.

Các giải pháp của Trần Quang Ngọc không giống nước nào, phù hợp với Việt Nam, hiệu quả khoa học, chính trị, kinh tế cao. Sau hội nhập, một số công trình đăng ký, được công nhận là sáng chế cấp quốc tế. Báo Nhân dân ngày 3-6-1990 đưa tin: Trần Quang Ngọc là người có nhiều bằng sáng chế (quốc tế) nhất Việt Nam khi đó. Có vấn đề điện ảnh thế giới đề ra từ hơn nửa thế kỷ trước, lần đầu tiên thực hiện ở Việt Nam, được thế giới công nhận.

Trần Quang Ngọc luôn lao động hết mình. Chiến tranh và những công việc cấp thiết đòi hỏi, anh làm việc không kể giờ giấc; nhiều khi áp dụng cả phương pháp làm việc 2-3 tiếng ngủ 15 phút, suốt ngày đêm cho đến khi hoàn thành công việc. Khi làm việc với nguyên tố hiếm tách ra từ chất phóng xạ, nhiều người hoang mang lo nhiễm độc, Trần Quang Ngọc đã bắt tay làm trước để mọi người yên tâm.

       Với tinh thần lao động quên mình, với khối lượng công việc to lớn đã hoàn thành phục vụ kháng chiến bảo vệ tổ quốc, phục hồi kinh tế những năm khó khăn sau chiến tranh, Trần Quang Ngọc rất xứng đáng được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 339, tháng 9-2012

Tác giả : Đỗ Văn Khang

;