NGHỆ THUẬT TẠO HÌNH VÀ TẠO HÌNH PHIM TRUYỆN (P1)

Nếu như trong văn học, hội họa, âm nhạc, điêu khắc… người ta thường nhấn mạnh đến vai trò sáng tạo cá nhân, thì trong sân khấu, và đặc biệt là điện ảnh, người ta lại càng thấy rõ sự sáng tạo gắn kết của nhiều cá nhân trong tập thể. Với tính chất và ngôn ngữ đặc thù, nghệ thuật phim truyện đã tổng hợp, kết tinh những tinh hoa của các ngành nghệ thuật có trước để tạo ra diện mạo một nghệ thuật mới có khả năng tạo nên không gian mới.

Nghệ thuật tạo hình đã và đang thể hiện vai trò không thể thiếu đối với sự thành bại của bộ phim, bởi sự ứng dụng đa dạng và kết tinh những sáng tạo đặc biệt, tác động trực tiếp đến hiệu quả thẩm mỹ thị giác trên màn ảnh. Những sáng tác nghệ thuật thành công thường cho thấy sự phối hợp nhuần nhuyễn giữa thủ pháp biểu hiện trực tiếp và gián tiếp. Nếu quá trực tiếp sẽ mất đi hương vị. Nếu quá gián tiếp sẽ quá xa rời vấn đề cần diễn đạt. Khuôn hình điện ảnh vốn mang tính trực tiếp, nhưng hình tượng tạo hình vừa mang tính trực tiếp lại vừa có thể gián tiếp khắc họa trạng thái nhân vật, miêu tả tâm trạng...

Sân khấu và điện ảnh đều là nghệ thuật diễn xuất, song điện ảnh khác sân khấu ở phạm vi phản ánh, nó thoát khỏi không gian nhà hát. Khi sân khấu trình bày một tác phẩm cho người xem trông thấy, bằng mắt thường, thì ống kính máy quay và màn ảnh lại cho người ta thấy những gì mà người làm phim chọn lọc để thể hiện qua những toàn cảnh, trung cảnh, cận cảnh, đặc tả; dàn dựng trên sân khấu được phép cách điệu và ước lệ trong một không gian ba chiều, thì dàn dựng bối cảnh của điện ảnh luôn dựa vào cảnh thật, những phố phường, làng mạc, núi, rừng, biển khơi… Nó không phải là một mặt phẳng, mà là khối mảng cao, thấp, chiều sâu bao la, bởi trong phương pháp dàn dựng phức tạp, máy quay không đứng yên một chỗ, mà chuyển động với nhiều động tác, góc độ khác nhau. Điều này chúng tỏ tính toàn năng trong dàn cảnh điện ảnh, không bị hạn chế trong một không gian hẹp.

Sân khấu cũng là nghệ thuật không gian nhưng không gian đó chịu sự hạn chế bởi phạm vi sàn diễn và điểm nhìn của khán giả bằng viễn cảnh mắt thường từ chỗ ngồi cố định khi quan sát những cảnh tượng trên sân khấu, và ngoài sự gò bó ấy về không gian, sức biểu hiện của thời gian cũng rất hạn chế. Nghệ thuật sân khấu hiện đại cũng nỗ lực khai thác dung lượng không gian và thời gian, nhưng vĩnh viễn nó không thể đạt được sự “tự do” như trong điện ảnh.

Do vậy, ngôn ngữ và phương tiện của điện ảnh khác hẳn với sân khấu. Khi sân khấu trình bày một tác phẩm tức là cho người xem trông thấy, khán giả sân khấu chỉ có hai con mắt để quan sát sự việc. Còn trong điện ảnh thì ống kính cho người ta thấy những gì cần thiết. Có thể nói “màn ảnh điện ảnh đã phá vỡ cái khung khép kín” của hình thái sân khấu, thay vào đó là một không gian mở, khiến thế giới điện ảnh trở thành một dạng hợp thể không gian và thời gian. Không gian tạo hình phim truyện là thứ không gian sinh động, tưởng tượng, giống như không gian thật, cũng có những khoảng thời gian kéo dài tiếp diễn. Bằng các thiết bị kỹ thuật, các đối tượng cảnh quay cùng tạo hình diễn xuất, tập thể làm phim vận dụng tư duy tạo hình trong việc kiếm tìm không gian lung linh. Về ý nghĩa, không gian điện ảnh cũng có một dạng hiện thực mỹ học giống như trong hội họa.Tất cả những yếu tố tạo hình được thể hiện thông qua ống kính máy quay và dựng phim, rồi tổng hợp lại mà thành hiện thực trên màn ảnh. Nhưng trong thế giới hiện thực, không gian không chỉ bao gồm ba thuộc tính: độ rộng, độ cao, độ sâu mà nó còn được tiếp tục phát triển và mở rộng bởi thời gian.Tầm mắt của con người chính là sự tiếp nối cùng với thời gian, nên nhận thức của con người về tất cả những dạng thái không gian này ngày càng sâu và rộng hơn. Nhờ chuyển động, không gian vốn có ba thuộc tính trên lại trở thành không gian bốn thuộc tính. Do đó có thể cảm thấy mọi thứ trên phim đều rất gần gũi có thể nhìn thấy được.

Phim truyện có thể mượn nhờ nhiều quy luật và nguyên tắc của hội họa, điêu khắc, kiến trúc, nghệ thuật biểu diễn và biến nó thành ngôn ngữ tạo hình của riêng mình. Chính ngôn ngữ điện ảnh đòi hỏi sự trợ giúp của nghệ thuật tạo hình truyền thống. Trong thời kỳ đầu của điện ảnh, các nhà làm phim, thậm chí cả những tên tuổi lớn, cũng học hỏi hội họa và điêu khắc thông qua việc vay mượn, mô phỏng. Tuy nhiên, việc làm này cũng đòi hỏi sự suy tính cân nhắc, vì chỉ nên mượn dùng khi chúng có thể thực sự gợi ra được ẩn ý gì mới mẻ trên khuôn hình.Việc quá lạm dụng hội họa nhiều khi đem lại tác dụng ngược. Nếu khuôn hình nào của phim cũng được tạo hình theo nguyên tắc cố tình theo đuổi cách xử lý về cân bằng, về độ sáng tối… như trong hội họa, thì tuy các khuôn hình đó nhìn bề ngoài rất đẹp nhưng thực chất lại không hề có tính chuyển động.

Từ các tác phẩm hội họa kiệt xuất, phim truyện có thể hấp thụ được nguồn dinh dưỡng quý báu để tạo nên sự thành công tuyệt vời, nhưng quan trọng là tạo hình màn ảnh cần vay mượn các môn nghệ thuật khác (nhưng không nên quá cứng nhắc), hài hòa hợp lý mối quan hệ giữa điện ảnh với các ngành nghệ thuật, phân biệt được sự giống nhau và khác nhau giữa không gian điện ảnh và nghệ thuật tạo hình truyền thống.

Người làm phim luôn mong muốn những khuôn hình được thể hiện trên màn ảnh đều đẹp, đều có thể làm rung động khán giả. Khuôn hình điện ảnh là tạo hình có tính chuyển động, mang tính đặc thù riêng.Còn nghệ thuật tạo hình truyền thống như hội họa, điêu khắc, tuy có thể biểu hiện thời gian và sự chuyển động, nhưng thứ ngôn ngữ mà nó sử dụng là tượng trưng, còn cảm giác chuyển động của tạo hình khuôn hình điện ảnh lại là sự tưởng tượng có thực. Chính sự chuyển động của ống kính máy quay phim đã phá vỡ quy luật tạo hình của hội họa truyền thống, trong đó có cả cấu tứ khuôn hình và sự vận dụng về ánh sáng.

Dù sao khuôn hình phim truyện vẫn cần thiết theo đuổi cái đẹp hình thức, cần thiết hấp thụ chất dinh dưỡng của nghệ thuật tạo hình truyền thống. Tạo hình phim truyện luôn cần tính tới độ dài, ngắn của một cú bấm máy, thời gian chuyển động của máy quay phim, hiệu quả tạo cảnh khi nối từ cảnh này sang cảnh kia. Người làm phim mà cụ thể là đạo diễn, quay phim, họa sĩ, diễn viên, dựng cảnh, hóa trang, phục trang, dựng phim… cần nhận thức rằng mỗi khuôn hình điện ảnh không phải là một bức tranh đơn độc, mà là một bộ phận cấu thành của tổng thể bộ phim. Cho dù cú bấm máy đó là tĩnh (máy quay được đặt cố định, không chuyển động), nhưng vì các nhân vật trong khuôn hình không ngừng chuyển động, thay đổi nên khiến cho những cấu tứ, đường nét, bố cục, sáng tối, sự phối hợp về màu sắc và ánh sáng… trong khuôn hình đó cũng bị thay đổi: cái hoàn chỉnh, cân bằng bỗng biến thành cái không hoàn chỉnh; sự cân đối về phối màu sẽ biến thành sự mất cân đối; những nguyên tắc cấu tứ bị mất đi sức quyến rũ vốn có. Nếu tập thể sáng tác phim truyện xem thường đặc tính này, chỉ quan tâm đến những từng phần nhỏ bé của khung cảnh được tạo dựng, thì khuôn hình đó dù đẹp thế nào cũng thiếu sức sống, vì những thiết kế bị vỡ vụn khi các nhân vật di chuyển trong cảnh và khi ống kính chuyển động.

Điện ảnh đã thoát được tính ngưng trệ của điểm nhìn sân khấu. Sự giải phóng về điểm nhìn không chỉ giúp khán giả được tự do quan sát đối tượng từ nhiều góc độ trên màn ảnh, mà còn khiến họ như bước vào trong phim, luôn đứng ở vị trí một nhân vật trong phim.

Khi ngồi xem phim, có lúc khuôn hình được biểu hiện từ điểm nhìn của nhân vật, và có lúc được biểu hiện từ điểm nhìn của khán giả. Như vậy trong vô thức, người xem đã thay thế một nhân vật nào đó trong phim để quan sát sự kiện và những nhân vật xung quanh. Hiệu ứng đó đã đem lại hiệu quả thị giác rất lớn.

Trong mỹ thuật trang trí, tranh có hai thuộc tính là độ cao và độ rộng, tuy nhiên trên bề mặt tranh, người họa sĩ luôn thể hiện thuộc tính thứ ba là độ sâu. Tranh hội họa thường chọn một khoảnh khắc điển hình vào khuôn khổ cố định của khung tranh, tức là người họa sĩ áp dụng hình thức cấu tứ khép kín để miêu tả hiện thực. Người sáng tác tiến hành lựa chọn, lược bỏ, sắp xếp, phối hợp nhuần nhuyễn giữa gợi và tả, thậm chí cách điệu các yếu tố tạo hình, nhưng do chúng không cùng bản chất hiện thực, nên từ đó tạo nên một giá trị thẩm mỹ đặc biệt. Trong lịch sử hội họa thế giới, nhiều danh họa nổi tiếng luôn tìm kiếm phương pháp thể hiện được bốn thuộc tính của không gian trên bề mặt tranh. Trong khi chuyển động không gian không ngừng thay đổi và phát triển tính chất, nhưng hội họa chỉ có thể dựa vào phương pháp tượng trưng hoặc tả ý để biểu thị bốn thuộc tính của không gian, do sự hạn chế quá lớn của các thủ pháp nghệ thuật thể hiện.

Tuy màn ảnh là phẳng, chỉ có hai thuộc tính là độ rộng, độ cao, nhưng còn có thể tạo ra cảm giác của không gian ba chiều, khiến cho không gian được quay tạo nên cảm giác như thật. Hơn nữa, với sự chuyển động của máy quay, không gian trên màn ảnh lại trở thành ảo giác về không gian bốn thuộc tính. Máy quay thay thế cho mắt con người. Cùng với sự biến đổi không ngừng của điểm nhìn thì tầm nhìn càng không ngừng được mở rộng, thay đổi và phản ánh, nên không gian trong bộ não của chúng ta không ngừng phát triển và biến đổi.

Cái khác biệt cơ bản nhất của tạo hình màn ảnh với nghệ thuật tạo hình hội họa và điêu khắc đó là: tính chuyển động. Chỉ có nắm vững bản chất này, tạo hình điện ảnh mới có thể khiến cho sáng tác của mình đi vào một thế giới tự do. Nhiều nhà làm phim nổi tiếng đã tận dụng ưu thế này của tạo hình màn ảnh để biến những khung cảnh vốn rất bình thường trở nên tuyệt vời, tạo được ấn tượng bất ngờ, khiến khán giả thấy gần gũi và hưng phấn. Ngược lại, với việc tạo hình kém cỏi, khán giả sẽ chẳng cảm nhận được điều gì đặc biệt, thậm chí thất vọng.

Hơn hết, nghệ thuật phim truyện nhận thức đầy đủ ưu thế to lớn của tạo hình màn ảnh. Khi lựa chọn ngoại cảnh hoặc dựng bối cảnh trong trường quay, không thể xem nhẹ sự chuyển động của máy quay và nhân vật trong khung cảnh đó. Hiệu quả màn ảnh là nhằm chỉ hiệu quả vốn có của tạo hình trong chuyển động, chứ không phải là hiệu quả thu được ở trạng thái tĩnh. Có một số trạng thái tĩnh đã tạo ra được những hiệu quả bằng mắt thường rất tinh tế, nhưng do không trù liệu việc chuyển động nên sau khi quay, khuôn hình thường mất đi những hiệu quả thị giác mong muốn. Nguyên nhân là những phần đẹp của sự gia công trang trí đã bị lọt ra ngoài tầm nhìn của ống kính khi quay, hay nói cách khác đã không lọt vào được các bố cục khuôn hình. Như vậy là vô nghĩa.

Hình tượng nhân vật, cảnh vật tự nhiên, công trình kiến trúc, bối cảnh, đạo cụ, phục trang… trong phim truyện đều là các thành tố của tạo hình màn ảnh. Khuôn hình được phản ánh trên màn bạc thực chất chính là sự tái hiện nghệ thuật của thế giới hiện thực bên ngoài. Khung cảnh, bối cảnh từ lâu đã không còn đơn thuần là môi trường cho hoạt động của người và vật, mà là điểm tựa làm thành những bố cục khuôn hình tiếp nối liên tục từng trạng huống nhân vật theo mỗi mức độ tình cảm, thái độ, động tác, hành vi… Hàng loạt những sự kiện vui, buồn, sướng khổ, những tâm trạng, cảnh vật… đều gắn kết với nhau như mặt âm và mặt dương của đối tượng cần quay, có tác dụng tương hỗ lẫn nhau. Nếu như điện ảnh truyền thống chủ trương khắc họa tính cách nhân vật trên cơ sở sự phát triển xung đột kịch tính và động tác… thì điện ảnh ngày nay đã quan niệm khác. Người ta không chỉ dựa vào xung đột và hành vi của nhân vật mà còn dựa vào việc tạo hình khuôn hình.

Tác dụng của những khung cảnh và những yếu tố tạo hình mà điện ảnh cung cấp lại luôn luôn vượt ra ngoài phạm vi không gian khuôn hình. Những thành tố này tác động trực tiếp tới hiệu quả màn ảnh. Những kiến trúc nhà cửa, ánh sáng tự nhiên, đạo cụ, trang phục… đều phải tinh tế, tỉ mỉ, chính xác như thật. Chính vì thế, những người làm phim truyện không những phải chịu khó mày mò, nghiêm túc nghiên cứu kỹ các đặc điểm riêng của quá khứ, hiện tại…; mà còn phải đáp ứng những đòi hỏi đặc thù về tạo hình màn ảnh.

Tất cả những yếu tố tạo hình được thể hiện thông qua ống kính máy quay và dựng phim, rồi tổng hợp lại mà thành hiện thực trên màn ảnh. Như vậy, có thể sử dụng những hình thức tiếp cận của những loại hình nghệ thuật khác, miễn sao thể hiện được cái cuối cùng là nhận thức sự thật, nhận thức được ý tưởng mà tác giả muốn truyền tới cho người xem. “Phim hay trước tiên phải hỏi, điện ảnh có thực sự điện ảnh hay không… Nếu như không có điện ảnh, nếu nó chỉ có cốt truyện, và nội dung thì có thể xuất hiện ở bất cứ loại hình nghệ thuật nào cũng được…”(1).

Điện ảnh gần gũi với cuộc sống, bằng ngôn ngữ tạo hình chân thực, cụ thể (ngay cả khi tái tạo cảnh bằng bối cảnh giả, hay các thể loại phim kinh dị…). Phim phản ánh thiên nhiên, con người và xã hội bằng những hình ảnh cụ thể quay ngay trong hiện thực, khiến cho người xem tưởng như mình đang hòa vào hơi thở nóng hổi của cuộc sống hiện trên màn ảnh, y như thật. Không những thế, phim còn có thể tái hiện những sự kiện đã xảy ra, đã thuộc về dĩ vãng, hay ngay cả những câu chuyện thần thoại đầy biến hóa, tưởng tượng, cũng có thể dựng lên như thật.

Phát triển từ nghệ thuật nhiếp ảnh, điện ảnh không những có khả năng ghi lại hiện thực cuộc sống, mà còn tái tạo chất liệu thành một dạng nghệ thuật mới. Điện ảnh vận dụng đủ các loại thủ pháp tạo hình như khuôn hình, ánh sáng, màu sắc… để bày ra một cách trực tiếp và khách quan trước mắt người xem, khiến khán giả có được cảm giác giống thật, mà hiếm có bộ môn nghệ thuật nào có thể khiến họ cảm nhận được như vậy.

Thế giới màn ảnh không phải là hiện thực vật chất mà chỉ là những huyễn tưởng hiện thực sau khi đã được lựa chọn, cải tạo, sửa chữa, thêm bớt… Nhưng dù là huyễn tưởng cũng phải đem lại cảm giác chân thực cho khán giả. Điện ảnh trước đây và bây giờ đều chưa mất đi đặc trưng này. Nghĩa là điện ảnh có khả năng lớn trong việc khái quát, nhào nặn và tái hiện lại hiện thực trên màn ảnh với cách thức rất điển hình hóa.

Có thể nói sự gần gũi với cuộc sống của điện ảnh chính nhờ những chi tiết giống với cuộc sống thực, nhưng cũng có cả những bối cảnh được làm giả để phục vụ cho cảnh quay, nhưng hiệu quả thị giác vẫn cần giống như thật. “Khi làm phim, mục đích không phải là ghi lại cái thực, mà còn cố gắng làm cho người xem nhận thức được cái thực”(2).

Điện ảnh phim truyện dù cho phép người nghệ sĩ hư cấu, làm xảo thuật, nhưng phải đảm bảo tính chân thực, nếu làm người xem không tin thì coi như thất bại. Tạo hình khung cảnh cho phim phải phù hợp với tình tiết nội dung truyện phim, phù hợp với nhân vật, với đặc điểm thời đại và với mỗi vùng miền, địa phương… với sự chân thực đáng tin. Không khí chung của khung cảnh, bối cảnh chính là cơ sở quan trọng của tạo hình điện ảnh, bởi lẽ màu sắc và không khí của cảnh không chỉ đơn giản là bối cảnh xảy ra hành động, mà còn luôn là mảnh đất phát triển tính cách nhân vật.

(Còn nữa)

_______________

 

1. Viện phim Hà Nội, Hội Điện ảnh Việt Nam, Kỷ yếu tọa đàm phim truyện đề tài Việt Nam của các đạo diễn người Việt ở nước ngoài, Hà Nội, 2007, tr.57.

          2. Lê Giang, Nhà thơ đạo diễn Đào Trọng Khánh: Phim phải là một bài thơ bằng hình ảnh, Tạp chí Thế giới Điện ảnh, số 3-2007, tr.8, 9.


Nguồn : Tạp chí VHNT số 300, tháng 6-2009

Tác giả : Đỗ Lệnh Hùng Tú

;