Ngành Du lịch Việt Nam ứng phó với đại dịch COVID-19 - Bài 1: Đại dịch COVID-19 và những thách thức đặt ra

Du lịch thế giới nói chung và du lịch Việt Nam nói riêng đã và đang phải trải qua những khó khăn chưa từng có. Ở trong nước, sau bốn đợt dịch bùng phát trên diện rộng từ đầu năm 2020, ngành Du lịch phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Đứng trước những vấn đề nan giải mà đại dịch COVID-19 đặt ra, Đảng, Nhà nước, Chính phủ, cũng như các cấp, các ngành đã chủ động, kịp thời thực hiện các biện pháp mạnh mẽ, quyết liệt để phòng, chống, ngăn chặn dịch bệnh.

“Năm 2019, ngành Du lịch đóng góp trên 9,2% vào GDP cả nước; tạo ra 2,9 triệu việc làm, trong đó có 927.000 việc làm trực tiếp. Tính chung trong giai đoạn 2015-2019, ngành Du lịch đạt tốc độ tăng trưởng cao 22,7%. Thành tựu và nỗ lực của du lịch Việt Nam đã được thế giới đánh giá cao, Tổ chức Du lịch thế giới (UNTWO) xếp Việt Nam đứng thứ 6 trong 10 quốc gia có tốc độ tăng trưởng du lịch nhanh nhất thế giới. Trong năm 2019, du lịch Việt Nam cũng đạt nhiều giải thưởng danh giá mang tầm vóc châu lục và thế giới. Với đà tăng trưởng của năm trước, bước vào năm 2020, du lịch Việt Nam đã đón lượng khách quốc tế kỷ lục trong tháng 1, đạt 2 triệu lượt, tăng 32,8% so với cùng kỳ năm 2019” (1). Tuy nhiên, đại dịch COVID-19 đã nhanh chóng đóng băng ngành Du lịch thế giới và Du lịch Việt Nam cũng không nằm ngoài tầm ảnh hưởng. Theo báo cáo cuối năm của Tổng cục Thống kê, năm 2020, do việc đóng cửa biên giới để ngăn chặn đại dịch COVID-19 bùng phát, khách quốc tế đến Việt Nam chỉ đạt khoảng 3,7 triệu lượt, giảm 79,5% so với 2019; khách nội địa đạt 56 triệu lượt, giảm 34,1%; tổng thu du lịch đạt 312 nghìn tỷ đồng, giảm 58,7% - mức giảm tương đương 19 tỷ USD (2). Khoảng 40-60% lao động bị mất việc làm hoặc cắt giảm ngày công. Khoảng 95% doanh nghiệp lữ hành quốc tế đã ngừng hoạt động. Nhiều khách sạn phải đóng cửa, công suất sử dụng phòng có thời điểm chỉ đạt từ 10-15%. Năm 2021 là năm thứ hai du lịch tiếp tục chịu ảnh hưởng thiệt hại, các chỉ tiêu phát triển du lịch tiếp tục giảm mạnh. Ước tính cả năm 2021, lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam chỉ đạt 14.900 lượt; lượng khách du lịch nội địa đạt 40 triệu lượt; tổng thu từ khách du lịch đạt 180 nghìn tỷ đồng. Khoảng 90-95% số lượng doanh nghiệp du lịch phải dừng hoạt động (trừ một số rất ít doanh nghiệp tổ chức tour nội tỉnh). Nhân lực ngành Du lịch phần lớn bị mất việc làm, số ít còn lại làm việc cầm chừng. Người lao động phải chuyển đổi sang ngành nghề khác để kiếm sống. Năm 2020, các doanh nghiệp lần lượt phải cắt giảm nhân sự từ 70-80%. Sang năm 2021, số lượng lao động làm đủ thời gian chỉ bằng 25% so với năm 2020, lao động nghỉ việc hoặc chấm dứt hợp đồng lao động chiếm khoảng 30%, lao động tạm nghỉ việc khoảng 35%, lao động làm việc cầm chừng chiếm 10%... (3). Nhìn vào số liệu thống kê trên, có thể thấy đại dịch COVID-19 đã tác động rất lớn đến mọi mặt của hoạt động du lịch như tăng trưởng kinh tế, lao động việc làm và thu nhập của người lao động…

Đứng trước những vấn đề nan giải mà đại dịch COVID-19 đặt ra, Đảng, Nhà nước, Chính phủ đã chủ động, kịp thời thực hiện các biện pháp mạnh mẽ, quyết liệt để phòng, chống, ngăn chặn dịch bệnh. Việc làm đầu tiên và quan trọng nhất ngay từ khi dịch COVID-19 bắt đầu xuất hiện tại Việt Nam chính là Chính phủ đã khẩn cấp thành lập Ban chỉ đạo quốc gia Phòng, chống dịch bệnh. Thành viên ban chỉ đạo gồm: Phó Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng, Thứ trưởng của nhiều bộ ngành như: Bộ Y tế, Bộ Thông tin và truyền thông, Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ VHTTDL, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài chính… Ngày 29-3-2020, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 37/NQ-CP về một số chế độ đặc thù trong phòng, chống dịch COVID-19. Để tiếp tục tập trung ngăn chặn, đẩy lùi, tiến tới kiểm soát tốt dịch bệnh COVID-19, không để xảy ra khủng hoảng y tế, kinh tế, xã hội, Chính phủ thống nhất ban hành Nghị quyết số 86/ NQ-CP về các giải pháp cấp bách phòng, chống dịch bệnh COVID-19 để thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15 ngày 28-7-2021 của Quốc hội khóa XV.

Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo thực hiện nghiêm Nghị quyết 128/NQ-CP ngày 11-10-2021 của Chính phủ về “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”; chỉ đạo, hướng dẫn Ban chỉ đạo Phòng, chống dịch COVID-19 các cấp chuẩn bị phương án, kịch bản phòng, chống dịch trên địa bàn linh hoạt, khoa học, hiệu quả; tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm những giải pháp phòng, chống dịch như xét nghiệm nhanh, cách ly kịp thời, điều trị hiệu quả... gắn với thực hiện tốt việc khôi phục, phát triển kinh tế xã hội. Điều này cho thấy tính cấp bách của đại dịch COVID-19 đến tình hình kinh tế, xã hội Việt Nam. Để nền kinh tế nhanh chóng quay trở lại quỹ đạo phát triển bình thường, dịch bệnh này cần được xử lý kịp thời và không để các vấn đề phát sinh trong thời kỳ dịch bệnh tồn đọng dai dẳng, kéo chậm tốc độ tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế. Chính phủ đã xác định để giải quyết các vấn đề này cần phải có sự tham gia, phối hợp giữa nhiều bộ, ngành và đưa ra những chính sách có tính tổng thể, hệ thống.

Ngày 29-7-2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ra lời kêu gọi gửi đồng bào, đồng chí, chiến sĩ cả nước và đồng bào ta ở nước ngoài về công tác phòng, chống đại dịch COVID-19. Lời kêu gọi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã kịp thời biểu dương và đánh giá cao sự cố gắng, nỗ lực của nhân dân trong nước, đồng bào ta ở nước ngoài đã phát huy truyền thống yêu nước, tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái; cảm ơn cộng đồng quốc tế đã đồng hành, ủng hộ, chung tay góp sức cùng Việt Nam; đồng thời biểu dương sự vào cuộc kịp thời, tích cực của cả hệ thống chính trị; kêu gọi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và đồng bào ta ở nước ngoài đoàn kết, đẩy lùi dịch bệnh; yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, ban chỉ đạo phòng, chống dịch từ trung ương tới cơ sở quyết liệt hơn nữa trong công tác chỉ đạo, linh hoạt, sáng tạo tổ chức thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Để ứng phó và khắc phục những hậu quả của đại dịch COVID-19 và để hướng đến mục tiêu dài hạn, Đảng, Nhà nước, Chính phủ đã nhanh chóng đưa ra các chính sách tiền tệ, tài khóa, an sinh xã hội… nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và người dân vượt qua giai đoạn khó khăn nhất, vừa phát triển kinh tế, vừa ổn định xã hội, tạo nền tảng cho tăng trưởng nhanh và bền vững. Trong những chính sách về khôi phục và phát triển nền kinh tế ứng phó với dịch COVID-19, đáng chú ý là những chính sách liên quan trực tiếp đến du lịch - ngành chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ dịch COVID-19.

Ngay từ đầu năm 2020, khi đại dịch COVID-19 bắt đầu bùng phát trên thế giới và Việt Nam, Bộ VHTTDL, Tổng cục Du lịch đã chủ động theo dõi, nắm bắt tình hình, có hàng loạt văn bản đề xuất lên Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các cơ quan liên quan có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động trong ngành Du lịch bị ảnh hưởng của dịch bệnh như: Trong năm 2020, Tổng cục Du lịch đã chủ động tham mưu Lãnh đạo Bộ VHTTDL có 5 văn bản đề xuất, bao gồm: Công văn số 1156/BVHTTDL-TCDL ngày 19-3-2020 gửi Thủ tướng Chính phủ báo cáo đề xuất về các chính sách hỗ trợ liên quan đến dịch COVID-19; Công văn số 1399/ BVHTTDL-TCDL ngày 9-4-2020 gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất bổ sung các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho ngành Du lịch bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19; Công văn số 3406/BVHTTDL-TCDL ngày 16-9-2020 gửi Thủ tướng Chính phủ về đề xuất các giải pháp cấp bách hỗ trợ doanh nghiệp du lịch trước bối cảnh tác động của đại dịch COVID-19; Công văn số 401/ BVHTTDL-TCDL ngày 30-9-2020 và Công văn số 482/BVHTTDL-TCDL ngày 19-11-2020 gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư về đề xuất các chính sách hỗ trợ các đối tượng gặp khó khăn do dại dịch COVID-19. Sang năm 2021, trước bối cảnh diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19, Tổng cục Du lịch cùng các đơn vị liên quan đã báo cáo, đề xuất lãnh đạo Bộ VHTTDL các văn bản: Tờ trình số 35/TTr-BVHTTDL ngày 12-3-2021 gửi Chính phủ về việc sửa đổi Nghị định số 168/2017/NĐ-CP ngày 31-12-2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Du lịch; Công văn số 817/ BVHTTDL-TCDL ngày 15-3-2021 gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất các giải pháp cấp bách hỗ trợ doanh nghiệp trước bối cảnh tác động của đại dịch COVID-19; Tờ trình số 131/TTr-BVHTTDL ngày 23-6-2021 gửi Thủ tướng Chính phủ về các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp du lịch vượt qua khủng hoảng, phục hồi hoạt động kinh doanh trong giai đoạn bình thường mới… Trên cơ sở đề xuất của Bộ VHTTDL và các bộ, ngành có liên quan, Chính phủ đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách kịp thời hỗ trợ phục hồi và phát triển du lịch trong bối cảnh mới như: chính sách giảm giá tiền điện, giảm tiền thuê đất, giảm phí cấp phép kinh doanh lữ hành và thẻ hướng dẫn viên, chính sách hỗ trợ người lao động là hướng dẫn viên du lịch gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19, chính sách hỗ trợ đào tạo duy trì việc làm cho người lao động, chính sách giảm tiền ký quỹ… Bên cạnh đó, trong các nghị quyết của Chính phủ, Quốc hội và các quyết định của Thủ tướng chính phủ, các cơ sở kinh doanh du lịch đều được hưởng những chính sách về an sinh xã hội, các chính sách về tín dụng hiện hành. Đặc biệt, với chương trình tiêm chủng quốc gia lớn nhất, đã và đang được triển khai, khiến cho ngành Du lịch có những điều kiện thuận lợi để tái khởi động. Trên cơ sở những chỉ đạo của Đảng, Nhà nước và Chính phủ, Bộ VHTTDL căn cứ vào tình hình thực tiễn của ngành Du lịch đề ra những giải pháp riêng cho ngành. Bộ VHTTDL tiếp tục triển khai nghiêm túc Hướng dẫn tạm thời số 3862/HD-BVHTTDL về việc “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”, trong hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch và triển khai đến các địa phương, doanh nghiệp kinh doanh du lịch. Bên cạnh đó, Bộ VHTTDL tập trung đẩy mạnh hoạt động kích cầu, phục hồi du lịch nội địa toàn quốc. Căn cứ kế hoạch số 3228/KH-BVHTTDL, Bộ VHTTDL triển khai các biện pháp kích cầu, phục hồi hoạt động du lịch, lữ hành, trong đó ngành Du lịch xác định một trong những quan điểm chủ đạo là gắn phục hồi, phát triển du lịch với nâng cao năng lực nội tại và tính tự chủ của ngành, thúc đẩy phát triển du lịch nội địa, du lịch nội địa là nội lực, nền tảng căn bản để phát triển du lịch bền vững. Bộ VHTTDL tiếp tục ban hành chương trình số 4698/BVHTTDL-TCDL về phát động du lịch nội địa thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 và triển khai đồng loạt trên cả nước với chủ đề: Du lịch an toàn - Trải nghiệm trọn vẹn. Đồng thời, Bộ VHTTDL tiếp tục quán triệt các địa phương, doanh nghiệp thực hiện tốt Hướng dẫn số 4122/HD-BVHTTDL về hướng dẫn tạm thời thí điểm đón khách du lịch quốc tế đến Việt Nam, tiến tới mở lại hoàn toàn hoạt động du lịch quốc tế khi điều kiện cho phép. Triển khai nhiều chiến dịch truyền thông để quảng bá, xúc tiến du lịch, xây dựng các sản phẩm mới và đẩy mạnh chuyển đổi số trong lĩnh vực du lịch…

Bằng việc thiết lập các quy định về hoạt động du lịch trong điều kiện bình thường mới nhằm khởi động lại hoạt động của toàn ngành hoặc một phần hoạt động của ngành, thì Đảng, Nhà nước, Chính phủ, đặc biệt là Bộ VHTTDL luôn đặt các quy định về an toàn sức khỏe của cộng đồng lên hàng đầu. Với tinh thần khẩn trương, chủ động đánh giá đúng tình hình, diễn biến của dịch, từ đó Đảng, Chính phủ đã đưa ra các giải pháp kịp thời, phù hợp với điều kiện đất nước, bước đầu đã thu được nhiều kết quả rất tích cực.

Đến nay, Việt Nam đã kiểm soát được dịch bệnh, kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp và người dân, khôi phục các hoạt động kinh tế, xã hội. Có được sự thành công trong việc kiểm soát dịch COVID-19 là nhờ vào sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, nhờ sự điều kịp thời của Chính phủ theo Chỉ thị 15, 16 về giãn cách, cách ly xã hội cũng như kết hợp với sức mạnh đoàn kết, đồng lòng của toàn dân, các bộ, ban ngành từ trung ương đến địa phương. Từ những kết quả đạt được, cho thấy sự tin tưởng của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước và sự chỉ đạo của Chính phủ. Không chỉ trong nước, mà nhiều tổ chức quốc tế cũng đánh giá cao và coi Việt Nam là điểm sáng trong phát triển kinh tế và ứng phó thành công với đại dịch COVID-19.

_______________

1. Du lịch Việt Nam 2020: phát huy nội lực trong “bão Covid-19”, nhandan.vn, 3-1-2021.

2. Nhìn lại năm 2020 của du lịch Việt Nam: Ứng phó Covid-19, phục hồi hoạt động, được thế giới vinh danh, vietnamtourism.gov.vn, 29-12-2020.

3. Tô Nam - Hồng Minh, Du lịch tìm cách gỡ khó để vượt qua đại dịch, Đại dịch COVID-19 và những thách thức, cơ hội của du lịch Việt Nam, special.nhandan.vn.

Ths TUỆ SAM - TS LIÊN HƯƠNG

Nguồn: Tạp chí VHNT số 506, tháng 8-2022

;