Trong kho tàng văn học dân gian Tày, truyện thơ Nôm là thể loại đạt được nhiều thành tựu tiêu biểu. Theo thống kê của Vũ Anh Tuấn: “Gần 60 pho sách truyện Nôm Tày đã được chép thành văn bản. Đó là chưa kể đến hàng trăm dị bản truyền miệng trong dân gian, hàng chục văn bản Nôm Tày mà thỉnh thoảng lại có văn bản được sưu tầm công bố tư liệu bổ sung” (1). Từ năm 2004 đến nay đã có hơn 60 tác phẩm, trong số đó có nhiều tác phẩm đã được sưu tầm, phiên âm Latin hóa, dịch ra tiếng Việt, rồi xuất bản, công bố.
Truyện thơ Nôm được coi là thành tựu tiêu biểu của văn học dân tộc Tày vì ngoài số lượng tác phẩm đồ sộ, có nhiều tác phẩm có quy mô lớn, có tác phẩm tới hơn 4000 câu thơ, không ít tác phẩm đạt tới đỉnh cao của nghệ thuật truyện thơ. Đó là bước chuyển tiếp từ văn học dân gian truyền miệng sang văn học dân gian dạng viết.
Một trong những đặc điểm nổi bật của truyện thơ Nôm Tày là các tác phẩm thường thể hiện đậm đà bản sắc văn hóa tộc người Tày. Không chỉ ở những tác phẩm được cho là có nguồn gốc bản địa như: Nhân Lăng, Bjoóc Lả, Chiêu Đức, Nho Hương, Nam Kim, Thị Đan… bản sắc văn hóa Tày mới in đậm dấu ấn, mà ngay cả những tác phẩm dựa trên cốt truyện có nguồn gốc cổ tích dân tộc Kinh hoặc vay mượn cốt truyện Trung Quốc cũng được Tày hóa đậm đặc.
Trước hết là những phong cảnh, cảnh vật được miêu tả trong tác phẩm. Địa bàn cư trú của các dân tộc Tày, Nùng là các tỉnh miền núi, nơi có núi cao, suối sâu, rừng cây đại thụ bạt ngàn, chốn rừng sâu, núi thẳm, có nhiều muông thú… Trong các truyện thơ Nôm Tày, cảnh thiên nhiên miền núi hiện lên rõ nét, sinh động.
Trắng đêm vua chẳng ngủ khóc than
Khảm khắc gọi nỉ non sơn dạ
Trời sáng vua vất vả lại đi
Vượt núi lại lội khe mây tỏa
Không tấc sắt dao rựa theo người
Làm bạn cùng hươu nai khỉ vượn (2)
Nhân Lăng trên đường đi tới chốn Thiên Nhan thày cả để bói xem vì sao mình khổ, cảnh núi rừng cũng được miêu tả với những nét đặc trưng:
Lâu ngày đi vào rừng vò võ
Một mình xuyên núi đỏ rừng xanh
Đêm nằm trọ nương mình ngàn rộng
Không có nhà bản xóm đi thông
Núi cao ngất mây sương móc tỏa
Ong vui hoa các ngả tìm nhau
Ong điệp kéo từng xâu trong núi (3)
Hình ảnh của nhân vật một mình đối diện với thiên nhiên hoang vắng, chỉ có rừng xanh núi đỏ, núi cao ngất, mây sương, xa nhà cửa, bản làng đã tô đậm thêm nét đặc thù của khung cảnh miền núi.
Khảo sát trong Nam Kim, Thị Đan cũng thấy xuất hiện rất nhiều hình ảnh rừng núi trong không gian tồn tại của nhân vật:
Tháng một, chạp sương tỏa núi đồi
Sương tuyết xuống chân tay rét buốt.
Nhớ bạn rẽ núi đèo đến thăm
Mặt trời lặn mới về đến bản.
Mỗi bước đi là một bước xa
Quay sau nhìn trước chỉ thấy rừng già
Bốn phương sương tỏa núi phủ mây…(4)
Không gian đặc trưng với rừng núi, sông suối, đèo heo hút, làng bản xa xôi… đã ít nhiều tạo nên khung cảnh, không gian tồn tại khá đặc trưng của nhân vật trong truyện thơ Nôm Tày, khác hẳn với không gian tồn tại của nhân vật truyện thơ Nôm Kinh vốn phổ biến với không gian thị thành, kinh đô.
Trong các truyện thơ, hình ảnh ngôi nhà sàn cũng hiện lên khá rõ. Lương Nhân cõng xác vợ đi ăn mày, vào nhà bà góa để xin ăn. Ngôi nhà này được miêu tả là nhỏ bé, chỉ là một cái lều ở rìa bản, nhưng cũng có cầu thang. Đó là nét đặc trưng của nhà ở người Tày nơi miền núi. Lương Nhân đi vắng, khách buôn nhờ bà già hàng xóm nhà Hán Chân, vợ Lương Nhân chuyển lời yêu thương đến nàng, bà già này chỉ đứng ở dưới cầu thang nói chuyện với chủ nhà:
Bà lão nghe nói thế, đi ngay
Gặp Hán Chân dưới thang trước cửa (5)
Khi Nam Kim chia tay Thị Đan, hình ảnh cầu thang nhà sàn cũng xuất hiện:
Sáng dậy một mình đi vò võ
Nam Kim bước xuống thang lòng rầu như hoa héo (6)
Các tác giả dân gian không chủ đích đặt vấn đề miêu tả phong cảnh, nhà cửa của người Tày, nhưng nếp sinh hoạt văn hóa đã ăn sâu vào tư duy của dân tộc nên những nét đặc trưng vẫn mặc nhiên được phản ánh, tái hiện trong tác phẩm. Bên cạnh đó, truyện thơ Nôm Tày còn in đậm những nét phong tục tập quán, những nếp sinh hoạt của tộc người Tày. Trong sinh hoạt hàng ngày, người Tày thường nắm cơm mang theo khi đi chợ hoặc đi rừng. Nam Kim, Thị Đan cũng gợi nhắc đến nếp sống này qua hình ảnh Thị Đan, Nam Kim:
Mở nắm cơm nhớ tới tay nàng
Lòng nao nao mà chẳng buồn ăn (7)
Lòng mến khách, sẵn sàng sẻ chia, giúp đỡ những người gặp hoàn cảnh khó khăn là một trong những nét đẹp truyền thống của người Tày. Trong các tác phẩm truyện thơ Nôm, ta thường gặp sự tương thân tương ái giữa người với người. Trong Lưu Tương, khi vua Sở chạy giặc Phàn, bị lạc ở trong rừng phải vào một nhà dân xin được giúp đỡ:
Vua vào đứng dưới chân thang gác
Chắp tay xin cô bác chủ nhà
Chủ nhà đã chân tình nói lời cảm thông:
Ai đã lìa gia chương đều thấu
Dẫu nghèo đói chẳng chối khách nhờ
Mời ông hãy lên nhà ngồi nghỉ
Chủ nhà lên tiếng giục vợ con:
Cơm nguội liệu có còn hay hết
Nếu hết thì bắc bếp nấu ngay (8)
Lời nói, cử chỉ của ông chủ nhà đối với vua Sở thể hiện tình cảm, việc làm của người dân nơi rừng sâu bản vắng, luôn sẵn lòng giúp đỡ người hoạn nạn. Đó cũng là tấm lòng, cử chỉ thường thấy trong sự ứng xử giữa người với người ở đồng bào dân tộc Tày hiện nay.
Trong Lương Nhân chúng ta cũng gặp cảnh tương tự khi nhân vật đến bản Phải ăn xin, vào nhà bà mẹ góa:
Nữ lão giục rửa chân lên gác
Rồi sai cô con gái nữ nhi
Dọn cơm lên giữa nhà mời khách (9)
Các nghi lễ được miêu tả theo đúng tập quán của đồng bào dân tộc. Lương Nhân đến nhà bà góa xin cơm, chẳng những được mời vào nhà, ngồi mâm trên ăn uống, lại còn được bà chủ nhà mời ở lại làm công, gợi ý gắn bó với cô con gái Hán Chân trong ba năm. Đó chính là tập quán ở rể của người Tày. Trong thời gian ấy, Lương Nhân đã chăm chỉ làm việc:
Làm đứa ở ba xuân đằng đẵng
Chuyện hoa nguyệt chàng chẳng hé môi
Quanh năm mùa nối mùa nương rẫy
Hái bông lại cày ruộng phát nương
Không sai khiến, chàng thường tự liệu (10)
Sau ba năm, đám cưới đã được tổ chức. Một đám cưới diễn ra theo đúng phong tục của người Tày: từ cách mời khách, đến cỗ bàn, sự hành lễ đều gợi lên không khí lễ hội của dân tộc Tày.
Cảnh đám ma cũng rất hiện thực. Khi bà mẹ Hán Chân ốm, Lương Nhân, Hán Chân đón thày về cúng bái, cầu mong cho mẹ sống khỏe. Mẹ chết, hai vợ chồng trẻ bán hết ruộng nương, trâu bò để làm ma. Nghi lễ đám ma theo đúng tập quán dân tộc Tày:
Hán Chân đành ngẫm nghĩ xót xa
Đành thuận nhau bán vườn, bán ruộng
Đón thầy mo về cúng gia trung
Mổ trâu bò làm cỗ bàn cúng tế
Con rể quỳ chịu lễ phục tang
Dựng nhà táng kết hoa xe tiễn
Lập dàn chay cho mẹ quy tiên
Tống biệt về sơn lâm trọn vẹn (11)
Tính dân tộc trong truyện thơ Nôm Tày còn biểu hiện ở chỗ tác phẩm thể hiện quan niệm của người Tày về thế giới ba cõi. Người dân tộc Tày quan niệm, trong tâm linh, con người có phần xác, phần hồn. Phần hồn có thể rời khỏi thể xác đi chu du đấy đó khắp thế giới. Thế giới được quan niệm có ba cõi: trời, trần gian, âm phủ (mường trời, thế đông, mường âm). Ba cõi đó được xem như phiên bản của nhau. Mường trời có vua trời (Ngọc Hoàng), tiên, bụt (Phật), Mẹ Hoa, các thần phụ trách các lĩnh vực khác nhau. Mường âm phủ cũng có vua, các tướng lĩnh, quỷ sứ, có nhà tù với các hình phạt. Ba cõi ấy liên thông với nhau. Cõi trời trông coi, sắp đặt, điều khiển mọi việc ở trần gian. Trần gian có việc gì khó khăn thì lên cõi trời giải quyết, âm phủ là nơi trừng phạt những người phạm tội ở trần gian. Phần hồn của con người có thể thoát ly thể xác để đi lên cõi trời, xuống âm phủ. Truyện thơ Nôm Tày luôn thể hiện thế giới ba cõi đó.
Nhân Lăng, chàng trai nghèo khổ, phải đi ăn mày, được trưởng giả chỉ đường, đã lên mường trời gặp thày Thiên Nhan Quỷ Cốc để bói xem vì sao mình khổ. Vì không có tiền xem bói, Nhân Lăng ở làm công cho thày Quỷ Cốc ba năm, nhưng vì nhớ mẹ, anh ta xin về sớm. Anh ta ra về nhưng vì tò mò muốn biết thày có trách mình điều gì không, nửa đêm quay lại nhà thày, tình cờ nghe được những điều bí mật mà anh ta định hỏi thày.
Trong Lương Nhân, Bụt Lớn trên trời thấy Lương Nhân là người hiền lành tốt bụng, có nghĩa có tình đã hóa thành ông già ngồi dưới gốc thông để cứu giúp. Rồi chính Bụt đã ngầm giúp Hán Chân, cô con gái nhà nghèo tu ở chùa, thi đỗ.
Nho Hương trong Nho Hương, nhờ có trống trời mà đổi đời, trở thành Bần Vương. Lưu Tương chẳng những lên trời mà còn xuống được cả âm phủ để lấy vợ. Đính Chi do đời bố có lòng tham, lấy tượng bụt đồng đúc nồi đem bán, con phải chịu tội thay bố, nhờ có phép màu, đã rẽ nước xuống thủy phủ để thăm vợ, tìm cách cứu mình.
Quan niệm về thế giới ba cõi đã in sâu trong các truyện thơ Nôm Tày, thể hiện rõ tín ngưỡng văn hóa bản địa của cộng đồng dân tộc Tày. Về phương diện nhân vật, truyện thơ Nôm Tày cũng có những biểu hiện riêng. Nhân vật trong truyện thơ là các nhân vật cổ tích, nhưng lại mang tính cách, đặc điểm của con người miền núi: nghèo khổ, cần cù, chịu khó. Trong cuộc sống bình thường, họ là những con người hiền lành, chịu khó làm ăn, sống có nghĩa có tình. Khi gặp bước nguy nan, giặc giã thì họ trở thành những anh hùng vùng lên chống giặc.
Thị Trinh trong Lý Thế Khanh là người phụ nữ chung thủy, hết lòng phụng dưỡng mẹ chồng. Khi chồng xa nhà đi chinh chiến, Thị Trinh đã đảm nhiệm tất cả công việc ở nhà, chăm nuôi mẹ chồng, nuôi con khôn lớn. Những ngày xa chồng, gặp khi mẹ ốm, Thị Trinh khấn, sẵn sàng chết thay để mẹ chồng được bình an. Lời khấn động đến trời phật tam quan, trời phật đã cho tiên giáng thế cứu sống mẹ già. Những ngày bị vu oan, bị đày ải vào rừng sâu, núi thẳm, nàng vẫn chăm sóc, nuôi hai con khôn lớn. Hình tượng Thị Trinh tiêu biểu cho người phụ nữ dân tộc Tày, luôn thủy chung, hết lòng vì gia đình.
Lương Nhân, chàng mồ côi nghèo, không tấc đất cắm dùi, nhưng nặng tình nghĩa vợ chồng. Vợ chết, không lỡ bỏ xác vợ nơi đất khách, quê người, chàng đã cõng xác vợ suốt ba năm đi ăn mày khắp nơi. Khi chủ đò sông Táng cướp vợ, trả công chàng hai túi bạc vàng, chàng đã không nhận. Tấm lòng như nhất, chất phác, ngay thẳng là bản tính của những con người miền núi đã được tô đậm, khắc sâu trong các truyện thơ Nôm Tày.
Nhìn chung, dù nhân vật trong các truyện thơ Nôm Tày chưa phải là các nhân vật có cá tính rõ nét, nhưng ở họ đã thể hiện những đặc điểm của con người miền núi: cần cù, chịu khó, thương người, nghĩa tình sâu nặng. Điều này cũng phần nào thể hiện tính dân tộc của các tác phẩm truyện thơ Nôm Tày. Những người nghèo khổ, thật thà ấy lại là những người vượt khó để tu luyện thành tài, thi đỗ trạng nguyên. Khi đất nước lâm nguy, chính những người này lại trở thành những nhân vật anh hùng cứu nước, cứu vua. Nhân Lăng, Chiêu Đức, Lý Thế Khanh, Nho Hương, Lưu Tương... đều là những nhân vật như vậy. Mỗi dân tộc, cộng đồng người luôn có những điệu hồn riêng để làm nên bản sắc của mình, bước đầu tìm hiểu nét đặc trưng văn hóa Tày trong một số truyện thơ Nôm Tày đã cho thấy một khuôn diện riêng đóng góp cho văn học dân tộc thiểu số Việt Nam. Đây là mạch nguồn góp phần quan trọng bồi đắp cho văn học Tày hiện đại phát triển (12).
______________
1. Vũ Anh Tuấn, Truyện thơ Tày, nguồn gốc, quá trình phát triển và thi pháp thể loại, Nxb Đại học Quốc gia, Hà Nội, 2004, tr.28.
2, 8. Nông Phục Tước, Bế Sĩ Uông (sưu tầm), Lưu Tương, Nxb Văn hóa dân tộc, Hà Nội, 2013.
3. Hoàng Quyết, Triều Ân, Truyện thơ Nôm Tày, Nxb Văn hóa dân tộc, Hà Nội, 1994.
4, 6, 7. Vũ Anh Tuấn, Nam Kim, Thị Đan, in trong Truyện thơ Tày, nguồn gốc, quá trình phát triển và thi pháp thể loại, Nxb Đại học Quốc gia, Hà Nội, 2004.
5, 9, 10, 11. Lương Bèn sưu tầm và dịch thơ, Lương Nhân, Nxb Đại học Thái Nguyên, 2009.
12. Nghiên cứu này được tài trợ bởi Quỹ Phát triển Khoa học và Công nghệ quốc gia (NAFOSTED) trong đề tài mã số VII 1.2-2013.13.
Nguồn : Tạp chí VHNT số 394, tháng 4-2017
Tác giả : CAO THỊ HẢO