Nâng cao hiệu quả phục vụ người sử dụng thư viện tại Trường Cao đẳng Sư phạm Thừa Thiên Huế

Hệ thống tra cứu mục lục trực tuyến tại thư viện Trường Cao đẳng Sư phạm Thừa Thiên Huế - Nguồn: thuvien.cdsphue.edu.vn

1. Đặt vấn đề

Nền giáo dục nước ta đang từng bước thay đổi cả về chất lượng lẫn quy mô đào tạo. Giáo dục đại học, cao đẳng từ đào tạo theo phương pháp truyền thống chuyển sang phương pháp “lấy người học làm trung tâm”. Sinh viên phải tự học, tự nghiên cứu nhằm phát huy tính chủ động trong việc tiếp thu kiến thức. Giáo dục phổ thông đang thực hiện đổi mới chương trình mà điểm mới là tính định hướng nghề nghiệp rất cao, học sinh sẽ học ít môn hơn và được lựa chọn theo năng khiếu, sở thích của mình. Để thực hiện tốt sự đổi mới này đòi hỏi phải có sự chuyển biến về cách vận hành chương trình đào tạo cũng như cơ sở vật chất, khả năng cung cấp nguồn học liệu, chất lượng phục vụ người sử dụng (NSD) thư viện tại các cơ sở đào tạo.

Giống như các lĩnh vực khác, ngành Thông tin - Thư viện Việt Nam đang đứng trước nhiều cơ hội và thách thức. Việc đưa ra những giải pháp nhằm đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động thông tin - thư viện nói chung và công tác phục vụ NSD nói riêng là vấn đề then chốt nhằm hội nhập với các nước trong khu vực, trên thế giới và sử dụng kho tàng tri thức của nhân loại một cách tiết kiệm, hiệu quả.

Công tác phục vụ NSD là một trong những khâu được các trung tâm thông tin - thư viện coi trọng và đặt lên vị trí hàng đầu. Đây chính là khâu cuối cùng của chu trình chuyên môn khép kín, trực tiếp quyết định kết quả hoạt động của công tác thư viện. Nó như cầu nối giữa nguồn tài nguyên thông tin của thư viện với NSD, giúp cho họ có thể tìm hiểu, khai thác kịp thời và hiệu quả những vấn đề cần nghiên cứu.

Phục vụ NSD hay việc tổ chức phục vụ tài liệu là hoạt động của cơ quan thông tin - thư viện nhằm giới thiệu và phục vụ các loại hình tài liệu, giúp NSD lựa chọn, sử dụng tài liệu đó. Công tác phục vụ NSD là một hoạt động nhằm thúc đẩy, phát triển và thỏa mãn nhu cầu, hứng thú đọc tài liệu thông qua việc tuyên truyền, hướng dẫn và cung cấp tài liệu dưới nhiều hình thức. Công tác này bao gồm các hình thức tổ chức và phương pháp phục vụ NSD ở trong và ngoài thư viện. Đồng thời nó còn là thước đo hiệu quả luân chuyển nguồn tài nguyên thông tin và tác dụng của nó trong đời sống.

Trong công tác thư viện, phục vụ NSD còn là biện pháp tích cực góp phần nâng cao dân trí, nâng cao thẩm mỹ, nâng cao tư tưởng đạo đức… của toàn xã hội, xây dựng những con người Việt Nam mới phát triển toàn diện. Chủ động nghiên cứu NSD và nhu cầu thông tin của họ là một trong những nhiệm vụ quan trọng của các thư viện.

Ngày nay, sự ra đời của công nghệ thông tin và truyền thông trong môi trường học tập đã mang lại rất nhiều thay đổi trong cách thức quản lý và phổ biến thông tin. Sự thay đổi này cũng đã ảnh hưởng đến cách NSD tìm kiếm và sử dụng thông tin, khiến họ ngày càng đặt ra các yêu cầu cao hơn đối với các thư viện.

Thư viện Trường Cao đẳng Sư phạm (CĐSP) Thừa Thiên Huế có bề dày lịch sử trên 45 năm, có nhiệm vụ hỗ trợ trong công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục; đào tạo nguồn nhân lực có trình độ cao đẳng các ngành trong và ngoài sư phạm cho tỉnh Thừa Thiên Huế và các tỉnh thuộc khu vực miền Trung và Tây Nguyên, đào tạo tiếng Việt cho lưu học sinh Lào… Trong những năm qua, Thư viện đã cung cấp tài liệu, thông tin khoa học phục vụ công tác nghiên cứu, giảng dạy và học tập của cán bộ, giảng viên và học sinh, sinh viên, góp phần thực hiện tốt các nhiệm vụ và mục tiêu đã đề ra.

2. Thực trạng công tác phục vụ NSD tại Trường CĐSP Thừa Thiên Huế

Thư viện Trường CĐSP Thừa Thiên Huế đặc biệt coi trọng công tác phục vụ NSD, coi đó là nhiệm vụ trọng tâm có liên quan mật thiết đến nguồn tài nguyên thông tin, bộ máy tra cứu, nguồn thư mục và cả việc tin học hóa hoạt động thư viện. Thư viện tiến hành tổ chức nhiều hình thức phục vụ như: tại chỗ, cho mượn về nhà, hướng dẫn tra cứu thông tin thư mục, tuyên truyền giới thiệu sách. Bộ phận phục vụ của Thư viện thực hiện việc trưng bày, triển lãm tài liệu khoảng gần 5-7 đợt/ năm. Bên cạnh đó, vào những dịp kỷ niệm các ngày lễ lớn trong năm, Thư viện tiến hành treo băng rôn trực quan theo chủ đề tại khu vực trước cổng nhằm thu hút sự quan tâm của mọi người. Ngoài ra, thư viện còn giới thiệu những tài liệu hay theo từng chủ đề trên trang web và fanpage của thư viện.

Thư viện đã tiến hành thăm dò trực tuyến ý kiến NSD về công tác phục vụ. Đối tượng thăm dò gồm 200 sinh viên và 50 cán bộ, giảng viên các khoa, phòng, trung tâm.

Thời gian phục vụ

Theo đánh giá của NSD, 97% số người được hỏi cho rằng, thời gian phục vụ hiện nay là phù hợp, 3% số người còn lại cho rằng cần mở thêm vào buổi trưa từ 11h30 đến 13h để NSD có thêm thời gian học tập, nghiên cứu.

Mục đích sử dụng thư viện

Đối với nhóm NSD là cán bộ, giảng viên, mục đích sử dụng thư viện của họ vào hoạt động giảng dạy và hỗ trợ công tác đào tạo và quản lý là rất lớn. Cụ thể: 31% hỗ trợ hoạt động giảng dạy và 32% hỗ trợ công tác đào tạo, quản lý. Vì vậy, thỏa mãn mục đích của họ cũng chính là một phương thức hỗ trợ công tác giảng dạy và đào tạo chung của nhà trường được tốt hơn. Do đó, việc nghiên cứu NSD và thỏa mãn nhu cầu thông tin của họ tại thư viện là một vấn đề rất quan trọng và cần thiết.

Đối với học sinh - sinh viên, mục đích đến thư viện rất đơn giản và cơ bản, chủ yếu vào mục đích nghiên cứu, học tập (73%) và giải trí (26%).

Tuy nhiên, kết quả thăm dò cũng cho thấy, sinh viên ít tới thư viện. Khi được hỏi về mức độ thường xuyên đến thư viện, số liệu thu được như sau: thường xuyên: 6,8%; thỉnh thoảng: 51,3%; ít khi: 34,2%; chưa bao giờ: 7,7%.

Tinh thần, thái độ phục vụ của người làm thư viện

Kết quả khảo sát cho thấy, thái độ phục vụ của người làm thư viện được đánh giá rất tốt: 41,1% bạn đọc trả lời thái độ phục vụ của người làm thư viện rất tốt, 56,1% người sử dụng trả lời thái độ phục vụ của người làm thư viện là tốt, chỉ 3% NSD trả lời thái độ phục vụ của người làm thư viện là trung bình.

Mức độ phù hợp của nội dung nguồn tài nguyên thông tin so với nhu cầu

25,8% NSD trả lời là các yếu tố về tài liệu chưa phù hợp với nhu cầu của họ. Điều này ảnh hưởng đến hiệu quả chất lượng phục vụ của thư viện. Do đó, trong thời gian tới, thư viện cần chú trọng đến việc bổ sung tài liệu phù hợp, đáp ứng nhu cầu học tập và nghiên cứu của NSD.

Mức độ hài lòng của NSD đối với cơ sở vật chất, trang thiết bị và ứng dụng công nghệ

Kết quả khảo sát cho thấy, 38,6% NSD cho rằng đường truyền internet, tốc độ wifi chưa đáp ứng được việc tra cứu thông tin, học tập của họ. Nhiều NSD nhận xét một số máy tính phục vụ nhu cầu tra cứu thông tin hoạt động rất chậm. Họ mong muốn một đường truyền mạnh hơn, tốc độ nhanh hơn để có thể truy cập vào các trang web khai thác thông tin phục vụ học tập, nghiên cứu.

Việc tìm kiếm tài liệu, thủ tục mượn - trả, gia hạn

 56,4% NSD trả lời là biết rất rõ; 38,1% NSD trả lời không biết rõ lắm; 5,5% NSD trả lời không biết. Như vậy, với câu hỏi này, số NSD chưa nắm rõ cách tra tìm tài liệu, mượn, trả, gia hạn của thư viện còn tương đối cao.

Từ các kết quả trên, cho thấy, công tác phục vụ NSD tại Thư viện Trường CĐSP Thừa Thiên Huế đạt được những kết quả nhất định. Tuy nhiên, công tác phục vụ vẫn còn tồn tại những hạn chế. Để nâng cao hơn nữa hiệu quả phục vụ NSD, thư viện cần tập trung làm tốt một số giải pháp cơ bản.

3. Giải pháp nâng cao hiệu quả phục vụ NSD tại Thư viện Trường CĐSP Thừa Thiên Huế

Nhận thức được vai trò của công tác phục vụ NSD, những năm gần đây thư viện đã không ngừng đổi mới nâng cao chất lượng phục vụ. Nguồn tài nguyên thông tin thường xuyên được bổ sung, cơ sở vật chất được tăng cường đầu tư. Hiện nay, thư viện đã có các loại hình phục vụ như: tra cứu tài liệu online trên máy; đọc tự chọn ở các kho Đọc, kho Mượn, kho Giáo trình, kho Báo và Tạp chí; tìm tài liệu theo yêu cầu; dịch vụ photocopy tài liệu… Cùng với việc đổi mới các loại hình phục vụ, thư viện đã triển khai hệ thống thư viện số đáp ứng nhu cầu của NSD. Chính vì vậy, thư viện ngày càng thu hút đông đảo cán bộ, giảng viên, học sinh, sinh viên đến thăm quan, học tập và nghiên cứu.

Đối với lãnh đạo Nhà trường, các khoa

Để thư viện hoạt động hiệu quả, Ban Giám hiệu cần quan tâm đầu tư hơn nữa về cơ sở vật chất, nguồn tài nguyên thông tin cũng như hiện đại hóa hoạt động thư viện. Tạo điều kiện cho người làm thư viện tham gia các buổi hội thảo, lớp tập huấn đào tạo ngắn hạn, dài hạn để nâng cao trình độ, chuyên môn nghiệp vụ. Qua những đợt học tập, cán bộ quản lý cũng như cán bộ của thư viện có cơ hội nâng cao sự hiểu biết, tiếp nhận thêm nhiều kinh nghiệm để định hướng và triển khai hoạt động hiệu quả hơn.

Lãnh đạo các khoa cũng góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy các hoạt động của thư viện. Hằng năm, Ban Lãnh đạo khoa căn cứ vào chương trình đào tạo của đơn vị để có những đề xuất về nguồn tài liệu mới phục vụ cho việc giảng dạy, học tập. Bên cạnh đó, các khoa cần xây dựng kế hoạch hoạt động dưới các hình thức khác nhau để khuyến khích các em đến thư viện, lan tỏa tình yêu sách và phát triển văn hóa đọc cũng như rèn luyện khả năng tự học, tự nghiên cứu của học sinh, sinh viên.

Đối với Thư viện

Thư viện cần nghiên cứu nhu cầu đọc của NSD để phát triển nguồn tài nguyên thông tin đa dạng, phù hợp và tổ chức phục vụ có hiệu quả. Trên thực tế, không phải đối tượng NSD nào cũng có nhu cầu tin giống nhau. Vấn đề đặt ra là thư viện phải xác định rõ nhu cầu tin của từng nhóm đối tượng, ở từng thời điểm khác nhau. Để có thể nắm bắt được nhu cầu tin, thư viện cần nắm được lĩnh vực họ quan tâm; mục đích sử dụng thông tin... Hiểu rõ những vấn đề đó, Thư viện sẽ xác định được chính xác loại tài liệu nào phù hợp nhất, các hình thức cung cấp thông tin, mức độ xử lý thông tin. Thư viện có thể sử dụng các phương pháp nghiên cứu: trao đổi trực tiếp, điều tra qua phiếu thăm dò, phân tích số liệu thống kê về tình hình phục vụ, tổ chức hội nghị bạn đọc...

Tăng cường nguồn tài nguyên thông tin, đảm bảo cơ cấu hợp lý. Nguồn tài nguyên thông tin là một trong những yếu tố quan trọng cấu thành thư viện, đây là mối quan tâm hàng đầu của NSD. Thư viện cần xây dựng chính sách phát triển nguồn tài nguyên thông tin: xác định rõ diện bổ sung; đưa ra tiêu chí lựa chọn loại hình tài liệu; đảm bảo cơ cấu tài liệu hợp lý; tỷ lệ số bản tài liệu trên NSD phù hợp với nguồn kinh phí của nhà trường. Bên cạnh đó, thư viện cần tăng cường bổ sung tài liệu phù hợp với nhu cầu đào tạo của nhà trường, thực hiện mục tiêu xây dựng thư viện hiện đại. Ngoài ra, thư viện cần xây dựng chính sách về lưu chiểu các tài liệu như khóa luận tốt nghiệp, luận văn, luận án của các cán bộ, giảng viên đã bảo vệ thành công; các bài đăng báo, tạp chí, kỷ yếu, hội thảo...

Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác phục vụ NSD: Thư viện cần xây dựng kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin phù hợp với tình hình hiện nay nhằm đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ; khai thác triệt để các phân hệ phần mềm quản trị thư viện tích hợp iLib để hoàn thiện việc tự động hóa trong các khâu nghiệp vụ. Đồng thời, xây dựng phương án lựa chọn triển khai sử dụng phần mềm đáp ứng các tiêu chuẩn để quản lý nguồn tài liệu khoa học công nghệ của trường. Tiếp tục phối hợp với Công ty TNHH Tài liệu trực tuyến VINA triển khai sử dụng thư viện số phục vụ nhu cầu thông tin ngày càng cao của NSD, đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số. Thư viện cần đề xuất sử dụng mục lục tra cứu trực tuyến trên mạng diện rộng thay vì trong mạng nội bộ như hiện nay để NSD thuận lợi trong việc tra cứu tài liệu.

Thư viện cần đẩy mạnh công tác số hóa tài liệu, tạo điều kiện cho việc khai thác tài liệu của NSD; đầu tư đồng bộ, có trọng điểm hệ thống máy tính phù hợp với điều kiện hiện tại của thư viện. Cụ thể: hệ thống máy chủ (lưu trữ dữ liệu), máy tính phục vụ hoạt động chuyên môn, máy tính phục vụ hoạt động tra cứu, sử dụng của học sinh, sinh viên. Đặc biệt, cần triển khai sử dụng phần mềm quản lý tài nguyên số của thư viện đảm bảo các chuẩn theo quy định để liên kết chia sẻ nguồn tài nguyên thông tin giữa các thư viện.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh hoạt động marketing, tuyên truyền, giới thiệu sách. Thư viện có thể tiếp tục sử dụng các hình thức tuyên truyền như: các cuộc thi đọc/ viết, tìm hiểu về sách; cuộc thi giới thiệu sách qua video, cuộc thi đại sứ văn hóa đọc... Bên cạnh đó, thư viện cần tổ chức các chương trình giao lưu, tọa đàm về văn hóa đọc. Các buổi nói chuyện, ngoài phần diễn giải, giới thiệu nên có các minh họa qua các video để tăng tính hấp dẫn. Thư viện cần đổi mới hình thức tổ chức các hoạt động thường niên như Tuần lễ học tập suốt đời, Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam...; thực hiện tuyên truyền trên nhiều kênh thông tin: trang web, mạng xã hội, hội nghị bạn đọc, bản tin… Xây dựng câu lạc bộ bạn đọc, đây vừa là nhóm NSD tích cực của thư viện vừa là những cộng tác viên nhiệt huyết trong các hoạt động phát triển văn hóa đọc, phục vụ cộng đồng.

Tăng cường các hoạt động liên kết chia sẻ nguồn tài nguyên thông tin với các cơ quan thông tin. Đồng thời, Thư viện cũng có thể tham gia hệ thống thư viện số dùng chung, là kết quả hợp tác giữa Trung tâm Thư viện và Tri thức số Đại học Quốc gia Hà Nội với các thư viện số của các trường đại học, học viện thuộc khu vực phía Bắc và Công ty Cổ phần Tư vấn và Tích hợp Công nghệ D&L. Việc tham gia vào hệ thống này, tùy theo chính sách và mức độ chia sẻ của từng thư viện tham gia, NSD có thể tìm kiếm về chủ đề và lĩnh vực tri thức theo nhu cầu, cung cấp nhanh chóng và chính xác siêu dữ liệu, toàn văn từ các kho tri thức số của hệ thống như: luận văn, luận án, kết quả nghiên cứu, sách, giáo trình thuộc mọi lĩnh vực khoa học…

Nâng cao trình độ nghiệp vụ cho đội ngũ người làm thư viện, là một trong những yếu tố quan trọng quyết định chất lượng hoạt động của Thư viện. Ngoài kiến thức chuyên môn, người làm thư viện cần có kiến thức về ngoại ngữ, công nghệ thông tin, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng nắm bắt, khai thác và xử lý các nguồn thông tin. Thư viện cần tạo điều kiện cho họ tham gia các khóa học ngắn hạn và dài hạn; tham dự các hội thảo khoa học, tham quan, tập huấn.

________________

Tài liệu tham khảo

1. Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 11774:2016 (ISO 11620:2014) về Bộ chỉ số đánh giá hoạt động thư viện.

2. Trần Thị Lụa, Nâng cao chất lượng công tác phục vụ bạn đọc tại Trung tâm Học liệu Trường Đại học Quảng Bình, Tạp chí Thông tin và Tư liệu, số 1, 2022.

DƯƠNG HOÀI Ý - VÕ THỊ QUỲNH TRANG - NGUYỄN THỊ HẢI VÂN

Nguồn: Tạp chí VHNT số 533, tháng 5-2023

;