Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về làng nghề truyền thống trên địa bàn huyện Thanh Trì (Hà Nội)

Huyện Thanh Trì thuộc ngoại thành phía Nam của Thủ đô Hà Nội, là vùng đất có bề dày lịch sử, cách mạng vẻ vang, hội tụ những giá trị văn hóa độc đáo mang đậm bản sắc riêng, và được mọi người biết đến với nhiều làng nghề truyền thống nổi tiếng như: làng nghề dệt Triều Khúc, làng nghề nón lá Vĩnh Thịnh, làng nghề bánh chưng Tranh Khúc… Sự hình thành, phát triển của các làng nghề không chỉ thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, lao động địa phương mà còn góp phần quan trọng gìn giữ, lưu truyền tri thức, kinh nghiệm, nét đẹp tinh hoa nghề xưa - hun đúc nên từ cả một quá trình dài kế thừa, tích lũy.

Trải qua biết bao thăng trầm, biến động, trước những cơ hội và thách thức trong bối cảnh mới, để bảo tồn và phát triển làng nghề truyền thống của huyện theo hướng ổn định, bền vững, việc nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước được đặt ra như một yêu cầu cấp thiết.

Khu trưng bày, quảng bá sản phẩm làng nghề truyền thống nón lá Vĩnh Thịnh, xã Đại Áng, huyện Thanh Trì, Hà Nội - Ảnh tác giả cung cấp

Làng nghề truyền thống Việt Nam được hình thành từ lâu đời và có sự gắn bó chặt chẽ với nông nghiệp, nông thôn. Trong quá trình vận động, biến đổi, các làng nghề truyền thống không ngừng mở rộng quy mô sản xuất, tạo ra nền kinh tế đa dạng ở nông thôn, thúc đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Với vai trò đặc biệt trong sự nghiệp đổi mới kinh tế, hội nhập của đất nước, việc bảo tồn và phát triển các làng nghề truyền thống được coi là nhiệm vụ cần thiết, có ý nghĩa quan trọng. Dưới chủ trương, định hướng đầu tiên của Nhà nước, nhiều vấn đề của làng nghề dần được quan tâm, từng bước giải quyết như mặt bằng sản xuất, thị trường tiêu thụ, khoa học công nghệ, bảo vệ môi trường... tại Quyết định 132/2000/QĐ-TTg ngày 24-11-2000 về một số chính sách khuyến khích phát triển ngành nghề nông thôn. Sau Quyết định này, Chính phủ tiếp tục ban hành và sửa đổi nhiều chính sách liên quan đến ngành nghề nông thôn và làng nghề (Nghị định số 134/2004/NĐ-CP về khuyến khích phát triển công nghiệp nông thôn, Nghị định 52/2018/NĐ-CP về phát triển ngành nghề nông thôn,…), làm căn cứ pháp lý, tạo cơ sở đồng bộ, thống nhất trong công tác quản lý. Hệ thống các văn bản ngày càng được hoàn thiện, điều chỉnh phù hợp, cụ thể hơn, nhất là khi Quyết định số 801/QĐ-TTg ngày 7-7-2022, phê duyệt Chương trình bảo tồn và phát triển làng nghề Việt Nam giai đoạn 2021-2030 được ban hành. Nội dung Chương trình đã đề cập khá đầy đủ, chi tiết mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp thực hiện, đáp ứng đúng những yêu cầu thực tế đang đặt ra đối với sự nghiệp bảo tồn và phát triển nghề, làng nghề nước ta giai đoạn hiện nay. Quyết định nêu rõ quan điểm: “Bảo tồn và phát triển làng nghề có vai trò quan trọng trong thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, lao động nông thôn, tạo việc làm và nâng cao đời sống của người dân; bảo vệ, giữ gìn cảnh quan, không gian làng nghề, đẩy nhanh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, xây dựng nông thôn mới” (1).

Trên tinh thần quán triệt sâu sắc quan điểm chủ đạo của Chính phủ, các quy định của Trung ương và thành phố về phát triển ngành nghề nông thôn, nhằm tạo điều kiện cho các làng nghề phát triển bền vững gắn với bảo tồn giá trị truyền thống, bản sắc văn hóa của làng nghề. Thời gian qua, công tác quản lý nhà nước về làng nghề truyền thống trên địa bàn huyện Thanh Trì được các cấp ủy Đảng, chính quyền quan tâm chỉ đạo sát sao tới tận cơ sở. Xác định rõ vai trò và tầm quan trọng của làng nghề truyền thống trong việc phát huy tiềm năng, thế mạnh kinh tế, xã hội, văn hóa, du lịch địa phương, UBND huyện đã tích cực tuyên truyền, hướng dẫn, tổ chức thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách pháp luật của Nhà nước về phát triển ngành nghề nông thôn, cùng hệ thống các văn bản quy phạm liên quan đến làng nghề hiện hành. Đồng thời, phân công, giao nhiệm vụ cho các phòng, ban, cơ quan chuyên môn phối hợp, triển khai theo đúng quy định.

Thông qua quá trình điều tra, rà soát, tiến hành lập hồ sơ đề nghị xét công nhận làng nghề truyền thống, tính đến hết tháng 12-2020, toàn huyện có 4 làng nghề đủ điều kiện được UBND thành phố công nhận danh hiệu “Làng nghề truyền thống Hà Nội”, bao gồm: làng nghề dệt Triều Khúc (xã Tân Triều); làng nghề bánh chưng, bánh dày Tranh Khúc (xã Duyên Hà); làng nghề chế biến miến và bánh đa Phú Diễn (xã Hữu Hòa); làng nghề nón lá Vĩnh Thịnh (xã Đại Áng). Theo kế hoạch, năm 2021, UBND huyện tiếp tục thực hiện hỗ trợ kinh phí khôi phục nhiều làng nghề tồn tại từ lâu đời có nguy cơ mai một và chỉ đạo UBND các xã hoàn thiện hồ sơ công nhận danh hiệu làng nghề. Đến nay, huyện đã có thêm 3 làng đạt danh hiệu “Làng nghề Hà Nội” là làng nghề rượu Ngâu (xã Tam Hiệp) và gần đây nhất là làng nghề may thôn Vĩnh Trung (xã Đại Áng), làng nghề sản xuất bánh kẹo thôn Nội Am (xã Liên Ninh) được công nhận tại Quyết định số 5346/QĐ-UBND ngày 30-12-2022.

Dựa theo đặc điểm, điều kiện thực tế của từng làng nghề, các hoạt động triển khai nội dung chương trình, kế hoạch bảo tồn và phát triển làng nghề, làng nghề truyền thống trên địa bàn huyện Thanh Trì đã đảm bảo tính thiết thực, cụ thể, có trọng tâm, trọng điểm. Trong đó, tập trung ưu tiên cải tạo, nâng cấp và hoàn thiện cơ sở hạ tầng làng nghề; xây dựng, thực hiện đánh giá tác động ô nhiễm môi trường tại các làng nghề theo luật định; đào tạo, tập huấn kiến thức, kỹ năng, tay nghề cho người lao động. Đặc biệt, để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm làng nghề, việc khuyến khích áp dụng, đổi mới công nghệ, đầu tư, hỗ trợ máy móc, trang thiết bị hiện đại như hệ thống xử lý, lọc tạp chất của rượu; máy sấy miến dong; hệ thống nồi hơi, nồi điện, máy hút chân không bánh chưng... cho người dân làm nghề được chú trọng. Công tác xây dựng, quản lý và xác lập quyền sở hữu nhãn hiệu tập thể cũng đã tạo điều kiện thuận lợi, giúp các cơ sở làng nghề yên tâm sản xuất, khẳng định thương hiệu, có cơ hội vươn tầm thế giới trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng. Sau khi bảo hộ nhãn hiệu, các sản phẩm làng nghề miến dong (xã Hữu Hòa), bánh chưng (xã Duyên Hà), rượu Ngâu (xã Tam Hiệp), nón lá (xã Đại Áng)... được đưa vào lưu thông đều gắn nhãn, mã vạch, sử dụng tem truy xuất nguồn gốc, bao bì có thiết kế logo nhận diện thương hiệu, đảm bảo đáp ứng nhu cầu tiêu dùng nội địa cũng như những quy định nghiêm ngặt về chất lượng, mẫu mã của thị trường xuất khẩu. Bên cạnh đó, nhằm thúc đẩy quảng bá, xúc tiến thương mại, hằng năm, UBND huyện Thanh Trì thường xuyên chủ trì, phối hợp với các sở, ngành và đơn vị liên quan tổ chức chương trình, sự kiện, hội chợ trưng bày, giới thiệu sản phẩm, thu hút doanh nghiệp, cơ sở sản xuất làng nghề tham gia kết nối cung cầu, tìm kiếm đối tác, giao lưu, học hỏi kinh nghiệm. Ngoài ra, đa dạng hóa hình thức quảng bá, xúc tiến: ứng dụng thương mại điện tử, xây dựng trang web; hướng dẫn các chủ thể hoàn thiện sản phẩm làng nghề tiềm năng tham gia Chương trình OCOP; mở thành công nhiều điểm bán hàng, giới thiệu sản phẩm làng nghề, đặc sản địa phương;... đã và đang mang lại hiệu quả tích cực, tín hiệu khả quan, đưa thương hiệu truyền thống của huyện tiếp cận tới đông đảo người tiêu dùng trong xu thế toàn cầu hóa.

Có thể nói, với những nỗ lực, quyết tâm của các cấp ủy, chính quyền cùng sự quan tâm, ủng hộ từ phía người dân, việc khôi phục, bảo tồn và phát triển làng nghề, làng nghề truyền thống trên địa bàn huyện Thanh Trì đã từng bước định hướng đúng lộ trình, bám sát yêu cầu, chỉ tiêu nhiệm vụ đề ra. Tạo cơ sở, nền tảng quan trọng giúp hoạt động sản xuất, kinh doanh tại các làng nghề đi vào ổn định, góp phần giải quyết việc làm, cải thiện đời sống, nâng cao thu nhập cho người dân, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở nông thôn theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả nổi bật, đáng ghi nhận, thực tiễn phát triển làng nghề, làng nghề truyền thống của huyện hiện nay vẫn còn bộc lộ một số bất cập. Đa phần các làng nghề phát triển nhỏ lẻ, tự phát, chủ yếu là quy mô hộ gia đình, nên có nhiều hạn chế về vốn và lao động dẫn đến đổi mới công nghệ, mở rộng sản xuất gặp khó khăn. Thị trường tiêu thụ, đầu ra sản phẩm làng nghề thiếu ổn định, sản xuất mang tính thời vụ (tập trung vào các dịp lễ, Tết). Xử lý ô nhiễm tại các làng nghề đã được chỉ đạo triển khai nhưng kết quả chưa cao, công tác xây dựng phương án bảo vệ môi trường theo quy định còn chậm… Mặt khác, áp lực của nền kinh tế thị trường, với sức ép cạnh tranh về chất lượng, mẫu mã, giá thành sản phẩm; thiếu hụt đội ngũ nhân lực có trình độ chuyên môn cao… cũng đang là những rào cản khiến các làng nghề truyền thống của huyện chưa thực sự phát triển, tăng trưởng ổn định, bền vững đúng như kỳ vọng.

Để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, khắc phục những tồn tại, hạn chế nêu trên, tiếp tục khai thác, phát huy tốt tiềm năng, lợi thế vốn có, nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về làng nghề truyền thống trên địa bàn, thời gian tới, huyện Thanh Trì cần tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp như sau:

Thứ nhất, tăng cường công tác quản lý và thông tin, tuyên truyền. Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các tổ chức đoàn thể về vai trò, vị trí và tầm quan trọng của việc bảo tồn và phát triển làng nghề, làng nghề truyền thống, tạo sự nhất quán, xuyên suốt về quan điểm, định hướng lãnh đạo, chỉ đạo. Củng cố, sắp xếp, kiện toàn lại tổ chức bộ máy, nhân sự quản lý nhà nước đối với lĩnh vực ngành nghề nông thôn, làng nghề ở địa phương; giao nhiệm vụ, đầu mối tham mưu và phối hợp cụ thể ở từng cấp. Tuyên truyền, vận động người dân hiểu và thực hiện tốt chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về Chương trình bảo tồn và phát triển làng nghề.

Thứ hai, rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách. Tiếp tục hoàn thiện, triển khai thực hiện kịp thời, có hiệu quả các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển ngành nghề nông thôn, bảo tồn và phát triển làng nghề theo quy định tại Nghị định số 52/2018/NĐ-CP ngày 12-4-2018 của Chính phủ. Rà soát sửa đổi, bổ sung các chính sách hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở làng nghề duy trì hoạt động ổn định, giữ gìn và phát huy nghề truyền thống của địa phương, đặc biệt là chính sách ưu đãi, hỗ trợ về vốn tín dụng; mặt bằng sản xuất... Tổ chức thống kê, đánh giá, xếp loại hoạt động làng nghề trên địa bàn gắn với các mục tiêu phát triển bền vững; xây dựng kế hoạch cụ thể đối với từng nhóm làng nghề đã phân loại.

Thứ ba, thúc đẩy xúc tiến thương mại, quảng bá thương hiệu làng nghề. Phối hợp với các sở, ngành chức năng của thành phố, khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi và hỗ trợ cho các cơ sở làm nghề tại các làng nghề thực hiện hoạt động xúc tiến thương mại, xây dựng, quảng bá thương hiệu sản phẩm theo quy định hiện hành. Đẩy mạnh ứng dụng thương mại điện tử giúp các làng nghề có thêm nhiều kênh phân phối, tiếp cận với khách hàng; nâng cấp 2 trang web giới thiệu sản phẩm làng nghề miến dong, bánh đa (xã Hữu Hòa) và bánh chưng, bánh dày (xã Duyên Hà). Hỗ trợ các chủ thể nâng cao chất lượng sản phẩm làng nghề đạt tiêu chí xếp hạng sản phẩm OCOP phục vụ xuất khẩu và tiêu dùng trong nước.

Thứ tư, hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng, ứng dụng khoa học công nghệ và bảo vệ môi trường. Bố trí kinh phí đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng làng nghề gắn với phát triển du lịch và xây dựng nông thôn mới. Khuyến khích, hỗ trợ các cơ sở làng nghề đổi mới công nghệ, áp dụng khoa học kỹ thuật, cải thiện điều kiện sản xuất; sử dụng phương thức truyền thống kết hợp cơ giới hóa một số công đoạn sản xuất thủ công mà không ảnh hưởng đến giá trị nghệ thuật, thẩm mỹ và giá trị truyền thống của sản phẩm như các công đoạn xử lý, chuẩn bị nguyên liệu, sơ chế, đóng gói… nhằm tăng năng suất, chất lượng sản phẩm làng nghề, nâng cao khả năng cạnh tranh. Sửa chữa, nâng cấp hệ thống xử lý ô nhiễm môi trường tại các làng nghề; đẩy nhanh tiến độ xây dựng và tổ chức thực hiện phương án bảo vệ môi trường theo quy định.

Thứ năm, bảo tồn và phát triển làng nghề gắn với du lịch. Hình thành một số tuyến du lịch làng nghề tạo điểm đến cho khách du lịch tham quan, thực hành và trải nghiệm hoạt động làm nghề truyền thống của địa phương. Xây dựng mô hình Trung tâm Thiết kế sáng tạo, giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm OCOP, làng nghề gắn với du lịch tại làng nghề truyền thống bánh chưng Tranh Khúc (xã Duyên Hà). Triển khai các giải pháp cụ thể, định hướng, quy hoạch phát triển làng nghề truyền thống nón lá Vĩnh Thịnh trở thành “Làng du lịch sinh thái - khoa bảng”.

Thứ sáu, đào tạo lao động cho các làng nghề, phát huy vai trò của nghệ nhân, thợ giỏi. Hỗ trợ, tổ chức các lớp đào tạo cho người lao động tại làng nghề nâng cao trình độ kỹ năng nghề, trang bị kiến thức vệ sinh an toàn lao động, công nghệ thông tin cơ bản đáp ứng yêu cầu phát triển, đổi mới của xã hội. Tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực quản lý, kinh doanh cho người sử dụng lao động tại làng nghề (chủ các doanh nghiệp, hợp tác xã, các cơ sở sản xuất, kinh doanh). Quan tâm, hỗ trợ để công nhận, duy trì và phát triển đội ngũ nghệ nhân, thợ giỏi; khuyến khích sự lan tỏa, truyền dạy nghề, nhân cấy nghề cho lực lượng lao động trẻ.

Thứ bảy, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra cơ sở sản xuất, kinh doanh trong các làng nghề. Thường xuyên theo dõi tình hình, tiếp nhận và giải quyết kịp thời phản ánh, kiến nghị của tổ chức, cá nhân và cộng đồng dân cư. Chỉ đạo các phòng, ban chức năng và UBND cấp xã tiến hành nhiều đợt thanh tra, kiểm tra đột xuất, kiên quyết xử lý nghiêm vi phạm dù là nhỏ nhất, chế tài đủ sức răn đe, ngăn ngừa các hành vi vi phạm về vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm… tại các làng nghề. Đối với các cơ sở làm tốt hay vi phạm đều phải công khai trên phương tiện thông tin đại chúng để địa phương và người dân được biết, tham gia hiệu quả vào quá trình quản lý, giám sát.

_______________

1. Quyết định số 801/QĐ-TTg ngày 7-7-2022 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Chương trình bảo tồn và phát triển làng nghề Việt Nam giai đoạn 2021-2030.

Tài liệu tham khảo

1. Bùi Văn Vượng, Làng nghề thủ công truyền thống Việt Nam, Nxb Văn hóa - Thông tin, Hà Nội, 2002.

2. Trần Minh Yến, Làng nghề truyền thống trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 2004.

3. Dương Bá Phượng, Bảo tồn và phát triển các làng nghề trong quá trình công nghiệp hóa, Nxb Khoa học xã hội, 2001.

4. Nghị định số 52/2018/NĐ-CP ngày 12-4-2018 của Chính phủ về phát triển ngành nghề nông thôn.

5. Trần Kim Bá, Phát triển bền vững làng nghề truyền thống vùng Đồng bằng sông Hồng: Thực trạng chính sách và kiến nghị, Tạp chí Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương, 2-2022, tr.51-53.

LÊ MINH HẰNG

Nguồn: Tạp chí VHNT số 533, tháng 5-2023

;