Trang sức trong đời sống phát triển của người Việt

Trang sức với vẻ đẹp tinh xảo, lấp lánh, được con người ưa chuộng tô điểm cho bản thân thêm thu hút, hoàn mỹ. Trang sức xuất hiện từ lâu đời với những di chỉ khảo cổ được tìm thấy. Đất nước Việt Nam trải qua hàng ngàn năm, ở mỗi thời kỳ lịch sử, nghệ thuật trang sức đều mang những đặc điểm thẩm mỹ của thời đại, cùng mục đích sử dụng trang sức được thay đổi theo quan niệm của con người trong ý nghĩa làm đẹp và trang trọng. Bởi vậy, để nhìn nhận ý nghĩa của trang sức trong đời sống phát triển người dân Việt, bài viết làm rõ những đặc trưng và ý nghĩa của trang sức qua các thời kỳ lịch sử với góc nhìn phù hợp nhất.

Khuyên tai hình ống, đá ngọc - Văn hóa Đồng Đậu, cách nay khoảng 3.000-3.500 năm - Ảnh: Bảo tàng Lịch sử quốc gia

1. Thời tiền sử

Vào thời tiền sử, khi con người nguyên thủy sống trong các hang động và duy trì sự sống bằng săn bắt, hái lượm, các sản phẩm trang sức đầu tiên đã được sử dụng từ những chất liệu được thiên nhiên ban tặng và họ chế tác bằng cách xâu chuỗi những vỏ sò, vỏ ốc, xương, nanh thú dữ… Trong cuốn Trang sức của người Việt cổ, Trịnh Sinh và Nguyễn Văn Huyên nghiên cứu rất rõ: “vào buổi đầu thời đại đồ đá mới, trong nền văn hóa Hòa Bình (cái nôi của nền văn hóa này nằm ở miền Bắc Việt Nam và sự phân bố của nó trải rộng khắp Đông Nam Á), có niên đại khoảng 11.000 năm đến 7.000 năm cách đây, ở Việt Nam đã tìm được những đồ trang sức thật sự đầu tiên của người nguyên thủy” (1). Đó chính là nơi những chuỗi vòng xâu từ các vỏ sò ốc, hột hạt, xương nanh thú động vật được xác định là những di vật có sớm nhất của loại hình trang sức trong thời đồ đá mới, được tìm thấy ở Hang Bưng, Hòa Bình… Ngoài các chất liệu bằng xương, sừng động vật, họ còn lấy cả đá - các loại đá có màu sắc tự nhiên như đá xanh, đá trắng, vàng, xám... để làm đồ trang sức. Tất cả những chuỗi dây đeo cổ, vòng đeo tay thuở ban đầu đó được dùng với mục đích tâm linh - làm bùa hộ mệnh bảo vệ người đeo nó trước thiên nhiên hùng mạnh và thú dữ rình rập. Đồng thời, thể hiện sự mong cầu phù trợ của thần linh cho con người săn bắt, hái lượm được nhiều, ước mong cho sự sinh sôi, nảy nở. Và từ đó, sự manh nha nhu cầu trang trí cho bản thân con người được xuất hiện.

Về dụng cụ và kỹ thuật chế tác, trong thời kỳ đầu, người thợ trang sức đã sử dụng bằng các công cụ thô sơ. Tuy vậy, họ rất khéo léo và sáng tạo bằng các kỹ thuật đục lỗ, ghè đẽo, xâu chuỗi, mài cắt... từ chất liệu dây rừng và đá để tạo nên nhiều loại có nhiều hình dạng khác nhau, có thể kể tới những vòng tay có hình mặt cắt chữ nhật, hình tròn nhỏ, hình chữ D. Ngoài ra, các hình tròn của vòng nhẫn có khe hở, họa tiết lặp lại viền quanh khá đều đặn, là bước đầu của việc trang trí họa tiết có chủ đích. Điều này cho thấy, trong đời sống của người cổ xưa đã bắt đầu nhen nhóm về độ tinh xảo và thẩm mỹ.

2. Thời kim khí

Con người sống quần tụ thành các bộ lạc, cùng nhau trồng trọt, chăn nuôi. Ở vùng phía Bắc và Bắc Trung Bộ, “giai đoạn văn hóa Phùng Nguyên, tức là thời các Vua Hùng dựng nước, cách đây từ 2.500 năm đến 4.000 năm” (2), đây là nền văn hóa chuyển tiếp giữa thời đồ đá mới và thời kim khí. Cư dân người Việt đã chế tạo được những sản phẩm trang sức bằng đá quý, cho thấy sự tiến bộ hơn về chất liệu. Đặc biệt, khi tìm được quặng kim loại và những kỹ thuật luyện kim dần thành thạo đã tạo nên sự phát triển vượt bậc trong đời sống của cư dân người Việt cổ. Từ nền văn hóa Đồng Đậu (cách nay 3.000-3.500 năm), Gò Mun (cách nay 2.500-3.000 năm) và rực rỡ nhất là nền văn hóa Đông Sơn (cách nay 2.000-2.500 năm), sự thay đổi các công cụ, vũ khí, nhạc khí bằng chất liệu đồng đã thúc đẩy nhà nước văn minh sơ khai của người Việt - nước Văn Lang của các Vua Hùng và nước Âu Lạc của An Dương Vương kế tiếp phát triển. Từ đó, trang sức làm từ chất liệu kim loại ra đời, cùng bên cạnh những sản phẩm trang sức vẫn được làm từ chất liệu thiên nhiên.

Về số lượng sản phẩm, có sự gia tăng đáng kể cùng kỹ thuật chế tác. Kỹ thuật sáng chế có phần phong phú, đa dạng hơn, nghệ thuật chế tác cũng tạo ra được thay đổi tiến bộ hơn.

Về chủng loại, cách tạo hình các loại trang sức bắt đầu dần phong phú hơn như vòng cổ, vòng tay, nhẫn, khuyên tai, xà tích, thắt lưng... làm từ đồng của văn hóa Đông Sơn. Mục đích sử dụng của trang sức thời kỳ này ngoài mục đích bùa hộ mệnh, phân biệt thứ bậc trong bộ lạc, họ còn làm nhạc khí trong những buổi tế lễ và dần phát triển mục đích, ý nghĩa sử dụng cho các đồ trang sức. Điều đó khiến cho các sản phẩm trang sức mang một giá trị cao hơn, quý hơn để làm đẹp thêm cho cơ thể người sử dụng. Các sản phẩm trang sức thời kỳ này ngày càng tinh xảo với kỹ thuật chế tác như khoan, cưa, mài, đục, chuốt bóng, luyện kim, xâu dây... là những kỹ thuật bắt đầu cho giai đoạn nghệ thuật kim hoàn truyền thống sau này.

Về hoa văn trang trí, đã xuất hiện trên sản phẩm trang sức những hoa văn vặn thừng, vặn xoắn ốc, chữ S, hình rùa... Nhiều cụm công xưởng sản xuất đồ trang sức bằng đá quý gồm Tràng Kênh (Hải Phòng), Bãi Tự (Bắc Ninh) đã xuất hiện.

Miền Trung với nền văn hóa Sa Huỳnh (cách nay 2.000-2.500 năm), các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long với nền văn hóa Óc Eo (TK VII-VIII), trang sức được làm từ vàng, bạc và đá quý rất tinh xảo. Bằng sức sáng tạo mạnh mẽ và phong phú, văn hóa Sa Huỳnh vốn mang sự ảnh hưởng và giao lưu với nhiều vùng Đông Nam Á và Trung Hoa cổ đại, Ấn Độ cổ đại - là thời hoàng kim của nghệ thuật chế tác trang sức cổ ở Việt Nam. Ở thời kỳ này, chất liệu thủy tinh nhân tạo cũng đã xuất hiện, đây là một thành tựu rực rỡ của văn hóa Sa Huỳnh và đồng thời, cũng là một trong những nơi làm ra thủy tinh nhân tạo sớm trên thế giới, đa dạng về kiểu dáng, phong phú về màu sắc như xanh lơ, xanh đen, xanh lá mạ, xám, tím, đỏ, nâu. Các nhà nghiên cứu nói rằng: “Ngay từ những năm hai mươi của thế kỷ này, các nhà khoa học Pháp đã phân tích thành phần hóa học của đồ trang sức thủy tinh ở khu mộ chum Sa Huỳnh. Họ nhận thấy rằng, thủy tinh Sa Huỳnh có màu nâu là do có thành phần của sắt, màu xanh là do tỷ lệ đồng cao, bề mặt thủy tinh có một điểm đen là do men chảy ra. Học giả H.Parmentier đã khẳng định: thủy tinh Sa Huỳnh là do con người tạo nên...” (3). Qua đó nhận thấy, trang sức thời văn hóa Óc Eo là sự kế thừa và phát triển của văn hóa Đông Sơn và Sa Huỳnh. Các sản phẩm trang sức với họa tiết từ hoa lá thiên nhiên, động vật được tạo nên từ kỹ thuật chế tác kim hoàn xuất sắc và sử dụng với mục đích trang trí, làm đẹp cho người sử dụng đã có sự phát triển cao hơn, tinh tế hơn.

3. Thời kỳ Bắc thuộc

Đây là thời kỳ đất Việt bị đặt dưới quyền cai trị của các triều đại phong kiến phương Bắc - Trung Hoa suốt hơn 1.000 năm. Thời kỳ này, phong kiến phương Bắc ra sức đồng hóa bằng nhiều cách, từ lối sinh hoạt, tập tục... Thợ kim hoàn Việt dựa trên kinh nghiệm và kỹ thuật có sẵn được truyền lại, được đào tạo làm trang sức và đồ mỹ nghệ nhằm mục đích cống nạp kim loại quý, sản phẩm trang sức chất lượng. Thậm chí thợ kim hoàn giỏi bị bắt, đưa sang Trung Hoa phục vụ triều đình phong kiến lúc bấy giờ. Bên cạnh đó, người Việt phải đóng sưu thuế nặng nề cho triều đình phương Bắc; ngoài số thuế của nhà nước, một số quan cai trị địa phương vì ở xa nên cũng vơ vét thêm của dân cho bản thân mình. Bởi vậy, thời kỳ Bắc thuộc là thời kỳ được các chuyên gia nhận định là khoảng trắng về nghệ thuật, trong đó có cả trang sức.

4. Thời phong kiến

Sau hơn 1.000 năm Bắc thuộc, với chiến thắng của Ngô Quyền trên sông Bạch Đằng năm 938, lập nên nhà Ngô đã đánh dấu việc người Việt giành được tự chủ và bước vào thời kỳ phong kiến quân chủ - thời kỳ mọi quyền lực nằm trong tay nhà vua. Qua một chặng đường dài của lịch sử với nhiều biến cố, với bao nhiêu đời vua là bấy nhiêu chính sách cai trị khác nhau. Tuy nhiên, điểm chung của thời kỳ này là sự phân hóa giai cấp vô cùng rõ nét giữa giai cấp thống trị và giai cấp bị trị. Giai cấp thống trị gồm vua, quan lại, sau này còn xuất hiện thêm tầng lớp địa chủ giàu có thời phong kiến nửa thuộc địa, còn giai cấp bị trị là dân nghèo, dân lao động. Trong thời kỳ này, tất cả những tinh hoa của nghệ thuật hay bất cứ một lĩnh vực nào phát triển cũng để phục vụ triều đình, vua chúa, quan lại. Trang sức cũng là một trong số đó, các thợ kim hoàn lão luyện đều được triệu tập vào cung để phục vụ triều đình. Trang sức thời phong kiến được sử dụng gồm các chất liệu quý như vàng, bạc, đá quý, ngọc trai... với các sản phẩm cầu kỳ, xa hoa, có thể kể tới mũ miện, trâm cài, vòng cổ, vòng tay, khuyên tai... mang biểu tượng hoàng gia (rồng - phượng), hình chữ thọ và hoa văn vốn cổ, hoa lá thiên nhiên. Bởi thế, các sản phẩm trang sức phục vụ hoàng gia và quan lại đều được chế tác vô cùng tinh xảo, chăm chút kỹ lưỡng tới từng chi tiết nhỏ nhất. Tùy vào phẩm cấp của người sử dụng, sản phẩm trang sức đó có những quy định riêng về biểu tượng như hình rồng chỉ duy nhất trong đồ dùng phục sức của vua, hình phượng dành riêng cho hoàng hậu... cũng như yêu cầu về độ lớn của sản phẩm.

Khuyên tai hai đầu thú, đá - Văn hóa Sa Huỳnh, cách nay khoảng 2.000-2.500 năm - Ảnh: Bảo tàng Lịch sử quốc gia

Trong khi đó, trang sức của dân chúng rất hiếm và chỉ được dùng các chất liệu cấp thấp như đồng và một số ít là bạc, với các cách tạo hình đơn giản. Tới giai đoạn phong kiến nửa thuộc địa từ nửa cuối TK XIX, nằm dưới quyền cai trị thực dân và du nhập bởi văn hóa Pháp, tầng lớp địa chủ giàu có nắm giữ số lượng không nhỏ trang sức chất liệu quý. Trang sức chịu ảnh hưởng từ phong cách phương Tây với những chuỗi vòng ngọc trai và vòng đá được quấn từ 3-5 vòng đeo trên cổ kết hợp với áo dài hoặc váy tạo nên phong cách thời thượng; họa tiết trang trí cũng trở nên cô đọng, hiện đại với những chi tiết chính phụ rõ ràng, thay vì dàn trải trên khắp bề mặt sản phẩm như các thời kỳ trước. Như vậy, trang sức thời kỳ phong kiến được sử dụng nhằm mục đích làm đẹp, tôn vinh địa vị quyền lực và sự giàu có, đồng thời được sử dụng với giá trị truyền từ thế hệ trước tới thế hệ sau.

Các kỹ thuật kim hoàn sử dụng trong chế tác sản phẩm trang sức thời kỳ phong kiến đều được thực hiện thủ công. Trong các kỹ thuật đó, có thể chia thành bốn mặt hàng chính là trơn, đấu, đậu, chạm với đặc trưng riêng biệt của từng mặt hàng.

Với hàng trơn, người thợ kim hoàn thực hiện bằng phương pháp rèn, gò, uốn với những chi tiết cần chắp nối thì cháy mối, không dùng vẩy hàn. Do đặc điểm của quá trình gia công chế tác nên hàng trơn không bị ảnh hưởng bởi tuổi vàng, bạc, nhưng kiểu dáng của hàng trơn cũng vì vậy mà đơn giản, mộc mạc.

Hàng đấu là những sản phẩm được kết nối, chắp ghép nhiều chi tiết với nhau bằng cách hàn vẩy. Đặc điểm của hàng đấu là thể hiện được những họa tiết cầu kỳ, tuy nhiên khi hoàn chỉnh sản phẩm, hàm lượng (tuổi) vàng, bạc sẽ bị ảnh hưởng do có sử dụng vẩy hàn - yếu tố đặc thù khó tránh khỏi.

Hàng đậu là các sản phẩm được chế tác bằng cách kéo vàng bạc đã nung chảy thành sợi chỉ, sau đó tết sợi rồi cán dập và uốn thành đường nét hoa văn. Do phải sử dụng nhiều vẩy hàn hơn, nên ảnh hưởng rất nhiều đến tuổi vàng, bạc của sản phẩm. Thông thường tuổi vàng, bạc của sản phẩm hàng đậu bị giảm xuống từ 5-7% so với tuổi vàng, bạc nguyên liệu ban đầu.

Hàng chạm là những sản phẩm được tạo hình trang trí bằng nghệ thuật chạm khắc tinh xảo. Sản phẩm của hàng chạm trong quá trình thực hiện thao tác chạm phải nhồi xi bên trong, sau đó, dùng búa và các cỡ đầu gõ hỗ trợ để thúc âm bản. Khi hoàn thành công việc chạm hình, người thợ sẽ hút xi ra đối với những sản phẩm đầy đủ độ bền vững, đối với những sản phẩm ít vàng thì để xi lại bên trong để tránh cho sản phẩm không bị biến dạng. Từ những đặc trưng riêng biệt của từng loại hàng, đã góp phần hình thành các làng nghề kim hoàn chuyên biệt trong thời kỳ phong kiến như làng đậu vàng - đậu bạc Định Công (TK VI), làng kim hoàn Châu Khê - Hải Dương (TK XI), làng chạm bạc Đồng Xâm - Thái Bình (TK XV), làng kim hoàn Kế Môn - Phong Điền - Thừa Thiên Huế (TK XVIII). Đến ngày nay, các làng nghề này vẫn còn tiếp tục tồn tại và phát triển.

5. Thời hiện đại

Năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc bản Tuyên ngôn Độc lập tại quảng trường Ba Đình, khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa - tiền thân của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, chính thức chấm dứt thời kỳ phong kiến và phong kiến nửa thuộc địa ở nước ta. Trong giai đoạn 1945-1986, do ảnh hưởng nặng nề của chiến tranh và những hạn chế của cơ chế quan liêu bao cấp nên một số lĩnh vực kinh tế chậm phát triển, trong đó có nghề trang sức. “Năm 1957, Nhà nước ra chính sách quản lý vàng bạc và nghề vàng bạc. Tư nhân không được tự ý sản xuất, lưu hành”. Chính sách “kinh tế tập thể chỉ có ý nghĩa tích cực trong giai đoạn đầu thời bao cấp. Nhờ chính sách này, trong giai đoạn từ năm 1959 đến năm 1964, hầu hết các hợp tác xã mỹ nghệ vàng bạc đều làm ăn phát đạt. Nhà nước cung ứng vật tư, bao tiêu sản phẩm, chịu trách nhiệm khâu xuất nhập khẩu hàng hóa”. “Nhưng từ sau năm 1964, đặc biệt là giai đoạn 1970-1980, khi thị trường vàng bạc Đông Âu bị giảm sút, hàng hóa ế ẩm, tồn đọng nhiều, bản thân Nhà nước cũng không đủ sức giải quyết vấn đề “đầu ra”, nghề kim hoàn lại bắt đầu rơi vào tình trạng trôi nổi, bập bềnh” (4).

Sau đổi mới năm 1986, nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa bắt đầu phát triển, khiến cuộc sống người dân từng bước được nâng cao cả về vật chất và tinh thần, từ đó, mặt hàng trang sức có cơ hội phát triển về số lượng, chất lượng, chất liệu - không chỉ là trang sức quý từ vàng, bạc, đá quý mà còn từ các chất liệu tự nhiên và nhân tạo như gốm, sơn mài, da, mây tre, sừng, vải, nhựa, đá màu công nghiệp... ; đa dạng về mẫu mã và hình thức trang trí, phục vụ cho nhu cầu làm đẹp ở nhiều lứa tuổi, giới tính và địa vị xã hội. Trang sức dành cho nữ giới đa phần nhẹ nhàng, mềm mại, thiên về chi tiết và nét; còn trang sức cho nam mạnh mẽ với mảng miếng lớn, khối chắc khỏe. Đặc biệt thời kỳ này, xuất hiện dòng trang sức phi giới tính (unisex) là sự kết hợp giữa mảng miếng và họa tiết ở kích thước trung bình và mang màu sắc trung tính, phù hợp với cả hai giới. Trong các môi trường sinh hoạt khác nhau cũng sẽ có các thể loại trang sức phục vụ riêng cho mục đích sử dụng với đặc trưng nhất định phù hợp.

Ngày nay, các thể loại trang sức có thể kể tới trang sức thường nhật nhỏ gọn, tinh tế phục vụ cho cuộc sống hằng ngày; trang sức giới trẻ khỏe khoắn, hiện đại, phong cách; trang sức dạ hội sang trọng, cầu kỳ, hoành tráng với mục đích thu hút mọi ánh nhìn; trang sức cưới lãng mạn, với những biểu tượng truyền thống đánh dấu sự viên mãn của tình yêu; trang sức biểu diễn dành cho các ca sĩ, vũ công; trang sức trình diễn đồ sộ, độc đáo mang đậm cá tính, dấu ấn thiết kế riêng của người nghệ sĩ; vương miện lộng lẫy mà không kém phần quyền lực dành riêng cho người đăng quang hoa hậu. Xu hướng đeo trang sức theo bộ cũng xuất hiện trong thời kỳ này.

Bằng việc sử dụng một sản phẩm trang sức làm chính như vòng cổ và một hoặc hai sản phẩm trang sức kèm theo như khuyên tai, vòng tay, nhẫn, ghim cài có cùng màu sắc chất liệu, kiểu dáng, hình thức trang trí sẽ khiến người sử dụng thêm phần thanh lịch, sang trọng, nâng cao sự đồng bộ trong phong cách thời trang của người sử dụng. Đây cũng là thời kỳ các công ty trang sức xuất hiện hàng loạt với các thương hiệu lớn như PNJ, Doji, Bảo Tín Minh Châu, Huy Thanh...; các công ty trang sức có vốn nước ngoài như Việt Nhật, Việt Mỹ...; công ty có 100% vốn nước ngoài như Elite... và ngày càng nhiều các công ty trang sức vừa và nhỏ được thành lập. Đáp ứng nhu cầu nhân sự phục vụ nghề thiết kế và chế tác trang sức, các xưởng dạy chế tác sản phẩm, các lớp học truyền nghề về vẽ 3D trang sức cũng xuất hiện hàng loạt. Đặc biệt từ năm 1979, ngành Thiết kế trang sức được thành lập thuộc Trường Cao đẳng Mỹ thuật Công nghiệp (ngày nay là Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp) giảng dạy chính quy chuyên sâu về thiết kế trang sức với chương trình đào tạo chuyên ngành trên 4 năm. Với các trường đại học giảng dạy về thiết kế sản phẩm trên cả nước, một số trường chọn ngành Thiết kế trang sức là một tín chỉ trong chương trình giảng dạy về thiết kế công nghiệp hoặc thiết kế thời trang. Tất cả những điều đó, góp phần vào sự phát triển mạnh mẽ của ngành kim hoàn Việt Nam thời kỳ hiện đại.

Ý tưởng của trang sức thời kỳ này rất phong phú, từ thiên nhiên, hình học, hoa văn vốn cổ, chữ số, đồ vật, công trình kiến trúc và những phát minh mới của nhân loại. Hình thức trang trí trong các sản phẩm trang sức cũng rất đa dạng, sử dụng bằng các hoa văn, cắt nét, nét tạo mảng, sử dụng màu sắc đá gắn, đá kết, màu sắc tráng men kim loại chuyển màu... Đồng thời, công nghệ sản xuất cũng có những thay đổi, áp dụng máy móc, phần mềm đồ họa trang sức chuyên biệt, công nghệ in 3D bên cạnh việc chế tác thủ công nhằm gia tăng sản lượng và tiết kiệm thời gian cũng như công sức thực hiện. Trang sức thời kỳ hiện nay không chỉ để giữ của, phô trương kinh tế của bản thân, mà mục đích chính là làm đẹp cho cá nhân người sử dụng, đồng thời thể hiện cá tính, tín ngưỡng với các sản phẩm trang sức riêng biệt được sử dụng hình ảnh tôn giáo như đạo Phật, đạo Thiên chúa, nhu cầu về tâm linh với các sản phẩm trang sức sử dụng đá phong thủy theo màu sắc - ý nghĩa bản mệnh với mục đích phù trợ may mắn trong cuộc sống - tình cảm, thể hiện cái tôi riêng của từng người với hàng trang sức sản xuất độc bản. Bên cạnh dòng trang sức thị trường - sản xuất hàng loạt, không chỉ phục vụ nhu cầu trong nước, trang sức bắt đầu được xuất khẩu, tạo công ăn việc làm cho người lao động, tăng thu nhập cho nền kinh tế quốc dân.

6. Kết luận

Có thể thấy, trải qua hàng ngàn năm lịch sử, trang sức có sự phát triển cả về kiểu dáng, vị trí đeo, cách thức trang trí, chất liệu, công nghệ chế tác. Mỗi giai đoạn lịch sử khác nhau, trang sức thể hiện những đặc điểm riêng của đời sống người Việt trong từng thời kỳ, nhưng tựu trung trang sức vẫn là ngôn ngữ không lời thể hiện mong muốn của người sử dụng, có tính kế thừa và phát triển đi lên cùng đời sống đất nước.

_________________

1, 3. Trịnh Sinh - Nguyễn Văn Huyên, Trang sức của người Việt cổ, Nxb Văn hóa dân tộc, 2001, tr.25, 87.

2, 4. Trương Minh Hằng (chủ biên), Tổng tập nghề và làng nghề truyền thống Việt Nam: Nghề chế tác kim loại, tập 2, Nxb Khoa học xã hội, 2012, tr.81, 91.

Tài liệu tham khảo

1. Trịnh Sinh, Trang sức thời Đông Sơn, Nxb Văn hóa thông tin, 2010.

Ths NGUYỄN HƯƠNG LY

Nguồn: Tạp chí VHNT số 530, tháng 4-2023

;